ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ VUA
(Ga 18, 33b- 37)
1. Tóm Lược Ý Chính
Bài Đọc Một: Đn 7, 13- 14
Trong
bài đọc một hôm nay, chúng ta rút ra hai ý chính:
Thứ nhất: Con
Người ngự giá mây trời mà đến và được dẫn tới trình diện Đấng Lão Thành. Thứ hai: Đấng Lão Thành trao cho Người
quyền thống trị, vinh quang và vương vị. Quyền thống trị của Người là quyền
vĩnh cửu và vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.
Bài Đọc Hai: Kh
1, 5- 8
Có ba
điểm trong bài đọc hai này:
Thứ nhất là
các tước hiệu của Đức Kitô: Đức Kitô là vị chứng nhân trung thành, là trưởng tử,
là thủ lãnh mọi vương đế trần gian. Thứ
hai: Đức Kitô yêu mến chúng ta. Ngài đã yêu thương và tẩy rửa chúng ta sạch
mọi tội lỗi, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự
Thiên Chúa là Cha của Người. Thứ ba:
Thiên Chúa vĩnh cửu. Ngài là Anpha và Omega, Đấng hiện có, đã có và đang đến,
là Đấng toàn năng.
Bài Đọc Tin Mừng (Ga
18, 33b- 37)
Bài
Tin Mừng hôm nay đưa ra cho chúng ta hai hình ảnh:
Hình ảnh
thứ nhất là Quan Philatô: Khi dân Do thái và các tư tế nộp Đức Giêsu cho
quan, ông ta đã hỏi Đức Giêsu: ông có phải là vua dân Do thái không? Và câu hỏi
thứ hai quan Philatô đã đặt ra cho Chúa Giêsu cũng mang cùng ý hướng trên: Vậy
ông là vua sao? Hình ảnh thứ hai là
Đức Giêsu: trước câu hỏi của quan Philatô, Đức Giêsu đã lấy lại chính câu hỏi để
trả lời: chính ngài nói rằng tôi là vua, nhưng nước tôi không thuộc về thế gian
này. Tôi đã sinh ra và đến thế gian để làm chứng cho sự thật; ai đứng về phía sự
thật thì nghe tiếng tôi.
2. Suy Niệm
Giáo
hội dành tuần cuối cùng của Năm Phụng Vụ để mừng kính Chúa Giêsu Vua. Thánh lễ
này được đức giáo hoàng Pio XI thiết lập vào ngày 11/12/1925, sau chiến tranh
thế giới thứ nhất. Có lẽ, khi thiết lập thánh lễ này, đức giáo hoàng Pio XI muốn
nói lên hai điều:
Thứ nhất: Khi
con người tự “xưng hùng xưng bá” thì
hệ luận của nó là bạo quyền, bốc lột, đàn áp, trục lợi, xâu xé lẫn nhau. Thứ
quyền bính mà người ta khoác lên mình luôn có nguy cơ là bức bình phong che đậy
sự tham lam bất chính, và biến người khác thành phương tiện phục vụ cho sự ích
kỷ của mình. Thứ hai: Khi tôn Đức
Giêsu là Vua, vị vua của tình yêu, bao dung và tha thứ, con người sống đúng với
vai trò của mình, cũng như dễ có thái độ hiền hòa và yêu thương lẫn nhau. Nhờ
đó, chiến tranh sẽ được đẩy xa, hận thù được lột bỏ và tình yêu sẽ lên ngôi.
Vâỵ
thánh lễ Chúa Giêsu Vua hôm nay, chúng ta cùng nhau suy niệm hai điểm sau:
a. Vương Quốc Của Đức Giêsu Không Thuộc Về
Thế Gian Này.
Khi
Philatô hỏi Đức Giêsu: “Ông có phải là
vua dân Do thái không?”, thì Đức Giêsu đã trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian
này, thì thuộc hạ của tôi sẽ chiến đấu không để tôi bị bắt như thế này” (Ga
18, 36). Như thế, vương quốc của Đức Giêsu khác hẳn với ý niệm vương quốc của
con người thời nay, bởi vì, vương quốc của ngài được xây dựng trên tình thương
và sự thật. Ngài nói: “Tôi đã sinh ra và
đến thế gian này để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng
tôi” (Ga 18, 37). Vậy sự thật là gì? Nhìn dưới khía cạnh đạo đức thì sự thật
là nhận biết Thiên Chúa Cha và nhận biết Người Con mà Cha sai đến là Đức Giêsu
Kitô. Đó là nền tảng đức tin kitô giáo. Chúng ta không thể xây dựng một cuộc sống
an hòa và hạnh phúc nếu không đặt nền móng nơi Đức Kitô (x. Cl 2, 7). Bởi vì,
thiếu vắng chiều kích này, tâm hồn con người sẽ trống rỗng, sẽ là môi trường
thuận lợi cho những “ký sinh trùng” của
sự ích kỷ phát triển.
Dĩ
nhiên, sống trong một xã hội mà nói dối và lộc lừa đã trở nên căn bệnh kinh
niên, thì việc sống theo sự thật không đơn giản chút nào. Người thành thật luôn
chịu thua thiệt và bị coi là khờ dại vì không “uốn theo chiều gió”; còn những kẻ ranh ma, lộc lừa lại được ca tụng
là khôn ngoan và hợp đời. Tuy nhiên, con người không thể bước vào vương quốc của
Đức Kitô nếu chưa xây dựng đời mình trên
sự thật: sống theo sự thật là tấm hộ chiếu cho những ai muốn bước vào vương quốc
tình yêu của Ngài. Đàng khác, sống theo sự thật sẽ giúp mỗi người thoát khỏi những
vướng bận thấp hèn, khỏi những lộc lừa gian dối để được hoàn toàn tự do sống
theo ân sủng của Chúa. Đức Kitô đã khẳng định: “sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8, 32).
b. Đức Kitô- Vua Tình Yêu
Thánh
Gioan đã nói thật chính xác: “Thiên Chúa
là tình yêu” (1Ga 4, 8); những gì Chúa Giêsu làm cho con người đều gói gém
trong hai chữ: tình yêu. Vì yêu, Ngài đã khước từ ving quang, mặc lấy thân nô lệ,
trỡ nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, vâng lời cho đến chết và chết
trên thập giá để cứu độ con người (Pl2, 6- 11). Cũng vì yêu, Ngài đã không ngần
ngại đồng bàn với người tội lỗi, quân thu thuế và gái điếm để cứu chữa họ. Cho
nên, vương quốc mà Ngài thiết lập cũng không đi ra ngoài quỹ đạo này. Đây không
phải là một thứ tình yêu “bàn giấy”, nhưng là một tình yêu dẫn đến phục vụ: “Con Người đến không phải để được phục vụ,
nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc
10, 45).
Trong
chiều hướng đó, Đức Giêsu cũng đang mời gọi chúng ta hãy để cho Ngài thiết lập
vương quốc tình yêu nơi tâm hồn mỗi người: hãy để cho Ngài chiếm hữu đời mình
và thanh luyện bản thân. Có thế, tâm hồn
chúng ta mới có được bình an địch thực và khả năng mở ra với người khác
để phục vụ. Thiên Chúa không muốn chúng ta tự đóng kín tâm hồn mình, vì nó có
nguy cơ làm chết gộp đời sống tâm linh và khả năng yêu thương. Nói cách khác,
Ngài mời gọi chúng ta hãy mở ra cho Thiên Chúa và anh chị em. Bởi vì, vương quốc
của Đức Kitô không có biên cương, không có rào chắn, nhưng luôn được mở ra cho
tất cả mọi người. Nơi đó, mọi người có thể bước vào và được Thiên Chúa mở rộng
vòng tay đón nhận.
Montfort Nguyễn Xuân Pháp. Ocist