CN 33 TN B
Đn 12,1-3 ; Dt
10,11-14.18 ; Mc 13,24-32
SẴN SÀNG ĐÓN
CHÚA LẠI ĐẾN
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 13,24-32
(24) Trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt
trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, (25) Các ngôi sao từ trời
sa xuống, và quyền lực trên trời bị lay chuyển. (26) Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy
Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. (27) Lúc đó,
Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn
từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời. (28) Anh em cứ lấy thí
dụ cây vả mà tìm hiểu. khi cành nó mềm ra và trổ lá,
thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. (29) Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy
ra, anh em hãy biết là Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi”. (30) Thầy bảo
thật anh em: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. (31)
Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. (32) Còn về ngày
hay giờ thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay Người Con
cũng không. Chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong diễn
từ về “Cuộc quang lâm của Đức Giêsu” (x. Mc 13,1-37). Bằng những hình ảnh tượng
trưng về sự sụp đổ của Đền Thờ kèm theo những điềm báo trước, Đức Giêsu nhắc
nhở các tín hữu về “Ngày của Chúa”
tức là ngày tận thế. Khi đó sẽ có những cơn bách hại xảy ra, trời đất cũ sẽ bị rung chuyển và
biến đổi thành “Trời Mới Đất Mới” (x Kh 21,1), trước khi Con Người đến trong đám mây.
3. CHÚ THÍCH:
- C 24-25: + Trong
những ngày đó: Ngày nói đây là ngày Đền Thờ Giêrusalem nguy nga tráng lệ bị tàn phá bình
địa. +
sau cơn gian nan ấy: Cơn gian nan như một điềm báo trước về Ngày Tận
Thế. +
Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu
sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, các quyền lực trên trời bị lay chuyển: Những hình ảnh trong các sách Cựu
Ước này nói về “Ngày của Đức Giavê”. Ở đây các hình ảnh này nhằm đề cao sự uy
nghiêm của Đức Kitô trong Ngày Tận Thế: bấy giờ các tầng trời sẽ bị rung
chuyển, công trình sáng tạo xưa kia sẽ biến mất và một Trời Đất Mới sẽ xuất
hiện.
- C 26-27: + Con
Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến: Con Người là hình ảnh một nhân vật
trong sách Đanien, trổi vượt hơn hình ảnh “Đấng Mê-si-a Con Vua Đavít”. Ngài đến trong đám
mây trời, tiến lên trước toà Thiên Chúa và nhận lãnh một vương quyền phổ quát
(x Đn 7,13). Trong các sách Tin Mừng, Đức Giêsu đã xưng mình là Con Người tới 70 lần (x. Mt 8,20; Ga 3,13...): Người
tự xưng là Con Người với 2 ý nghĩa. Một là Người Tôi Tớ của Đức Giavê: “Tôi, Người Tôi Tớ bị loại bỏ, bị giết chết nhưng sẽ được tôn vinh và sẽ cứu
độ muôn người” (x. Mc 8,31). Hai là Chúa Con, được đưa lên trời ngự bên hữu
Chúa Cha (x. Tv 110,1) và đến ngày tận thế, sẽ lại đến (x. Đn 7,13). +
“Đến trong đám mây”: Mây không phải là một phương tiện di chuyển, nhưng chỉ là một biểu tượng về sự hiện diện của Thiên Chúa (x. Xh
13,21; Mt 17,5) + Người sẽ sai các thiên sứ đi và Người sẽ tập họp những kẻ được Người
tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời: Từ
khắp nơi, Đấng Kitô sẽ ra lệnh cho các thiên thần qui tụ tất cả những người
lành thánh được tuyển chọn tập trung lại.
- C 28-29: + Lấy
thí dụ cây vả... khi thấy những điều đó xảy ra: Các ngôn sứ thường
dùng hình ảnh mùa hè và mùa gặt để diễn tả ngày cánh chung hay ngày tận thế. Ở đây Đức Giêsu dùng hình ảnh cây
vả báo trước mùa hè sắp tới, để ám chỉ về ngày cùng tận của Đền Thờ Giêrusalem là hình ảnh tiên
báo về ngày tận thế (x Mc 13,4-19).
- C 30-31: + Thế hệ
này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra: Việc tàn phá Đền Thờ Giêrusalem xảy
ra vào năm 70, là thời điểm những ai nghe lời Đức Giêsu giảng vẫn còn sống và chứng
kiến những điều Người tiên báo được ứng nghiệm. + Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời
Thầy nói sẽ chẳng qua đâu: Vũ trụ vật chất sẽ có ngày tan biến (x Is
24,19.23), nhưng Lời Đức Giêsu sẽ luôn tồn tại nhờ quyền năng của Thiên Chúa.
- C 32: + Về Ngày
Giờ đó: câu này nói về
ngày tận thế sẽ xảy ra. + chỉ có Chúa Cha biết mà thôi:
Ngày Giờ cánh chung hay tận thế thuộc quyền Chúa Cha định liệu.
Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa (x. Pl 2,6), với tư cách là Ngôi Lời, đồng bản
tính vơi Chúa Cha nên dĩ nhiên Người biết mọi sự giống như Chúa Cha. Nhưng với tư cách là Đấng Thiên Sai (x. Pl
2,8), Người “nên giống chúng ta mọi đàng chỉ trừ
không có tội” (x. Gl 4,4), nên Người không biết được Ngày Giờ ấy,
hầu mọi người phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng chuẩn bị cho
ngày ấy (x. Mc 13,33).
4. CÂU HỎI:
1) Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã tự xưng
là “Con Người” mấy lần? Đức Giêsu muốn mặc khải mình là ai khi tự xưng mình là Con Người?
2) “Con Người ngự trong đám mây mà đến”: Phải chăng đám mây là phương tiện Đức Giêsu dùng để di chưyển?
3) Đức Giêsu có biết rõ ngày cùng tận
của thế giới là ngày nào không? Tại sao?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự
trong đám mây mà đến (Mc 14,26).
2. CÂU CHUYỆN:
1) DỌN MÌNH CHẾT
LÀNH:
Khi Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII ngã bệnh nặng, các bác
sĩ không nói gì về bệnh tình của ngài, nhưng ngài biết mình khó sống thêm nên thường
nói với những người chung quanh: “Tôi đã sắp sẵn hành trang”. Đến ngày cuối
cùng khi giờ chết sắp đến, thư ký riêng tới bên giường hôn tay Đức Giáo Hoàng
và hỏi thăm xem ngài cảm thấy trong mình thế nào. Đức Gioan trả lời: - Cha thấy
dễ chịu và an bình trong tay Chúa, nhưng cũng hơi lo.
Vị thư ký nói: - Cha không phải lo. Nhưng chúng con đang
lo đây. Chúng con mới nói chuyện với các bác sĩ…
Đức Giáo Hoàng ngắt lời hỏi: - Họ nói với con thế nào?
Vị linh mục nghẹn ngào nói: - Thưa Đức Thánh Cha, con
phải nói sự thật: Hôm nay là ngày của Chúa. Hôm nay Cha về Thiên đàng.
Nói xong, vị thư ký quỳ xuống bên giường ôm mặt khóc. Đức
Giáo Hoàng âu yếm xoa đầu vị thư ký và ôn tồn nói:
- Mọi khi con can đảm lắm, sao giờ mềm yếu vậy? Con vừa
cho ta nghe những lời hay đẹp nhất mà một vị linh mục có thể nói: Hôm nay Cha
sẽ về Thiên đàng.
Phải có một niềm tin vững mạnh, người ta mới có thể bình
thản như vậy lúc từ giã cõi đời.
2) TRÁNH NGHE
NHỮNG TIN ĐỒN NHẢM VỀ NGÀY TẬN THẾ:
Vào cuối năm 1992, hàng chục ngàn
tín đồ của một giáo phái tại Hàn quốc đã tụ tập nhau trong hơn 150 nhà thờ để
đón chờ ngày tận thế, đón Đức Giêsu tái lâm trong vinh quang để phán xét chung.
Theo những người lãnh đạo của giáo phái này thì chính xác ngày tận thế là vào lúc nửa đêm ngày 28/10/1992. Các tín đồ của giáo
phái trương lên biểu ngữ: ”Chúng ta sẽ gặp nhau trên trời”.
Đồng thời hàng ngàn cảnh sát Hàn quốc cũng được đặt trong tình trạng báo động
cao trên toàn quốc để phòng ngừa một cuộc tự sát tập thể, nếu ngày tận thế
không xẩy ra. Bởi vì, rất nhiều người do
quá tin tưởng đã bán hết nhà cửa và phát tán mọi tài sản
gia đình… để chuẩn bị
cho ngày tận thế này. Nhưng cuối cùng ngày tận thế đã
không xẩy ra, nên sau đó giáo phái này đã tự giải thể.
Đây chỉ là một trong nhiều tiên báo không chính xác về ngày tận thế trên thế giới. Sở dĩ người ta
đóan sai là do đã hiểu lời Chúa cách lệch lạc và không đúng theo
ý Chúa Giêsu dạy. Đối với các tín hữu chúng ta: nhân dịp cuối năm phụng vụ, Hội Thánh muốn
nhắc nhở chúng
ta ý thức về ngày tận thế chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng không xác định cụ thể ngày
giờ. Việc đề cập đến ngày này nhằm giúp
chúng ta canh tân đời sống và tích
cực chuẩn bị cho
ngày Chúa đến viếng thăm trong giờ chết
của mỗi người.
3. THẢO LUẬN:
1)Bạn hiểu thế nào về ngày tận thế?
2)Chết là gì?
3)Bạn làm gì để chuẩn bị đón Chúa đến trong giờ chết mỗi người
và ngày tận thế chung tòan nhân lọai?
4. SUY NIỆM:
1) Ngày tận thế chắc chắn sẽ đến:
Tin mừng Máccô hôm nay nói về ngày tận thế: Hôm ấy các môn
đồ chỉ cho Đức Giêsu thấy cảnh huy hoàng của Ðền Thờ khi được ánh
sáng mặt trời chiếu vào! Nhưng Đức Giêsu đã tiên báo cảnh ấy có ngày sẽ không
còn nữa và Đền Thờ sẽ bị phá hủy không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào, vì dân Giêrusalem
đã từ chối đón nhận ngày Thiên Chúa đến viếng
thăm.
Ðức Giêsu đã dùng những hình ảnh về
thời kỳ chiến tranh, cũng như các công thức về thời cánh chung trong các sách
ngôn sứ để diễn tả cảnh tàn phá của Giêrusalem. Từ đó, Người đề cập đến ngày cùng tận của thế giới. Nhưng lời của
Đức Giêsu được các thánh sử ghi lại sau khi Ðền Thờ đã bị sụp đổ và Hội Thánh bị bách hại
khắp nơi. Qua Lời Chúa hôm nay, Máccô muốn trình bày các điều sau: Một là các hiện tượng trời đất như mặt trời tối sầm, mặt trăng mất sáng,
tinh tú sa xuống và các thiên thể lay chuyển… là điềm báo Chúa đến trong ngày tận thế. Hai là mặt trời tối sầm, mặt trăng
mất sáng, tinh tú sa xuống… cho thấy vũ trụ này sẽ quay trở lại lúc khởi nguyên
hỗn mang khi chưa có ánh sáng. Và như thế, ngày tận thế là lúc vũ trụ sẽ biến
mất để cho “trời mới và đất mới” xuất hiện. Ba là người ta sẽ thấy “Con Người đến trong đám mây”. Con Người chính là Ðức Giêsu Cứu thế. Hình ảnh mây trời nhấn mạnh tính
cách "hiển linh" của việc Người đến. Và như vậy "ngày của
Chúa" sẽ trở thành ngày của Thiên Chúa đến “trong” và “nhờ” Con Người là Đức Giêsu. Bốn là Vua Kitô sẽ sai các thiên thần đi khắp
cùng mặt đất thâu họp những kẻ được chọn lại, để đưa họ vào hưởng vinh quang của Người
trên trời.
2) khi nào điều ấy xảy ra?
Đây là thắc mắc của mọi thế hệ loài
người. Theo Tin mừng Máccô: Ðức Giêsu dạy các môn đệ phải
tiên liệu: Khi thấy các điềm kia xảy ra, thì hãy biết rằng “Con Người đã đến gần bên cửa” (x Mc 13: 28-29).
Các điềm báo về ngày tận thế như: Mùa hè ám chỉ thời kỳ tận thế, các chi tiết khác như: Ðền thờ bị tàn phá, chiến tranh lọan
lạc, các Kitô giả xuất hiện, niềm tin trở nên nguội lạnh, các tầng trời bị lay chuyển v.v... cho thấy tính không bền vững của vũ trụ vật chất.
Nghe lời Chúa hôm nay, nhiều người đã lầm tưởng ngày
tận thế sắp đến. Nhưng ngay
sau đó Đức Giêsu đã khẳng định: "Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được... cả
Con Người nữa, trừ phi là Chúa Cha" (Mc 13,32).
Thực ra, với bản tính Thiên Chúa, Đức Giêsu ngang hàng với Chúa Cha,
nên cũng biết rõ ngày tận thế. Nhưng với bản tính lòai người thì cũng như
chúng ta, Người
không biết rõ đó là ngày nào.
3) Chúng ta phải làm gì?
- Không nên hỏang sợ nhưng hãy hy vọng chờ đón Chúa đến:
Đức Giêsu báo trước sẽ có ngày tận
thế, nhưng lại dạy môn đệ không nên hoảng sợ. Người đến để
phán xét mọi người, nhưng “đối với những ai mong đợi trong yêu mến ngày Chúa
lại đến” (2 Tm 4,8), thì Người sẽ là Đấng Cứu Độ và là vinh quang của họ : ”Người sẽ sai các thiên thần đi quy tụ từ bốn phương trời, những
người được tuyển chọn”. Giáo hội bị bắt bớ nhưng cũng được an ủi vì “sẽ thấy
vinh quang của Đức Giêsu Kitô” (Tt 2,13). Đứng trước các tin đồn về ngày tận thế, thái độ đúng đắn nhất của các môn đệ là: ”tỉnh thức và
cầu nguyện luôn”, trong niềm mong chờ, vì Chúa sẽ đến bất ngờ như Người đã nói: ”Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh
em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44).
- Chuẩn bị cho giờ chết của mỗi người và ngày tận thế chung tòan
nhân lọai:
Người Kitô hữu chỉ có thể “đứng vững trước mặt Con Người” khi biết thanh luyện tội lỗi, tránh xa sự dữ và các thói hư, nhất là thói ích kỷ, tham lam…, và góp phần xây dựng một thế giới
mới yêu thương, trong đó mọi người luôn quan tâm, cảm thông và chia sẻ phục vụ lẫn
nhau, cùng nhau xây dựng cho gia đình, cộng đòan
và môi trường sống
ngày một tốt đẹp hơn.
- Cần ý thức tính tập thể của ơn cứu
độ:
Đường về trời không dành riêng cho từng người, nhưng là con đường chung cho hết mọi người. Trong ngày phán
xét, Đức Kitô sẽ tái lâm xét xử nhân lọai dựa
trên tiêu chuẩn thực thi bác ái chia sẻ và phục vụ tha nhân. Ai sống trong yêu thương, người đó sẽ được sống lại và
hưởng hạnh phúc trường sinh, còn kẻ “ghét
anh em chính là kẻ sát nhân” (1 Ga 3,15) cũng sống lại để chịu hình phạt “khóc lóc và nghiến răng” (x Mt 25,31-46). Còn “Ai làm cho người ta nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì
sao”(Đn 12,3).
- Maranatha: Lạy Chúa Kitô, xin hãy đến:
Các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai
đã mong ước ngày trở lại của Chúa qua
lời cầu nguyện: “Maranatha - Lay Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20). Trong Thánh lễ, sau khi truyền phép, các tín hữu chúng ta cũng dâng lời xin: ”Lạy Chúa,
chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho
tới khi Chúa đến”. Mỗi tín hữu chúng ta cần năng hồi
tâm sám hối và tích cực chuẩn bị cho ngày Chúa đến bằng việc làm các việc bác
ái chia sẻ phục vụ cho tha nhân nhằm “Làm vinh danh cho Thiên Chúa và vì phần
rỗi các linh hồn”, kèm theo một lời nguyện như sau: “Lạy Chúa Kitô, xin hãy
đến“.
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng
con một quả tim mới và một thần trí mới để chúng con sẵn sàng góp phần xây dựng Hội Thánh và phục vụ Chúa trong mọi người chung quanh ngay từ hôm nay. Xin cho
chúng con sẵn lòng chấp nhận các đau khổ trái ý xảy đến để thành
tâm sám hối tội lỗi, khử trừ thói hư và tích cực góp phần làm cho gia đình,
cộng đòan, xã hội… trở nên công bình yêu thương và bình an hoan lạc hơn, hầu đón
chờ Chúa sẽ tái lâm và biến trần gian trở thành một “Trời Mới Đất Mới” vào ngày
tận thế.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ)XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM