Vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng
Suy niệm Chúa Nhật
IV Mùa Vọng - B
(Lc 1, 26 - 38)
Sau khi đã ngưng nghỉ nhìn lại chặng đường đã
qua với niềm vui “Gaudete” vì những
gì đã đạt được, nay lễ Giáng sinh đã gần kề, tâm hồn chúng ta càng rạo rực hơn,
nên chúng ta phải làm hết sức những gì có thể để hưởng trọn vẹn niềm vui ngày
Chúa giáng sinh.
Khởi đầu Mùa Vọng, chúng
ta đã nói lên đặc tính Mùa Vọng là mùa tỉnh thức, đợi chờ, mùa của cầu nguyện,
hoán cải nội tâm, nhưng không thể không vui, vì niềm vui là đặc tính cơ bản của
mùa thánh thiêng này. Lý do rất rõ ràng, vui vì : "Chúa đã gần đến" (Phil 4,5).
Lời đầu tiên Sứ Thần
Gabriel cất lên chào Đức Trinh Nữ Maria chất chứa niềm vui lớn lao khi mời Mẹ
vui lên: "Mừng vui lên, vui lên, hỡi
đấng đầy ân sủng! "(Lc 1, 28) Lời chào trên có liện hệ mật thiết tới
sự giáng lâm của Đấng Cứu Thế. Trước khi toàn dân được nhận biết tin vui, thì
Đức Maria là người đầu tiên được báo trước (x. Lc 2,10); Mẹ đã tham dự vào niềm
vui ấy với cách thế lạ thường. Nơi Mẹ, niềm vui của Israel được viên mãn ; với
Mẹ, hạnh phúc thời messia tròn đầy. Niềm vui của Đức Trinh Nữ Maria là niềm vui
đặc biệt của dân Israel "còn sót lại"
(Is 10,20s), những người nghèo, những người đang chờ đợi ơn cứu rỗi của Thiên
Chúa và những người kinh nghiệm về lòng trung thành của Israel.
Chúng ta cũng thế, để tham
dự vào lễ Giáng sinh với niềm vui ngập tràn, điều cần thiết là phải khiêm
nhường, đón rước Đấng Cứu Thế với trọn niềm tin như lời Chân phước Phaolô VI
Giáo hoàng nói : " Tất cả các tín hữu, khi sống tinh thần Mùa Vọng
theo phụng vụ, bằng việc nghĩ về tình yêu khôn tả trong việc đón chờ Con của
Người Mẹ Trinh Nguyên này, được mời gọi lấy Mẹ làm mô phạm để dọn mình gặp gỡ
Chúa Cứu Thế là Đấng phải đến. Họ cần phải “tỉnh thức nguyện cầu và hân hoan …
ngợi khen" (Tông Huấn Việc Sùng Kính Đức
Trinh Nữ Maria của Chân phước Phaolô VI, số 4).
Hân hoan vì Thiên Chúa ở giữa loài
người
Khi đặt mầu nhiệm Nhập Thể
vào trong Mùa Vọng, Giáo hội nhấn mạnh đến thời điểm quan trọng của mầu nhiệm
Nhập Thể và cứu chuộc.
Thiên Chúa đến "Cắm
lều" trong dân Israel, chở chẻ Hòm
Bia Giao ước Lời Thiên Chúa, trong suốt hành trình trong sa mạc (x. Ds 9, 17).
Vào năm 598 trước Chúa Giêsu giáng sinh, Giêrusalem bị thất thủ, hòm bia mất
tích, hòm bia chứng tỏ sự gần gũi Thiên Chúa ở giữa dân Ngài. Sự gần gũi
ấy nay được tỏ hiện trong mầu nhiệm Nhập Thể nơi Đức Trinh Nữ Maria, một người
nữ trong chúng ta, đã được Sứ Thần cho biết "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao
trùm trinh nữ" (Lc 1, 35). Thật là vui khi Thiên Chúa mặc lấy xác
phàm ở giữa chúng ta.
Điều mà tưởng chừng như
không thể, nay được biểu lộ như lời Sứ Thần nói :"Không có việc gì mà Chúa không làm được "
(Lc 1, 37). Cả Đức Maria và Thiên Thần đều đồng ý với nhau về sự hiển nhiên này
của đức tin. Lời trên đã được tuyên phán trong sách Sáng Thế khi nói về sự ra
đời của Isaac " Thì nào có gì quá ư huyền diệu đối
với Thiên Chúa ? "
(St 18, 14). Nay nói về sự sinh hạ của Chúa Giêsu để mọi người nghe mà
hiểu về ơn cứu độ con người là có thể (x. Lc 18, 27). Sự sinh hạ của Con Thiên
Chúa giữa loài người và sự hạ sinh chúng ta, một nhân loại mới là công trình
của Chúa Thánh Thần.
Đức Maria, Người Mẹ Trinh Nguyên
Trong giây phút đón nhận thánh ý Thiên Chúa, do
quyền năng Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria đã cưu mang Chúa Giêsu bởi Chính Thiên
Chúa. Con Thiên Chúa bắt đầu sự sống trong cung lòng Mẹ. Chúa Giêsu là người thật,
nói theo ngôn ngữ biểu tượng của Kinh thánh là tạo nên từ đất; nhưng Người đến
từ trời cao : "Vì thế, Đấng trinh nữ
sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Đấng Tối Cao " (Lc 1, 35).
Bởi lẽ đó, đang khi "rất bối rối", Đức
Maria đã hỏi: "Việc ấy sẽ xảy ra thế
nào, vì tôi không biết đến người nam! (Lc 1,34). Trong sự đơn sơ của mình,
Mẹ không hoài nghi quyền năng của Thiên Chúa nhưng muốn hiểu hơn ý định của
Chúa hầu sống trọn ý Chúa. Thiên Chúa trông chờ tiếng "Xin vâng" từ Mẹ để thực hiện công
trình của Người. Tiếng "Xin vâng"
bao hàm cả tình mẫu tử lẫn sự đồng trinh. Mẹ vừa muốn vinh quang Thiên Chúa hiện
thực nơi mình vừa muốn Người Con sẽ sinh ra hoàn toàn là quà tặng ân sủng.
Lúc Mẹ thưa "Xin vâng", lời thưa của Mẹ đã thay đổi cả lịch sử nhân loại.
Thánh Bernarđô kêu lên : " Ôi lạy Mẹ, Mẹ là đấng cứu chuộc chúng con. Vì
khi Mẹ thưa xin vâng, lập tức chúng con được giải thoát. Toàn thể địa cầu trông
đợi lời xin vâng của Mẹ. Lời ấy sinh ra Ngôi Lời Hằng Hữu. Thiên Chúa muốn nghe
Mẹ tự do trả lời, Mẹ "đầy ân sủng",
khi Mẹ thưa : "Này tôi là tôi
tá Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền ! " (Lc 1, 38). Từ ấy Mẹ hoàn toàn kết hiệp với công
trình của Con Mẹ, hôm nay vai trò Trung Gian của Mẹ khởi đầu. Kể từ đó Mẹ trở
nên Mẹ của tất cả những ai hiệp nhất trong Đức Kitô (Gal 3,28).
Hôm nay chúng ta không thể quên khuôn mặt đặc biệt
của thánh Giuse, vì cả Mẹ Maria và thánh Giuse đều đã sống một cách thật mãnh
liệt duy nhất thời gian chờ đợi và chuẩn bị đón Chúa Giêsu giáng sinh với niềm
vui thiêng thánh.
Thánh Giuse người công chính
Thánh sử Luca trình bày Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria
như là vị hôn thê của "một người tên
là Giuse, thuộc chi họ Đavít " (Lc 1,27). Nhờ qua thánh nhân, Trẻ
Giêsu được đưa vào trong dòng dõi vua Ðavít một cách hợp pháp, và như thế thực
hiện những Lời Kinh Thánh, trong đó Ðấng Thiên Sai được các tiên tri loan báo
như là "Con của Vua Ðavít".
Thánh Giuse là mẫu gương của người "công chính" (Mt 1,19); trong sự hoà
hợp hoàn toàn với vị hôn thê của mình, thánh Giuse tiếp rước Con Thiên Chúa làm
người và canh chừng cho sự tăng trưởng nhân bản của Con Thiên Chúa.
Vì thế, trong những ngày trước lễ Giáng Sinh, thật
là thích hợp hơn bao giờ hết, để thiết lập một cuộc đối thoại thiêng liêng với
Thánh Giuse, với Mẹ Maria, xin các ngài trợ giúp chúng ta sống trọn vẹn mầu nhiệm
cao cả Ðức Tin này. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn
Văn Độ