XIN CHO CON ĐƯỢC NHÌN THẤY
(Mc
10, 46- 52)
1. Tóm Lược
Bài Đọc Một: Gr
31, 7- 9
Reo
vui mừng lên hỡi Giacop, vì Đức Chúa đã cứu Dân Người, số còn sót lại của
Israel. Trong đó có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người có cữ: tất cả cùng
nhau trở về. Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng tới dòng nước và qua con đường thẳng
băng; vì đối với Israel, ta là một người Cha.
Bài Đọc Hai: Dt
5, 1- 6
Vị
Thượng Tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm và được đặt lên làm đại
diện cho loài người, trong mối tương quan với Thiên Chúa. Vị ấy có khả năng cảm
thông với kẻ ngu muội, lầm lạc. Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng là
được Thiên Chúa gọi. Cũng vậy, Đức Kitô không tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng
là Đấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con. Nơi
khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê.
Bài Đọc Tin Mừng: Mc
10, 46- 52
Đức
Giêsu và các môn đệ đến thành Giêricô. Có một người hành khất mù, đang ngồi ở vệ
đường. nghe nói là Đức Giêsu, anh ta bắt đầu kêu lên: “Lạy Đức Giêsu, con vua
Đavít, xin dủ lòng thương tôi”. Đức Giê su đứng lại và nói: gọi anh ta lại đây.
Người ta nói với anh mù: cứ yên tâm, Thầy gọi anh đấy. Anh mù liền vất áo
choàng, đứng dậy mà tiến lại gần Đức Giêsu. Người hỏi: Anh muốn tôi làm gì cho
anh? Anh mù đáp: Thưa Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được. Tức khắc anh ta nhìn thấy
được và đi theo Ngài trên con đường Ngài đã đi.
2. Suy Niệm
Một
buổi tối đi dạo trên bờ canh Nhiêu Lộc, có một người trung niên chống gậy đến
bên tôi xin tiền. Nhìn thấy nỗi khổ cực hằn trên con người anh, tôi đã chia sẻ
cho anh một chút. Sau những câu thăm hỏi, tôi được biết anh ta là một người mù
từ bẩm sinh. Sau khi bố mẹ quan đời, anh ta sống đời phiêu bạt nơi đất khách
quê người và mưu sinh nhờ lòng bác ái của người khác, vì người thân không muốn
đón nhận anh. Sự kiện này khiến tôi suy nghĩ về cuộc đời thiếu may mắn của anh,
được không nhìn thấy được, nỗi đau ấy lại chồng chất khi không có ai để tựa
nương: một tương lai mịt mờ, vô định.
Có lẽ,
anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay cũng đang đối diện với những khó khăn của cuộc
đời. Điều anh cảm thấy đau khổ không chỉ bị mù mà còn từ định kiến xã hội. Với quan
niệm thời đó, bệnh tật là do tội lỗi gây nên. Như vậy, căn bệnh anh mắc phải
nói lên hình phạt của Chúa dành cho hạng người tội lỗi. Và căn bệnh này cũng đã
đẩy anh ra bên lề xã hội. Câu nói “anh
đang ở bên vệ đường” phần nào nói lên điều này: anh đang ở bên vệ đường của
sự dửng dưng, vệ đường của sự ích kỷ, vệ đường của quan niệm sai lầm, vệ đường
của loại trừ.
Tuy
nhiên, dù đôi mắt anh mù nhưng tầm hồn anh luôn bừng sáng. Những cái nhìn của định
kiến xã hội không thể vùi lấp cuộc đời anh. Trái lại, anh càng nuôi dưỡng lòng
khát khao được nhìn thấy và được biến đổi cuộc đời. Cho nên, nghe biết Đức Giêsu
đi ngang quan, anh ta đã kêu lên: “Lạy
ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dũ lòng thương tôi”. Đức Giêsu đứng lại và hỏi
anh muốn gì, thì anh trả lời: “Xin cho
tôi được nhìn thấy”. Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và theo Ngài trên con
đường Ngài đã đi.
Với
con mắt đức tin, anh mù tin nhận chỉ có Chúa Giêsu mới đem lại cho anh ánh sáng
của đôi mắt, ánh sáng của tâm hồn và ánh sáng của hy vọng. Nhưng Chúa Giêsu
không chỉ chữa lành đôi mắt, mà còn gieo vào lòng anh sự khát khao bước theo
Ngài để cùng chung chia sứ mạng của Ngài. Quả thực, con đường thập giá của Đức
Giêsu là con đường chẳng mấy ai muốn đi, vậy mà anh mù lại muốn bước theo vết
chân Thầy hầu làm chứng cho sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa. Từ đây, cuộc đời
anh đã được sang trang, bước đường đời đã được định hướng, cánh cửa tương lai
đã mở ra và sứ điệp Tin Mừng đang gọi mời anh.
Qua
đoạn Tin Mừng Đức Giêsu chữa lành anh mù và hành trình của anh bước theo Ngài
khiến chúng ta cũng phải thành tâm nhìn lại chính mình. Chúng ta vẫn tự hào
mình không bị mù, công việc ổn định, có nhiều bạn bè, được người khác kính nể. Những
thứ đó chưa nói lên được và chưa chứng minh được mình là người vô tội, không bị
mù về đàng thiêng liêng. Trong cuộc sống biết bao lần chúng ta phạm tội mà
không nhận ra, biết bao lần dửng dưng trước nhu cầu của người khác và vô cảm
trước nỗi đau của anh chị em; đó là những độc chất làm mù mắt tâm hồn và làm
băng hoại đời sống nội tâm. Vậy đâu là phương cách chữa lành căn bệnh nguy hại
này?
Để chữa
lành đôi mắt tâm hồn, chúng ta cần phải đến với Chúa Giêsu qua Bí tích Hòa giải.
Nơi đó, chúng ta sẽ cảm nhận được vòng tay ấm áp, vỗ về của Chúa Giêsu, đồng thời,
đón nhận sự bình an và hạnh phúc vì được Ngài thứ tha. Đàng khác, Bí tích Hòa giải là bí tích
chữa lành: chữa lành các vết thương tâm hồn do tội lỗi gây nên, chữa lành các rạn
nứt do tính kiêu căng tạo ra. Trong buổi tiếp kiến thứ tư hằng tuần tại quảng
trường thánh Phêrô ngày 19/2/2014, đức giáo hoàng Phanxicô đã khuyến khích mọi
người tín hữu hãy lãnh nhận bí tích Hòa giải. Ngài nói: “Chúa Giêsu đón tiếp anh chị em bằng tình thương bao la! Hãy can đảm đi
xưng tội. Tha thứ không phải là kết quả nỗ lực của chúng ta, nhưng là một ân huệ…
Bí tích Hòa giải là bí tích chữa lành. Tôi đi xưng tội để được chữa lành: chữa
lành linh hồn, chữa lành tâm hồn”.
Xin
Chúa ban cho mỗi người chúng ta biết năng chạy đến với Bí tích Hòa giải để nhận
lãnh ân sủng và sự tha thứ của Chúa hầu kiến tạo cuộc sống an vui, hạnh phúc vì
cảm nhận được sự đỡ nâng của Chúa và nhận ra anh chị em luôn đồng hành cùng chúng
ta trong bước đường chứng nhân.
Đs. Montfort Nguyễn Xuân Pháp O.Cist