ĐẠO ĐỨC GIẢ VÀ QUẢNG ĐẠI THẬT
(Máccô 12,38-44 – CN XXXII TN - B)
1.- Ngữ cảnh
Giáo huấn
của Đức Giêsu và lời nhắc đến các kinh sư
đi với nhau, khiến chúng ta nhớ đến đoạn văn trước (Mc 12,35). Bản văn này là như bức tranh bộ đôi trong đó nổi rõ
những nét tương phản. Các kinh sư khoe khoang và đạo đức giả bị chỉ trích trong
đoạn văn này là hình ảnh ngược lại với hình ảnh người môn đệ của Đức Giêsu.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần :
1) Lối sống đạo đức giả của các kinh sư (12,38-40);
2) Câu truyện bà goá nghèo (12,41-44).
Hai phần này được liên kết với nhau bằng từ
móc nối “bà góa” (cc. 40.42).
3.-
Vài điểm chú giải
- Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa… thích… (38): Các lời cáo buộc của Đức Giêsu được nêu theo một mức
độ trầm trọng tiệm tiến: xúng xính trong áo thụng, thích được chào và thích ghế
danh dự. “Áo thụng” (HL. stolê) là áo choàng các kinh sư thường mặc để
vận dụng trong một số trường
hợp. Mt 23,5 trách là họ đã
nối dài tua áo. Thật ra chính bộ áo cũng đã “thụng”, khi đi thì kéo lê sát đất.
Cũng có thể đây là cử chỉ quấn mình vào trong áo khi cầu nguyện, khi tuyên một
bản án hoặc khi giải gỡ các lời khấn. Dù thế nào, đây cũng là một lối khoe
khoang áo xống, nhằm được tôn kính. “Ưa được chào hỏi” tại các nơi công cộng
cũng là một tật xấu, cùng với tật “ưa chiếm chỗ danh dự” trong các hội đường
hay các đám tiệc. Chỗ nhất trong hội đường là vị trí ở trước hòm chứa tôrah, chỗ này được
dành cho những nhân vật cao trọng và các quan chức. Chỗ danh dự trong bữa tiệc
là chỗ bên cạnh chủ nhà hoặc người khách đặc biệt.
- Họ nuốt hết tài sản của các bà goá (41): bản văn
Hy Lạp viết là “nuốt trửng các nhà”. Vào thời ấy, các kinh sư có thể được cậy
nhờ quản lý giúp số tài sản nhỏ nhoi của các bà goá. Nhờ đó, họ có thể trục
lợi. Cũng có thể là họ tư vấn về pháp luật cho các bà góa rồi đòi một thù
lao cắt cổ. Dưới mắt một số chuyên pháp lý và các ngôn sứ Cựu Ước, bóc
lột bà goá, người ít được luật bảo vệ nhất (vì: 1) là phụ nữ; 2) đại diện cho
tình trạng nghèo túng), là một tội đặc biệt đáng ghét (Xh 22,21tt; Đnl 27,19; Is 1,7.23; 10,2; Gr 7,6; 22,3; Tv
93/94,6), còn nâng đỡ cô nhi quả phụ theo gương Thiên Chúa (Đnl 10,18t; 24,17-22; 26,12t; G 29,13; 31,16) là một việc lành được kể
ở hàng đầu.
- làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ: x. Mt 6,5. Đức
Giêsu không kết án việc cầu nguyện lâu giờ, nhưng kết án việc cầu nguyện để cho
người ta thấy. Các kinh sư đã làm hỏng hành vi tôn giáo là cầu nguyện khi nối
kết nó với thái độ khoe khoang kệch cỡm của họ.
- thùng tiền (41): Từ
Hy Lạp gazophylakion (do từ ngữ Ba Tư gaza = kho tàng). Đây có
thể là phòng tàng trữ của cải ở bên trong khuôn viên Đền Thờ; khuôn viên này,
chỉ người Do Thái mới được vào. Trong căn phòng này, có đặt mười ba hòm đựng
của dâng cúng. Theo 2 Mcb 36, vào
thời vua Sêlêukhô IV, phòng này đầy ứ những của cải. Theo Phl. Gioxép (Chiến
tranh Do Thái 6,282), vào năm 70 sau CG, khi Đền Thờ bị thiêu hủy, phòng
này đã bị thiêu rụi cùng với vàng bạc châu báu, xiêm y, tiền bạc.
- Người quan sát xem (41):
Đức Giêsu ngồi đó như một khán giả xem (etheôrei) cảnh sinh hoạt.
Thật ra lối mô tả của Mc không rõ ràng: Trong khi Đức Giêsu ngồi đối
diện với phòng tàng trữ của cải (gazophylakion), dân chúng ném tiền vào trong
các hòm của dâng cúng (gazophylakion); mà dường như người ta không được phép
ngồi ở đây, nhất là lại ngồi để xem như xem trình diễn!
- đám đông bỏ tiền: “Tiền”
đây dịch từ Hy Lạp chalcos, “tiền đồng”, nhưng ở đây có nghĩa là “tiền
bạc nói chung.
- một bà goá nghèo (42): Tác
giả dùng từ chỉ số lượng mia (one) thay vì dùng tis (a certain),
nhưng đấy là lối viết thông thường thời đó. Tuy vậy, hẳn là ngài cũng muốn lưu
ý đến một sự cố đặc biệt (“một bà goá nghèo đến bỏ vào đó…”).
- hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc: Hai đồng tiền kẽm”, lepta (số ít: lepton),
bằng một kodrantês; một kodrantês bằng ¼ as hoặc
assarion; một assarion bằng 1/6 quan (một quan, denarius, là lương công nhật một người
thợ).
- Mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa… , bà này thì
rút từ cái túng thiếu… (44): Ở đây không có một bài học luân lý nào được
minh nhiên rút ra. Nhưng vì đã quen với giáo huấn của Thầy, hẳn các môn đệ Đức
Giêsu có thể rút ra được nhiều bài học như: đừng phê phán ngưòi ta dựa vào dáng
vẻ bề ngoài (x. Mc 12,40; Mt 23,27); những người quảng đại nhất
cũng như những người đạo đức nhất không nhất thiết là những người đã tỏ ra như
thế; chỉ một mình Thiên Chúa thấy trong nơi bí ẩn (Mt 6,4.6.18) và biết các cõi lòng (Lc 16,15; x. Cv 1,24;
15,8)…
4.- Ý
nghĩa của bản văn
* Lối sống
đạo đức giả của các kinh sư (38-40)
Giáo huấn của Đức Giêsu được chia thành một
lời khuyến cáo mở đầu (c. 38b), một lời mô tả các kinh sư (cc.
38c-40b), và một lời kết đe dọa phán xét (c. 40c). Lời chỉ trích đầu tiên nhắm
đến cao vọng diễn tả ra trong cố gắng tìm cho được dân chúng nhìn nhận. Họ phô
trương phẩm giá của họ bằng cách mặc những áo dài đại lễ và yêu cầu được người
ta cung kính chào tại các quảng trường và được có những chỗ danh dự trong các
cử hành tôn giáo và tại bữa tiệc. Đau xót hơn, đó là lời chỉ trích thứ hai liên
hệ đến sự tham lam của các kinh sư. Lối sống của họ càng đáng trách hơn nữa khi
họ nối kết hành vi bóc lột với việc cầu nguyện lâu dài và giả hình.
Họ sẽ bị kết án nghiêm khắc tại cuộc xử án
cánh chung, tức là mất ân ban sự sống đời đời (x. Mc 10,30).
* Câu
truyện bà goá nghèo (41-44)
Khung cảnh Đền Thờ, phòng tàng trữ của cải,
cùng với những người giàu dâng cúng thật nhiều tiền, càng làm nổi bật sự nhỏ
bé, bần khốn của bà góa, một con người không được luật lệ quan tâm bảo vệ. Nhưng
Đức Giêsu thấy được tấm lòng của bà. Lời giáo huấn Ngài ban cho các môn đệ bắt
đầu bằng câu “Thầy bảo thật (amên) anh em” cho thấy rằng Đức Giêsu ở trong
thế có thể thật sự lượng định giá trị của lối xử sự của loài người. Không phải
là nguyên sự tự do thanh thoát đối với của cải đã đưa lại giá trị cho hành vi
dâng cúng, nhưng là tình yêu đối với Thiên Chúa được diễn tả qua hành vi đó.
+ Kết luận
Đấng “dò thấu lòng dạ” (Xh 2,23; x. Tv 7,10;
17,10), và không bị đánh lừa bởi những dáng vẻ bề ngoài, mời gọi các môn đệ
đừng để bị lừa bởi một bộ mặt đạo đức che đậy sự khoe khoang, tham lam và đạo
đức giả, hoặc bởi vẻ không đáng kể của những hành vi bác ái do những người
nghèo và những người thất học thực hiện. Mỗi người được mời gọi ý thức về sự
mỏng dòn của mình mà cậy dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, và học biết trân trọng
thiện chí của kẻ khác.
5.-
Gợi ý suy niệm
1. Lời lẽ Đức Giêsu phê phán các kinh sư có thể có phần
phóng đại. Tuy thế, những người đang có trách nhiệm phục vụ dân Chúa ở các cấp
vẫn cảm thấy được mời gọi đánh giá lại phong cách, lời ăn tiếng nói của mình,
cũng như ý hướng của mình khi làm các công việc phục vụ. Sự lừa dối đã là đáng
trách, nhưng càng đáng trách hơn nữa hành vi lừa dối bằng cách vận dụng những
yếu tố liên hệ đến sự thánh thiện (như đọc kinh cầu nguyện, thánh lễ, viếng nhà
thờ…) để che giấu một thực trạng tiêu cực.
2. Chúng ta phải cố gắng chu cấp các điều cần thiết cho gia
đình chúng ta; nhưng chúng ta được Đức Giêsu giúp hiểu rằng chúng ta cũng có
trách nhiệm về tình trạng an vui của kẻ khác. Có rất nhiều những lời bào chữa
mà một trái tim ích kỷ có thể tìm ra để tránh né việc giúp đỡ kẻ khác. Hẳn là
chúng ta không quên rằng không ai trong chúng ta nghèo đến nỗi không có cái gì
để trao tặng.
3. Tấm gương bà góa mời gọi các Kitô hữu đừng đánh giá con
người theo bề ngoài. Trước nhan Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là của
dâng cúng to lớn, nhưng là tâm tình trung thực khi dâng cúng. “Của cho không
bằng cách cho”! Vì ý thức rằng người nghèo được Thiên Chúa kính trọng, cộng
đoàn Kitô hữu không những cần nghiền ngẫm tấm gương của bà góa, không những âm
thầm kín đáo làm các hành vi đạo đức, mà còn sẵn sàng giúp đỡ những người đang
sống cảnh cô độc neo đơn.
Lm FX Vũ Phan Long,
ofm