ĐỨC GIÊSU CHỮA LÀNH NGƯỜI MÙ Ở
GIÊRIKHÔ
(Máccô 10,46-52 – CN XXX TN
- B)
1.-
Ngữ cảnh
Mc 8,22-26 kể truyện một người mù được dẫn đến gặp Đức Giêsu,
được Người chữa lành tiệm tiến, và được yêu cầu giữ kín việc này; trong
10,45-52, Báctimê tự mình tích cực tìm Đức Giêsu, được chữa lành ngay và trở
thành môn đệ trên đường. Truyện thứ hai này, cùng với câu truyện thứ nhất, đóng
khung một đơn vị văn chương, nhưng cũng cho thấy một sự tiến bộ trong đức tin.
Truyện này có thể được coi như một truyện về chữa lành hoặc một truyện về ơn
gọi. Truyện này còn là một lời khuyến khích các môn đệ đang đi theo Đức Giêsu
mà không hiểu gì hết, lòng trĩu nặng kinh hoàng.
Hai đoạn 8,22-26 và 10,45-52 là những bài
tường thuật có vai trò chuyển mạch. Hai đoạn này đưa độc giả đến một lời tuyên
xưng công khai vào tư cách Mêsia của Đức Giêsu: đức tin vào tư cách Mêsia giả
thiết có biến cố Khổ Nạn. Trong viễn tượng đối thần này, việc Đức Giêsu mở mắt
có giá trị một dấu chỉ.
Đọc trong ngữ cảnh của
tác phẩm Mc, sứ vụ chữa lành của Đức
Giêsu bắt đầu bằng một cuộc trừ quỷ trong hội đường Caphácnaum (Mc 1,21-28) và chấm dứt với việc chữa
lành anh mù Batimê tại Giêrikhô, trên đường lên Giêrusalem (10,46-52), nơi Đức
Giêsu sẽ bày tỏ chân tính của Người. Chúng ta có tất cả 13 cuộc gặp gỡ của Đức
Giêsu với những người đau khổ, mà ta có thể coi như là 13 chặng của hành trình:
11 chặng đi trước việc Phêrô tuyên xưng đức tin (8,29), kèm theo lời loan báo
đầu tiên về Thương Khó (8,31-32) nhằm khai mạc hành trình lên Giêrusalem. Cuộc
trừ quỷ cho đứa bé bị động kinh (9,14-29) và cuộc gặp gỡ Batimê (10,46-52) đánh
dấu kết thúc sứ vụ chữa lành. Ngược lại với Mt
và Lc, Mc không đặt một phép lạ nào ở Giêrusalem, nơi hết sức thù nghịch
với Đức Giêsu.
2.-
Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Hoàn cảnh: nơi chốn và các nhân vật
(10,46);
2) Phản ứng của anh mù khi nghe biết Đức
Giêsu đang đi qua (10,47-50);
3) Đỉnh cao của bài: anh mù được chữa lành và
trở thành môn đệ (10,51-52).
3.-
Vài điểm chú giải
- con đường (hê hodos) (46):
Chúng ta đang ở trong phân đoạn trọng tâm Trên đường (x. Bố cục). Mc 10,32 ghi: “Đức Giêsu và các môn đệ
đang trên đường lên Giêrusalem. Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn
những kẻ theo sau cũng sợ hãi”. Đề tài này với tất cả những gì liên hệ đến “con
đường” (tiến bước, dừng chân…) càng nổi bật trong 10,46-52: họ (các môn đệ, đám
đông và Đức Giêsu) đến Giêrikhô. Nhưng rồi Giêrikhô cũng chỉ là một
chặng trên “con đường” (“Khi Đức Giêsu … ra khỏi Giêrikhô”).
- môn đệ: Xem ghi
chú ở 2,18. Các môn đệ (mathêtai) đi theo Đức Giêsu được phân biệt với
đám đông tổng quát hơn (8,34; 9,14). Khi ghi nhận những lần tác giả sử dụng từ
“đám đông” (ochlos), chúng ta có thể khẳng định rằng, cũng như các tác
giả Tin Mừng khác, Mc ghi nhận
sự hiện diện thường xuyên của đám đông. Trong một vài đoạn, ngài còn ghi
là đám đông đi theo Người (3,20; 5,24; 8,2; x. plêthos ở 3,7 và polloi
ở 2,15). Tuy nhiên, trong phân đoạn 8,27–10,52, hiếm khi Đức Giêsu ngỏ lời với
đám đông. Trước 10,46, đám đông xuất hiện ở 9,14 và 10,1 (lần duy nhất ochloi
ở số nhiều). Trong chuyến đi về Giêrusalem, Đức Giêsu săn sóc đặc biệt các môn
đệ. Thông thường, khi cứu xét ngữ cảnh, ta có thể giả thiết là các đám đông là
những người phát xuất từ vùng Đức Giêsu đi ngang qua (10,1). Trong trường hợp 10,46, vì đã gần lễ Vượt
Qua, ta có thể nghĩ đến những người hành hương đang cùng đi với nhau tiến về
thành thánh. Dù sao, Mc đã không quan tâm ghi chú lý do vì sao đám đông
ra khỏi Giêrikhô với Đức Giêsu và các môn đệ Người.
- Báctimê: Báctimê là phiên âm cụm từ Aram bar
timay, có nghĩa là “con ông Timê”.
- một người hành khất mù, đang ngồi ở vệ đường: So với hành động của anh mù được kể ở c. 52 (“đi theo”),
câu này cho thấy vị trí đầu tiên của Báctimê hoàn toàn ngược lại: “đang ngồi ở
vệ đường” (para tên hodon). Đây là một tư thế cố định được coi như vĩnh
viễn (thì vị-hoàn của động từ ekathêto). Đã thế, anh lại là người hành
khất (prosaitês) và bị mù. Tư cách hành khất diễn tả sự cố định, còn sự mù loà diễn tả sự xa cách. “Bên vệ đường” có
nghĩa là “ở bên ngoài đường”. Như vậy, Báctimê ở trong thế bị loại trừ, cố định, xa cách người
khác.
- Vừa nghe nói là Đức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên (47): Đám đông can thiệp nhiều lần. Lần đầu tiên,
họ cho biết đó là “Đức Giêsu Nadarét” (c. 47). Báctimê nhận thông tin này bằng
thính giác (“đã nghe”): vì mù loà nên xa cách. Nhưng có sự gần gũi: Giêsu người
Nadarét là một con người; và hình như anh cũng đã được thông tin về Người rồi.
Tuy nhiên, sự gần gũi này cũng chưa giúp gì cho anh. Anh kêu lên (vì xa cách):
“Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!”. Đáng ngạc nhiên là đám đông chỉ
giới thiệu Đức Giêsu như một con người (“người Nadarét”), mà anh này lại
kêu cầu Người bằng một danh hiệu của Đấng Mêsia (“con vua Đavít”). Dù sao, truyền thống Do Thái chờ đợi Đấng Mêsia
nhà Đavít đến giải phóng dân Israel và can thiệp để cứu độ, chứ không chờ Người
chữa bệnh. Do đó, nhiều nhà chú giải cho rằng Mc đã đặt vào miệng anh mù
một lời cầu khẩn của Kitô giáo. Đức Giêsu còn ở xa anh, vừa về không gian vừa
do tư cách, nên anh phải kêu để mong gặp Người. Lời kêu này đã giúp anh vượt
qua khoảng cách đó để gặp được Đức Giêsu.
- nhiều người quát nạt… anh càng kêu lớn (48): Bây
giờ, đám đông đã trở thành một trở ngại thật đáng kể; nhiều người muốn bắt anh
im đi. Trong các Tin Mừng, sáng kiến
đi đến với Đức Giêsu không bao giờ phát xuất từ dân chúng hay các môn đệ. Ở
đây, chính sự ngăn cản của họ trở thành một thử thách cho đức tin của
anh, nhưng anh càng kêu to hơn. Danh Giêsu đã biến mất khỏi công thức khẩn cầu,
chỉ còn lại danh hiệu “con vua Đavít”.
- Đức Giêsu đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” (49):
Người cắt ngang cuộc tiến bước. Khi làm như thế, Người tách khỏi những kẻ đang
ở với Người trên cùng một con đường, Người phá vỡ một sức năng động mà Người đã
phát động và lôi kéo. Lời Người nói chứng tỏ giữa Người và anh mù, có một
khoảng cách, và đám đông đang ở tại vị trí này. Hành vi cắt ngang chuyến đi của
Đức Giêsu tạo ra một hậu quả bất ngờ: người mù vất áo choàng, đứng phắt dậy mà
đến gần Đức Giêsu, y như thể anh không bị mù.
- anh mù: Đáng lưu ý là Báctimê được gọi là “anh mù”
(ho typhlos :cc. 49 và 51) sau khi Đức Giêsu can thiệp. Nếu tác giả Mc
chỉ gọi anh là “anh mù”, phải chăng ngài muốn nói rằng anh không “hành khất”
nữa?
- vất áo choàng: Tấm áo choàng (himation: “áo”;
“áo choàng”) có thể là y phục nói chung (2,21; 5,28-30; 9,3; 15,20.24), nhưng ở
đây có thể là tấm vải dùng như áo choàng (5,27; 6,56; 11,7.8; 3,16) mà một người
nghèo có thể dùng làm mền đắp (Xh
22,25-26; Đnl 24,13), còn anh mù có
thể trải ra trước mặt mà nhận các món bố thí (những người hành khất Đông phương
thường làm như thế). Hành vi “vất (apobalôn) áo” có thể là cách diễn tả
một sự hứng khởi tột độ; nhưng dựa theo ý nghĩa của động từ ấy, có thể nói hầu
chắc là anh mù làm một hành vi từ bỏ dứt khoát. Ý nghĩa chính của động từ này
là “vất đi, quẳng ra sau (với sức mạnh)” và “bỏ lại bằng cách quăng ra” (Đnl 26,5 LXX) hoặc “đánh mất” (Is 1,30 LXX; Dt 10,35). Anh mù đã làm một động tác dứt khoát, nhằm bỏ cái
áo đi. Hành vi này chứng tỏ một sự liều lĩnh của anh mù, nhưng cũng cho
thấy anh hết sức tin tưởng vào sự trợ giúp của Đức Giêsu và không muốn để cho
ngay cả một vật cần thiết cho cuộc sống gây cản trở cho mình. Cũng có
thể coi động tác ấy có ý nghĩa biểu tượng là từ bỏ chính mình (8,34-35), cắt
đứt với quá khứ (1,18.20; 10,28).
- đứng phắt dậy (50): Động
từ anapêdaô là một hapax legomenon (từ dùng một lần) trong
Tân Ước, và ngày cả trong LXX cũng không được dùng thường xuyên
(7 lần). Từ này mô tả động tác “nhảy lên” theo cách cương quyết và bất ngờ (Tb 6,2) thường từ thế ngồi (1 Sm 20,34; Tb 2,4; 7,6; Et 5,1e) và
vì sự phấn khích (Et 5,1e: “lo âu lao
mình xuống”, agôniasas anepêdêsen). Trong những đoạn khác, Mc
diễn tả hành vi “trỗi dậy” bằng động từ egeirô quen thuộc hơn (2,12;
4,27; 13,8.22; 14,27). Theo lời mời egeire (“Hãy đứng dậy!”) của Đức
Giêsu ở 2,11 và 5,41, phản ứng đáp lại được mô tả cũng bằng động từ egeirô hoặc
anistêmi (5,42; 9,27). Nếu chúng ta nhớ sự tương ứng của egeirô-anistêmi
ở 5,41-42 và nhớ rằng ở 2,14, anastas mô tả sự đoạn tuyệt với cuộc
sống đã qua nhằm đi theo Đức Giêsu, ta có thể giả thiết là, trong một ngữ cảnh
nói về việc kêu gọi, động từ anapêdaô diễn tả mạnh mẽ hơn một sự
sẵn sàng đáp lại lời mời gọi.
- đến: Động từ này mở đầu bài tường thuật dành cho
đám đông (c. 46: “Đức Giêsu và các môn đệ đến”), nay được dành riêng cho anh: êlthen,
ở thì quá khứ aorist, diễn tả một hành vi duy nhất, quyết liệt.
- Anh muốn tôi làm gì cho anh? (51): Đức Giêsu lưu tâm đến cá nhân anh mù. Người đã cho
gọi anh đến như cho vào một cuộc tiếp kiến; bây giờ Người hỏi về điều
anh muốn khiến ta nhớ lại 10,36: Đức Giêsu xử sự như Đấng có vương quyền.
- Thưa Thầy: Trong
bản văn Hy Lạp, ta đọc là Rabbouni; đây là từ Aram đã không được dịch ra
hy-ngữ, tăng cường từ Rabbi (“đức ông”, “ngài”).
- Anh hãy đi: Đức
Giêsu đã ban cho anh được thấy, như là một dấu chỉ của đức tin (“Lòng tin của
anh đã cứu anh”).
- anh
đi theo Người trên con đường (52): Động từ êkolouthei
ở thì vị-hoàn hàm ý một sự tiếp diễn: tiếp diễn trong chuyển động. Bởi vì đây là việc bước đi “trên đường”,
nhưng cũng là trong sự gần gũi, bởi
vì người ta bước theo sau một ai đó. Ý tưởng cốt lõi ở đây là sự hiện
diện vĩnh viễn “trên đường”. Anh trở thành môn đệ (“bước theo”).
4.- Ý
nghĩa của bản văn
* Hoàn cảnh: nơi chốn và các nhân vật (46)
Trong chuyến đi lên Giêrusalem, Đức Giêsu và
nhóm các môn đệ đến Giêrikhô, thành phố cây chà là, cách Giêrusalem 23 cs về
phía đông bắc, nằm ở 250m dưới măt biển, tại một ốc đảo trong vùng trũng
bên sông Giođan. Giêrikhô Tân Ước ở về phía tây nam của “Giêrikhô của
vua Hêrôđê”, nơi vị vua này đã xây một hoàng cung rộng lớn. Khác với TM Lc
(18,35–19,10), ở đây Đức Giêsu và đoàn người đã không dừng lại Giêrikhô; cả
đoàn đang đi ra khỏi thành thì gặp anh hành khất mù Báctimê. Vị trí của hai bên
là hai vị trí không thể gặp nhau: Đức Giêsu và các môn đệ cùng đám đông thì
đang di chuyển trên đường; anh
mù thì đang ngồi ở vệ đường.
* Phản ứng của anh mù khi nghe biết Đức Giêsu đang đi qua
(47-50)
Đáng ngạc nhiên là đức tin của anh mù “ngồi ở
vệ đường”, tức lâu nay không “đi theo” Đức Giêsu, lại có phần sâu sắc (“Con vua
Đavít”) hơn đức tin của đám đông dân chúng (“Giêsu người Nadarét”). Anh cứ kêu
to hướng về Đức Giêsu, bởi vì anh muốn gặp Đức Giêsu mà anh lại không biết
hướng. Đã thế đám đông lại trở thành trở ngại cho đức tin của anh: họ quát nạt
bắt anh im đi. Nhưng anh càng kêu to hơn. Và Đức Giêsu đã dừng lại, truyền gọi
anh lại. Đám đông thấy Đức Giêsu chiếu cố đến anh, liền “đổi giọng”. Đến đây
xảy ra sự cắt đứt cuộc hành
trình, Đức Giêsu đứng lại (c. 49): chính thái độ này đã làm thay đổi thái độ
của đám đông và đưa lại cho anh mù sự di
động và sự gần gũi. Lối
xử sự của Đức Giêsu (đứng lại, truyền) đã làm cho hai bên có sự gặp nhau: anh
ta có hướng đi tới. Sự việc anh vất áo choàng có nghĩa là đã chấm dứt sự cố định, để đạt sự di động. Hành vi “đến” (c. 50) đưa
anh mù di chuyển mà gặp Đức Giêsu, và đưa anh vào “con đường” Người đang đi.
“Đức Giêsu” và “con đường” là một; nói cách khác, sự gần gũi và di động phối
hợp với nhau: con đường đã mở ra cho anh mù.
* Đỉnh cao của bài tường thuật: anh mù được chữa lành và
trở thành môn đệ (51-52).
Cái nhìn cho phép gần gũi dù ở xa, và bảo đảm
cho có sự an toàn trong khi di động. Từ đó, ta mới hiểu tình trạng mù loà thật
sự là tình trạng của đám đông và các môn đệ, một đám đông đang đi đường với Đức
Giêsu: họ ở gần mà thật ra họ ở xa, vì họ chỉ có thể thấy đây là “Giêsu
Nadarét”. Nay đã được “thấy” bằng lòng tin, Báctimê phải di động, phải theo Đức
Giêsu trên đường. Công thức này thường được Mc (và Mt) sử dụng
trong khung cảnh một sứ vụ do Đức Giêsu giao phó cho người môn đệ (Mc 1,44; 5,19; 10,21; 14,13).
+ Kết luận
“Sự mù lòa” tượng trưng sự xa cách dù gần
gũi; “sự thấy được” tượng trưng sự gần gũi dù xa cách. Toàn bài xoay quanh
những khái niệm này.
Trong bài nổi lên một số nghịch lý: người mù
lại là người thấy rõ hơn mầu nhiệm của Đức Giêsu, người ngồi bên vệ đường lại
có thể đến gần Đức Giêsu hơn những kẻ đi theo Người lâu nay. Tất cả là do đức
tin của người ấy và sự chiếu cố của Đức Giêsu.
Sự gần gũi (bằng lòng tin) phải kéo dài; muốn
thế phải di động (“anh đi theo Người trên con đường Người đi”, ở thì vị hoàn).
Đức Giêsu đã cắt đứt hành trình để kéo anh đi theo; anh cũng phải cắt đứt tình
trạng bế tắc để đi theo Người. Đấy chính là kinh nghiệm về đời tín hữu.
5.-
Gợi ý suy niệm
1. Chúng ta có thể suy nghĩ về thái độ của đám đông đi theo
Đức Giêsu (trong đó có các môn đệ). Họ đã “đi theo” Người lâu nay, mà họ chỉ có
thể giới thiệu về Người rất sơ sài: “Giêsu người Nadarét”. Vì thiếu lòng tin,
họ đã không thể giới thiệu sâu sắc hơn về Người. Điều đó đã được tác giả Mc
diễn tả bằng một câu thê lương: “Đức Giêsu dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng,
còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi” (10,32).
2. Con đường đi đến với Đức Kitô luôn luôn bắt đầu với một
cảm giác bất ổn, bất an; cảm giác này buộc ta là người đang ở trong bóng tối
phải nhìn về hướng mà ta phải đi theo, để suy nghĩ về vị trí hiện tại. Gặp gỡ
những người đã từng biết Đức Giêsu là bước đầu tiên đi tới ánh sáng, nhưng
trước khi đến được với Đức Giêsu, cần phải thắng vượt một số khó khăn.
3. Trong đời sống đức tin, đôi khi phải dám “đi ngược
dòng”. Như anh mù, dù bị người ta quát nạt bắt im, anh vẫn cứ kêu lên Đức
Giêsu, vì anh xác tín chỉ Người mới có thể mở cho đời anh một hướng đi
mới. Chúng ta cũng được mời gọi gắn bó mật thiết với Người, vì chỉ Người mới là
Đấng duy nhất dẫn chúng ta đi đúng đường.
4. Cần phải được Đức Giêsu mở mắt tâm hồn để hiểu bản thân
và sứ mạng của Người, cũng như để có thể sẵn sàng bước theo Người, làm môn đệ
Người. Đã nghe tiếng Đức Giêsu kêu gọi trong cuộc sống, cần mau mắn dứt khoát
bỏ đi mọi sự, như bốn môn đệ đầu tiên đã tức khắc bỏ tất cả để đi theo Người.
Từ đây cuộc sống của người Kitô hữu sẽ là một sự hiệp thông thân tình
với Người.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm