MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN, năm B

Mc 12,28b-34

 

Đạo Chúa Giêsu thiết lập là Đạo Tình Thương. Người Do Thái xưa cũng hiểu được rằng yêu là tình cảm, là cái gì đẹp nhất phát xuất từ nội tâm của con người. Họ dựa trên 10 giới răn của Chúa. Nhưng vì quá chú trọng tới Lề Luật, họ chú giải và bầy ra thêm nhiều điều luật, đến nỗi không biết giới răn nào là giới răn quan trọng và trọng nhất. Do đó, hôm nay, một luật sĩ đã đến hỏi Đức Giêsu :” Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?

( Mc 12, 28 ).

Khi dựa vào thập điều, tức là 10 điều răn, người Do Thái đã hiểu được tầm quan trọng của 10 giới răn. Tuy nhiên, họ luôn phân vân, bối rối không biết giới răn nào là trọng, giới răn nào là đứng đầu. Chúa Giêsu trả lời người luật sĩ :” Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực người. Còn giới răn thứ hai : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình “ ( Mc 12, 30-31 ). Chúa đã dùng hai câu của sách Đệ Nhị Luật đoạn 6, câu 5 cho điều răn thứ nhất và sách Thứ luật đoạn 19, câu 18. Ở đây Chúa Giêsu đã nối kết hai giới răn “ mến Chúa yêu Người “ lên ngang tầm nhau để trở thành một giới răn duy nhất “ mến Chúa yêu Người “. Thánh Gioan đã định nghĩa “ Thiên Chúa là Tình Yêu “. Qua câu định nghĩa này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa, chúng ta cũng sống trong Tình Yêu của Ngài và rồi đối lại chúng ta cũng phải yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng ta. Thánh Gioan trong thư Gioan thứ nhất đoạn 4 câu 20 đã quả quyết :” Nếu ai nói :” Tôi yêu mến Chúa “ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng mà họ không thấy “.

Sống ở đời, nói yêu, nói thương thật dễ vì nói ngoài môi miệng thì ai mà chả nói được. Nhưng sống mới là điều quan trọng, mới là điều đáng quí. Trước tiên, chúng ta phải đặt Chúa là ưu tiên, là số một bởi vì chinh Người đã dựng nên chúng ta…Dành cho Ngài chỗ nhất trong cuộc đời, coi Ngài là tất cả, coi Ngài trung tâm của đời ta. Điều răn thứ hai là yêu người thân cận. Ở đây, người thân cận là tất cả mọi người không trừ một ai. Bởi vì, chúng ta là con Thiên Chúa, sống trong Chúa, ta nhận ra người khác là hình ảnh của Chúa. Do đó, nói mến Chúa mà không yêu người, chúng ta là kẻ nói dối, là kẻ phỉnh lừa…Thánh Augustinô cho rằng mình yêu Chúa quá muộn. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu nhận ra mình chưa yêu Chúa hết mình, chưa yêu Chúa đủ. Nên, Ngài nói làm tất cả mọi sự vì yêu…Người Samaritanô nhân hậu đã yêu thương người bị nạn đến cùng. Chúng ta đã mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn chưa ? Hay chúng ta chỉ nói ngoài miệng, yêu Chúa hời hợt, có lệ vv…Bằng những nghĩa cử yêu thương, bác ái, chúng ta dễ đến với tha nhân, chúng ta dễ gần gũi với người khác. Chúng ta chỉ có thể diễn tả sự thật, diễn tả con người mình cách trọn vẹn khi chúng ta yêu mến Chúa thì cũng phải yêu thương anh em. Chúng ta phải mở rộng con tim để yêu mến Chúa và đồng thời yêu thương anh chị em mình.

Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn hai giới răn này. Ngài sống để yêu và chết cũng vì yêu. Chúa đã đến với mọi thành phần xã hội, đã đối xử với mọi người như nhau. Tình yêu của Ngài là tình yêu trọn vẹn. Trên thập giá, Ngài đã nói lên tất cả tình yêu của Ngài đối với mọi người. Tình yêu của Ngài là tình yêu tự hiến, trao ban.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con một trái tim nhạy cảm, xin cho chúng con một đôi mắt yêu thương nhân từ như Chúa để chúng con cũng biết yêu thương anh chị em mình như Chúa đã yêu. Xin cho chúng con hiểu được câu này :” Nước Thiên Đàng không dành cho những người cằn cỗi yêu thương “( Rosalie ).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chung con cảm nghiệm và sống lời Chúa, gương của Chúa :” Như Thầy yêu “ ( Ga 15, 12 ). Amen.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Người Do Thái qua các thế hệ đã chú giải Lề Luật Chúa thành mấy trăm luật ?

2.Người Do Thái dựa trên gì để giữ Lề Luật ?

3.Tại sao Chúa Giêsu lại nâng luật yêu người lên ngang tầm với luật mến Chúa ?

4.Chúa Giêsu đã thực hiện giới răn “ Mến Chúa Yêu Người “ ra sao ?


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B