Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta

Suy Niệm Lễ Đêm Giáng Sinh

(Lc 2, 1-14)

Từ 21 thế kỷ qua, lời rao giảng vui mừng trên vang lên từ con tim Giáo Hội. Trong đêm thánh này, Thiên Thần Chúa lặp lại với mỗi người chúng ta những lời như sau: "Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Vua Ðavít" (Lc 2,10-11).

Trong bầu khí linh thiêng của đêm Noel năm nay, khi chiêm ngắm Con Chúa ra đời, chúng ta xin Chúa điều gì? Chắc chắn mỗi người mỗi tâm tình, mỗi ý nguyện, phần lớn những người hiện diện nơi đây đều có những lời cầu xin của riêng mình. Tôi đề nghị một lời cầu xin tha thiết nhất, một nỗi khát vọng mãnh liệt và triền miên của toàn thể nhân loại chúng ta hôm nay đó là xin ơn "Đức tin và Bình an".

Đề nghị thứ nhất: xin ơn Đức tin

Đấng cứu độ chúng ta đã ra đời, Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa Thật bởi Thiên Chúa thật. Những điều chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính.

Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa.

Giáng Sinh là dịp thuận lợi để chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Chúa Kitô, khẳng định lại những điều chúng ta đã tuyên xưng trong Kinh Tinh Kính của Công Đồng Nicê năm 325 và Công Đồng Constantinôple năm 381. Những điều ấy dẫn chúng ta vào mầu nhiệm của Chúa Kitô.

"Một Hài Nhi, được sinh ra bởi Thiên Chúa Cha từ trước muôn đời", đây là cách diễn đạt nghịch lý của Giáo phụ Romanos de Mélode. Có lúc, Thiên Chúa gần gũi đến lạ thường, và cũng thật siêu việt, vượt quá sự hiểu biết của chúng ta, Một Hài Nhi là Con Thiên Chúa Cha từ trước muôn đời. Để hiểu được cách diễn đạt "sinh bởi Đức Chúa Cha ", chúng ta cần phải đọc lại chương mở đầu của Tin Mừng theo Thánh Gioan : "Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa " (Ga 1,1).

Chúng ta không nghĩ  đến sự sinh bởi Thiên Chúa, vì chúng ta có những ý niệm về không gian và thời gian… Nhưng ở nơi Thiên Chúa, thì không có khởi đầu và kết thúc. Chúa Cha sinh ra Chúa Con tự đời đời. Vì thế Chúa Cha là Cha tự đời đời, và Chúa Con là Con tự đời đời.

Đặc điểm của Chúa Cha là trao ban hoàn toàn cho Con mình. Và đặc điểm của Chúa Con là lãnh nhận hoàn toàn từ nơi Cha và vâng phục trong tình yêu đối với Chúa Cha. Chúa Kitô là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa ; điều này thường thấy trong Tin Mừng, khi mà Chúa Kitô dùng từ "  TA LÀ "  (Ga 9, 58).

Quả thật, trong trình thuật cuộc thương khó Chúa Giêsu theo Thánh Gioan, lúc ở trong vườn Giệtsimani, Đức Giêsu hỏi những người đến tìm bắt Ngài rằng : "Các ngươi tìm ai ? " Họ trả lời : "Giêsu Nagiarét". Đức Giêsu nói : Này ta, " Khi Đức Giêsu nói với họ này ta, họ liền lùi lại và ngã ra đất hết " (Ga 18,6). Họ ngã, không phải là vì họ trượt chân, nhưng là vì họ ở trong tư thế tôn thờ, vì lời Đức Giêsu nói với họ : chính Ta hay là Ta có nghĩa là thần thánh.

Thập giá đối với người Do Thái là sự sỉ nhục, đối với người dân ngoại là sự điên dồ, nhưng đây là sự mạc khải của Thiên Chúa: " Khi nào tôi được treo lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người lên cùng tôi, lúc đó các người sẽ biết ta là ai". Nhưng Giáng sinh có ý nghĩa, vì Giáng sinh là Thánh Giá có một cái bóng được gọi là Phục Sinh.  

"Ánh Sáng bởi Ánh Sáng" 

 "Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sáng của nhân loại ; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng" (Ga 1, 4-5).

Như vậy, với tác giả Tin Mừng, ánh sáng đồng nghĩa với sự sống thần linh ; Nhập thể của Người là ánh sáng, là một trận chiến chống lại bóng tối. Ánh sáng đã đến trong thế gian, nhưng cuộc chiến vẫn tiếp tục cho đến khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang.

Vậy, đâu là bóng tối? Chắc chắn là thế gian rồi, nhưng trước hết vẫn là trong lòng người ta. Chúng ta có vùng tối mà chúng ta không muốn thấy, ánh sáng không phải là bạo lực, do đó ánh sáng tràn ngập, tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Ánh sáng này sau đó sẽ xuất hiện trên khuôn mặt của nhân loại: thần linh hóa mọi tạo vật, chiếu dọi vào tâm hồn, phản ánh vinh quang rực rỡ của Chúa Cha.

Thế giới của chúng ta đang cần những chứng nhân cho ánh sáng. Ở những thế kỷ đầu của Giáo hội, những người chịu phép Rửa tội được gọi là " ánh sáng" chiếu tỏa ánh sáng Thần Linh.

Việc tái truyền giảng Tin Mừng, là làm thế nào để người môn đệ biến đổi. Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã nói với các linh mục rằng : "Người ta muốn thấy Chúa Giêsu qua anh em". Nơi mỗi người đã chịu phép Rửa tội, bởi vì họ là nhà của "ánh sáng từ ánh sáng" phải được chiếu soi rạng ngời.

Nguồn gốc của ánh sáng là Tình Yêu. Vì vậy, đừng quên rằng nếu như tội lỗi, nghĩa là bóng tối tách ra, Tình Yêu biến thành ánh sáng thần linh. Trong máng cỏ, Hài Nhi Giêsu chiếu tỏa ánh huy hoàng của Người trên khuôn mặt rạng ngời có Thánh Giuse.

"Thiên Chúa thật và là Người thật"

Công đồng Chacédoan năm 451 đã tuyên xưng: "Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và người thật".

Tuyên xưng Chúa Kitô là Thiên Chúa thật, không phải vì một người là Thiên Chúa, những là bởi Thiên Chúa đến vì các tội nhân, Ngài đến để cứu từng người trong chúng ta !

Làm thế nào để Thiên Chúa toàn năng, Thánh, chí Thánh, ngàn trùng chí Thánh, ba lần thánh này, có thể đồng bàn với phường tội lỗi? Làm thế nào để Thiên Chúa đến thi thố tình yêu cho chúng ta?

 Hài Nhi nằm trong máng cỏ đến thanh tẩy tội lỗi chúng ta và đem dâng lên trước tòa Chúa. Không, Thiên Chúa không phải là một người cha ngáo ọp, hay một thẩm phán, cũng không phải một kẻ giáo điều. Hài Nhi, Thiên Chúa thật nhỏ bé đến mạc khải cho chúng ta Một Thiên Chúa thật.

Đó là lý do tại sao Chúa Con được sai đến trong thế gian. Không chỉ mạc khải về Chúa Cha, nhưng để nối kết chúng ta với Thiên Chúa. Làm cho chúng ta nhận ra khuôn mặt thật của Thiên Chúa là Cha, Đấng giầu lòng thương xót.

Khi tuyên xưng Hài Nhi năm trong máng cỏ là Thiên Chúa thật, là loại bỏ các lạc thuyết, Ảo thân thuyết, dưỡng tử thuyết. Chúng ta tin rằng Chúa Kitô vừa là Thiên Chúa thật và là người thật. Người là Đấng cứu chuộc chúng ta.

Nếu Đức Kitô chỉ là Thiên Chúa, thì Người không thể cứu độ tất cả chúng ta! Người là Thiên Chúa và là người, giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Tuy nhiên, "Tất cả những gì được Người đảm nhận đều được cứu." (St. Athanasius)

Con Thiên Chúa đã đảm nhận một thân xác, và vì thế từ nay, Người trở nên người nhờ Chúa Thánh Thần, đó là lý do tại sao thân xác của chúng ta trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Bởi tội nguyên tổ, chúng ta đã đánh mất sự sống, nhờ Hài Nhi nằm trong máng cỏ, chúng ta tìm lại được. Vì thế, chúng ta càng theo Chúa Kitô, chúng ta sẽ càng trở nên giống Người hơn. Chúng ta được trao ban cho Chúa Kitô, chúng ta được thần linh hóa.

Khi chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng sinh, chúng ta hãy xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta, để chúng ta tin vào Đức Giêsu Con Thiên Chúa.

Đề nghị thứ hai là : xin ơn bình an.

Chúng ta cầu xin Chúa "ơn bình an" như chính lời Kinh Thánh gợi ý: "Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương! " (Lc 2,14). Đây là điều rất cần thiết và thực tế. Theo Kinh Thánh, sự bình an đi đôi với hạnh phúc mà Chúa ban cho loài người. Ai trong chúng ta mà không khao khát hạnh phúc cho mình và tha nhân? Ai trong chúng ta mà không ước muốn được bình an? Thiếu sự bình an, thì không thể có hạnh phúc. Hạnh phúc trước hết và trên hết là niềm vui "được yêu", được Thiên Chúa yêu thương, được loài người yêu thương.

Sự bình an là một ân sủng, là "quà tặng Giáng Sinh" của Thiên Chúa cho chúng ta. Để có được quà tặng ấy, chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này (x. Tt 2,12).

Nguyện xin ân sủng và bình an của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và tình yêu của Chúa Cha ở cùng tất cả chúng ta. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B