NHỮNG RÀO CẢN TỪ ĐỒNG TIỀN
(Mc 10, 17- 30)
1. Tóm Lược
Bài Đọc 1: Kn
7, 7- 11
Tôi
nguyện xin, Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết và thần khí Đức Khôn Ngoan
đã đến với tôi. Tôi quí trọng Khôn Ngoan hơn cả ngai vàng, trân châu bảo ngọc,
vàng bạc, sắc đẹp. Tôi quí chuộng Khôn Ngoan hơn cả ánh sang, vì vẻ rực rở của
Đức Khôn Ngoan không bao giờ tàn lụi. Cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành
đã đến với tôi.
Bài Đọc 2: Dt
4, 12- 13
Anh
em hãy đề phòng, đừng để lòng dạ ra xấu xa chối bỏ đức tin mà xa lìa Thiên
Chúa. Trái lại, anh em hãy khuyên bảo nhau kẻo ra cứng lòng vì bị tội lỗi lừa gạt.
Bài Tin Mừng: Mc
10, 17- 30
Người
thanh niên hỏi Đức Giêsu phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Trong khi đó, những điều luật như: chớ giết người, chớ ngoại tình, trộm cắp,
anh đã tuân giữ từ nhỏ. Đức Giêsu nhìn anh với sự trìu mến và nói: hãy đi bán
những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy
đến theo tôi. Anh ta buồn sầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
Đức
Giêsu nói với các môn đệ: người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao. Thấy
các ông ngạc nhiên và thắc mắc: ai có thể được cứu? Đức Giêsu trả lời: Đối với
con người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể. Sau
đó Người nói lên phần thưởng cho những ai từ bỏ mọi sự mà theo Ngài: nhận được
gấp trăm ở đời này và sự sống đời đời làm gia nghiệp.
2. Suy Niệm
Trong
cuốn sách “Cơ Hội Của Chúa”, Nguyễn
Viết Hà đã nói: “Muốn biết rõ về ai nên
nhúng người ấy vào dung dịch tiền. Cái thứ dung dịch siêu thặng này làm trôi đi
tất cả những gì màu mè bên ngoài”. Câu nói này có thể đụng chạm tới ai đó,
nhưng cũng phần nào diễn tả được sức mạnh của đồng tiền. Nó có thể là đầy tớ tốt
giúp chúng ta đạt được những ước nguyện lành thánh; nhưng cũng có nguy cơ trở
thành ông chủ độc tài, thành ma lực cuốn hút con người vào vòng xoáy của áp bức,
bốc lột, mánh khóe và gian dối.
Chàng
thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay đã tuân giữ từ nhỏ những gì luật dạy,
nhưng tâm hồn vẫn cảm thấy bất an. Có thể, dưới con mắt của người khác, anh trở
nên thần tượng vì sống giữa giàu sang mà vẫn tuân giữ các giới luật cách nghiêm
nhặt. Vậy mà tâm hồn anh vẫn chưa tìm được sự bình an khi xây dựng trên những
điều luật và được bao bọc bởi của cải. Cho nên, anh ta đã hỏi Đức Giêsu phải
làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Đức Giêsu đã khai mở cho anh một
hướng đi: “Hãy đi bán những gì anh có cho
người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc
10, 21 ).
Anh thanh
niên không làm gì gian ác, không bốc lột ai và cũng không sử dụng của cải để ăn
chơi. Nhưng con đường theo Chúa của anh lại bất thành, vì bị của cải xây nên hàng
rào ngăn cách anh đến với Chúa và mở ra với tha nhân. Cuộc đời anh đã bất an,
giờ lại thêm nỗi buồn vì sự dang dở của anh trên con đường trọn lành. Từ thâm
tâm, anh muốn trút bỏ tất cả để bước theo Chúa, bởi cảm nhận được sự chống tàn
mau qua nơi tiền của. Thế nhưng, sức nặng của tiền tài đã dìm anh trong sự an
phận với những gì đang có: tiền tài đã đóng khung khiến anh thiếu khả năng xoay
vần cuộc sống.
Như
thế, khi đối diện với Chúa Giêsu, con người thật của anh đã bị lộ diện: sự giàu
sang, trung thành tuân giữ luật đã không trở thang giá trị giúp anh đạt tới sự
trọn lành. Nó chỉ là bức bình phong che đậy một tâm hồn bất an. Cho nên, anh tiếp
tục chọn tiền tài hơn là từ bỏ tất cả để chọn Chúa làm gia nghiệp.
Chắc
hẳn, hình ảnh người thanh niên giàu có trong bài Tin Mừng hôm nay cũng phần nào
phản ánh cuộc sống và sự chọn lựa của mỗi người chúng ta. Trong thực hành đức
tin: tuân giữ lề luật, ăn chay hãm mình, siêng năng tới nhà thờ; những hình thức
này là điều cần thiết, nhưng chưa phải là tất cả. Điều Chúa muốn không chỉ là
tuân giữ các điều luật, mà còn sẵn sàng buông bỏ tất cả để theo Chúa và hướng tới
phục vụ anh chị em, nhất là những ai đang gặp cảnh khốn cùng.
Chúng
ta không thể nói: tôi có gì để bán, để cho khi bản thân cũng đang gặp cảnh “khố
rách áo ôm”. Chúng ta có muôn vàn thứ để bán và có ngàn cách để cho. Của cải ở
đây là tiền tài, danh vọng, nhưng cũng có thể là cái tôi ích kỷ, sự oán hờn,
báo thù; những thứ này luôn là cho ta cảm thấy bất an, cho dù siêng năng thực
hành các điều luật mà Giáo hội buộc. Chúng ta cần buông bỏ những thứ đó, cho dầu
nó làm cho chúng ta nhói đau và luyến tiếc, nhưng lại là điều cần thiết để
Thiên Chúa rót vào cung lòng mình sự êm dịu của tình yêu và niềm vui trao ban. Nó
là một thứ “ruột thừa”, cắt đi mới mang lại cho cuộc sống sự an lành trong hành
trình theo Chúa. Đàng khác, người nghèo ở đây là người thiếu cơm ăn áo mặc, những
kẻ thấp cổ bé miệng, những người bị gạt ra bên lề xã hội, những người yếu đức
tin. Do đó, sự chia sẻ của chúng ta có thể là giúp đỡ vật chất, một lời an ủi
khích lệ hay một cử chỉ yêu thương, một sự gần gũi đầy cảm thông.
Dĩ
nhiên, điều chúng ta cần ưu tiên là chuyển tải cho người khác Tin Mừng của Chúa
Giêsu ngay trong hoàn cảnh và bậc sống của mình. Trong lần nói chuyện tại
Assisi ngày 14/10/2013, đức thánh cha Phanxicô đã nói: “Cha không có vàng bạc để tặng các con, nhưng cha có một điều giá trị
hơn nhiều là Tin Mừng của Chúa Giêsu. Với Tin Mừng trong quả tim và trong tay
mình, hãy làm chứng cho đức tin bằng cuộc sống của các con: hãy mang Đức Kitô
vào trong nhà các con, hãy rao giảng Người cho bạn bè của các con, hãy chào đón
và phục vụ người nghèo”.
Chúng
ta cùng cầu xin Chúa ban cho mỗi người sự quảng đại và ơn can đảm để dứt bỏ những
vướng bận, hầu hành trình theo Chúa của mỗi người luôn chất chứa niềm vui và sự
bình an.
Montfort Nguyễn Xuân Pháp
O.cist