CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN
Chúng ta có là những kẻ được tuyển chọn không?
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô 13:24-32)
Để chuẩn bị cho lễ Chúa Ki-tô Vua, Phụng
vụ Thánh lễ Chúa Nhật trước đó nói với chúng ta về ngày Quang Lâm của Con Người. Sử dụng thể văn khải huyền, thánh sử Mác-cô
trình bày biến cố Chúa Giê-su trở lại trần gian để phán xét muôn loài. Có những dấu chỉ báo trước việc Chúa trở lại
xảy ra trong khung cảnh vũ trụ: mặt trời
ra tối tăm, mặt trăng hết chiếu sáng, tinh tú từ trời sa xuống và các quyền lực
trên trời lay chuyển. Sau những dấu chỉ
hãi hùng ấy, Chúa Giê-su, Con Người đầy quyền năng và vinh hiển xuất hiện như
ánh sáng giữa đêm tối. Tuy nhiên điều
quan trọng không phải là khung cảnh uy nghi và sợ hãi khi Chúa đến, mà là Người
trở lại trần gian để làm gì?
Mục đích Chúa lại đến không phải để khởi
đầu kế hoạch cứu độ, nhưng là để kết thúc.
Người đến là để “tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về,
từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời”. Như một người gieo hạt giống, Chúa Giê-su đã
gieo vào trong Nước Trời của Thiên Chúa Cha những hạt giống là những kẻ đón nhận
Lời. Mùa gặt hái đã đến, chủ ruộng sai thợ
đi gặt lúa về; cũng vậy, Nước Trời tại
trần gian kết thúc, Chúa Ki-tô sai các thiên sứ đi để đem “những kẻ được Người
tuyển chọn từ bốn phương về” và Người sẽ tập họp họ lại. Khác với Tin Mừng Mát-thêu, thánh Mác-cô
không ghi lại lời giảng về việc phán xét, nhưng chỉ nói đến việc quy tụ “những
kẻ được Người tuyển chọn”. Đây cũng là một
cách trình bày tuyệt vời lời kêu gọi đầy thách đố, mong hết thảy chúng ta hãy
là “những kẻ được Người tuyển chọn”. Tuy
thánh sử không nhắc đến việc phán xét, nhưng ngài ngầm nói với chúng ta rằng để
được Chúa tuyển chọn và tập họp, chúng ta vẫn phải hội đủ những điều kiện của một
người môn đệ trung thành, nghĩa là vẫn phải sống bác ái yêu thương, làm tất cả
những gì có thể cho một người bé mọn nhất, tức là làm cho chính Chúa. Như thế,
Chúa cho chúng ta biết phải sống làm sao để là “những kẻ được Người tuyển chọn”,
điều ấy quả thực là một tin vui.
Nhưng tin vui thứ hai của sứ điệp Tin
Mừng hôm nay là Chúa cho chúng ta những dấu chỉ báo trước ngày Người đến để tập
họp chúng ta bên cạnh Người và sống đời đời.
Suốt mùa đông, cây vả chỉ còn lại những cành trông như đã chết khô. Nhưng ngày nào đó khi thời tiết ấm lên, chúng
ta nhận thấy cành cây đổi mầu xanh và bắt đầu nhú lên lá mới. Đó là dấu hiệu báo mùa xuân tới. Chúa dùng thí dụ cây vả để áp dụng cho biến cố
Người trở lại trần gian. Những hỗn mang
của vũ trụ là hình ảnh nói lên tình trạng trước khi có cuộc tạo dựng thứ nhất. Giờ đây mặt trời, mặt trăng và các tinh tú
không còn hiện diện nữa, để nhường chỗ cho công cuộc tạo dựng mới. Đúng thế, thời điểm Quang Lâm sẽ là lúc Chúa
Ki-tô tạo dựng trời mới đất mới cho những kẻ được Người tuyển chọn. Người cho chúng ta một thời gian báo trước, để
chúng ta sống sao cho xứng đáng được Người tuyển chọn. Thời gian chuẩn bị Chúa dành cho chúng ta thì
rõ ràng, nhưng ngày hay giờ nào chính xác Chúa đến tụ họp chúng ta thì không ai
biết được! Làm như thế, Chúa không đặt
chúng ta trong tình trạng sợ hãi thấp thỏm, nhưng là để khích lệ chúng ta hãy
an tâm vì đã có thời gian chuẩn bị sẵn sàng rồi.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Lắng nghe sứ điệp hôm nay, chúng ta đừng
mang tâm trạng sợ hãi lo lắng. Trái lại
chúng ta nhận ra Chúa thật yêu thương chúng ta, mong được tập họp chúng ta vào
trong số những người được tuyển chọn. Hiểu
được mong đợi của Chúa Giê-su, thánh Phao-lô luôn ao ước được sớm ra đi để có
thể kết hiệp với Chúa muôn đời. Chúa
Giê-su mong đợi có Phao-lô ở với Người đời đời, thì đáp lại, Phao-lô cũng ước
ao được sớm về với Người! Hiện đang sống
ở trần gian, chúng ta phải đối diện với “cơn gian nan lớn lao”, cố gắng phấn đấu
để luôn trung thành với lý tưởng của người môn đệ Chúa. Dù phải phấn đấu như vậy, chúng ta cũng đừng
quên niềm ước ao được kết hiệp với Chúa muôn đời. Ước ao ấy phải là sự khích lệ thúc giục chúng
ta, giống như ước ao của người mong gặp lại người thân yêu sau bao ngày xa
cách. Nhưng muốn có được ước ao ấy,
chúng ta phải là “người thân yêu” của Chúa!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi