LỄ THÁNH GIA THẤT
Gia đình là nơi con
người được phát triển
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 2:22-40)
Ba bài Tin Mừng trong chu kỳ phụng vụ
của lễ Thánh Gia nói với chúng ta về đời sống của gia đình thánh Giu-se, Mẹ
Ma-ri-a và Chúa Giê-su ở trong ba tình huống khác nhau, lúc chu toàn tuân giữ Lề
Luật, khi phải trốn chạy kẻ thù, hoặc trong dịp lễ hội của cộng đồng. Tuy nhiên trong bất cứ hoàn cảnh sống nào, đều
có một điểm kết luận chung về sự phát triển con người của Chúa Giê-su, thành phần
chính của Thánh Gia thất và là Đấng Cứu Độ muôn dân. Đoạn Tin Mừng Lu-ca hôm nay kể lại một sinh
hoạt của Thánh Gia, là thi hành việc thanh tẩy theo luật Mô-sê, đồng thời đem
con trai đầu lòng mà hiến dâng cho Thiên Chúa.
Vì là những người nghèo, nên nghi thức
thánh hiến dành cho Thánh Gia thất cũng đơn sơ thôi, đó là “dâng của lễ theo Luật
Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non”. Giá trị của lễ không căn cứ vào vật chất,
nhưng là tấm lòng, nền móng của đời sống thiêng liêng. Chắc chắn Thánh Gia không cảm thấy mắc cỡ khi
đem theo đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non lên Đền Thờ. Nhưng các ngài hân hoan vì một lễ vật cao quý
hơn nhiều, một lễ vật là chính Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Độ. Giờ đây các ngài đem dâng lại cho Thiên Chúa
để Người tùy nghi sử dụng trong kế hoạch yêu thương của Người.
Quả thực phẩm giá và sứ mệnh nơi người
con của Thánh Gia đã được tuyên xưng một cách giản dị, nhưng vô cùng ý
nghĩa. Ông già Si-mê-ôn và bà “ngôn sứ”
An-na là những người đầu tiên nhận biết Chúa Giê-su là ai. Ông Si-mê-ôn thì “chính mắt được thấy ơn cứu
độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân” và “ánh sáng soi đường cho dân ngoại”. Còn bà An-na thì “nói về Hài Nhi cho hết thảy
những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem”. Dưới con mắt của hai vị, Chúa Giê-su không những
là một khởi đầu mới cho tuổi già của các ngài, mà còn là một khởi đầu mới cho
toàn thể nhân loại nữa. Nhận biết Đấng Cứu
Độ là ước mong cuối cùng và quan trọng nhất của con người. Cho nên ông Si-mê-ôn vui mừng “xin để tôi tớ
này được an bình ra đi”, và bà An-na đã không uổng công ăn chay cầu nguyện và
thờ phượng cho đến nay đã tám mươi tư tuổi!
Biến cố Thánh Gia hiện diện nơi Đền Thờ
chỉ là để giới thiệu Hài Nhi, nhưng chính tại gia đình Na-da-rét, “ơn cứu độ”
và “ánh sáng” mới thực sự được phát triển.
Sự phát triển này được thánh sử Lu-ca diễn tả như sau: “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh,
đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa”. Hài Nhi, Đấng Cứu Độ, không phát triển đột biến,
nhưng “lớn lên” về mọi phương diện theo năm tháng, thời gian của loài người. Điều quan trọng nhất đó là môi trường phát
triển, tức gia đình Na-da-rét. Nơi đây
có sự ấm áp của tình yêu, tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người. Tình yêu thấm nhập vào thức ăn, lời nói, cử
chỉ, sinh hoạt… để giúp con người phát triển mọi mặt. Đâu phải chỉ một mình Hài Nhi thôi, mà cả Mẹ
Ma-ri-a và thánh cả Giu-se nữa. Người
nào cũng đạt tới “tầm vóc” của Chúa Ki-tô, con người hoàn hảo trước mặt Thiên
Chúa và nhân loại.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúng ta đang ở trong năm Thánh hóa
gia đình. Nói đến thánh hóa là nói đến
phát triển, phát triển nhân bản cũng như phát triển thiêng liêng. Thánh Gia vẫn luôn là gương mẫu cho sự phát
triển toàn vẹn ấy. Con người hôm nay chú
trọng đến phát triển trí tuệ hơn là tâm linh, cho nên họ không nhận thức được tầm
quan trọng của gia đình. Sống bên ngoài
môi trường gia đình, người ta khó thấy được những gì họ thiếu thốn và không thể
tìm thấy trong một xã hội tân tiến. Những
bữa cơm gia đình, những giờ kinh sáng tối, những buổi họp mặt đầy yêu thương, tất
cả nhiều khi chỉ còn là mơ ước thôi. Năm
Thánh hóa gia đình kêu gọi chúng ta nhận định lại giá trị và sự cần thiết của đời
sống gia đình, một yếu tố không thể thiếu trong sự phát triển con người. Giống như Thánh Gia lên Đền Thờ gặp Thiên Chúa,
gia đình phải là môi trường đưa chúng ta vào đời sống cầu nguyện và giúp thăng
tiến đời sống thiêng liêng của chúng ta.
“Hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” phải là mục đích của chúng ta!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi