CHÚA NHẬT IV MÙA
VỌNG
Mẹ Ma-ri-a: đón
Chúa với lòng khiêm nhường
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 1:26-38)
Thánh Gio-an Tẩy Giả có một đường lối
giúp người ta sám hối để đón nhận Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ. Đó là dọn đường mở lối tâm hồn bằng cách quay
lưng lại với tội lỗi và hướng về Chúa, như ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo sứ vụ của
ngài. Còn đối với Mẹ Ma-ri-a, Mẹ cũng có
một đường lối riêng để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa, tuy âm thầm nhưng lại vô cùng
quan trọng: thưa “xin vâng” với Chúa trong
tâm tình khiêm hạ như người nữ tỳ của Chúa.
Những chuẩn bị khiêm nhường ấy được biểu lộ qua cung cách của Mẹ trong
biến cố Truyền Tin. Vậy chúng ta hãy lắng
nghe Mẹ dạy chúng ta phải làm gì để tiếp đón Con của Mẹ.
Trước hết, đáp lại lời chào của sứ thần,
Mẹ “rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì”. Những danh hiệu “Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở
cùng bà” là để dành cho những người đặc biệt được Thiên Chúa tuyển chọn. Cho nên Mẹ bối rối là phải, vì lúc nào Mẹ
cũng chỉ khiêm nhường coi mình là nữ tỳ của Chúa, không xứng đáng lãnh nhận những
danh hiệu cao quý như vậy. Nhưng chính
lòng khiêm nhường ấy lại làm cho Mẹ “được đẹp lòng Thiên Chúa”, vì Thiên Chúa
luôn chống lại kẻ kiêu căng. Sứ thần nói
với Mẹ rằng Thiên Chúa muốn trao cho Mẹ sứ mệnh sinh ra cho nhân loại Chúa
Giê-su là “Con Đấng Tối Cao”. Mẹ không
phản đối hoặc từ chối thánh ý của Thiên Chúa, nhưng chỉ muốn bày tỏ cho sứ thần
thấy rằng việc ấy ở ngoài khả năng của Mẹ.
Tuy nhiên, Mẹ lại hoàn toàn tín thác vào quyền năng Thiên Chúa và lắng
nghe lời giải thích của sứ thần. Đức
khiêm nhường đã giúp Mẹ có được thái độ tín thác ấy. “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể
làm được”. Mẹ tin vào chân lý này nên đã
phó thác đời mình cho kế hoạch của Chúa.
Khiêm nhường là nền móng để chúng ta
tin và để chúng ta mở lòng đón nhận thánh ý Chúa. Ý của Chúa là muốn đến với nhân loại và đến với
tâm hồn chúng ta, cho nên muốn đón Chúa đến thì trước hết chúng ta phải sẵn
sàng đón nhận ý Chúa! Vậy khiêm nhường
là bước đầu tiên Mẹ dạy chúng ta phải làm để đón Chúa vào tâm hồn.
Có một điều rất thích thú và ý nghĩa,
là cả ba lần Mẹ đáp lại sứ thần đều biểu lộ cùng một tấm lòng khiêm nhường. Thứ nhất chỉ vì khiêm nhường, Mẹ bối rối trước
lời chào của sứ thần. Thứ hai chỉ vì
khiêm nhường, Mẹ lo lắng khi được trao sứ mệnh cao cả. Cuối cùng cũng là vì khiêm nhường, trước lời
giải thích của sứ thần về quyền năng Thiên Chúa, Mẹ đã đáp lại: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người
thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”.
Đó là những gì xảy ra trong biến cố
Truyền tin cho Mẹ. Nhưng đức khiêm nhường
để đón nhận Chúa nhập thể của Mẹ sẽ còn tiếp tục sau này, trong từng biến cố của
cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giê-su. Đặc
biệt nhất, chúng ta phải tin rằng chính đức khiêm nhường của Mẹ khi đón nhận
thánh ý Chúa cũng được truyền sang và thể hiện nơi người con yêu dấu của Mẹ. “Lạy Cha, xin đừng theo ý con, mà là theo ý
Cha”. Cả hai Đấng đã để lại cho chúng ta
một “truyền thống”: con đường để Chúa đến
với chúng ta là con đường khiêm nhường.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Trong khi các thiếu nữ Ít-ra-en náo nức
mong đợi được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ Đấng Ki-tô, thì tại thành Na-da-rét
không tên tuổi, thiếu nữ Ma-ri-a luôn khiêm tốn nhận biết mình chỉ là nữ tỳ của
Chúa và không xứng đáng danh dự ấy. Thế
giới hôm nay cũng giống như vậy. Người
ta chuẩn bị những thứ bề ngoài, giăng thật nhiều đèn, sắm thật nhiều quà đắt tiền,
mượn dịp Giáng Sinh để buôn bán, khoe khoang… Nhưng chuẩn bị tâm hồn, một tâm hồn
thực sự khiêm cung theo gương Mẹ Ma-ri-a, thì người ta ít quan tâm. Biến cố Truyền Tin không chỉ là một Tin Mừng,
mà cũng là lời mời gọi chúng ta hãy mở một lối đặc biệt cho Chúa đến, lối khiêm
nhu mà Mẹ Ma-ri-a đã dạy chúng ta. Lời
thưa “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa” sẽ là tín hiệu để Chúa đến với chúng ta
qua nhiều cách: khi chúng ta rước Chúa
vào lòng, khi Chúa hiện thân nơi những người chung quanh chúng ta, khi Chúa nhắc
nhở chúng ta qua những lời khuyên bảo dạy dỗ.
Chúng ta hãy bước theo Mẹ Ma-ri-a để đón Chúa!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi