CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN
Sức mạnh của tình yêu phục vụ
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô 10:42-45)
Để hiểu những lời giáo huấn của Chúa
Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy nhìn lại những gì xảy ra trước
đó. Đây là lần thứ ba Chúa Giê-su báo
trước cuộc Thương khó. Sau lần tiên báo
này lại có chuyện xảy ra giữa các môn đệ!
Hai anh em ông Gia-cô-bê và Gio-an đến xin Chúa dành cho mình địa vị cao
trọng khi nào Người được vinh quang. Thái
độ tham quyền cố vị của họ đã làm cho các môn đệ khác tức tối. Chính trong bối cảnh này, Chúa Giê-su đã giảng
giải cho họ hiểu thế nào là “làm lớn” đối với những ai muốn làm môn đệ Người.
Các môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su,
tuy đã “bỏ mọi sự” mà đi theo Chúa, nhưng mỗi người vẫn ôm ấp một hoài bão. Ai cũng nhìn vào những thành công và danh tiếng
của Chúa Giê-su để làm nền tảng cho hy vọng tương lai của mình. Đôi khi họ biểu lộ hoài bão ấy qua những
tranh luận xem ai sẽ là người lớn nhất trong nhóm. Hôm nay, hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an đã mạnh
dạn đến xin thẳng với Chúa cho họ được ngồi bên tả và bên hữu Người khi Người
được vinh quang. Đối với họ, càng tới gần
Giê-ru-sa-lem là càng tới gần ngày Chúa Giê-su trở thành vua Ít-ra-en, bất kể lời
Người báo trước sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết tại đấy. Cho nên họ phải nhanh chân trước những anh em
khác! Họ đã để cho tham vọng che lấp tâm
trí, đến nỗi không muốn chấp nhận một sự thật phũ phàng sẽ xảy đến cho Chúa.
Trong kế hoạch cứu độ, Chúa Giê-su đã
có ý tuyển chọn Nhóm Mười Hai trong số môn đệ để làm những người lãnh đạo Giáo
Hội tương lai. Có thể những người này
cũng lờ mờ hiểu được rằng chắc chắn họ sẽ nắm giữ những vai trò nào đó khi thời
cơ đã tới. Còn nặng tinh thần thế tục, họ
đang nghĩ tới uy quyền Chúa sẽ ban cho mình và họ phải sử dụng uy và quyền sao
cho mình được người đời kính nể. Đọc được
tâm trí họ, Chúa Giê-su nhân cơ hội này muốn dạy họ một bài học cốt yếu cho những
người lãnh đạo tương lai của Nước Thiên Chúa:
Con Người đến không phải để được người
.ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Tuy cuộc Thương khó của Chúa chưa đến, nhưng
họ cần phải nhìn vào gương mẫu của Thầy để học sử dụng uy quyền của Thiên
Chúa. Người sử dụng uy quyền này không dựa
trên thế lực để “thống trị” hoặc “cai quản” người khác. Nếu như Thiên Chúa lấy uy quyền của Người để
thống trị và cai quản thì chẳng ai sống nổi, giống như dân Ít-ra-en không được
kéo nhau lên núi để xem Đức Chúa, kẻo nhiều người phải chết (Xuất Hành
19:16-25)! Nhưng uy quyền này là uy quyền
của tình yêu vô điều kiện, được biểu lộ qua Chúa Giê-su, Đấng được sai đến để
phục vụ nhân loại và để “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Vậy nếu các môn đệ được trao nhiệm vụ tiếp nối
sứ mạng cứu độ nhân loại, thì họ cũng phải chọn con đường phục vụ, một phương
thức duy nhất để hành xử uy quyền của tình yêu Thiên Chúa vậy.
Đã từ lâu rồi người ta không còn sử dụng
hoặc nhắc tới một danh hiệu khá độc đáo để gọi vị giáo hoàng của Giáo Hội Công
giáo nữa. Đó là danh hiệu “Đầy tớ của
các đầy tớ”. Lại nữa, trong lễ đăng
quang của vị tân giáo hoàng, một vị hồng y đi trước kiệu giáo hoàng, đốt lên một
nắm bông gòn và nhắc nhở ngài rằng: Xin
ngài hãy nhớ, vinh quang trần gian chóng qua giống như nắm bông gòn này đây! Những chi tiết ấy nhắm mục đích nhắc nhở người
lãnh đạo Giáo Hội hãy nhớ lời Chúa Giê-su dạy:
Con Người đến là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúng ta ai mà chẳng muốn mình có chút
uy quyền và hành xử uy quyền ấy. Uy quyền
không xấu, nhưng cách sử dụng uy quyền mới quan trọng. Tình yêu là động lực để Thiên Chúa tỏ uy quyền
Người với chúng ta. Chính Chúa Giê-su đã
dùng sức mạnh uy quyền của tình yêu Thiên Chúa để chiến thắng bệnh tật, tội lỗi,
ma quỷ, và cuối cùng là sự chết, để phục hồi căn tính con cái Thiên Chúa cho
chúng ta. Các vị thánh và biết bao người
đã và đang đi theo con đường phục vụ để biểu dương sức mạnh của tình yêu Thiên
Chúa. Phục vụ là chìa khóa mở được mọi
cánh cửa gia đình, Giáo Hội, xã hội, nhất là cánh cửa tâm hồn!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi