CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN B

Lễ Đức Giê-su Ki-tô Vua Vũ Trụ

Đn 7,13-14 ; Kh 1,5-8 ; Ga 18,33b-37

 ĐỂ NÊN THÀNH VIÊN TRONG VƯƠNG QUỐC CỦA VUA GIÊSU

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 18,33-37

(33) Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su và nói với Người: “Ông có phải là Vua dân Do thái không?” (34) Đức Giê-su đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về Tôi?”. (35) Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do thái sao? Chính dân của ông và các thương tế đã nộp ông cho tôi. ông đã làm gì?” (36) Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho dân Do thái. Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này”. (37) Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là Vua sao?” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là Vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: Đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”.

2. Ý CHÍNH: Trước tòa án của quan Tổng Trấn Phi-la-tô, Đức Giê-su đã cho ông biết về Vương Quốc của Người. Vương Quốc ấy thiêng liêng và không thuộc về thế gian, không có quân đội và không biên giới. Đức Giê-su cũng khẳng định Người là Vua, nhưng là vị Vua Thiên Sai, đến để làm chứng cho sự thật. Thần dân của Người là những ai sẵn sàng tin theo sự thật của Người.

3. CHÚ THÍCH:

- C 33-34: + Ông Phi-la-tô trở vào dinh, cho gọi Đức Giê-su: Đức Giê-su đã bị dân quân Đền thờ bắt tại vườn Cây Dầu vào đêm thứ Năm sau bữa tiệc ly Vượt Qua mừng trước. Sau khi bị bắt Đức Giê-su đã bị tòa án tôn giáo xét xử và bị thương tế Cai-pha kết án tử hình(x Ga 18,19-24). Tuy nhiên vì các đầu mục Do thái đã bị người Rôma truất quyền kết án tử hình (x. Ga 18,31), nên sáng hôm sau, họ đã giải Đức Giê-su đến dinh quan Phi-la-tô để yêu cầu ông này kết án tử hình cho Đức Giê-su. Họ đứng ngòai sân chứ không vào trong nhà để tránh bị ô uế theo Luật, mà ai vi phạm sẽ không được ăn mừng lễ Vượt Qua (x Ga 18,28b). Quan Phi-la-tô đã phải ra ngòai hành lang để gặp họ. Sau khi biết rõ ý họ muốn, Phi-la-tô đã vào trong phòng thẩm vấn Đức Giê-su + “Ông có phải là Vua dân Do thái không?”: Người Do thái đã tố cáo gian cho Đức Giê-su tội phạm chính trị là xưng mình là Vua dân Do thái, để yêu cầu quan Phi-la-tô quy tội phản lọan và kết án tử hình cho Người. Do đó Phi-la-tô  tra vấn Người về việc này. + “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”: Đức Giê-su không trực tiếp trả lời câu hỏi của Phi-la-tô, nhưng Người gợi ý để ông tự xét lời tố cáo đó có cơ sở không hay chỉ là sự vu cáo bịa đặt?

- C 35: + Tôi là người Do thái sao?: Phi-la-tô cho biết ông không quan tâm đến những vấn đề tôn giáo, vì ông không phải là người Do thái! + Chính dân của ông và các thương tế đã nộp ông cho tôi. ông đã làm gì?: Phi-la-tô cho biết dân chúng và các đầu mục Do thái đã tố cáo như thế để yêu cầu ông xét xử. Ông hỏi Đức Giê-su đã làm gì chống lại họ để đến nỗi bị họ tố cáo như vậy?

- C 36: + “Nước tôi không thuộc về thế gian này”: Đức Giê-su không chối điều họ tố cáo, nhưng Người xác định mình không phải là ông vua trần tục. Vì Nước của Người không thuộc về thế gian này. + “nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho dân Do thái”: Lời này cho thấy sự khác biệt giữa vương quốc thế gian và Vương Quốc của Thiên Chúa. Khác về tinh thần cai trị (x. Mt 20,24-28), về hiến pháp (x. Mt 5,1-12), về điều kiện gia nhập (x. Mt 7,21), về sự vững bền (x. Mt 25,46), về tương quan giữa vua với dân (x Ga 13,12-15).

- C 37: + “Vậy ông là vua ư?”: Đặt câu hỏi này, Phi-la-tô chỉ tò mò muốn biết thêm về chức vị vua thiêng liêng trong Nước Trời của Đức Giê-su, chứ ông không nghĩ Người là vua thế tục. Phi-la-tô biết rõ Đức Giê-su không làm loạn, vì Người không có quân đội để tự vệ khi bị người Do thái vây bắt. + “Chính ngài nói: tôi là vua”: Đức Giê-su xác nhận Người là Vua. nhưng là Vua Tình Yêu, Vua Mục Tử: Người hiểu biết từng con chiên (x. Ga 10,14), nuôi dưỡng đàn chiên (x. Ga 10,3), đi tìm chiên lạc (x. Ga 10,16), bảo vệ đàn chiên và sẵn sàng hy sinh tính mạng cho đàn chiên (x. Ga 10,11.15). Tóm lại, Người đến “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10,10). + “Tôi đã đến thế gian là để làm chứng cho sự thật”: Sứ mệnh của Đức Giê-su là đến để làm chứng cho sự thật. ** làm chứng theo tiếng Hy Lạp nghĩa là tử đạo. Đức Giê-su làm chứng cho sự thật bằng việc đổ máu ra vì yêu nhân loại đến cùng ** Sự thật không có nghĩa là không gian dối, nhưng chính là Tin Mừng Nước Trời mà Người loan báo. Sự Thật ấy cũng là mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, đã được biểu lộ qua cuộc đời, lời rao giảng và nhất là trong biến cố Tử nạn và Phục sinh của Đức Giê-su. + Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi”: Đức Giê-su đến không những để cứu độ dân Do thái là dân được Thiên Chúa ưu tuyển, mà Người còn đến cứu mọi dân nước tin vào Tin Mừng của Người và gia nhập vào Nước Trời là Hội Thánh hôm nay và là Thiên Đàng mai sau.

4. CÂU HỎI:

1)Tại sao các đầu mục Do Thái lại giải Đức Giê-su đến tòa án của quan Phi-la-tô?

2) Tại sao người Do thái không vào trong nhà làm cho quan Phi-la-tô phải đi ra ngòai hành lang để tiếp họ đứng dưới sân?

3) Đức Giê-su cho Phi-la-tô biết Nước Trời do Người thiết lập có những đặc tính nào khác với nước thế gian?

4) Khi hỏi Đức Giê-su: “Ông là Vua ư?”, Phi-la-tô có tin những lời các đầu mục Do thái tố cáo Đức Giê-su không?

5) Đức Giê-su nhận mình là Vua nhưng chức vị này có những phẩm chất nào?

6) Đức Giê-su đến để “Làm chứng cho Sự Thật” nào và làm chứng bằng cách nào?

7) Ngòai dân Do thái ra, Đức Giê-su còn đến cứu độ những ai?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Tôi là Vua” (Ga 18,37):

2. CÂU CHUYỆN:

1) THẺ CĂN CƯỚC TRONG VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU CỦA VUA GIÊSU:

Ngày 11/11/1951 trong một bài diễn từ, Đức Thánh Cha Piô 12 đã kể lại một giai thoại. Có một phụ nữ kia rất đạo đức, nhưng sức khỏe quá yếu ớt. Cô ta bị chứng sưng màng phổi và rất khó thở. Lâu lâu căn bệnh tái phát làm cô rất đau đớn. Nhưng cuối cùng cô cũng lập gia đình, mang thai và chờ ngày sinh nở. Bất hạnh bất ngờ ập đến. Căn bệnh năm xưa tái phát trầm trọng. Các bác sĩ đề nghị phải hủy bỏ thai nhi để bảo toàn tính mạng cho người mẹ. Người chồng cũng đồng ý như thế. Cô đã cầu nguyện trong nhiều ngày và kiên quyết từ chối lời đề nghị của bác sĩ. Cô nói trong nước mắt: “ Tôi không thể giết con của tôi. Con tôi phải sống, cho dù tính mạng tôi có ra sao đi nữa”. Cô ta chấp nhận tình huống xấu nhất có thể xảy ra và phó thác hoàn toàn cho Chúa. Cuối cùng cô đã sinh được một bé gái kháu khỉnh, nhưng sau đó sức khỏe của cô ngày càng suy kiệt. Hai tháng sau, người phụ nữ tắt thở, trên tay vẫn ôm chặt lấy đứa con mà cô ta hết lòng thương mến.

Hơn hai mươi năm trôi qua, người ta thấy một nữ tu trẻ rất xinh đẹp đang ân cần chăm sóc cho các cháu bé mô côi trong một trại tế bần. Vòng tay thân thương và cặp mắt long lanh của vị nữ tu sáng rực lên nét yêu thương mà chị đã được truyền thụ lại từ chính người mẹ của mình. Đó là  người phụ nữ năm xưa đã chấp nhận hy sinh tính mạng để cho con bà được sống. Người mẹ can đảm này đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 tôn phong Chân phước, bởi vì bà đã thực sự đi vào Vương quốc tình yêu theo dấu chân của Đức Giêsu. Chính Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo 2 đã nói: “ Một đất nước nào, một chế độ nào cho phép con người sát hại lẫn nhau, thì đất nước đó, chế độ đó đang đi tới hủy diệt”. Đó là một đất nước đi ngược lại hiến pháp của Vương quốc Giêsu. Sống trong Vương quốc này, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta phải sống với một nền văn minh mới, đó là ‘nền văn minh của tình thương’. Mẹ Têrêsa Calcutta cũng đã từng nói: “ Một người mẹ nhẫn tâm giết chết con của mình, thì không còn một thứ tội ác nào mà họ không dám làm”. Biết bao tội ác nhan nhản đang xảy ra trong xã hội hôm nay vì người ta đang dần đánh mất đi thẻ ID (identity card) để chứng minh mình là công dân Nước Trời.

2) CHỈ ĐỨC GIÊSU MỚI LÀ VUA TRÊN HẾT CÁC VUA, CHÚA TRÊN HẾT CÁC CHÚA:

Lịch sử nước Anh có câu chuyện về một ông vua có lòng khiêm nhường và đạo đức tên là KÊ-NẮT Đệ Tam (CANUT III). Là vua của một cường quốc, nên chung quanh ông ta lúc nào cũng có những nịnh thần nói lời ca tụng, tâng bốc. Một hôm, trong một buổi triều yết, các nịnh thần đã nịnh hót nhà vua như sau: “Muôn tâu thánh thượng! Thánh thượng là vua trên hết các vua, là chúa trên hết các chúa”.-“Thánh thượng có toàn quyền cả trong đất liền cũng như ngòai biển cả bao la!”

Nghe vậy, nhà vua muốn dạy cho quần thần một bài học, nên đã mời tất cả quan chức triều đình cùng đi du lịch đến một bãi biển dành riêng cho hoàng gia. Khi mọi người đều theo sau nhà vua xuống bãi tắm đang có các cơn sóng vỗ rì rào, nhà vua liền tuyên bố: “Hỡi biển cả kia. Nhiều người nói ta là vua trên hết các vua, là chúa trên hết các chúa, có quyền trên đất liền và trên biển khơi. Vậy hỡi biển cả hãy nghe đây: Ta truyền cho sóng biển không được tràn tới nữa!”. Nhưng dù nhà vua đã ra lệnh, mà nước biển vẫn cứ từng đợt thi nhau đổ tới tấp lên bãi cát làm ướt cả áo cẩm bào của nhà vua cùng quần áo quan chức triều đình! Sau đó nhà vua dẫn quần thần đến một nhà nguyện gần đó. Vua quì gối trước tượng Thánh giá Chúa Giê-su, lấy ra chiếc vương miện bằng vàng đội lên đầu Chúa và cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa Giê-su. Chỉ có Chúa mới là “Vua trên hết các vua”, là “Chúa trên hết các chúa”. Chỉ có Chúa mới “có quyền trên cả đất liền cũng như biển khơi” Con xin ngợi khen Chúa. AL-LÊ-LU-IA!”.

3. THẢO LUẬN:

1) Mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì để Chúa Giê-su làm Vua gia đình mình?

2) Chúng ta cần làm gì để có thẻ căn cước trong Vương Quốc của Vua Giêsu ?

4. SUY NIỆM:

Ngày nay quân chủ hầu như đã trở nên xa lạ đối với nhân loại. Trên thế giới hiện nay chỉ còn một ít nước Âu Á như: Anh quốc, Tây Ban Nha, Bỉ, Hòa Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia… vẫn duy trì chiếc ghế của vua chúa hay nữ hoàng, nhưng chỉ mang tính tượng trưng theo truyền thống chứ không có thực quyền. Thay vào đó, chế đọ dân chủ đã được hầu hết các quốc gia áp dụng. Con người càng văn minh lại càng muốn sống bình đẳng và không muốn kẻ khác đè đầu đè cổ mình. Như vậy Hội Thánh mừng lễ Chúa Kitô làm Vua liệu có gây ra dị ứng nơi tâm thức của con người ngày nay, đặc biệt nơi giới trẻ hay không? Đức Giêsu có thực sự là Vua hay không và ta phải làm gì để được vào Nước Trời của Vua Giêsu ?

1) Đức Giêsu thực sự là Vua Mục Tử:

Qua bài Tin mừng hôm nay, Philatô đã đặt ra nhiều câu hỏi về điều mà các người đầu mục Do thái tố cáo: “Ông có phải là Vua dân Do thái không?”. Người đã trả lời ông ta: “ Chính ông nói tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về sự thật thì nghe tiếng tôi”. Qua đó, Đức Giêsu đã khẳng định Người chính là Vua, và đến thế gian để thiết lập một Vương quốc sự thật.  Philatô không hiểu nên hỏi lại: “Sự thật là gì?” . Sở dĩ ông không hiểu sự thật của Chúa vì ông không phải là thần dân của vương quốc Sự Thật mà Người thiết lập (x. Ga 18, 33-38).

2) Vương quốc của Đức Giêsu là “Vương quốc Sự thật”:

Tin mừng Gioan, Chúa Giêsu đã nói khá nhiều về Vương quốc Sự Thật mà chính Người sẽ khai mở. Khi nói chuyện với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp, Đức Giêsu đã vén mở một phần về Vương quốc sự thật ấy: “ Thiên Chúa là Thần khí và những kẻ thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong Thần khí và sự thật” (Ga 4, 24). Cũng vậy trong bữa tiệc ly để giã từ các môn đệ, Đức Giêsu đã khẳng định: “ Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Người đến để chúng ta là thần dân của Người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Người cũng cho Philatô biết về nước Trời của Người: “Nước tôi không thuộc thế gian này”(c 36). Tuy nhiên, chính Philatô sau đó đã cho treo một tấm bảng gắn trên đầu cây Thập giá với hàng chữ: “Giêsu Nazareth, vua dân Do thái”. Qua đó ông đã chính thức công bố sự thật này là: Đức Giêsu là Vua của dân Do Thái và là Vua của toàn thể Vũ trụ.

3) Điều kiện để được vào Nước Trời là sống giới răn yêu thương cụ thể:

Vua Giêsu đã đảo lộn mọi bậc thang giá trị của con người khi cho biết trong Nước Trời: “Ai muốn làm lớn nhất thì phải trở nên người bé nhất” noi gương Người, Đấng “đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến ban sự sống cho nhiều người” (Mc 10,45).

Vương quốc mà Chúa Giêsu thiết lập là Vương quốc của tình yêu, và chỉ những ai sống tình yêu thương mới đủ điều kiện gia nhập vào Nước ấy như Người sẽ nói với người lành trong ngày phán xét: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25,34-36). “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã cho biết tình yêu đích thực là thái độ sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình: “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng mối tình của người hiến ban mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15, 13). Tình yêu của Chúa còn là khiêm hạ phục vụ tha nhân, noi gương Đức Giêsu đã quì xuống rửa chân cho môn đồ. Sau đó Người dạy họ: “ Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14). Đức Giêsu cũng đề ra Hiến Pháp của Nước Trời là Bản Hiến chương Nước Trời hay Tám Mối Phúc Thật, trong đó, Người đòi hỏi điều kiện để được gia nhập Nước Trời như sau: Phải sống khiêm hạ và đơn giản, ứng xử hiền lành, chịu đau khổ bệnh tật, ước ao nên trọn lành, có lòng thương xót người khác, có tâm hồn thanh sạch, luôn gây thuận hòa với tha nhân, sẵn sàng chịu bách hại vì đức tin...

4) Sống theo Chúa là làm chứng cho Sự Thật và sống yêu thương phục vụ:

a) Kitô hữu là những người chọn bước theo chân Đức Giêsu Kitô, đi trên con đường của Ngài, con đường sự thật. Vậy chúng ta phải làm gì để làm chứng cho sự thật, nhất là trong bối cảnh hôm nay, khi sự giả dối ngày càng chiếm ưu thế. Trước hết, phải sống đúng sự thật, theo sự mách bảo của Chúa Thánh Thần qua tiếng lương tâm. Vì có lẽ chưa bao giờ sự tha hóa trong cung cách làm ăn buôn bán của người Việt nam chúng ta lại bị xuống cấp như hôm nay. Chưa bao giờ vì mưu sinh, muốn làm giàu mau lẹ mà người ta đã dùng mọi thủ đoạn, bỏ qua lòng đạo đức, tiếng lương tâm, để buôn bán hàng gian hàng giả gây nguy hại cho sức khỏe của đồng bào của mình: Ra đường thì dễ bị cán phải đinh do “đinh tặc” rải có thể bị té ngã chết người, dắt xe đi vá thì bị “chặt” với giá “cắt cổ”. Khi đổ xăng thì không chỉ bị gian lận số lượng mà còn gặp phải nạn xăng dổm gây cháy xe. Ra chợ thì mua phải thực phẩm pha chế các thuốc có thể gây ung thư; không ít quán ăn làm ra thực phẩm thiếu vệ sinh để bán cho thực khách, nhiều người chết vì uống nhầm rượu dm hay áo ngực của phụ nữ nhập từ Trung Quốc có chứa chất độc nguy hại gây ung thư da cho người tiêu dùng...

b) Ngoài ra chúng ta phải biết dùng lời nói chân thật, khiêm tốn và khoan dung nhân hậu để đem lại sự an vui thuận hòa, để yêu thương và tha thứ, để bênh vực và che chở, để quan tâm nâng đỡ và khích lệ, đồng thời sẵn sàng để cho người khác trổi vượt hơn mình thì tâm hồn chúng ta mới thực sự nên cao đẹp và an bình. Hãy năng đọc hay hát bài Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô, rồi quyết tâm thực hành để nên chứng nhân hữu hiệu cho Chúa hôm nay.

5. NGUYỆN CẦU

- LẠY CHÚA GIÊ-SU: Ngày nay các bạn trẻ thường hay chọn cho mình một thần tượng để tôn sùng và bắt chước: Người thì mê vua bóng đá Pê-lê; Có người lại chạy theo vua nhạc Rốc Mai-côn Giắc-sân (michael jackson). Có những cô gái cố trang điểm, ăn mặc giống như cô ca sĩ này, hay người mẫu nọ... còn chúng con là môn đệ của Chúa, chúng con có Chúa là vị thần tượng ưu việt duy nhất. Ước chi chúng con nói được như thánh Phao-lô: “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô” (Pl 1,21)- Từ nay “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

- Lạy Chúa. Xin giúp chúng con biết noi gương Chúa là Vua của sự thật. Xin cho chúng con biết yêu sự thật và nói thật để mưu ích cho tha nhân, (nhưng không phải mọi sự thật đều nên nói ra). Xin cho chúng con tránh những lời dối trá lừa đảo. Trong giao tiếp xã hội, xin cho chúng con tránh thái độ đạo đức giả của các người Pha-ri-sêu và kinh sư đã bị Chúa nặng lời quở trách (x. Mt 23,13-36). Trong quan hệ làm ăn buôn bán, xin giúp chúng con biết buôn ngay bán thật, không nói rước nói thách, không làm hàng gian hàng giả, không cư xử bất công lường gạt người nhẹ dạ dễ tin. Xin Chúa giúp chúng con luôn trung thực trong lời nói việc làm, để xứng đáng là công dân trong Nước Trời của Vua Giê-su, Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Xin cho chúng con trở thành khí cụ bình an của Chúa để đưa nhiều người về làm con Chúa trong đại gia đình Hội Thánh.

X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B