CHÚA
NHẬT II- MÙA VỌNG (Mc 1, 1- 8)
HÃY DỌN SẴN CON ĐƯỜNG ĐỂ THIÊN CHÚA ĐI
Có những con đường dẫn
con người vào vũng lầy của hưởng thụ và hư vong. Có những con đường đưa tới bất
công, chia rẽ, tranh chấp và hận thù. Có những con đường dẫn con người vào lầm
lạc, tội lỗi và sự chết. Nhưng cũng có những con đường dẫn người khác tới tình
yêu, tự do và hạnh phúc. Và còn đó những con đường dẫn đến nguồn mạch cứu độ:
con đường của sám hối và tin vào Đấng được sai đến.
Gioan Tẩy Giả đã đến để dọn
sẵn một con đường cho Đấng cứu độ; ông không phải là đường mà chỉ là người dọn
đường. Bài ca Chúc Tụng (Benedictus) đã nói lên điều này: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ
đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ là tha
cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1, 76- 77). Ông Gioan Tẩy Giả đã xuất hiện
trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta hãy san phẳng những gồ ghề của kiêu
căng, những thung lũng của ích kỷ, tội lỗi và lãnh nhận phép rửa để được ơn tha
tội. Dĩ nhiên, phép rửa của Gioan chỉ nói lên lòng sám hối; còn phép rửa của Đức
Giêsu trong Thánh Thần diễn tả toàn bộ công trình cứu độ do Đức Giêsu khai mạc:
Công trình cứu độ đó được coi như một sự tái sinh mới nhờ Chúa Thánh Thần.
Ông Gioan Tẩy Giả biết rõ
vị trí và vai trò của mình: Đang lúc người ta tưởng ông là Đấng Messia, thì ông
lại tuyên bố: “Có Đấng quyền thế hơn tôi
đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,
7). Ông Gioan không phải là “Lời”, mà chỉ là “tiếng”; khi “Lời” xuất hiện, thì “tiếng”
phải lui vào bóng tối. Thánh Augustine củng cố cho chúng ta về ý tưởng này: “Ông Gioan là tiếng trong thời gian, còn Đức
Kitô, ngay từ khởi đầu, đã là Lời vĩnh cửu”. Do đó, lời rao giảng của Gioan
tập trung vào Đức Giêsu: Đấng quyền thế hơn và làm phép rửa trong Thánh Thần
(Mc 1, 7- 8). Ông không những rao giảng bằng lời nói, mà chính cuộc đời của ông
đã là một lời chứng hùng hồn về Đức Giêsu. Để chuẩn bị sứ vụ dọn đường cho Đấng
Cứu Thế đến, ông Gioan đã lui vào sống ẩn dật trong hoang địa, mặc áo long lạc
đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và uống mật ông rừng (x. Mc 1, 6). Hơn
ai hết, chính ông đã là một con đường cho Thiên Chúa đến với thế trần.
Chắc hẳn, qua hình ảnh của
Gioan Tẩy Giả, Thiên Chúa muốn mời gọi mỗi người chúng ta trở nên những sứ giả
dọn đường cho ơn cứu độ của Chúa đến với thế trần hôm nay; bởi chưng, “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và
nhận biết chân lý” (1Tm 2, 4). Ngài không chỉ đến qua biến cố Giáng Sinh và
ngày Chung Thẩm, mà còn đến với mỗi người trong từng giây phút của cuộc sống:
Ngài đến để chữa lành, an ủy và mang lại ơn cứu độ, hầu giúp con người đủ sức đứng
dậy sau mỗi lần sa ngã vì tội lỗi và yếu đuối (x. Evangelii Gaudium, số 44). Trong thánh lễ tại nhà trọ Mattha, đức thánh
cha Phanxicô đã nói: “Chúa đến gần chúng
ta để chữa lành các vết thương, ban cho con người đầy tràn ân sủng và tình yêu…
Chúa là Thiên Chúa luôn luôn chiến thắng bằng cách ban cho những ân sủng đầy
tràn, với lòng nhân hậu trìu mến và lòng xót thương vô bờ”.
Để dọn đường cho Chúa đến
với con người thời nay, mỗi người tín hữu trước hết phải là con đường đích thực
cho Chúa đến trong tâm hồn mình. Nói cách khác, chúng ta không thể dọn đường
cho Chúa đến với người khác, trong khi mình lại trở nên vật cản lối bằng chính
tội lỗi và lối sống trái nghịch với Tin Mừng.
Hai yếu tố căn bản giúp
chúng ta trở nên ngôn sứ, vị tiền hô của thời đại hầu có thể chuyển đạt Tin Mừng
và xây dựng cuộc sống an hòa, hạnh phúc:
* Khiêm
Tốn
Yếu tố này giúp chúng ta
nhận ra chỗ đứng, vai trò, khả năng và những giới hạn của mình. Chúng ta biết rằng
mình vẫn còn đó những lỗ hỏng cần được tình yêu Chúa lấp đầy, những khúc mắc cần
được giải gỡ và những tội lỗi mong Chúa thứ tha. Đàng khác, khiêm tốn làm cho
chúng ta có thái độ bao dung, cảm thông và tha thứ những nỗi yếu hèn của người
khác. Chúng ta xác tín rằng mình chưa phải là người hoàn thiện, mà là những người
trên đường bước tới hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (x. Mt 5,
48).
* Cầu
Nguyện
Cầu nguyện là chiếc cầu nối
thân tình giữa chúng ta với Thiên Chúa. Qua cầu nguyện, chúng ta trao trút cho
Ngài các gánh nặng cõi lòng, phó thác cho Ngài những dự tính và cả những lỗi lầm.
Hơn nữa, cầu nguyện giúp chúng ta không ngừng thanh tẩy tâm hồn để xứng đáng trở
thành nơi Chúa ngự, nhận ra sứ điệp Chúa muốn gửi trao trong ngày hôm nay và
hun đúc khát vọng mang Tin Mừng đến với những ai chưa nhận biết Chúa.
Lạy Chúa, cuộc đời chúng
con nhiều khi chỉ biết co cụm trên chính mình, lo vun đắp cái tôi ích kỷ mà
quyên đi sứ mệnh của một người kitô hữu là trở nên con đường cho Chúa đến với
con người và dẫn con người đến với nhau. Xin Chúa thanh luyện và đổi mới mỗi
ngày để cuộc sống chúng con luôn là những con đường tin yêu và hy vọng cho thế
trần hôm nay.
Montfort Nguyễn Xuân Pháp CT