CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
Anh em phải canh thức!
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô
13:33-37)
Kết thúc bài giảng về ngày tận thế, ngày “Con Người đầy quyền
năng và vinh quang ngự trong mây trời mà đến”, Chúa Giê-su dùng dụ ngôn cây vả
để dạy người ta phải nhận biết những dấu chỉ cho thấy thời điểm “Con Người đã đến
gần”. Tiếp theo, Chúa lấy ví dụ người đầy
tớ canh thức đợi chủ từ phương xa trở về, để nhắc nhở chúng ta phải làm gì
trong khi chờ đợi Người trở lại trần gian trong ngày phán xét chung.
Câu chuyện dụ ngôn về canh thức thật đơn giản nói lên những
gì kẻ canh thức phải làm. Một ông chủ có
việc phải đi xa và người ta không biết rõ ngày giờ nào ông sẽ trở về. Do đó, trước khi đi, ông đã sắp xếp cho các đầy
tớ mỗi người một việc trong khi ông vắng nhà.
Trong số những người nhận lãnh công tác ông chủ trao cho, thì riêng người
giữ cửa có công tác thật rõ ràng và giản dị.
Anh ta chỉ cần “coi chừng” và “tỉnh thức”, hai công việc phải làm của một
người canh thức đợi chủ về và mở cửa cho chủ.
Chúa Giê-su cho chúng ta biết hai lý do phải canh thức. Lý do trước hết là “vì anh em không biết
khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa
đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”. Đúng vậy,
về ngày giờ tận thế, Chúa Giê-su dạy rằng “không ai biết được, ngay cả các thiên
sứ trên trời hay cả người Con cũng không;
chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mát-thêu 24:36). Lý do thứ hai phải canh thức, là “kẻo lỡ ra
ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ”.
Từ chập tối đến tảng sáng là thời gian để người ta ngủ. Nhưng ông chủ này lại muốn người đầy tớ phải
thức để sẵn sàng đón ông lúc ông về. Tóm
lại, vì người đầy tớ không biết rõ giờ nào ông chủ về, nên anh phải “canh”, tức
là coi chừng; và vì ông chủ muốn anh ở
trong tình trạng “thức” lúc ông về, nên anh phải luôn tỉnh chứ đừng ngủ mê.
Không ai biết được ngày giờ tận thế, vậy mà lại có một số
người nói rằng họ biết rõ! Ngày xưa họ cầm
biển ngữ đi khắp nơi báo cho người ta biết vào giờ ấy ngày ấy sẽ tận thế. Ngày nay họ rao cho thiên hạ qua internet lời
tiên đoán của họ. Có người tiên đoán trời
đất tối tăm ba ngày ba đêm, hô hào người ta trữ nước, đèn pin, đèn cầy, thức
ăn… Thế là những ai nghe và tin họ đều lo cuống cuồng và có những chuẩn bị quả
thực không đúng với thái độ “đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu
chuộc” (Lu-ca 22:28). Chỉ tổ làm giàu
cho những con buôn lợi dụng thời cơ móc túi những người nhẹ dạ dễ tin! Ngược lại thái độ quá sợ hãi ngày giờ tận thế
sắp đến là thái độ ngủ say của những người bất cần Chúa đến hay không. Những người này ngủ mê, “để lòng mình ra nặng
nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lu-ca 22:32).
Sống sứ điệp Tin Mừng
Tuy “canh” và “thức” là hai công việc giản dị, nhưng nếu làm
vào thời gian từ chập tối đến tảng sáng thì quả thực không dễ chút nào
đâu! Đây là khoảng thời gian của bóng tối
đầy nguy hiểm và cám dỗ, mà bản chất chúng ta lại là yếu đuối và dễ bị ru ngủ. Vì thế Chúa Giê-su cứ lập đi lập lại với
chúng ta: “Phải canh thức!”
Nhưng những lời khích lệ của thánh Phao-lô trong bài đọc thứ
hai hôm nay (1 Cô-rin-tô 1:3-9) dạy chúng ta đừng quá lo lắng về việc anh thức
này, nếu chúng ta “hiệp thông” với Đức Giê-su Ki-tô. Vậy làm sao sự hiệp thông ấy có thể giúp
chúng ta canh thức để chờ đợi Chúa đến?
Là vì khi hiệp nhất với Chúa Giê-su, chúng ta sẽ được trở nên phong phú,
“không thiếu một ân huệ nào trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa
chúng ta, mặc khải vinh quang của Người”.
Rồi được phong phú như vậy, chúng ta sẽ “nên vững chắc đến cùng, nhờ thế
không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta”. Nói tóm lại, kết hiệp mật thiết với Chúa
Giê-su sẽ giúp chúng ta thức tỉnh chứ không ngủ mê, can đảm chống lại tất cả những
cám dỗ muốn lôi kéo chúng ta ra khỏi bổn phận phải canh thức mà Chúa Giê-su đã
nhắc nhở chúng ta trong sứ điệp Tin Mừng hôm nay.
Vậy trong mùa Vọng này, bạn sẽ làm gì để “trở nên phong phú
về mọi phương diện” nhờ biết và yêu mến Chúa Giê-su?
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi