SỬA ĐƯỜNG TÂM LINH CHO
NGAY THẲNG
(Chúa Nhật 2 Mùa Vọng,
Năm B)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Trong Chúa Nhật I Mùa
Vọng, mỗi người chúng ta được mời gọi hãy tỉnh thức để đón chờ Chúa đến. Sang
Chúa Nhật II hôm nay, phụng vụ Lời Chúa nhắc nhở chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn
cho xứng hợp để đón chờ Đấng Cứu Thế đến. Một trong những công việc cụ thể nhất
đó là sám hối. Sám hối là thay đổi não trạng cũ để thay vào đó một lối sống mới
cho phù hợp với Tin Mừng. Sám hối còn là trở về với Chúa, biết nhận ra lỗi lầm
cũng như thực trạng linh hồn của mình.
Tuy nhiên, sám hối như
thế nào? Và phải chuẩn bị tâm hồn ra sao là điều mà phụng vụ hôm nay muốn nhắm
tới?
1.
Ý nghĩa Lời Chúa
Trước tiên, bài đọc I
cho chúng ta thấy sứ vụ của tiên tri Isaia là an ủi dân chúng và loan báo cho họ
về thời cứu rỗi do lòng thương xót của Thiên Chúa đã đến gần. Ngài sẵn sàng tha
thứ cho dân, mặc dù trong quá khứ dân đã cứng đầu cứng cổ và phản bội Thiên
Chúa bằng việc bất trung với Giao Ước.
Nay dân hối hận và đã đáp
lại lời mời gọi của Isaia để sám hối, thanh luyện tâm hồn và quay trở về với
Thiên Chúa. Họ đã biết lỗi của mình, và như thế, tin mừng cho họ chính là họ được
hồi hương để về với tiền nhân và quê cha đất tổ. Thiên Chúa tiếp tục dẫn dắt
dân như mục tử chăm sóc đoàn chiên, như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh... Đây chính
là cuộc xuất hành lần thứ hai của dân Israel.
Sang bài đọc II, thánh
Phêrô đã an ủi để dân trung thành đón chờ Chúa đến. Tại sao vậy? Thưa vì họ
nghĩ rằng Chúa sắp đến, nên họ chờ mong. Tuy nhiên, khi chờ đợi lâu, họ đâm ra
chán trường, mệt mỏi, và điều đó làm cho họ thờ ơ với việc chuẩn bị đón Chúa.
Tuy nhiên, thánh Phêrô mặc khải cho họ biết rằng: sự chậm trễ của Thiên Chúa là
có lý do. Lý do chính yếu chính là việc Ngài kiên nhẫn chờ đợi để cho dân có thời
gian sám hối, thay đổi đời sống hầu được cứu độ. Tuy nhiên, Chúa đến là điều chắc
chắn, nhưng lại không biết ngày nào, giờ nào, nên phải tỉnh thức: “Trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố
gắng sao cho Ngài thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an”
(2 Pr 3,14).
Sang bài Tin Mừng,
thánh Máccô cho thấy, Đấng mà các tiên tri loan báo chính là Đức Giêsu, Ngài
chính là Mêsia, sẽ đến để cứu thoát dân Ngài, tuy nhiên, cần phải chuẩn bị tâm
hồn cho xứng đáng để được ơn cứu độ do Ngài mang lại.
Lời mời gọi của Gioan
Tẩy Giả cũng chính là lời mời gọi của Isaia trong thời Cựu Ước. Tuy nhiên,
Isaia thì loan báo dân sẽ được hồi hương để được sống trong cảnh hòa bình, cũng
như được hiện diện trên đất của cha ông. Còn Gioan Tẩy Giả thì loan báo về một
trời mới đất mới là chính ơn cứu độ. Tuy nhiên, muốn được vào đó, cần phải thay
đổi lối sống cũ, mặc lấy đời sống mới trong tư cách là con cái Ánh Sáng.
Lời mời gọi của thánh
Gioan: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa
đường Chúa cho ngay thẳng". Con đường mà ngài nói
đến đây chính là con đường tâm linh, con đường thiêng liêng. Con đường đó nó có
tác dụng chính là việc nối liền đôi đầu. Một bên là ta và bên kia là Chúa. Muốn
đến được với Chúa phải qua con đường này. Tuy nhiên, trên con đường ấy, nhiều
khi có những lồi lõm, loằn ngoằn, làm cho chúng ta có nguy cơ bị đi lạc... Những
con đường như vậy, nó trở thành những rào cản tâm linh, khiến chúng ta khó khăn
trong việc gặp được Thiên Chúa là cùng đích của con đường là cuộc đời chúng ta.
Bổn phận của chúng ta
chính là hãy làm cho con đường ấy trở nên dễ dàng bằng việc lấp cho đầy những hố
sâu do những tham sân si của con người, gây nên như : tự ái, ghen ghét, tự
ty, hách dịch, trưởng giả... hay những ham mê bất chính như: danh, lợi, thú...
tất cả những thứ đó phải được khước từ, vứt bỏ hết, để con đường tâm linh được
nhẵn nhụi, phẳng phưu....
Bên cạnh đó, chúng ta
cũng phải uốn nắn con đường tâm linh sao cho thẳng để khỏi bị lầm đường lạc lối.
Những cong queo đó chính là sự sự gian dối, xảo quyệt..., không thành thực, trốn
tránh trách nhiệm, sống hình thức, không hồi tâm để biết mình và biết Chúa...
Cuối cùng, con đường gồ
ghề chính là hình ảnh của những tâm hồn kiêu ngạo, huênh hoang, tự đắc. Lòng đầy
dẫy những sự tàn ác độc địa, bất nhân, gây chia rẽ...
Cần thay vào đó bằng
con đường chính trực, công minh. Con đường khiêm nhường, liên đới, hiệp nhất và
yêu thương. Con đường của sự thật, công lý và bình an...
Có một bạn trẻ nọ, lúc
còn sinh viên, anh ta sa đà vào con đường tội lỗi khi sống buông mình trong những
thú vui thác loạn, tiêm trích, xì ke ma túy, lêu lổng việc học hành. Điểm đến của
anh là các quán bar, những tụ điểm hành lạc. Tuy nhiên, một biến cố đến với anh
là mẹ anh bị ung thư, và anh ta cũng chứng kiến cảnh nhiều bạn bè chết vì bệnh
tật, sốc thuốc và đâm chém nhau. Lúc đó, anh ta hồi tỉnh và nghĩ về cuộc sống mỏng
dòn nơi những người thân thiết nhất của anh. Được ơn Chúa giúp, anh ta can đảm
từ bỏ con đường tội lỗi cũ để trở về với Chúa. Anh ta quyết định đi xưng tội, tập
trung việc học hành và dành nhiều thời gian cho việc đạo đức. Cuối cùng Chúa đã
nhận lời, ban cho anh được cải tà quy chính. Giờ đây anh đã trở thành người chồng
trách nhiệm, người cha gương mẫu và là Kitô Hữu sốt sắng, đạo đức.
Thật vậy, cuộc vui nào
rồi cũng có lúc tàn. Cuộc đời nào rồi cũng chấm dứt với cái chết. Điều quan trọng
là biết điểm dừng và ý thức rằng: bên cạnh những hữu hạn này, chúng ta còn có một
cuộc sống vĩnh cửu mai hậu. Tuy nhiên, muốn đạt được điều đó, hẳn chúng ta phải
từ bỏ những thứ lỉnh kỉnh không tốt cho
hành trình lữ thứ của mình. Cần có một cuộc sống lương thiện, thật thà, chân
chính, khiêm nhường, bao dung...
Phụng Vụ Lời Chúa và
câu chuyện trên đáng đáng để cho chúng ta suy nghĩ và noi gương trong việc sám
hối, trở về với Chúa trong Mùa Vọng này.
Giờ đây, ngay trong
giây phút này, mỗi người chúng ta hãy thành thật xin lỗi Chúa vì những thiếu
xót của mình với Ngài và tha nhân, để tâm hồn chúng ta trở nên trong sáng, xứng
đáng đón Chúa Giáng Sinh trong linh hồn chúng ta qua Bí tích Thánh Thể mà lát nữa
đây chúng ta sẽ lãnh nhận.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con biết sám hối để được ơn cứu độ. Amen.