ĐỨc vua Giêsu
(Gioan 18,33b-37 – Đức Giêsu Kitô
Vua vũ trụ - B)
1.- Ngữ cảnh
Trong đêm, Đức Giêsu đã bị bắt (Ga 18,12) và bị điệu đến ra trước các
ông Khanan (18,13) và Caipha (18,24). Đến sáng, người Do Thái lại điệu Đức
Giêsu đến dinh tổng trấn Philatô (18,18). Bản văn đọc hôm nay cho thấy Người
đang ở tại tòa án Rôma; Người đứng trước quan tổng trấn, là nhân vật có quyền
lực tối cao, nắm quyền sinh sát trong tay. Không phải là trong một cuộc
đối thoại thong thả, nhưng là trong một phiên tòa có thể định đoạt về
mạng sống, mà những gì Đức Giêsu đã làm được công bố. Người đảm nhận trách
nhiệm về sứ mạng của Người và tuyên bố cho hiểu “Nước” của Người thuộc về loại
nào.
Tùy theo sự di chuyển của Philatô ra
với dân chúng hay vào với Đức Giêsu, cuộc xử Đức Giêsu trước tòa Philatô được
bố trí thành 7 đoạn theo cấu trúc chuyển hoán và đồng tâm như sau (Các học giả
cũng có đề nghị một cấu trúc song song, nhưng không thuyết phục):
- đoạn 1: 18,28-32: bên ngoài;
-
đoạn 2: 18,33-38a: bên trong;
-
đoạn 3: 18,38b-40: bên ngoài;
-
đoạn 4: 19,1-3: bên trong - Đỉnh cao: “Kính chào Vua dân Do Thái” (19,3);
-
đoạn 5: 19,4-8: bên ngoài;
-
đoạn 6: 19,9-11: bên trong;
-
đoạn 7: 19,12-16a: bên ngoài.
Trong
toàn khối này, bản văn đọc hôm nay thuộc đoạn 2, là đoạn phong phú nhất với
những tư tưởng thần học về ý nghĩa đích thực của vương quyền của Đức Giêsu.
2.- Bố cục
Chất
liệu của bản văn được bố trí xoay quanh câu hỏi của Philatô: “Ông có phải là
vua dân Do Thái không?”. Tuy nhiên, ta có thể chia bản văn ra thành ba đơn vị dựa
theo ba lần đối đáp giữa Philatô và Đức Giêsu:
1) Đặt vấn đề về vua (18,33-34);
2) Đặt vấn đề về các việc làm của Đức
Giêsu (18,35-36);
3) Đặt vấn đề về vua (18,37).
3.- Vài điểm chú giải
- vua dân Do Thái
(33): Đây là những lời đầu tiên của Philatô. Trên môi ông này, từ “Do Thái”
không có sắc thái thù nghịch (như ở c. 31), nhưng nhắm đến quốc gia Do Thái.
- Tôi là người Do Thái hay sao? (35):
Có tác giả cho rằng Philatô nói như thế là để tỏ ý khinh bỉ người Do Thái.
Nhưng đúng hơn, nên cho rằng Philatô chỉ muốn nói rằng ông không biết gì về Đức
Giêsu ngoài những gì giới hữu trách Do Thái đã báo cáo với ông về Người.
- chốn này
(36): Tác giả dùng từ enteuthen,
“chốn này”, cũng có nghĩa là “thế gian này” (ek tou kosmou toutou), vì ngài muốn tránh nhắc lại công thức ấy lần
thứ ba. Cụm từ “thuộc về thế gian này” có nghĩa tương tự “thuộc về đất” (ek tês gês, 3,31), có đặc tính của thế
gian này. Như vậy, dịch cho rõ nghĩa là “Nước tôi không thuộc về đất”.
- Vậy ông là vua sao? (37):
Cách Philatô nhắc lại câu hỏi như thế không phải là lạ thường. Bởi vì theo tập
tục Rôma, khi bị cáo không tự biện hộ được cho đến nơi đến chốn, thì quan tòa
sẽ hỏi trực tiếp ba lần, trước khi nghị án.
- Chính ngài nói rằng tôi là vua
(37): Đức Giêsu không chối Người là vua, nhưng đây không phải là một danh
xưng mà Người trực tiếp chọn lấy để mô tả vai trò của Người.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Chúng
ta ở bên trong tòa án, Philatô trở vào trong dinh, và cho gọi Đức Giêsu đến.
Đây có phải là Đồn Antônia không, chúng ta không rõ. Lúc này là bình minh. Chi
tiết này có tính thông tin, nhưng cũng có tầm mức biểu tượng: đây là ngày Đức
Giêsu chịu chết, nhưng cũng là ngày bắt đầu vinh quang; đây là ngày “quyết
liệt” của Đức Giêsu, ngày sắp diễn tiến, ghi dấu ấn trên toàn thể lịch sử của nhân
loại. Điều cần ghi nhận là có hai không gian: người Do Thái không vào dinh
Philatô vì sợ bị nhiễm uế, và như thế không được cử hành lễ Vượt Qua; Đức Giêsu
đang ở trong dinh Philatô, tức ở trên phần đất bị nhiễm uế: Người đã bị dân Do
Thái (dân không nhiễm uế) loại trừ.
Philatô
và Đức Giêsu đối diện nhau, ta không thấy có nhân vật nào khác ở đây. Tương ứng
với đoạn văn này là đoạn 19,8-12, là nơi Philatô và Đức Giêsu cũng ở một mình
với nhau.
* Đặt vấn đề về vua (33-34)
Từ c.
33 trở đi, các chi tiết được cung cấp dồi dào. Tác giả nêu bật chuyển động của
Philatô. Ông đi vào và hỏi trực tiếp Đức Giêsu là Người có phải là vua chăng.
Ông dùng công thức “vua dân Do Thái” (ho
basileus tôn Ioudaiôn). Rất có thể ông dùng lại lời tố cáo của người Do
Thái; tuy nhiên, chúng ta không tìm thấy lời tố cáo này minh nhiên ở đâu cả.
Nhưng Đức Giêsu hỏi ngược lại, Người hỏi ông về thái độ của ông: Philatô phải ý
thức rằng ông nói bằng sự hiểu biết riêng hay ông nhắc lại những gì kẻ khác
bảo, vì đây là một lời buộc tội rất nặng. Kẻ bị cáo nại tới lương tâm
của quan tòa và nhắc ông nhớ tới bổn phận phải kiểm chứng các hoàn cảnh thực tế
cho chính xác và với trách nhiệm. Trước tiên, Philatô giữ khoảng cách bằng cách
nêu ra nhận định là chuyện này chẳng dính dáng gì đến ông và ông đảm bảo rằng
mọi chuyện này là do người Do Thái.
* Đặt vấn đề về các việc làm của Đức
Giêsu (35-36)
Rồi
ông hỏi: “Ông đã làm gì?” (c. 35b). Bằng câu hỏi này, ông cho thấy rằng ông ý
thức về bổn phận của ông, ông không muốn chịu trách nhiệm về các nhận định của
kẻ khác hoặc về các phán đoán tổng quát, nhưng ông muốn xác định thật rõ những
gì bị cáo đã làm, trước khi tuyên án.
Đức
Giêsu trả lời, nhưng tập trung vào câu hỏi “Ông có phải là vua không?” (c. 33).
Tác giả cho thấy Đức Giêsu tỏ ra là Người làm chủ tình hình qua cách Người dẫn
dắt cuộc thẩm vấn của Philatô: Philatô hỏi câu thứ nhất, Đức Giêsu hỏi về tư
cách của tổng trấn; ông hỏi câu thứ hai, Đức Giêsu trả lời câu thứ nhất... Qua
đó, Người không nêu ra các sự kiện riêng lẻ, nhưng Người nhắm đến tính cách
toàn thể của công trình Người, bằng cách trước tiên nói cho biết điều gì còn
thiếu nơi công trình này. Trong khi vẫn bị trói (18,24), Người tuyên bố ba lần:
“Nước tôi không thuộc về thế gian này” (18,36). Đức Giêsu muốn nói rằng Nước
của Người không phải là kiểu trần gian, không có dính dáng gì với những chuyện
lãnh địa hoặc quyền chúa tể, cũng như không liên hệ gì đến việc sử dụng các
dụng cụ quyền lực.
* Đặt vấn đề về vua (37)
Từ
đó, Philatô đã để cho mình bị thuyết phục, ông hỏi: “Vậy ông là vua sao?” (c.
37), chứ không còn hỏi: “Vậy ông là vua dân Do Thái sao?”. Quả thật, Đức Giêsu
đã nhìn nhận Người là vua, nhưng không theo cách của các vua thế gian này.
Người đã nói: “Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến
đấu…” (c. 36). Có một chuyện Philatô không biết, nhưng chúng ta đã được
thông tin, đó là Phêrô đã dùng gươm để chiến đấu hầu bảo vệ Đức Giêsu, nhưng
Người đã từ khước kiểu dùng vũ lực ấy. Chỉ có điều đến bây giờ, khi ở trước mặt
Philatô, lý do của sự từ khước này mới được Đức Giêsu công bố: Nước của Người
không thuộc về thế gian này. Người cũng cho biết Nước của Người không thuộc về
thế gian này qua lời nhắc đến việc bị nộp cho người Do Thái. Nếu Người là vua
theo cách các vua trần gian này, các thuộc hạ của Người đã chiến đấu cho Người:
“không để tôi bị nộp cho người Do Thái”. Vậy, đứng trước Philatô, khi nghe quan
hỏi: “Vậy ông là vua sao?”, Đức Giêsu vẫn đang bị trói, ở trong tư thế yếu đuối
cùng cực, đã cho thấy Người là ai: Người là vua. Philatô nhận biết rằng Đức
Giêsu không phải là một vị vua theo nghĩa người ta đã tố cáo. Nhưng từ
những lời Đức Giêsu nói, ông cũng hiểu ra rằng Người vẫn cho rằng Người là vua:
thế thì ông muốn biết Nước của Người là kiểu nào.
Đức
Giêsu xác nhận lời khẳng định đã nêu ra và bây giờ Người giải thích bản chất
của Nước Người theo chiều hướng tích cực, và như thế là mời Philatô đón nhận
khẳng định của Người. Người thật sự là vua. Bằng lời nói sau đây, Người xác
định lập trường của Người và nhiệm vụ làm vua của Người: “Tôi đã sinh ra và đã
đến thế gian chính là để làm chứng cho sự thật” (c. 37). Ý nghĩa tổng hợp của
việc Người sinh ra và đến thế gian nằm trong việc làm chứng cho sự thật: chỉ vì
điều này mà Người đến ở trong thế gian và chỉ điều này mới là cốt lõi của công
việc làm vua của Người. Chỉ ai biết rõ sự việc và có kinh nghiệm thì mới làm
chứng được. Đức Giêsu không muốn nói đến sự thật về một sự kiện nào,
nhưng là sự thật về Thiên Chúa. Người có quan hệ trực tiếp với Thiên Chúa,
Người biết Thiên Chúa trong sự hiệp thông hết sức thâm sâu. Người được Thiên
Chúa sai phái và từ Thiên Chúa mà đến trong thế gian. Chỉ có Người mới làm
chứng được về vị Thiên Chúa mà Người luôn hiệp thông với, vì Người sống trong
sự hợp nhất hoàn hảo với Thiên Chúa như là Con với Cha.
Theo
truyền thống Kinh Thánh, vua là mục
tử của dân. Nhiệm vụ của vua là làm cho dân được sống dồi dào. Đức Giêsu đã mô
tả công việc của Người là mục tử tốt: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống
dồi dào” (10,10). Cùng với lời chứng về Thiên Chúa, Đức Giêsu giúp người ta đến
được với sự sống toàn vẹn, ngoài mọi khả năng của loài người.
Và
như để làm chứng cho tầm mức đích thật của lời khẳng định về tư cách vương giả
của Người, và cho thấy rằng quyền lực của Người không phải là như quyền lực
chính trị của thế gian này, Đức Giêsu tuyên bố rằng, đứng trước lời chứng của
Người, trong liên hệ với sự thật, sẽ phát sinh một đường ranh phân đôi
loài người: “Phàm ai phát xuất từ sự thật thì lắng nghe tiếng tôi” (c. 37), và
hiểu ngầm là ai không phát xuất từ sự thật, thì không nghe tiếng Người (x.
10,2-4).
Như
vậy, Đức Giêsu đã tóm tắt cho Philatô về ý nghĩa của sứ mạng của Người, về lý
do khiến Người sinh ra đời và khiến Người đến trong thế gian. Đây là một câu
tóm rất ngắn, nhưng khá đầy đủ, đầy gợi ý, đặc biệt với lời nhắc đến cuộc chào
đời. Lời nhắc này quan trọng vì cho phép ta hiểu được Đức Giêsu là ai. Quả thế,
khi gặp Người, ta không thể không tự hỏi Người từ đâu đến và xuất xứ của Người
là thế nào.
Câu
trả lời của Đức Giêsu cho Philatô cũng rất rõ. Ta không thể biết Người nếu
không thay đổi thái độ và lấy lập trường. Do đó, đến cuối lời tuyên bố, Đức
Giêsu tìm cách lôi kéo kẻ đang nghe Người vào: “Ai đứng về phía sự thật thì
nghe tiếng tôi” (c. 37). Philatô sẽ phản ứng như thế nào?
Philatô
lại khởi đi từ phần cuối của lời tuyên bố của Đức Giêsu và nêu một câu
hỏi nhằm được giải thích: “Sự thật là gì?” (c. 38). Với câu hỏi này, Philatô
tránh trả lời và ông phản ứng như một nhà chính trị. Bằng câu hỏi này,
hoặc nhằm diễn tả một hoài nghi (ai có thể biết được sự thật chứ?), hoặc
một lời chế nhạo (sự thật thì quan trọng gì?), ông đã cắt đứt cuộc đối
thoại.
Dù
sao, các trao đổi giữa Philatô và Đức Giêsu cho thấy là sứ điệp của Người lúc
đầu đã được ưu tiên gửi đến cho dân Do Thái, nhưng họ đã từ khước, nay vượt
biên giới tôn giáo để đến với Dân ngoại, có đại diện là quan Philatô.
+ Kết luận
Mặc
dù đây là khoảnh khắc lạ lùng, Philatô cũng nhận được một lời loan báo
Đức Giêsu gửi cho ông. Rất có thể cuộc đối thoại sẽ đưa Philatô đến chỗ nhận
biết Đức Giêsu, Đấng đã nói: “Tôi là sự thật” (14,6), nhưng Philatô chưa đủ
chín để nhận ra điều này. Dù sao, đề tài “sự thật” là một đề tài rất quan trọng
trong TM IV. Đây không phải là một
khái niệm trừu tượng, một phạm trù, hoặc chỉ là một ý tưởng,
nhưng là một con người. Sự thật là con người mà Philatô đang thấy trước
mặt. Và sự thật là điều mà Philatô không sao hiểu nổi. Để có thể đón nhận lời
chứng của Đức Giêsu và hoạt động của Người trong tư cách là vua, người ta phải
mở lòng ra với Thiên Chúa. Philatô đã không thể hiểu được ý nghĩa đầy đủ của
lời Đức Giêsu đáp, và ông cũng không muốn hiểu. Đối với ông, làm sáng tỏ các
tương quan sức mạnh là đủ khi thi hành nhiệm vụ quan tòa, Philatô đã chấp nhận
rằng Đức Giêsu nói với ông về nhiệm vụ của ông. Nhưng ông đã khép mình lại
trước lời chứng của Đức Giêsu về Thiên Chúa.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Có
những bức tranh diễn tả Đức Kitô Vua: một người với gương mặt nghiêm khắc, thậm
chí giận dữ, ngồi trên một cái ngai, bên cạnh có các thiên thần, cũng có gương
mặt lạnh lùng và căng thẳng sẵn sàng đáp ứng mọi ước muốn của Người, y như các
vệ sĩ! Các nghệ sĩ đã cho thấy Đức Giêsu giống như một vị vua trần thế, mà mọi
người phải kính trọng, sợ hãi, vâng phục, luôn luôn phải cong lưng cúi đầu.
Thật đáng tiếc, nếu lầm lẫn vương quyền của Đấng Mêsia với vương quyền của thế
gian này. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy một hình ảnh khác hẳn.
2.
Vương quyền của Đức Giêsu không thể mô tả được bằng các từ ngữ nói về quyền
vương đế nhân loại. Vương quyền của Người được xác định bằng cách đặt liên hệ
với thế giới khác, thế giới chúng ta mà Đức Giêsu đến sống để làm chứng, và như
thế Người đóng vai trò trung gian và đưa thế giới của Thiên Chúa vào ngay trong
lòng một thế giới nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Quyền làm vua của
Người, Đức Giêsu hành xử khi lôi kéo loài người khỏi sự chết để đưa họ vào
trong nhà Cha (x. 12,31-32). Người hành xử vương quyền khi Người hy sinh mạng
sống (x. 17,1-2).
3. Khi làm chứng về sự thật, Đức Giêsu cũng làm chứng về
chính mình, vì Người là sự thật, Người đến mang sự thật cho thế gian (8,14.18;
14,6). Khi đi rao giảng Tin Mừng, Người đã làm chứng về sự thật, và đây chính
là nguyên nhân đưa Người tới chỗ chết: như vậy, chính vào thời điểm quyết liệt
này mà Người làm chứng rõ nhất về sự thật. Đây là chân lý về lòng trung thành
và từ bi thương xót của Thiên Chúa muốn cứu độ nhân loại.
4. Chúng ta không thể quên rằng đức vua chúng ta là một
vị vua chỉ có vòng gai trên đầu. Chúng ta không thể quên rằng chúng ta là
thần dân của một vương quốc “không thuộc về thế gian này”, không mang
đặc tính của “đất”. Do đó, làm chứng về Tin Mừng, về Đức Kitô, cũng chính là
làm chứng rằng Đức Kitô, Vua chúng ta, là một vị vua đã bị kết án tử hình, bị
đánh đòn, phải đội vòng gai, và sẽ bị đâm thủng cạnh sườn, để giới thiệu về tình
yêu hết sức lạ lùng của Thiên Chúa. Quả thật, Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta
thấy vị Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô bờ bến và muốn đón nhận chúng ta vào
trong sự hiệp thông trong đó Ngài đang sống với Con. Đức Giêsu muốn đưa chúng
ta đến sống với Chúa Cha bằng sự sống mà chính Người đang sống, để chúng ta có
được sự an toàn, niềm vui thâm sâu, trong tương lai vững bền. Đây là nội dung
của lời chứng chúng ta phải công bố trong lòng thế giới.
Lm FX Vũ
Phan Long, ofm