CHÚA NHẬT III- MÙA VỌNG (Ga 1, 6-8. 19- 28)
ƠN GỌI CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC THIÊN CHÚA TUYỂN
CHỌN
I- TÓM
LƯỢC
1. Bài Đọc I: Ơn Gọi Của Ngôn Sứ Isaia (Is 61, 1-2b. 10- 11)
Thần Khí Chúa ngự trên ngôn sứ và sai đi loan
báo Tin Mừng cho những kẻ nghèo hèn, công bố thời kỳ hồng ân của Đức Chúa. Vị
ngôn sứ đã hớn hở mừng vui vì được Đức Chúa mặc cho hồng ân cứu độ, đức chính
trực công minh, làm trổ hoa công chính và làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt
muôn dân.
2. Bài Đọc II: Ơn Gọi Của Kitô Hữu (1Tx 5, 15- 24)
Thánh Phaolô mời gọi: anh em hãy vui luôn, hãy
tạ ơn trong mọi hoàn cảnh và cầu nguyện không ngừng, đừng dập tắt Thần khí và
chớ coi thường ơn nói tiên tri. Hãy để Thiên Chúa thánh hóa toàn diện con người
hầu được giữ gìn vẹn toàn, không có gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô
quang lâm.
3. Bài Đọc Tin Mừng: Ơn Gọi Của Ông Gioan Tẩy Giả (Ga 1, 6- 8. 19- 28).
Gioan được Thiên Chúa sai đến để làm chứng về
ánh sáng; ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
Ông chỉ là tiếng kêu trong hoang địa: hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi.
Ông đã làm phép rửa trong nước để tỏ lòng sám hối.
II- SUY
NIỆM
Ngày 15/5 vừa qua tòa án Sudan đã đưa ra phán
quyết tàn bạo là treo cổ một người phụ nữ đang mang thai, vì tội bỏ Hồi giáo để
gia nhập Kitô giáo. Đó là cô Mariam- 27 tuổi đã kết hôn với một Kitô hữu. Luật
Hồi giáo không cho phép phụ nữ kết hôn với người kitô hữu, nên đã truyền đánh
cô 100 roi và buộc phải trở lại Hồi giáo sau ba ngày, nếu không sẽ bị kết án tử
hình. Khi bị đưa ra trước tòa, Mariam đã nói: “Tôi là một người kitô hữu. Tôi chưa bao giờ phạm tội bội giáo”. Với
xác tín này, Mariam bị kết án treo cổ và cô đã mỉm cười đón nhận bản tuyên án
này.
Tuy nhiên, sau đó bị thế giới lên án gắt gao,
cô đã được giải phóng. Trước khi sang Mỹ, gia đình cô đã đến gặp riêng ĐTC
Phanxicô. Trong cuộc nói chuyện ĐTC đã cám ơn về sự can đảm làm chứng đức tin của
cô, và ngài nói đó là tấm gương cho mỗi người chúng ta. Có thể nói, cô đã sống
điều thánh Phaolô mời gọi: “Anh em đừng hổ
thẹn vì phải làm chứng cho Tin Mừng” (2Tm 1, 8).
Gương sáng tuyệt vời về sự làm chứng cho Tin Mừng
của Mariam gợi lên cho chúng ta nhìn lại ơn gọi và cách thức sống đức tin của
mình. Chúng ta là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hóa và yêu
thương hầu trở nên dấu chỉ tình yêu của Ngài cho nhân thế.Ngài muốn mỗi người
đi vào lòng nhân thế với hành trang tin yêu và cuộc sống đượm chất Tin Mừng. Nhờ
đó, chúng ta mới có thể trở nên trung gian hòa giải và có khả năng chữa lành vết
thương tâm hồn nơi người khác.
Dựa vào ba bài đọc hôm nay, chúng ta dừng lại ở
hai điểm chính: Đời sống chứng nhân được khởi đi từ Thiên Chúa và làm chứng về
niềm vui cứu độ.
1.
Ơn Gọi Được Khởi Đi Từ Thiên Chúa.
Ơn gọi kitô hữu được khởi đi từ Thiên Chúa và
cho mục đích của Ngài.Niềm xác tín này phải được đặt lên hành đầu, vượt trên những
giá trị trần thế và dự tính cá nhân. Chúng ta được Thiên Chúa kêu gọi và sai đi
cho sứ vụ của Ngài, đúng với khả năng, bậc sống và ơn gọi của mình. Ở bài đọc
I, chúng ta thấy Thiên Chúa ngự xuống trên Isaia, đã xức dầu tấn phong ông, sai
ông đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công
bố lệnh ân xá và giải phóng những ai bị giam cầm (Is 61, 1). Thiên Chúa dùng
ông như hiện thân của Ngài để mang lại cho con người niềm vui và sự giải thoát.
Trong bài đọc Tin Mừng, Thiên Chúa chọn ông
Gioan cho một chức năng khác: Dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến và làm chứng về
Người. Tin Mừng viết: “Có một người được
Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1, 6- 7). Chính ông đã tự làm chứng về
mình: “Tôi là tiếng người hô trong hoang
địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (Ga 1, 23). Như vậy, nhiệm vụ của
ông Gioan là chuẩn bị những tâm hồn đơn thành cho Thiên Chúa đến, Đấng mang lại
cho con người ơn giải thoát và tháo cởi gông cùm sự chết.
Thánh Phaolô xác nhận ơn gọi loan báo Tin Mừng
của mình được khởi đi từ Thiên Chúa: “Thiên
Chúa đã dành riêng tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ… Người đã đoái thương mặc
khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng” (Gl 1, 16- 16). Nơi
sách Công vụ Tông đồ, ngài cũng nói lên điều này: “Ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các dân
ngoại được nghe Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo” (Cv 15, 7).
Điểm chung cho các ơn gọi là được Thiên Chúa
tuyển chọn và sai đi thực hiện chương trình tình thương của Người giữa lòng
nhân thế, giúp con người hoán cải và đón nhận Tin Mừng cứu độ.
2.
Chứng Nhân Niềm Vui Cứu Độ
Đời chúng ta là hiện thân của niềm vui cứu độ
khởi đi từ Thiên Chúa. Một ông thánh buồn là một ông thánh đáng buồn và gây nên
sự buồn chán nơi người khác. Cho dầu, ơn gọi chứng nhân lắm lúc gặp khốn cùng,
nước mắt và đau thương, nhưng không để cho niềm vui trôi vào dĩ vãng. Trong
Tông huấn Evangelii Gaudium, đức thánh cha Phanxicô đã nói: “Nhà truyền giáo không thể lúc nào cũng giống
như người đi đưa đám về. Chúng ta phải phục hồi và gia tăng lòng nhiệt thành,
niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng, ngay cả khi chúng ta
phải gieo trong nước mắt” (EG số 10).
Cảm nhận được những ân ban của Thiên Chúa,
Isaia đã thốt lên: “Tôi mừng rỡ muôn phần
nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hỡ biết bao! Vì Người mặc cho tôi
hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh” (Is 61, 10). Thánh
Phaolô cũng mời gọi các tín hữu: “Anh em
hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5, 16- 17). Ở đây,
thánh nhân đặt hai yếu tố song hành: Vui mừng và cầu nguyện. Như vậy, niềm vui
thiếu vắng cầu nguyện là niềm vui chưa trọn vẹn và có nguy cơ mang “chất đời”.
Trong cầu nguyện, mỗi người sẽ cảm nhận được hồng ân Thiên Chúa qua từng giây
phút và biến cố cuộc đời. Họ biết rằng Thiên Chúa vẫn đồng hành trong bước đường
dương thế cho dầu còn nhiều cạm bẫy và lắm nguy nan.
Có thể nói, người kitô hữu là chứng nhân sống
động về niềm vui cứu độ mà Thiên Chúa muốn tặng ban. Chính niềm vui này sẽ mang
lại cho thế giới ý nghĩa, sự an hòa và hạnh phúc.
III- ÁP
DỤNG
Qua các bài đọc hôm nay, Thiên Chúa mời gọi
chúng ta nhìn lại ơn gọi và cách thức làm chứng của mình. Chúng ta thử hỏi
trong cuộc sống có cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa và nhận ra giá trị ơn gọi
của mình không? Chúng ta có thực sự trở thành môn đệ Đức Kitô trong khi cuộc sống
đầy ắp những chán nản, ganh tị và hận thù? Niềm vui Tin Mừng ở đâu khi cuộc sống
chỉ thấy khổ đau? Là môn đệ Đức Kitô, chúng ta chuyển đạt cho thế giới hôm nay
sứ điệp nào?
Chắc hẳn trong cuộc sống, chúng ta không thiếu
những phiền muộn, cám dỗ và giới hạn của kiếp người. Đôi khi, nó như gánh nặng
chất lên vai mà ta không có sức cáng đáng. Chúng ta luôn khát mong vươn lên một
chân trời tươi sáng, nhưng những bóng mây chán nản vẫn đeo bám thường ngày. Mặc
dầu được Thiên Chúa yêu thương giữ gìn, chúng ta vẫn không xóa hết vết tích của
con người yêu đuối và tội lỗi.
Tuy nhiên, điều Thiên Chúa muốn nơi mỗi người
là sẵn sàng đứng lên và bắt đầu lại sau mỗi lần té ngã vì phạm tội. Chính tình
yêu Thiên Chúa cứu độ con người, chứ không đơn thuần dừng lại ở cố gắng bản
thân hay những thành quả đạt được. Ơn Thiên Chúa đủ cho ta và sức mạnh của Ngài
được biểu lộ trong sự yếu đuối. Do đó, trong cuộc chiến đấu với những cám dỗ,
khắc phục giới hạn, chúng ta không “đơn
phương độc mã”, nhưng có Thiên Chúa luôn đồng hành và giúp ta chiến thắng.
Như vậy, tin tưởng vào quyền năng và tình yêu
Thiên Chúa là khí giới hữu hiệu giúp ta vượt qua những khó nguy và cạm bẫy. Đồng
thời là động lực giúp ta can đảm làm chứng cho thế giới về một Thiên Chúa luôn
gần gủi, yêu thương và muốn cứu độ con người.
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con nhận ra
giá trị ơn gọi của mình để cuộc đời chúng con thấm nhuần niềm vui, an bình và cảm
nhận được tình yêu Chúa trong từng giây phút cuộc sống.
Ts. Montfort Nguyễn Xuân Pháp Ct