CN 3 MÙA VỌNG B

Is 61,1-2a.10-11 ; 1 Tx 5,16-24 ; Ga 1,6-8.19-28

NÊN CHỨNG NHÂN ÁNH SÁNG BẰNG VIỆC CHIA SẺ NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ

 

I.HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 1,6-8.19-28:

(c 6) Có một người được Chúa sai đến, tên là Gio-an. (c 7-8) Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. (c 19) Và đây là lời chứng của ông Gio-an: Khi người Do Thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?”. (c 20) Ông tuyên bố thẳng thắn. Ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô”. (c 21) Họ lại bảo ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không?” Ông nói: “Không phải”. -“Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không”. (c 22) Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông?”. (c 23) Ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. (c 24) Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. (c 25) Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép Rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ?”. (c 26) Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép Rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. (c 27) Người sẽ đến sau tôi, và tôi không xứng đáng cởi quai dép cho Người”. (c 28) Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép Rửa.

2. Ý CHÍNH:

Gio-an Tẩy Giả có sứ mạng đến trước dọn đường cho Đấng Ki-tô Cứu Thế, nên còn được gọi là Gio-an Tiền Hô hay gio-an Tẩy Giả. Ông đã thi hành sứ mạng bằng việc làm chứng cho Chúa như sau: ông xác nhận mình không phải Đấng Thiên Sai mà chỉ là “Tiếng kêu trong sa mạc: Hãy dọn đường đón Đức Chúa sắp đến” như sấm ngôn của I-sai-a. Gio-an đã nêu gương dọn đường bằng một nếp sống đơn giản can đảm trung thực . Gio-an cũng kêu gọi mọi người ăn năn sám hối để dọn lòng đón Đấng Thiên Sai. Sám hối bằng việc ăn năn thú tội và chịu phép rửa dìm mình trong nước sông Gio-đan. Gio-an khẳng định mình không phải Đấng Thiên Sai và xác nhận Đấng ấy đã đến và đang hiện diện giữa mọi người mà ông không đáng cởi quai dép cho Người.

3. CHÚ THÍCH:

- C 6: + Gio-an: Là con trai của hai ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét đã thụ thai cách lạ lùng nhờ quyền năng Thiên Chúa (x. Lc 1,59-60). Tên Gio-an có nghĩa là “Chúa ban ơn”. Tên này do sứ thần Chúa lệnh cho ông Da-ca-ri-a trong đền thờ (x. Lc 1,13). Ngoài tên gọi Gio-an, ông còn có hai biệt danh là Tiền Hô và Tẩy Giả. Tiền hô là người “đi trước dọn đường cho Đấng Ki-tô” (x. Lc 1,17); Tẩy Giả là người “làm phép Rửa cho những người đang mong chờ ơn cứu chuộc Ít-ra-en” (x. Lc 3,3).

- C 20-23): + Ê-li-a: Theo sách Ma-la-ki-a (3,1-2) và Gíao Sĩ (48,10-11) thì Ê-li-a sẽ trở lại trước khi Đấng Thiên Sai xuất hiện. Gio-an Tẩy Giả không nhận mình là Ê-li-a theo nghĩa đen này. Điều này không trái ngược với lời Đức Giê-su khẳng định: “Gio-an chính là Ê-li-a, đấng phải đến trước” (x. Mt 11,14). Gio-an xuất hiện trong tinh thần của Ê-li-a, chứ không phải là chính con người Ê-li-a bằng xương bằng thịt. + Ngôn sứ: Thực ra, Gio-an cũng là một ngôn sứ của Thiên Chúa (x. Đnl 18,15). Nhưng ông không phải là ngôn sứ như Mô-sê mà sách Đệ Nhị Luật đã nhắc đến. + “Thế ông là ai...?”: Gio-an Tẩy Giả đã trả lời ông chỉ là người Tiền Hô, đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai.

- C 24-27: + “Vậy tại sao ông làm phép rửa...?”: Gio-an cho biết: Ông chỉ làm phép rửa để thanh tẩy bằng nước, chuẩn bị cho Đấng Ki-tô sắp đến. Còn Đức Ki-tô mới làm phép rửa thanh tẩy trong Thánh Thần. Người là Đấng quyền năng mà Gio-an không xứng đáng làm tôi tớ hầu hạ Người.

4. CÂU HỎI: 1) Gio-an trong Tin mừng hôm nay là ai ? Tên Gio-an nghĩa là gì và do ai đã đặt cho ông ? 2.- Chúa Giê-su đã khẳng định “Gio-an chính là Ê-li-a, đấng phải đến trước” (x Mt 11,14). Vậy tại sao chính Gio-an lại nói mình không phải là Ê-li-a hay ngôn sứ? 3.- Gio-an tự xưng là gì  và tại sao lại làm phép rửa cho dân chúng ?

 

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin”(Ga 1,6).

2. CÂU CHUYỆN:

1) GƯƠNG CAN ĐẢM TRUNG THỰC CỦA THÁNH GIÁO HOÀNG GIO-AN PHAO-LÔ II:

-Trong thời gian chuẩn bị mở Đại Năm Thánh 2000, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi mọi thành phần trong Hội thánh thành tâm sám hối. Vào tháng 05 năm 1995, tại nước cộng hòa Xéc (Tchèque), Đức thánh cha đã nêu gương can đảm và trung thực khi công khai thay mặt Hội thánh Công Giáo nhận lỗi như sau: “Hôm nay tôi, Giáo Hoàng của Giáo Hội Rôma, nhân danh tất cả những người Công giáo, tôi xin lỗi về những lầm lỗi đã gây ra cho người không Công giáo trong lịch sử sóng gió của các dân tộc ấy”.

- Thực vậy, trong lịch sử gần 2000 năm, do lỗi của một số các chủ chăn, Hội thánh ít nhiều đã phạm phải một số lỗi lầm cần phải được trung thực nhìn nhận và quyết tâm sám hối như sau:  

+ Hội thánh cũng có một phần trách nhiệm trong sự phân rẽ nội bộ thành bốn tôn giáo Ki-tô như: Công giáo, Chính thống, Tin lành và Anh giáo.

+ Thời kỳ trung cổ Hội thánh đã có lần buộc phải phát động thánh chiến để giải phóng Đất Thánh đã bị người Hồi giáo xâm chiếm trước đó. Do cuộc thánh chiến này mà đã có rất nhiều người của dôi bên thương vong.

+ Thời kỳ Trung cổ, Hội thánh có toà án “Qui Tà” để xét xử và ra những bản án nặng nề như kết án hỏa thiêu một số người hành nghề phù thủy và những người dị giáo chống lại Hội thánh.

+ Về phạm vi khoa học, Hội thánh có lần đã lập tòa án tôn giáo kết án oan sai cho một nhà khoa học vô tội là Ga-li-lê-ô...

Qua việc công khai thừa nhận những sai sót của Hội Thánh trong quá khứ, Đức Thánh Cha muốn cho thấy quyết tâm canh tân Hội thánh công giáo để giúp Hội Thánh bước vào thiên niên kỷ thứ ba với một tinh thần mới theo sát Tin Mừng của Chúa Giê-su hơn và phù hợp với giai đoạn mới của lịch sử nhân loại hơn. 

- Trong những ngày Mùa Vọng này, noi gương Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, mỗi tín hữu chúng ta cần làm gì cụ thể để chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh, chờ đón Chúa Cứu Thế đến trong giờ chết mỗi người cũng như đến chung trong ngày cùng tận của thế giới ?

2) CON NGƯỜI CHỈ VUI THỰC SỰ KHI CÓ THIÊN CHÚA TÌNH YÊU TRONG TÂM HỒN: 

Tại một thành phố kia có một nghệ sĩ hài nổi tiếng. Người nào dù đang buồn đến đâu, khó tính đến mấy nếu được xem nghệ sĩ biểu diễn thì thế nào cũng phải bật cười.

Cũng trong thành phố ấy có một bác sĩ tâm lý nổi tiếng chữa được mọi thứ tâm bệnh. Ngày nọ có một người đàn ông lớn tuổi, vẻ mặt buồn rầu đến xin bác sĩ tâm lý tư vấn. Ông ta nói:  - Thưa bác sĩ, tôi là một con người bất hạnh. Cuộc đời tôi đầy những sự chán chường. Bác sĩ có cách nào làm cho tôi vui lên được không ?

Bác sĩ tâm lý liền hỏi: Thế ông có bị túng thiếu về tiền bạc không ?

Ông ta đáp: Thú thật, tôi là người thành đạt và khá giầu có.

Nhà tâm lý lại hỏi tiếp: Thế còn gia đình vợ con thì sao ?

Ông ta gật đầu thừa nhận: Tôi có một người vợ đẹp người đẹp nết và mấy đứa con ngoan ngoãn dễ  thương.

Sau khi hỏi để biết thêm một số điều khác, viên bác sĩ tâm lý đã đề nghị cho ông kia một giải pháp: Tôi nghĩ ông nên đến xem các buổi biểu diễn của một nghệ sĩ hài danh tiếng ngay trong thành phố. Chắc chắn ông sẽ cảm thấy cười vui thỏa thích và sẽ không còn buồn nữa.

Nhưng viên bác sĩ rất ngạc nhiên khi nghe thân chủ của mình nói :

- Thưa bác sĩ, xin cám ơn bác sĩ. Nhưng... tôi chính là nghệ sĩ hài nổi tiếng trong thành phố mà bác sĩ vừa nói đó !

Câu chuyện nghe có vẻ nghịch lý, nhưng thực tế đúng như vậy. Một người có biệt tài chọc cười người khác lại là nạn nhân của sự buồn chán.  Mặc dù ông ta sở hữu mọi thứ ưu điểm mà mọi người đều mong ước, nhưng do trong lòng không có nguồn vui thì làm sao có thể cảm thấy vui thực sự được ? Niềm vui đích thực chỉ đến từ nơi « Thiên Chúa là Tình yêu. Ai yêu thương thực sự thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy ». Chỉ những ai trong lòng chứa đầy tình yêu vị tha nhân ái mới cảm thấy bình an và vui tươi thực sự.

3) HÃY THẮP LÊN ÁNH SÁNG TIN YÊU CHO THA NHÂN:

Hạnh phúc là được tìm về ánh sáng. Mang hạnh phúc đến cho người khác là thắp lên cho họ ánh sáng hy vọng.

Một ngày kia Mẹ Têrêsa Calcutta đến Melbourne, Australia. Mẹ đi thăm một người nghèo không ai biết đến. Ông sống trong một căn phòng rất tồi tệ, đồ đạc dơ bẩn ngổn ngang. Phòng không có cửa sổ mà cũng chẳng có lấy một bóng đèn.

Mẹ Têrêsa bắt tay vào thu dọn đồ đạc. Ông gắt lên: "Cứ để yên mọi thứ cho tôi". Nhưng Mẹ cứ tiếp tục. Sau khi mọi thứ đã ngăn nắp, Mẹ Têrêxa tìm thấy một chiếc đèn trong một góc phòng. Đèn bám đầy bụi, chứng tỏ lâu lắm rồi không ai đụng đến. Mẹ lau chùi sạch sẽ rồi hỏi:

- Sao lâu nay ông không thắp đèn lên?

- Thắp làm chi. Có ai đến thăm tôi đâu. Tôi đâu cần thấy mặt ai.

- Thế ông có hứa sẽ thắp đèn lên khi một nữ tu của tôi đến thăm ông không?

- Vâng, nếu tôi nghe có tiếng ai đến thì tôi sẽ thắp đèn lên.

Từ đó, mỗi ngày, hai nữ tu của Mẹ Têrêxa đều đến thăm ông và giúp đỡ ông. Một hôm ông nói với một trong hai nữ tu ấy:

- Bây giờ tự tôi đã biết thu dọn phòng tôi rồi. Nhưng xin làm ơn về nói với nữ tu đầu tiên rằng ngọn đèn mà Bà đã thắp lên đến nay vẫn sáng.

Hãy thắp lên Ánh sáng Tình Yêu Thiên Chúa – Ánh sáng Chúa Kitô – Ánh sáng Lời Chúa – Ánh sáng Giới luật yêu thương.

 

3. SUY NIỆM:

1) MÙA VỌNG LÀ THỜI GIAN CHUẨN BỊ TÂM HỒN ĐÓN MỪNG CHÚA ĐẾN:

Trong phụng vụ Chúa nhật thứ nhất Mủa Vọng, Tin mừng Mat-thêu đã ghi lại Lời Chúa mời gọi mọi người tỉnh thức: “Anh em hãy canh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt 24, 42). Sang đến Chúa nhật thứ II, tiếng hô của ngôn sứ I-sai-a trong hoang địa ngày xưa đã được Gio-an Tiền Hô thực hiện qua lời rao giảng: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa. Sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3,3). Hôm nay trong phụng vụ Chúa Nhật thứ III, thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu chúng ta “Hãy vui lên, vì Chúa đã gần đến” (1 Tx 5,16). Tin Mừng Gio-an cũng giới thiệu cho chúng ta một mẫu gương chứng nhân của ánh sáng chân lý là Gio-an Tẩy Giả (Ga 1,6-8.19-28).

Gio-an là anh em bà con của Đức Giê-su. Ngay từ nhỏ, Gio-an đã từ giã cha mẹ để vào trong hoang địa, sống một cuộc đời đơn sơ khổ hạnh nêu gương sám hối từ bỏ tiện nghi vật chất cho mọi người. Trước khi Đức Giê-su xuất hiện, Gio--an đã đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Kèm theo lời giảng, Gio-an cũng làm phép rửa dìm các hối nhân dưới nước sông Gio-đan để tiếp nhận họ vào hàng ngũ nhừng người đón ơn cứu độ của Đấng Thiên Sai sắp đên. Giới lãnh đạo tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem nghe biết công việc của Gio-an, liền sai một số người đến điều tra xem ông có phải là Đấng Thiên Sai không. Họ hỏi: "Ông là ai ?". Gio-an trả lời ông không phải là Ðấng Thiên Sai, cũng không phải ông Ê-li-a hay là ngôn sứ. Ông chỉ thừa nhận: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói” (Ga 1,23).

Chúng ta đang sống trong Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị tâm hồn để đón mừng Đấng Thiên Sai đến. Chúa đã đến cách đây hơn hai ngàn năm để mở ra con đường cứu độ cho nhân loại. Người thiết lập Nước Trời và mời gọi mọi người gia nhập để được ơn cứu độ. Người đã trải qua cuộc khổ nạn và phục sinh để ban ơn cứu độ loài người. Người đã về trời và hứa sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang vào ngày tận thế. Mùa Vọng hằng năm giúp các tín hữu chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đên ban ơn cứu độ cho chúng ta. Chúa Giê-su sẽ đến trong lề Giáng Sinh để mời gọi chúng ta đón rước Người vào nhà linh hồn mình. Chúa cũng sẽ đến trong giờ chết của mỗi người và trong ngày tận thế chung toàn nhân loại để phán xét thưởng kẻ lành vả phạt kẻ dữ. Vậy trong Mùa Vọng này, chúng ta phải làm gì để đón Chúa đến ban ơn cứu độ cho chúng ta ? 

2) PHẢI CHUẨN BỊ ĐÓN CHÚA CỨU THẾ ĐẾN THẾ NÀO ?

- Phải đon chờ Chúa đến trong niêm vui: Thánh Phao-lô đã khuyên các tín hữu Thes-sa-lo-ni-ca như sau: ”Anh em hãy vui mừng luôn  mãi” (1 Tx 5,16). Khi Đấng Cứu thế đến, Người không chỉ chữa lành những đau đớn bệnh tật thể xác, mà còn chữa lành những bênh tật tâm hồn và lấp đầy những khát vọng buồn chán trong lòng chúng ta như lời tuyên sấm của I-sai-a: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Đức Ma-ri-a cũng thể hiện niềm vui khi đi thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét. Khi được ca tụng là diễm phúc vì đã tin nhừng lời Chúa phán sẽ được thực hiện, Mẹ đã dâng lời kinh ngợi khen Thiên Chúa như sau: ”Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,46-47).

Trong những ngày này, mỗi người chúng ta cũng thể hiện niềm vui chờ đón Chúa đến bằng việc năng đến nhà thờ dự lễ và tham dự các sinh hoạt đạo đức tĩnh tâm để hiệp cùng Mẹ Ma-ri-a ca tụng tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

- Phải vui luôn trong Chúa: Thánh Phao-lô cũng khuyên các tín hữu như sau: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em ! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến” (Pl 4,4-5).

Trong những ngày này, mỗi người chúng ta cũng phải năng dâng lời ca tụng tình thương cứu độ của Chúa khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại… vì “Tất cả đều là hồng ân”. Chúng ta hãy luôn tin rằng: “Sau cơn mưa trời sẽ lại sáng” và “qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai”, vì Thiên Chúa có thể rút từ sự dữ ra sự lành. Do đó chúng ta đừng bao giờ thất vọng cho dù có gặp bất cứ hoàn cảnh nào, vì luôn tin có Chúa cùng đồng hành với chúng ta. 

- Phải gặp gỡ Chúa là niềm vui: Thai nhi Gio-an sáu tháng tuổi trong dạ mẹ đã nhảy mừng hân hoan khi gặp được thai nhi cứu thế Giê-su như lời bà Ê-li-sa-bét dã nói với Đức Ma-ri-a: Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng » (Lc 1,44). Đức Giê-su chính là niềm vui của Thiên Chúa. Từ cung lòng Chúa Cha, Người đến đem tin vui cho nhân loại, giải thoát họ khỏi mọi nỗi đau khổ do tội lỗi và sự chết gây ra.  Khi Chúa giáng sinh tại hang đá Bê-lem, các thiên thần đã hân hoan ca hát rằng : « Vinh danh Thiên Chúa tên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương » (Lc 2,14). 

Nếu chúng ta có gặp thất bại cũng đừng chán nản nhưng hãy tìm đến với Chúa là niềm vui. Hãy cầu nguyện để chia sẻ mọi nỗi lo toan cho Chúa. Người sẽ lắng nghe và ban ơn giúp chúng ta tìm thấy niềm vui trong tâm hồn. Người sẽ biến đổi cuộc đời của chúng ta nên tốt và nhờ đó chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an.

- Phải chia sẻ niềm vui của Chúa cho tha nhân cáh cụ thể : Trong những ngày Mùa Vọng này, chúng ta hãy đón nhận Chúa Giê-su là nguồn vui bất tận, và đem chia sẻ niềm vui của Chúa đến cho tha nhân như lời một bài hát của nhạc sĩ Sebastian Bach : “Lạy Chúa Giê-su. Xin cho niềm vui trong con luôn tồn tại, để con có thể đem niềm vui ấy cho tha nhân”. Câu chuyện sau đây cho thấy chúng ta phải làm gì cụ thể để chia sẻ niềm vui cho tha nhân:

Một ngày kia mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã đến thành phố Men-bơn (Melbourne) nước Úc. Một hôm, mẹ đã đi thăm một ông lão nghèo không ai biết đến. Ông sống trong một căn phòng tồi tệ, đồ đạc ngổn ngang bụi bặm. Căn phòng không cửa sổ và tối tăm vì không một bóng đèn. Mẹ Tê-rê-sa liền bắt tay vào việc thu dọn đồ đạc. Ông lão kia nói to: "Xin cứ để yên cho tôi". Nhưng mẹ vẫn tiếp tục làm công việc quét dọn. Sau khi mọi thứ đã ngăn nắp sạch sẽ, mẹ Tê-rê-sa đã tìm thấy một chiếc đèn dầu nằm trong một góc phòng. Chiếc đèn bám đầy bụi bặm, chứng tỏ đã lâu ngày không có ai đụng đến. Mẹ liền lau chùi chiếc đen sạch sẽ rồi hỏi: “Lâu nay ông đã không thắp đèn phải không ?”. Ông ta đáp: “Thắp đèn làm chi ? Nào có ai thèm đến thăm tôi đâu ? và tôi cũng chswngr cần phải tiếp xúc nói chuyện với ai”. Mẹ lại hỏi: “Thế ông có hứa sẽ thắp đèn lên nếu có các nữ tu của tôi đến thăm ông không?”. Ông đáp: “Vâng, nếu tôi nghe có tiếng người đến thì tôi sẽ thắp đèn lên”.

Từ đó, mỗi ngày, hai nữ tu của mẹ Tê-rê-sa được cử đến thăm ông lão và thu dọn giúp đỡ cho ông. Một hôm ông nói với một trong hai nữ tu ấy như sau: “Bây giờ tự tôi đã biết thu dọn phòng của tôi rồi. Nhưng xin chị làm ơn về nói với bà bề trên rằng: Ngọn đèn mà bà đã thắp lên trong ngày đầu thăm tôi, đến nay vẫn không ngừng được thắp sáng”.

4. THẢO LUẬN: Noi gương mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta, mỗi tín hữu sẽ làm gì cụ thể để chia sẻ niêm vui Giáng Sinh cho người nghèo khổ cô đơn gần nhà, để thắp lên ánh sáng Tình Yêu của Thiên Chúa cho những ai đang bất hạnh có được niềm vui trong Mùa Giáng Sinh sắp tới ?

5. LỜI CẦU:

- Lạy Chúa Giê-su. Chúng con đang sống trong những ngày Mùa Vọng, là thời gian chờ đón Chúa tái lâm kiến tạo một “Trời Mới Đất Mới”. Trong những ngày này, xin cho chúng con biết noi gương Gio-an Tẩy Giả: chuẩn bị đón Chúa đến bằng các việc hy sinh hãm mình biểu lộ tâm tình sám hối của chúng con, bằng những lời động viên giúp vợ chồng, con cái, bạn bè... sống tốt lành đạo đức hơn. Nhất là xin cho chúng con trở thành ánh sáng chiếu soi, khí cụ bình an của Chúa, luôn sống tin yêu phó thác vào Chúa quan phòng và sẵn sàng khiêm nhường phục vụ tha nhân, để nên dấu chỉ giúp người đời nhận biết tin theo Chúa.

- LạY CHÚA. Khi xưa Mẹ Ma-ri-a đã sống bác ái, xin vâng và phục vụ. Mẹ đã mở cửa lòng đón nhận Ngôi Lời Nhập Thể qua lời thưa “Xin Vâng” với sứ thần. Mẹ đã đem Chúa đến thăm viếng gia đình Gia-ca-ri-a để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ cho các thành viên trong gia đình này. Trong những ngày Mùa Vọng sắp tới, xin Chúa giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón rước Chúa đến với chúng con vào Đêm Giáng Sinh. Xin giúp chúng con chu toàn sứ mạng làm chứng cho Chúa bằng một lối sống đạo đức thực sự thể hiện qua thái độ vị tha và chia sẻ phục vụ tha nhân. Nhờ đó, người đời sẽ nhận biết tin theo Chúa để cũng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

          LM ĐAN VINH-HHTM