SỰ GÌ THIÊN CHÚA KẾT HỢP

CON NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

CHÚA NHẬT XXVII THƯƠNG NIÊN, năm B

Mc 10, 2-16

 

Gia đình là nền tảng của xã hội.Đối với người Công giáo, gia đình là Giáo hội nhỏ trong đó, đức tin được phát triển và lan tỏa khắp nơi. Gia đình là cái nôi để con cái được sưởi ấm, được giáo dục, được lớn lên trong đức tin. Đạo Công giáo do Chúa Giêsu và bảy Bí tích cũng do Chúa thiết lập nên. Do đó, phép hôn phối là bất di bất dịch đúng như lời Chúa phán :” Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly “…


Thiên Chúa kết hợp người nam và người nữ là giao ước tình yêu. Hiệu quả của giao ước là “ hai người trở nên một “ như câu ca dao, tục ngữ Việt Nam viết :” Mình với ta tuy hai mà một.Ta với mình tuy một mà hai “. Thật là kỳ diệu, thật lạ lùng! Chúa thiết lập Bí tích hôn phối để bảo vệ tình yêu của con người :” Chúa dạy :” Lúc khởi đầu cuộc tạo dựng; Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó, người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ trở nên một huyết nhục.Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly “ ( Mc 10, 6-9 ). Đối với Thiên Chúa, bỏ nhau bất cứ vì lý do gì, hay ly dị là bất trung với hôn ước, bất trung với thánh ý của Thiên Chúa.

 

Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên Ađam, một người nam và sau đó, Ngài lại tạo dựng nên người nữ, đồng thời cho hai ông bà Ađam và Evà chung sống với nhau. Hôn nhân đã trở thành duy nhất và chung thủy. Hai ông bà nguyên tổ sống thật hạnh phúc trong vườn Địa Đàng…Tuy nhiên, khi ông bà phạm tội, lỗi lời Chúa: tội lỗi đã vào trần gian và cái chết đã đến cướp sinh mạng con người. Thực tế, ngay từ đầu cuộc sáng tạo vũ trụ, dựng nên con người, Thiên Chúa luôn muốn con người được hạnh phúc, được sống với nhau trọn nghĩa thủy chung, nhưng rồi, vì tội lỗi, con người đã không giữ nghĩa với Chúa, nên họ cũng không chung thủy với nhau. Do đó, nhiều cặp vợ chồng đã chia tay, nhiều đứa con đã thiếu bóng cha, bóng mẹ. Họ đã sống khác điều Thiên Chúa dạy :” cả hai nên một huyết nhục “. Hãy nhìn lại lịch sử nhân loại, ta sẽ nhận ra ngay từ thời ông Môsê nhiều người đã đòi ly dị. Đến nỗi ông Môsê đã phải thốt lên những lời nặng nề đối với dân Chúa. Vua Đavít, một Vị Vua rất khôn ngoan, giỏi giang, nhưng sức mạnh của ma quỷ, sức quyến rũ của người nữ, đã làm Vua quên đi sự thủy chung với vợ của mình và đồng thời cũng quên đi sự trung thành với Thiên Chúa.Vua đã chiếm đoạt Uria. Vua Hêrôđê Antipas đã ham mê sắc dục, chiếm vợ của anh mình là Hêrôđia…Và cứ thế, nhân loại bất trung với thiên ý của Thiên Chúa trong việc đơn hôn và vĩnh hôn.

 

Sở dĩ, Chúa Giêsu bảo vệ hôn nhân là để gia đình được sống hạnh phúc với nhau và để con cái được cha mẹ giáo dục tốt, tránh việc con cái bị cảnh mồ côi cha hoặc mẹ, và tránh các em lang thang đầu đường xó chợ, lang thang bụi đời vv…Vợ chồng trong lúc nóng giận dễ làm bừa, làm càn, làm ẩu, nên dễ gây ra cảnh đổ vỡ tang thương. Một sự nhịn là chín sự lành. Cơm sôi bớt lửa là như thế. Chính vì thế, khi Chúa Giêsu ôm các trẻ em, Ngài muốn dạy mọi người hãy nhìn vào con cái, chúng vô tội, đơn sơ, trong trắng, đừng làm cho chúng đau khổ. Nếu cha mẹ “ cơm không lành canh không ngọt “, hãy nhìn đến những đứa con mà quên đi thử thách, hận thù, hãy vì con hay vì tình yêu, vì lời Chúa dạy mà tiếp tục quên đi, hàn gắn vết thương mà sống hạnh phúc với nhau. Hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxicô yêu thương các em bé, ôm hôn chúng là hình ảnh tuyệt đẹp chính Chúa Giêsu đã làm khi xưa trong Kinh Thánh thuật lại.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần đến đổi mới các bạn trẻ, các bậc cha mẹ để tất cả biết tôn trọng hôn ước mà chính họ đã làm nên khi củ hành Bí tích hôn phối. Xin Chúa chúc lành cho mọi gia đình để các gia đình luôn biết sống thủy chung với nhau, cùng là thi hành ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Amen.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Bí tích hôn phối do ai thiết lập ?

2.Ai làm nên Bí tích hôn phối ? Linh mục chứng hôn hay đôi hôn phối ?

3.Đơn hôn và vĩnh hôn là gì ?

4.Tại sao con người lại đòi ly dị nhau ?

5.TRở nên một huyết nhục nghĩa là gì ?


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B