TÍNH BẤT KHẢ LY TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN (Mc 10, 2- 18)

1. Tóm Lược

Bài Đọc 1: St 2, 18- 24

Khi Thiên Chúa tạo ra muôn thú, con người vẫn không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. Cho nên, Thiên Chúa đã cho con người thiếp đi để rút một cái xương sườn và làm thành người đàn bà. Con người liền nói: đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi. Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.

Bài Đọc 2: Dt 2, 9- 11

Đức Giêsu phải nếm mùi sự chết để cho mọi người được cứu độ nhờ ơn Thiên Chúa: Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài và muốn đưa con cái đến vinh quang nên đã cho Đức Kitô trải qua đau khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn dẫn đưa con người đến ơn cứu độ.

Bài Tin Mừng: Mc 10, 2- 18

Mấy người Pharisiêu hỏi Đức Giêsu về việc có được phép ly dị không. Ngài đã trả lời: Lúc khởi đầu Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.

2. Suy Niệm

Trong giới biệt phái có hai lập trường khác nhau về vấn đề ly dị: Lập trường dễ dãi thì cho phép ly dị với bất cứ lý do nào; còn trường phái khắt khe chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình. Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại đưa ra lập trường khác với não trạng của các ông: Tuyệt đối không được phép ly dị. Ngài khẳng định: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10, 9). Ngài cho biết sở dĩ Môsê cho phép ly dị là vì lòng chai dạ đá và sự ích kỷ của con người, chứ từ thuở ban đầu không có.

Như vậy, Chúa Giêsu tái lập lại tính bất khả ly của đời sống hôn nhân, vì nó thuộc quyền Thiên Chúa; con người không thể đi ngược lại với quyền mà Thiên Chúa đã thiết đặt. Nói cách khác, Đức Giêsu phủ nhận mọi quyền của con người trong vấn đề ly dị: vợ chồng không có quyền ly dị, người khác không có quyền xúi dục ly dị. Do đó, những tờ giấy ly dị không có một chút giá trị và hiệu lực nào trước mặt Thiên Chúa. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo củng cố ý hướng này: “Chúa Giêsu nhấn mạnh đến ý định nguyên thủy của Đấng Tạo Hóa, Ngài muốn rằng, hôn nhân là bất khả ly. Người bải bỏ những nhân nhượng đã được xen vào trong Luật cũ” (số 2382).

Tuy nhiên, khi nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay, chúng ta cảm thấy đau lòng và đáng báo động về vấn đề ly dị. Có thể nói, con người thời nay coi ly dị là chuyện bình thường. Theo tống kê về Gia đình Việt nam của bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch và quĩ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc, tỷ lệ ly dị ở Việt Nam tăng lên một cách nhanh chóng: độ tuổi 18- 60 chiếm 2,6%, tỷ lệ ở thành thị là 3,3%, ở nông thôn 2,4%. Trên 70% số vụ ly dị thuộc về các cặp vợ chồng ở độ tuổi 22- 30; trong đó, trên 60% số vụ ly dị chỉ sau 1- 5 năm chung sống. Còn theo thống kê của tòa án cho thấy: năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly dị, năm 2005 tăng lên 65.929 vụ và đến năm 2010 con số ly dị đã lên tới 126.325 vụ.

Chắc hẳn trong số các vụ ly dị này không thiếu những người công giáo. Nhiều bạn trẻ coi luật hôn nhân bất khả ly của Công giáo đã lỗi thời; thật đau lòng cho những người con của Giáo hội có cái nhìn này.

Trong muôn vàn nguyên nhân dẫn đến ly dị, xin được nêu ra hai nguyên nhân:

*. Sự Ích Kỷ

Chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ đã sản sinh ra những con người ích kỷ. Họ chỉ biết lo cho mình mà không có một sự hy sinh để vun đắp hạnh phúc gia đình; chỉ biết khẳng định mình với bạn bè và xã hội, nhưng lại quyên lãng bổn phận vợ chồng đối với nhau và của cha mẹ đối với con cái. Cho nên, tình cảm nhạt dần và đường ai người đó đi như một điều tất yếu phải xảy ra. Nhưng đứa con có tội gì mà phải gánh hậu quả nặng nề từ cha mẹ chúng! Sự thoải mái của cha mẹ đã trở thành gánh nặng chất lên vai người con. Tội lỗi do cha mẹ gây ra, nhưng người con phải gánh lấy hoàn toàn hậu quả này.

*. Thiếu Sự Chung Thủy

Khi yêu nhau, người ta chấp nhận tất cả để có được người mình yêu và thề nguyện sống chết với nhau suốt đời. Nhưng với năm tháng “cơm không lành, canh không ngọt”, họ lại tìm cách phá bỏ hôn ước bằng mọi giá. Thái độ này cho biết họ là những kẻ phản trắc và không thật lòng với bạn đời, cũng như không thật lòng với chính lương tâm mình.

Chúng ta đừng nghĩ chuyện ly dị là của người khác, không liên quan gì đến tôi. Những gì có thể xảy ra với người khác, thì cũng có nguy cơ diễn ra nơi cuộc sống chúng ta. Cho nên, để ngăn ngừa bệnh dịch độc hại này, mỗi người chúng ta cần có những thái độ cần thiết sau.

*. Khiêm Tốn

Nếu kiêu hãnh làm rạn nứt đời sống hôn nhân, thì sự khiêm tốn giúp mỗi người sống gắn kết, quan tâm giúp đỡ với nhau. Trong đời sống chung, đừng bao giờ cho mình là “cái rốn” của gia đình, sống theo lối trưởng giả, độc tài, chỉ biết phán và đòi hỏi mà không lưu tâm đến lợi ích người khác. Thái độ này có thể làm cho chúng ta thoải mái, nhưng khó xây dựng hạnh phúc gia đình.

*. Yêu Thương- Quan Tâm Giúp Đỡ Nhau

Nhiều người nghĩ sống với nhau quen rồi, nên tỏ dấu quan tâm ra bên ngoài cảm thấy e ngại. Chúng ta đừng quyên rằng bất cứ người nào cũng muốn được người khác quan tâm. Chúng ta có nhiều cách để quan tâm nhau như: một câu an ủi, lời khích kệ, hỏi thăm cộng việc và sức khỏe, giúp đỡ nhau trong những việc hằng ngày. Những thứ đó là chất liệu kiến tạo gia đình an hòa và hạnh phúc.

* Cầu Nguyện

Trước muôn vàn cám dỗ của thời đại, nhiều lúc chúng ta cảm thấy bất lực trong việc bảo vệ và xây dựng tổ ấm gia đình, nên cần chạy đến với Chúa để xin Ngài trợ giúp và ban những ơn cần thiết trong đời sống chung. Có thể nói, cầu nguyện là yếu tố cần thiết để Thiên Chúa kiện toàn những gì con giới hạn, thiếu sót trong hôn nhân hầu cuộc sống gia đình luôn rộn tiếng cười, an bình và hạnh phúc.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa ban cho những ai đang sống trong bậc gia đình được trọn đời chung thủy với nhau, để có thể làm chứng cho thế giới biết rằng ý nghĩa cuộc sống không thể tìm thấy ở sự ích kỷ, hưởng thụ mà hệ tại sự hy sinh và trao ban. Đồng đời, qua đời sống hạnh phúc gia đình, chúng ta đang hiện tại hóa tình yêu Thiên Chúa dành cho Giáo hội, thế giới và chính mỗi người chúng ta.

          Montfort Nguyễn Xuân Pháp O.cist


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B