CHÚA NHẬT 32
THƯỜNG NIÊN B
1 V 17,10-16 ;
Dt 9,24-28 ; Mc 12,38-44
ĐỂ “CỦA CHO”
NÊN LỄ DÂNG ĐẸP LÒNG CHÚA
I. HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Mc 12,38-44
(38) Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: “Anh em
phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng,
thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. (39) Họ ưa chiếm ghế danh
dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. (40) Họ nuốt hết tài sản
của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ
bị kết án nghiêm khắc hơn”. (41) Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng
cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào hòm đó ra sao. Có lắm
người giàu bỏ thật nhiều tiền. (42) Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai
đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma. (43) Đức Giê-su liền gọi các
môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng
nhiều hơn ai hết. (44) Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà
đem bỏ vào đó. Còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất
cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống.
2.Ý CHÍNH: Bài
Tin Mừng hôm nay được chia làm hai phần tương ứng với hai hạng người tiêu biểu
trong đạo Do thái là giới kinh sư và giới bà góa nghèo như sau: Trước hết, Đức
Giê-su khiển trách thói đạo đức giả của các kinh sư Do thái, biểu lộ qua 4 thói
xấu như: ăn mặc đài các, tìm kiếm hư danh, tranh giành địa vị, đạo đức vụ lợi.
Sau đó, Người đề cao lòng đạo đức của một bà góa nghèo, biểu lộ qua việc dâng
cúng tiền bạc vào Đền Thờ. Tuy số tiền bà dâng không bao nhiêu, nhưng nhờ có
lòng hy sinh, nên bà đã được Đức Giê-su đánh giá là đã bỏ vào thùng nhiều hơn
mọi người.
3.CHÚ THÍCH:
- C 38: + “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư”: Đức Giê-su cảnh giác dân chúng coi chừng kẻo bị lây nhiễm
các thói xấu của các kinh sư hay luật sĩ. + xúng xính trong bộ áo thụng:
Áo thụng là loại áo choàng dài chấm đất mà các tư tế thường xử dụng khi làm
việc tế tự. Người Do thái thường tỏ lòng tôn kính đối với các tư tế. Các kinh
sư cũng thích mặc loại áo này để tỏ ra mình có lòng đạo đức và cũng mong được
dân chúng kính trọng như vậy. Đây là thói xấu kiêu ngạo, tự cao tự đại (x. Mt
23,5). + thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng: Người
Do thái hay chào hỏi các kinh sư, là những người giải thích Kinh Thánh tại các
hội đường vào ngày Sa-bát. Danh hiệu “ráp-bi” có nghĩa là “đại nhân của tôi”,
được dùng để xưng hô khi nói chuyện với các kinh sư. Vì muốn được chào hỏi tôn
kính, nên các ông thích đi đi lại lại ở nơi có nhiều người để được thiên hạ bái
chào. Đây là thói xấu ham mê danh vọng.
- C 39-40: + chiếm ghế danh dự trong hội đường: Tại mỗi hội đường Do thái đều có một chiếc ghế danh dự
đặt trước tủ đựng kinh sách. Đối diện với cộng đoàn là chỗ dành cho những bậc
vị vọng. Ai ngồi ở đây thì không bị che khuất và mọi người trong hội đường có
thể nhìn thấy họ. Các kinh sư vốn tự cao nên thích ngồi ở hàng ghế danh dự này.
Đây là thói xấu ham mê chức quyền. + thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc: Tại
đám tiệc của người Do thái, vị trí chỗ ngồi được xếp đặt rõ ràng. Chỗ danh dự
nhất là ở bên phải gia chủ. Chỗ thứ hai là bên trái, và tiếp tục như vậy từ
phải sang trái chung quanh bàn ăn. Người ta dễ dàng nhận ra thứ bậc của người
khách, căn cứ vào chỗ ngồi được gia chủ sắp xếp cho họ trong bữa tiệc. +
nuốt hết tài sản của các bà góa: Các bà góa thường thiếu hiểu biết, nhẹ
dạ nên được xếp vào hạng người cần được quan tâm giúp đỡ (x. Đnl 24,17.19). Mỗi
khi bị bắt nạt chèn ép, các bà góa thường cậy nhờ các kinh sư bênh vực. Đây là
cơ hội thuận tiện để một số phần tử xấu trong hàng ngũ kinh sư lợi dụng làm
tiền, bằng cách chỉ vẽ Lề luật và hứa cầu nguyện cho. + làm bộ đọc kinh
cầu nguyện lâu giờ: Việc các kinh sư và người biệt phái hay cầu nguyện
dài dòng thì ai cũng rõ. Người ta bảo rằng: Những bài cầu nguyện ấy không nhằm
dâng lên Thiên Chúa tâm tình yêu mến mà chỉ nhằm phô trương công đức trước mặt
người đời. Do đó, họ cố tình cầu nguyện tại ngã ba đường, nơi mà người ta dễ
thấy mà ca tụng lòng đạo đức của họ. + họ sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn: Luật
Môsê coi việc xử tệ với các người cô thế cô thân, trong đó có các bà góa là một
trọng tội và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc (x. Xh 22,21-23). Đức Giê-su cho
biết: Những hành vi này của các kinh sư chỉ là hình thức đạo đức giả và vụ lợi,
nên họ sẽ bị kết án nghiêm khắc trong ngày tận thế.
- C 41-42: + Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng
tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao: Giữa
sân dành cho dân ngoại và sân dành cho phụ nữ là cửa Đẹp. Đức Giê-su đã đến
ngồi tại đó sau khi đã tranh luận trong sân dành cho dân ngoại và tại hành lang
Đền Thờ. Trong sân dành cho phụ nữ có đặt mười ba thùng đựng tiền của dân chúng
tự nguyện đóng góp, dùng để làm bánh tế lễ, mua dầu đèn và các chi phí khác.+
bà góa nghèo: Một thân phận đáng thương vì bị cô thế cô thân không nơi
nương tựa, nhất là còn nghèo tiền bạc vật chất. + hai đồng tiền kẽm trị
giá một phần tư đồng bạc Rô-ma: Đây là đơn vị tiền tệ nhỏ nhất, ám chỉ
sự nghèo khó cùng cực của bà này. Sở dĩ tác giả chú thích hai đồng tiền kẽm trị
giá một phần tư đồng bạc Rô-ma là nhằm giúp các độc giả La-Hy thời bấy giờ dễ
hiểu hơn. Ở đây Mác-cô muốn nhấn mạnh đến sự tương phản giữa hai số tiền dâng
cúng của hạng người giàu và kẻ nghèo hèn.
- C 43-44: + Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều
hơn ai hết: Nhiều hơn ai hết là theo cách đánh giá của Đức Giê-su khi
xét theo tỷ lệ giữa số tiền bà dâng cúng với tài sản của bà. Bà đã dâng ngay cả
những cái cần cho cuợc sống hằng ngày, giống như lời Đức Chúa nói với ngôn sứ
Sa-mu-en khi ra lệnh cho ông xức dầu phong Đa-vít lên làm vua thay thế vua
Sa-un: “Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng”
(1 Sm 15,7). + mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa: Của dư thừa
ám chỉ sự dâng cúng kém giá trị, vì “của nhiều lòng ít”. + còn bà này thì
rút từ cái túng thiếu của mình: Bà “của ít lòng nhiều”: Tuy tiền
dâng ít nhưng kèm hy sinh bản thân nên đã tăng giá trị lên nhiều lần.
4. CÂU HỎI:
1) Đức Giê-su đã quở trách bọn kinh sư và biệt phái về
các thói xấu nào?
2) Người đánh giá thế nào về hai đồng tiền kẽm mà bà góa
nghèo đã dâng trong Đền thờ? Tại sao?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Thầy bảo thật anh em: “Bà góa nghèo đã bỏ
thùng nhiều hơn ai hết”(Mc 12,43).
2. CÂU CHUYỆN:
1) LÀM VIỆC
BÁC ÁI ĐỂ TÌM HƯ DANH:
Một bà nọ là thành viên của một hội đoàn đạo đức chuyên
đi làm công tác bác ái xã hội. Một hôm, bà nhận được giấy mời đến dự buổi họp
mặt bất thường để quyên góp giúp đồng bào bị thiên tai lũ lụt vùng Đồng Bằng
Sông Cửu Long. Bà dự tính kỳ họp này sẽ tình nguyện đóng góp số tiền một triệu
đồng. Nhưng trong buổi họp, khi thấy có nhiều Hội viên khác cũng đóng góp số
tiền một triệu ngang bằng với mình, bà muốn tỏ ra quảng đại hơn người, nên khi
tới phiên, bà đã ghi vào sổ vàng cứu trợ số tiền hai triệu đồng. Rồi thay
vì rút bao thư chứa hai triệu, thì bà lại rút nhầm bao thư trong đó có số tiền hai
trăm USD tương đương năm triệu đồng mà bà định mang đi mừng đám
cưới con trai của bà bạn thân đã từng giúp đỡ bà rất nhiều ngay sau buổi họp
mặt hôm đó. Khi phát hiện ra đã đưa lộn phong bì, bà muốn đến bàn thu ngân xin
lại số tiền đã góp dư kia, nhưng lại sợ bị mất thể diện trước mặt người khác.
Cuối cùng bà đành chịu vậy, nhưng tự trách mình đã bất cẩn không kiểm tra phong
bì trước khi nộp cho thủ quỹ. Nhiều ngày sau đó bà vẫn luôn cảm thấy tiếc về số
tiền đã lỡ ủng hộ thêm ngoài dự tính kia.
2) GÃ BÁN
THỊT VÀ LÃO ĂN MÀY:
Kho tàng cổ tích Ảrập có câu chuyện vui như sau: Một gã bán
thịt nướng kia rất keo kiệt và khó tính. Một hôm một lão ăn mày từ nơi khác đến
ngồi ăn xin bên cạnh quán thịt nướng của gã. Lão ăn mày đói bụng nhìn những
miếng thịt nướng trên vỉ sắt đang bốc khói, chỉ biết hít thật sâu để đón nhận mùi
thịt thơm bay vào mũi và liên tục nuốt nước miếng vì không có tiền mua thịt.
Cuối cùng lão nghĩ ra một kế hay: lão ta móc trong bị ra một miếng bánh mì khô
mua từ ban sáng, lẳng lặng đến gần lò than hơ miếng bánh trên vỉ thịt, với hy vọng
khói thịt bốc lên sẽ ám vào miếng bánh. Sau đó, lão ta vui vẻ ăn hết miếng bánh
đã được ám khói. Coinf gã bán thịt đang ngồi trong quán thấy vậy liền chạy ra
túm lấy áo lão ăn mày đòi phải trả tiền. Bấy giờ lão ăn mày liền nói: “Lão đâu có lấy thịt nướng
nào của anh. Khói thịt bay lên đâu phải là thịt”. Gã bán thịt hét lớn: “Khói từ
thịt đang nướng bay ra là thuộc về miếng thịt, nên lão ăn bánh có ám khói thịt bay
lên cũng phải trả tiền”. Hai người cự cãi không ai nhường ai. Cuối cùng họ đưa
nhau ra toà yêu cầu được quan tòa cứu xét. Quan tòa liền truyền cho lão ăn mày lấy
ra một đồng tiền cắc ném mạnh xuống nền nhà phát ra một tiếng “keng”. Rồi quan
toà phán quyết cho hai người như sau: “Lão ăn mày được quyền hưởng khói bay ra
từ miếng thịt, còn anh bán thịt sẽ hưởng tiếng “keng” phát ra từ đồng tiền của lão ăn mày”.
3. THẢO LUẬN: Trong những ngày này mỗi người chúng ta có
thể chia sẻ những gì cụ thể trong tầm tay của mình cho những người nghèo đói
bất hạnh và bị bỏ rơi để làm vui lòng Chúa?
4. SUY NIỆM:
1) Ý chính của bài Tin Mừng hôm nay:
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã lên ái thái độ giả
dối của Pharisêu và Người đã dạy các môn đệ phải quảng đại cho đi, noi gương
một bà góa nghèo đã dâng hai đồng tiền
kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rô-ma, là số tiền nhỏ bé bà dùng để
nuôi bản thân mình trong ngày một ngày. Bà đã được Đức Giêsu đánh giá cao việc dâng
cúng quảng đại này: “Thầy bảo thật anh
em: bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều
rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó. Còn bà này, thì rút từ cái
túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”
(Mc 12,43b-44).
Câu chuyện cổ tích Ả rập về anh hàng thịt nướng keo kiệt đói
xử không tốt đối với kẻ nghèo nói trên cũng vẫn hay xảy ra trong xã hội hôm
nay: Nhiều lần chúng ta đã cư xử với người khác cách keo kiệt tương tự. Việt
Nam chúng ta có một câu chuyện vui về một ông bố keo kiệt và tham ăn như sau:
Một hôm sau một đêm thức trắng đánh dậm bắt được một giỏ mươi con cá, anh ta về
ngồi bên bếp than nướng cá để làm mồi nhậu lai rai một mình. Đứa con trai nhỏ 4
tuổi ngửi thấy mùi thơm của cá liền khóc lóc đòi được ăn cá. Bà mẹ liền dỗ dành
cậu con yêu: “Con hãy nín đi để mẹ coi xem có con cá nào nhỏ, mẹ sẽ xin bố cho
con ăn nhé!”. Ông bố nghe vậy liền đáp: “Cho cái gì? Không có con cá nào nhỏ
cả, con nào cũng to bằng nhau hết !”. Cũng vậy, nhiều lần chúng ta thường né tránh
để khỏi giúp đỡ tha nhân bằng câu nói: “Hãy đợi đấy! Khi nào làm ăn khá hơn, tôi
sẽ chia sẻ giúp đỡ cho anh”. Nhưng sự chờ đợi ấy sẽ kéo dài mòn mỏi không biết phải
chờ đến bao giờ. Người ta có thể nêu ra cả ngàn lý do để biện minh cho thái độ vô
cảm, thiếu yêu thương, không muốn giúp đỡ tha nhân của mình.
2) Giá trị
của một hành động bác ái từ thiện hệ tại chỗ nào ?
Một việc lành của chúng ta chỉ thực sự tốt khi nó được
thực hiện với lòng yêu thương. Câu chuyện về người đàn bà ủng hộ đồng bào bị lũ
lụt nói trên: Ban đầu bà đã có quyết định tốt khi dự định bỏ thùng ủng hộ một
triệu đồng. Nhưng khi thấy nhiều người khác cũng bỏ vào thùng một triệu như vậy,
thì bà liền đã tăng số tiền ủng hộ lên gấp đôi để tỏ ra mình quảng đại hơn
người khác. Sau đó việc lỡ rút nhầm bao thơ 200 đôla Mỹ tương đương năm triệu
đồng bỏ vào thùng là việc ngoài ý muốn của bà, thể hiện qua việc bà tiếc nuối muốn
đòi lại số tiền dư ra kia, nhưng rồi cũng do thói sĩ diện hão, cuối cùng bà đành
phải chấp nhận số tiền bỏ thùng lớn gấp nhiều lần. Số tiền bà góp này cũng không
có giá trị bao nhiêu về thiêng liêng khi ra trước tòa Chúa phán xét sau này vì
không phát xuất từ tình yêu tha nhân.
3) Về ba loại
người cho và bậc thang giá trị của ba cách cho:
+ Một là người cho cách
bất đắc dĩ: Do muốn tránh bị quấy rầy, nên dù có cho mà trong lòng người
cho vẫn thấy bực bội. Loại người này thường phân trần với bạn bè: “Mình ghét
hắn ta, nhưng đành phải “thí” cho hắn ít tiền còm cho xong, để hắn mau biến đi
khuất mắt!”.
+ Hai là người cho để
xong việc bổn phận: Loại người cho này dù đã cho đi mà vẫn không thấy vui. Họ
thường nói với bạn bè: “Mình bị rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” : “Bỏ
thì thương mà vương thì tội!” Thôi thì đành giúp đỡ hắn cho xong của nợ ! ”.
+ Ba là cho vì yêu
thương: Do tự nguyện cho người nghèo nên trong lòng người cho sẽ cảm thấy vui vẻ. Trường hợp người được cho vì một
lý do nào đó không nhận, thì người cho sẽ thấy buồn trong lòng. Loại người cho này
thường hay nói với những người đau khổ
bất hạnh: “Tôi có thể giúp gì được cho bạn?” hoặc: “Tôi sẵn sàng chia sẻ
những khó khăn bạn đang gặp phải”. Cách cho thứ ba do này mới đẹp lòng Chúa và
chúng ta cần thực hiện mỗi ngày, để của lễ chúng ta dâng sẽ bay lên trước tôn
nhan Thiên Chúa và mang lại hạnh phúc cho chúng ta.
4) Thực tập lối
sống quảng đại sẵn sàng cho đi noi gương Chúa Cha:
Thiên Chúa là Cha chúng ta đã biểu lộ tình yêu quảng đại để
nêu gương cho chúng ta:
+ Chúng ta chỉ cần một bông hoa, mà Người lại ban cho cả
cánh rừng.
+ Chúng ta chỉ xin vài ngụm nước, mà Người lại ban cả
dòng suối.
+ Chúng ta chỉ cần vài hạt cát, mà Người lại cho cả bãi
biển rộng dài.
+ Chúng ta chỉ xin ban lương thực hàng ngày, mà Người còn
cho cả Thân Mình Bửu Huyết của Người.
Chúa Giêsu phán: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv
20,35). Mỗi ngày chúng ta nên thực hiện một số việc quảng đại như PHĂNGSÍT
BANPHUA (Francis Balfour) đã liệt kê một số việc cụ thể người tín hữu chúng ta nên
thực hiện như sau:
+ “Món quà đẹp nhất tặng cho kẻ thù ghét ta là lòng khoan
dung tha thứ,
+ Quà tặng cho bạn bè là thái độ luôn trung tín và chân thành,
+ Quà cho các em nhỏ là gương sáng bác ái và khiêm nhường phục vụ,
+ Quà tặng cho người cha trong gia đình là thái độ tôn kính vâng lời người dạy,
+ Quà cho bà mẹ là trái
tim cháy lửa yêu thương và sẵn sàng chia sẻ các việc nội trợ,
+ Và cuối cùng, quà cho mọi người chung quanh là nụ cười thân thiện kèm theo cái bắt tay thân
ái, một lời khen thành thật, cùng thái
độ quan tâm lắng nghe và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ noi gương Đức
Giê-su”.
5. NGUYỆN CẦU
- Lạy Chúa Giê-su. Cách đánh giá của Chúa trong Tin Mừng
hôm nay khác hẳn cách nhìn nhận sự việc của chúng con. Vì “Loài người thì nhìn
mặt, còn Chúa lại nhìn lòng!” (1 Sm 16,7). Chúa khen bà góa nghèo đã bỏ tiền
dâng cúng nhiều hơn ai hết. Dù số tiền của bà nhỏ bé, nhưng bà “đã dâng tất cả
những gì mình có để nuôi sống mình” do lòng mến Chúa thôi thúc, nên hành động
ấy đã được Chúa đánh giá cao hơn người khác: “Bà đã bỏ thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12,43). Về phần chúng con: Nhiều
khi chúng con dễ nản lòng không muốn làm việc tốt, khi việc chúng con làm không
được mấy người biết đến và khen ngợi... Xin Chúa thanh luyện ý hướng các việc
lành của chúng con. Chúng con tin rằng: “Hữu xạ tự nhiên hương” (x. Mt 6,1-4),
nếu công việc chúng con làm thực sự tốt thì sớm muộn cũng sẽ được người đời nhận
biết và ca ngợi tình yêu của Thiên Chúa là Cha chúng con (x. Mt 5,14-16).
- Hát bài Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô: “Lạy Chúa từ
nhân…” để xin Chúa giúp ta kiến tạo hòa bình bằng việc hăng say phụng sự Chúa
và phục vụ tha nhân.
X. HIỆP CÙNG MẸ MARIA. –Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM