PHẢI TỈNH THỨC LUÔN
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
CHÚA
NHẬT I MÙA VỌNG, năm B
Mc 13,
33-37
Tôi mới xức dầu và cử hành lễ an táng cho một
người ở một khu kinh tế mới.Đúng là kỳ diệu.Đúng là có bàn tay Chúa bởi vì ông
Thinh đã có vợ và cả hai ông bà đã sinh được ba cậu con trai tốt lành.Ông đã có
dâu và một đứa cháu nội.Thế nhưng hai ông bà đã bỏ nhau 21 năm. Bà lại đi với
nguồi khác.Thế rồi, người chồng không hôn thú của chị vợ ông Thinh bỗng dưng
chia tay với chị.Còn ông Thinh, Chúa gửi cho ông một căn bệnh nan y.Trong cơn
hấp hối, ông muốn gặp lại chị Thinh và trong những giây phút cuối cùng,ông đã tha thứ cho vợ tất cả. Ông còn rất tỉnh, tỉnh như
năm cô trinh nữ mang đèn mà còn mang dầu dự trữ theo.
Cuộc đời của con người là một cuộc đợi chờ, đợi chờ trong tỉnh thức, đợi chờ trong
niềm tin, hy vọng...
Cuộc đời con người là một sự đợi chờ liên lỉ. Ai mà chẳng đợi chờ. Có những việc đợi chờ làm con người sốt
ruột, nôn nao, căng thẳng. Có những sự đợi chờ làm con người vui tươi, hạnh
phúc như chờ đợi kết quả cuộc thi mà ta nắm chắc đậu một trăm phần trăm hay chờ
đợi mẹ đi chợ về mua quà, mua đồ chơi cho ta. Tất cả đời người đều là một cuộc
đợi chờ : đợi chờ trong hy vọng, đợi chờ trong niềm
tin và đợi chờ trong thất vọng ê chề. Mùa vọng là mùa đợi
chờ. Các Kitô hữu hướng về niềm vui gần mong đợi ngày giáng sinh, ngày
Chúa đã đến để khai mở Nước Thiên Chúa và hướng về ngày cùng tận, ngày cánh chung, Chúa sẽ đến để phán xét kẻ lành kẻ dữ.
Tin Mừng thánh Marcô căn dặn
:” Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào
thời ấy đến “. Chúa lay tỉnh con người, Chúa nói với
con người phải tỉnh thức. Ở đây, tỉnh thức có nghĩa là mau mắn, sẵn sàng, không
được thụ động ngủ vùi. Thái độ tỉnh thức phải là thái độ của
năm cô trinh nữ khôn ngoan, mang đèn nhưng còn cẩn thận mang cả dầu nữa…Tỉnh
thức như người đầy tớ thức trắng đêm vì ông chủ trở về bất ngờ. Tỉnh thức làm lợi như người được chủ giao 5 nén, 2 nén và 01 nén.
Tỉnh thức như cụ già trong một câu chuyện : “ Hằng
ngày ông cụ cứ ngồi trên xích đu mà chờ Chúa đến “. Chúa đến đột xuất, bí mật,
bất ngờ nên Kitô hữu luôn phải có thái độ sẵn sàng để đón chờ Chúa đến. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia cầu khẩn, van
nài cùng Thiên Chúa :” Vì tình thương…xin Ngài mau trở
lại. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống “. Đây là ước mong, là khát vọng của mọi người. Con người, loài
người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, nên con người mong chờ ơn cứu
chuộc của Chúa. Bài đọc II, thánh Phaolô đã cảm tạ Chúa vì Chúa thương ban cho
cộng đoàn Corintô dồi dào ơn Chúa trong khi mong chờ Chúa Kitô tái giáng lâm,
và thánh Phaolô cũng khuyên nhủ họ tiếp tục sống tốt, tuân theo lời Chúa để
khỏi bị Chúa khiển trách khi Chúa Kitô lại đến. Do đó, Tin Mừng hôm nay kêu mời
con người phải có thái độ tích cực tỉnh thức, nghĩa là phải trở về với lòng
mình, phải trở về với Chúa để gặp Ngài và luôn phải bám chặt lấy Ngài.
Chờ đợi Chúa không có nghĩa là cứ đọc dăm câu
kinh hay đi nhà thờ cho có lệ là đủ rồi, là nắm chắc phần thắng Nước Trời thuộc
về mình. Ngôn sứ Isaia kêu mời những con người tội lỗi hãy mạnh dạn quay về với
Thiên Chúa bởi vì chính vị ngôn sứ đã níu chặt lấy Chúa, van nài Chúa tha thứ
lỗi lầm cho dân. Tỉnh thức ở đây không có nghĩa là khi chủ về
thì họ đã mệt mỏi, nên li bì ngủ tiếp. Tỉnh thức ở đây
là người tín hữu phải dọn mình xứng đáng để chờ gặp Chúa. Quả thực, Chúa
đã đến và Chúa đang ở giữa nhân loại, ở giữa chúng con, hằng giây hằng phút
Chúa hằng mong muốn đến với chúng con và ở với chúng con kia mà. Vấn đề của
chúng con, của người môn đệ Chúa có chuẩn bị đón tiếp Chúa, có sẵn sàng để Chúa
ở với mình hay không? Chỉ có một cách chờ đợi tốt nhất là
tỉnh thức và cầu nguyện. Điều làm người môn đệ xa Chúa là không ý thức,
không chuẩn bị, ngủ mê trong những ích kỷ, ươn hèn, lười biếng của mình bởi vì
người môn đệ, loài người quá yêu mình đến nỗi đã quên Chúa, đã mất ý thức về
Chúa.
Để chờ đợi Chúa đến, các Kitô hữu phải có tâm
tình thống hối thật sự, phải biết biến đổi nội tâm, tái Phúc Âm tâm hồn và biết
làm những việc tốt đẹp theo con đường của Chúa. Người mộn đệ Chúa phải biết đọc
ra những dấu chỉ của thời đại, phải biết nhận diện Chúa trong từng phút giây
của cuộc sống, nhận rõ Chúa vì chỉ có Chúa mới là nguồn sống, là thuẫn đỡ chở
che, là gia nghiệp đời đời của con người. Nhận rõ Chúa cũng có nghĩa là từ bỏ
con người xấu xa tội lỗi để mặc lấy Chúa Kitô và như thánh Phaolô
:” Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Nhận ra Chúa là biết từ bỏ những dục vọng, những ham mê, những ham
muốn bất chính, những tham lam mù quáng lôi kéo con người xa Chúa.
Nhiều Kitô hữu được rửa
tội nhưng lại không hiểu biết giáo lý sâu xa, không hiểu thế nào là Đạo, thế
nào là Chúa. Chính vì thế, họ thiếu tỉnh thức và cầu nguyện.
Họ luôn chạy theo những trào lưu mới của thời đại, đặc
biệt thế giới đang đi tới chỗ toàn cầu hóa, con người dễ chạy theo lợi nhuận,
chạy theo tiền bạc, vật chất mà quên mất Chúa. Con người chỉ có thể gặp Chúa
khi họ sẵn sàng tỉnh thức như năm cô trinh nữ khôn ngoan và như nguời khôn xây
nhà trên đá.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết từ
bỏ những gì là không đẹp lòng Chúa để chúng con càng ngày càng trở nên xứng
đáng hơn hầu sẵn sàng đón Chúa ngự vào đền thờ tâm hồn chúng con. Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Tại sao lại phải tỉnh thức
?
2.Chúng ta có biết trước giờ
chết không ?
3.Giờ Chúa đến là giờ nào ?
4.Tại sao lại phải canh thức
như lính canh trông đợi hừng Đông ?
5.Tại sao phải dọn tâm hồn
để đón Chúa ?