ĐỢI TRÔNG NHƯ THẾ
NÀO?
(Chúa Nhật thứ 1
Mùa Vọng, Năm B)
Jos.
Vinc. Ngọc Biển
Năm Phụng Vụ cũ đã qua với lễ
Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, chúng ta bước vào một Năm Phụng Vụ mới được đánh dấu bằng
Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng.
Bước vào một chu kỳ Phụng Vụ mới,
mỗi người chúng ta được mời gọi sống tâm tình Mùa Vọng là Mùa trông đợi.
Tuy nhiên, có phải cứ đứng và
trông với đợi hay chúng ta phải có một hành động đợi trông xứng hợp với tinh thần
của Chúa và lời mời gọi của Giáo Hội?
Trước khi tìm hiểu ý nghĩa của
Mùa Vọng, chúng ta cùng lội ngược dòng để thấy được dân Israel đã sống sự chờ đợi
như thế nào?
Có thể nói ngay, suốt dòng lịch
sử dân tộc Israel là một cuộc chờ đợi không ngừng. Xuất phát từ hoàn cảnh bị áp bức, bóc lột trong thân phận
nô lệ tại Babylon. Nỗi khổ đau chồng chất đã thức tỉnh sự hy vọng nơi họ. Dân Israel
chờ mong một Đấng Mêsia đến để giải thoát mình khỏi cảnh tàn tạ của số phận họ
đang chịu và xây dựng một nền hòa bình, công chính, nơi đó không còn cảnh chém
giết, bóc lột, áp bức... Lời khẩn cầu xin Chúa tha thứ những tội lỗi và “băng qua các tầng trời mà ngự xuống”; hay “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây,
hãy mưa Đấng Cứu Đời” là nỗi niềm trông mong nơi dân tộc này.
Như vậy, Mùa Vọng là Mùa đợi
trông. Đợi trông ơn cứu độ của Thiên Chúa trao ban qua Đức Giêsu. Ngài đến để
ban nguồn bình an, hạnh phúc, phá tan đi sự chia rẽ, hận thù và xây dựng một thế
giới chan chứa tình yêu, một xã hội luôn được công lý ngự trị và điều khiển tâm
can con người.
Tuy nhiên, Mùa Vọng không chỉ
là Mùa đợi trông, chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh, nhưng Mùa này còn là Mùa đợi
trông Chúa đến với chúng ta trong ngày cánh chung, ngày thế mạt, ngày kết thúc
lịch sử loài người.
Ngài đến trong tư cách là vị
thẩm phán chí công để xét xử, để phân biệt tốt xấu. Lúa và cỏ lùng. Cá tốt và
cá xấu. Chiên với dê...
Mùa Vọng cũng là dịp để chúng
ta suy nghĩ về thân phận mong manh, mỏng dòn của mình để chuẩn bị cho xứng đáng
ngày Chúa đến với từng người trong ngày chúng ta rời xa trần gian để trở về với
Chúa qua cái chết của riêng mình.
Tuy nhiên, trong lối nhìn của
ân sủng, thì Mùa Vọng còn hiểu theo nghĩa mong chờ Chúa đến với chúng ta từng
ngày trong Thánh Lễ, nơi Bí Tích Thánh Thể và ngang qua tình yêu của Ngài trên
cuộc đời từng giây, từng phút...
Như vậy, dù hiểu theo nghĩa
nào, thì Mùa Vọng vẫn là Mùa trông đợi Chúa đến. Nhưng điều quan trọng là chúng
ta cần có thái độ nào trong khi trông đợi như vậy? Ngủ mê hay tỉnh thức; sẵn
sàng hay ù lỳ... ?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức
Giêsu đã soi sáng cho các môn đệ và những người đương thời với Ngài một thái độ
cần phải có khi trông chờ Chúa đến. Thái độ đó là: "Các con hãy tỉnh thức”.
Tỉnh thức như người đầy tớ canh
cửa để đón chủ về bất cứ lúc nào. Tỉnh thức là không được ngủ. Tỉnh thức
là phải sẵn sàng.
Tỉnh thức còn được ví như 5
cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn ra đi chờ đón chàng rể. Các cô không chỉ có đèn,
mà còn có cả dầu phòng bị...
Công đồng Vatican II đã diễn
tả tâm tình này trong hiến chế Lumen gentium: “... vì không biết ngày và giờ, chúng ta phải theo lời Chúa dạy, luôn tỉnh
thức, để khi cuộc đời độc nhất của chúng ta ở trên trần gian chấm dứt (x. Dt
9,27), chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người và được liệt vào số những
người được chúc phúc (x. Mt 25,31-46) chứ không như những tôi tớ khốn nạn và lười
biếng (x. Mt 25,26) sẽ bị đẩy vào lửa đời đời (x. Mt 25,41), vào chốn tối tăm,
nơi khóc lóc và nghiến răng (x. Mt 22,13 và 25,30)” (L.G. số 48)).
Thật vậy, cuộc đời của chúng
ta sống chết không hề hay biết. Chúng ta không hề biết ngày nào, giờ nào! Chỉ
biết rằng chúng ta phải qua ngưỡng cửa của cái chết. Cái chết được Kinh Thánh
hé lộ qua hình ảnh ông chủ đi ăn cưới về: có thể ông ta về lúc chập tối, nửa
đêm, gà gáy, hay ban mai, và cũng có thể là ngay chính giờ này. Cái chết cũng đến
với mỗi người như vậy. Vì thế, điều duy nhất chúng ta biết chắc chắn là sẽ phải
chết, và cái chết là ngưỡng cửa để ta bước vào cõi sống vĩnh hằng. Bởi vì cuộc
sống trên trần gian là tạm bợ, cuộc sống mai sau mới vĩnh cửu. Cuộc sống này là
nhất thời, mai sau mới tồn tại.
Thế nên, cuộc đời của mỗi
chúng ta trên trần gian này được ví như một cuộc lữ hành, một chuyến hành hương
đi về nhà Cha, nơi quê hương thật là Nước Trời.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
Khi nói đến Mùa Vọng, hẳn ai
cũng biết là Mùa đợi trông, nên phải tỉnh thức. Tuy nhiên, điều cần bàn là tỉnh
thức như thế nào mới là điều quan trọng!
Thiết nghĩ lời của Đức cố
Giáo Hoàng Piô XII đã nhận định làm cho chúng ta phải suy nghĩ: “Ngày nay có lẽ cái tôi lớn nhất của thế giới
là đánh mất ý thức về tội lỗi”. Và ở đời người ta cũng vẫn nói: “Trong cuộc sống, người đáng sợ nhất chính
là người không biết sợ...”.
Thật thế, người ta không còn
biết đâu là đúng, đâu là sai! Người ta cũng chẳng cần quan tâm đến hai chữ “Lương Tâm” thì hỏi rằng con người có
thái độ tỉnh thức hay không? Hẳn là không rồi!
Thật vậy, nếu còn biết sợ thì
họ đã không giết người cướp của. Không hối lộ tham lam. Không bóc lột người
nghèo. Không chạy đua hình thức. Không sống giả tạo bên ngoài. Không vô cảm dửng
dưng. Không bất nhân tâm... Họ vui vẻ làm những chuyện đó là vì họ đâu có nghĩ
đến giờ chết của mình. Họ cứ tưởng mình sống như không bao giờ phải chết, vì thế,
họ đâu cần sám hối...!
Tuy nhiên, với người Công Giáo, hẳn chúng ta không được để
ngoài tai những lời cảnh tỉnh của Chúa, và cũng không được có thái độ vô cảm
trước nỗi khổ của anh chị em...
Nếu là người biết tỉnh thức
thì không còn chuyện buôn gian bán lận; cờ bạc trai gái; áp bức, bóc lột; nhưng
sống đạo thật tâm, làm ăn chân chính; bác ái sẻ chia; liên đới trách nhiệm... Muốn
làm được điều đó, chúng ta cần quay trở về với “Lương Tâm” và nghe theo tiếng mách bảo tự đáy lòng, hầu trong mọi
lời nói, hành động, chúng ta ý thức có cuộc sống mai hậu, có thưởng có phạt và
cái chết đến bất thình lình, vì thế, cần phải chuẩn bị ngay giờ này, kẻo khi trời
tối không còn kịp nữa.
Lạy Chúa Giêsu, Mùa Vọng là Mùa
của chờ đợi, xin Chúa ban cho chúng con biết mau mắn đáp lại lời mời gọi của
Chúa “hãy tỉnh thức” để ngày giờ Chúa đến, chúng con được gặp Chúa và hân hoan
ra đi đón chào Ngài. Amen.