CN SAU GIÁNG SINH
LỄ THÁNH GIA B
Hc 2,3-6,12-14; Cl 3,12-21; LUCA 2,22-40
GƯƠNG SÁNG CỦA THÁNH GIA NA-DA-RET
I.HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG : Lc 2, 22-40:
(22) Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê,
bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, (23) như
đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là thánh,
dành cho Chúa, (24) và cũng để dâng của lễ theo luật Chúa truyền, là một đôi
chim gáy hay một cặp bồ câu con. (25) Và này đây tại Giêrusalem, có một người
tên là Simêon. Ong là người công chính và sùng đạo. Ong những mong chờ niềm an ủi
của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. (26) Ong đã được Thánh Thần linh
báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức
Chúa. (27) Được Thần Khí dun dủi, ông lên Đền Thờ vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu
đem con tới để chu tòan tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, (28) thì
ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: (29) Muôn lạy Chúa,
giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này, được an bình ra đi. (30) Vì
chính mắt con được thấy ơn cứu độ, (31) Chúa đã dành sẵn cho muôn dân. (32) Đó
là ánh sáng soi đường cho dân ngọai, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài”. (33)
Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người. (34) Ong
Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên
Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được
chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. (35) Còn chính bà, thì
một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều
người phải lộ ra”. (36) Lại cũng có một ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuen,
thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng
được bảy năm, (37) rồi ở góa, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền
Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. (38) Cũng vào lúc
ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai
đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem. (39) Khi hai ông bà đã làm
xong mọi việc như luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét miền
Galilê. (40) Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và
hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
2.Ý CHÍNH:
Tin mừng ghi lại việc
Đức Maria và Thánh Giuse nêu gương sáng cho các bậc cha mẹ
trong việc tuân giữ Luật Thiên Chúa qua việc dâng Hài Nhi Giêsu cho Thiên Chúa
trong Đền thờ. Tại đây Hài Nhi Giêsu đã tỏ mình là Con Thiên Chúa cho ông gìa
Simêon và bà ngôn sứ Anna, đồng thời tỏ mình là phàm nhân trong hình hài một trẻ thơ
yếu ớt phải tuân giữ Luật pháp Môsê.
3.CHÚ THÍCH:
-C 22-24: +Khi đã đến ngày lễ
thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê: Luật Môsê dạy rằng: đàn bà sinh
nở bị nhơ uế nên cần được thanh tẩy trong Đền thờ. Vì Hài Nhi Giêsu là con trai
nên Đức Maria phải lên Đền thờ làm lễ thanh tẩy vào ngày thứ 40 sau khi sinh
theo như Luật dạy. +bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến
dâng cho Chúa như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được
gọi là thánh, dành cho Chúa: Vì Thiên Chúa đã cứu các con trai đầu lòng
của dân Do thái khỏi bị giết chết bên Ai cập trước biến cố Xuất Hành, nên sau
này Luật Môsê qui định các con trai đấu lòng thuộc về Thiên Chúa và phải được
dâng cho Thiên Chúa (x Xh 15, 2 và 12). +và cũng để dâng của lễ theo luật
Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con: Theo luật Môsê (Lv 12,6-8) sản phụ phải dâng lễ
vật để làm của lễ toàn thiêu và đền tội thay cho mình. Ở đây Maria dâng lễ vật
một đôi chim câu, chứng tỏ ông bà thuộc thành phần nghèo. Việc dâng lễ vật này
cho thấy Đức Maria có lòng khiêm tốn vâng phục Luật Chúa truyền dạy, dù Mẹ thụ
thai và sinh con do quyền năng Thánh Thần, nên vẫn bảo tòan được đức trinh khiết.
-C 25-28: +Và này đây tại Giêrusalem, có một người tên là
Simêon. Ong là người công chính và sùng đạo. Ong những mong chờ niềm an ủi của
Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông: Simêon là một
người công chính và có lòng kính sợ Thiên Chúa thể hiện qua việc luôn tuân giữ
Luật Môsê. Ong đang chờ đợi niềm an ủi của dân Itrael là Đấng Cứu Thế sắp được
Thiên Chúa sai đến. +Được Thần Khí dun dủi, ông lên Đền Thờ vào lúc cha mẹ
Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu tòan tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người:
Simêon được Thánh Thần cho biết ông sẽ được nhìn thấy Đấng
Cứu Thế trước khi nhắm mắt. Quả thật, chính Thánh Thần đã thực hiện lời hứa khi
thúc đẩy ông lên Đền thờ đúng vào lúc cha me Hài Nhi đưa Người lên Đền thờ dâng
cho Thiên Chúa.
-C 29-32: +Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để
tôi tớ này, được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã
dành sẵn cho muôn dân. Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngọai, là vinh quang của
Ítraen dân Ngài”: Khi bồng ẵm Hài Nhi trên tay, Simêon đã thốt
lên bài ca mà ngày nay vẫn được Hội Thánh đọc trong giờ kinh tối mỗi ngày. Bài
ca này gồm hai ý chính : Một là Simêon đã được thỏa mãn khi bồng ẵm Đấng Cứu Thế
được hứa sẽ đến, nên ông sẵn sàng nhắm mắt trong bình an thư thái. Hai là sứ mệnh
của Đấng Cứu Thế dành cho mọi dân tộc chứ không chỉ dành cho dân Do thái. Người
sẽ trở thành ánh sáng chiếu soi cho muôn dân, phá tan mọi u mê tăm tối để giúp
mọi người nhìn biết chân lý.
-C 33-35: +Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông
Simêon vừa nói về Người:Hai ông bà Giuse Maria kinh ngạc khi
nghe ông già Simêon cho biết sứ mệnh cao cả của Hài Nhi Giêsu là
cứu độ muôn dân, là ánh sáng muôn dân. Đây là điều Maria chưa nghe sứ thần
Gáprien nói đến khi truyền tin. +Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên
cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu
bị người đời chống báng: Simêon tiết lộ cho Maria về cách thế người đời
đối xử với Chúa Kitô . Người sẽ làm cớ cho nhiều người bị vấp ngã hay được chỗi
dậy và là mục tiêu cho người đời chống đối. Khi xuất hiện, Chúa Giêsu sẽ chiathế
giới thành hai phe đối chọi nhau: một phe tin yêu Người. Còn phe kia chống đối
thù ghét Người. Chính sự yêu hay ghét đó sẽ bộc lộ tâm tư bề trong của con người
là họ đứng về phía sự công chính chân thật hay ngả theo sự bất lương dối trá. +Còn
chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ
thâm tâm nhiều người phải lộ ra: Riêng bà Maria khi chứng kiến tất cả
những sự thù ghét chống đối đó, sẽ bị đau khổ trong tâm hồn giống như bị một lưỡi
gươm sắc bén đâm thâu vậy.
-C 36-40: +Lại cũng có một ngôn sứ tên là Anna…:Bà Anna được mệnh danh là ngôn sứ hay tiên tri, vì bà đã làm
công việc của một ngôn sứ là tuyên sấm lời Thiên Chúa để kêu gọi người ta sám hối
và động viên họ làm việc thiện theo đường lối của Thiên Chúa. +Bà không rời
bỏ Đền thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa: Bà
Anna là một phụ nữ có lòng đạo đức khi chuyên cần phục vụ Đền thờ
và năng ăn chay cầu nguyện. +Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ
Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu
chuộc Giêrusalem: Bà được Thánh Thần soi sáng nhận biết Đấng Cứu Độ của
dân Ítraen. Bà cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa và đi loan báo tin mừng về Hài Nhi
Cứu Thế cho hết những ai đang trông chờ ơn cứu độ của dân Ítraen được biết. +trở
về nơi cư ngụ là thành Nadarét miền Galilê: Từ đây Nadarét trở thành
quê hương của Đức Giêsu và luôn gắn liền với tên gọi của Người.
Sau này người đời sẽ gọi Người bằng danh hiệu Giêsu Nadarét.
4.CÂU HỎI: 1-Bài Tin Mừng hôm nay nhằm dạy bài học gì về bản
tính của Chúa Giêsu? 2-Luật Môsê quy định thế nào về sự nhơ uế của người phụ nữ
sau khi sinh? 3- Luật Môsê dựa vào đâu để quy định khỏan luật về mọi con trai đầu
lòng thuộc về Thiên Chúa nên phải dâng cho Thiên Chúa trong Đền thờ? 4-Qua lễ vật
dâng cho Thiên Chúa để chuộc lại Hài Nhi Giêsu, chúng ta nhận biết hai ông bà
Giuse Maria thuộc lọai người giàu có hay nghèo khó trong xã hội Do thái đương
thời? 5-Ong già Simêon nói tiên tri về sứ mệnh của Hài Nhi Giêsu và về tương
lai của Đức Maria Mẹ Người? 6-Do đâu tác giả Tin mừng gán cho bà Anna danh hiệu
ngôn sứ hay tiên tri? 7-Tại sao Đức Giêsu được gọi là Giêsu Nadarét?
II.SỐNG LỜI CHÚA:
1.LỜI
CHÚA: Ông Giu-se liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang
Ai-cập (Mt 2,14) :
2.CÂU
CHUYỆN: LÀM TRƯỚC DẠY SAU:
Một hôm có một phụ nữ dắt theo một bé gái đến gặp MA-HÁT-MA
GĂNG-ĐI (Mahatma Gandi) để xin ông một lời khuyên, để con bà bỏ thói hay ăn quà
vặt. Găng-đi liền nói : Bà hãy đem nó về nhà và ba tuần sau hãy mang nó trở lại
đây cho tôi”. Sau đúng ba tuần, bà ta lại dắt con đến như đã hẹn. Bấy giờ
Găng-đi đã khuyên bảo đứa bé đúng như bà mẹ đã yêu cầu, rồi cho hai mẹ con về.
Nhưng trước khi ra về, bà mẹ nêu thắc mắc: “Thưa ngài, tôi tưởng là ngài phải
làm gì nhiều hơn chứ. Nếu chỉ là việc cho con gái tôi một lời khuyên thì sao
ngài lại bắt tôi phải chờ đến ba tuần làm chi?” Bấy giờ Găng-đi mới ôn tồn trả
lời: “Thưa bà, lần trước nghe lời bà yêu cầu, tự nhiên tôi cảm thấy xấu hổ, vì
chính tôi cũng đang mắc tật xấu hay ăn quà vặt như con gái bà. Vì thế tôi không
thể khuyên cháu đừng làm điều mà chính tôi đang mắc phải. Do đó, tôi đã phải hẹn
với bà ba tuần sau trở lại, để trong ba tuần lễ đó, tôi cố bỏ tật xấu ấy, rồi mới
dám cho cháu bé một lời khuyên như bà đã thấy”.
3.SUY NIỆM:
1) THÁNH GIU-SE: GƯƠNG MẪU CỦA NGƯỜI
TRƯỞNG GIA ĐÌNH :
a) Tinh thần trách nhiệm lo cho gia đình và luôn cậy
trông Thiên Chúa: Bấy giờ Hài Nhi Giê-su bị vua
Hê-rô-đê tìm kiếm giết hại. Được sứ thần mộng báo, Giu-se đã lập tức trỗi dậy
ngay lúc đêm tối, đem vợ con chạy trốn sang Ai-cập. Sau khi Hê-rô-đê băng hà,
Giu-se lại một lần nữa vâng lệnh sứ thần mộng báo, đem Thánh Gia trở về làng
Na-da-rét, để tránh bị ông vua mới là Ác-khê-lao tàn ác không kém vua cha giết
hại. Qua sự kiện này, ta thấy ngày hôm nay dù có Chúa ở cùng, nhưng chắc chắn
chúng ta cũng không tránh khỏi những cơn phong ba bão tố vùi dập. Có điều là
thánh Giu-se đã không bao giờ ngã lòng trông cậy để nêu gương cậy trông cho
chúng ta.
b) Vợ chồng cùng nhau cộng tác vượt qua nghịch cảnh: Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a trong quan hệ với nhau cũng không
tránh khỏi có những lúc sóng gió, tưởng như con thuyền gia đình sắp tan vỡ. Chẳng
hạn : Giu-se đã từng suy nghĩ ngày đêm và quyết định bỏ Ma-ri-a; Cũng có lúc
hai ông bà rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, như khi hai người về quê khai nhân
danh, vừa tới thành Bê-lem thì Ma-ri-a cũng tới lúc sinh con, mà Giu-se không
sao tìm được một chỗ trọ cho hai người; Có những lúc Giu-se Ma-ri-a phải lo lắng,
chạy đôn chạy đáo đi tìm Hài nhi bị lạc mà phải mất tới ba ngày mới tìm thấy
con trong Đền Thờ. Nhất là có lúc Đức Ma-ri-a phải chịu dao sắc thâu qua trái
tim, khi đứng dưới chân bên cây thập giá, chứng kiến người con yêu bị hấp hối
và sau khi chết còn bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn… Như vậy, Thánh Gia cũng chẳng
được ưu đãi hơn so với các gia đình khác, cũng phải trải qua nhiều nghịch cảnh…
để nêu gương cho các gia đình tín hữu chúng ta hôm nay. Trong bất cứ hoàn cảnh nào
dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng không được ngã lòng thất vọng, nhưng luôn phải
vững tin vào tình thương và quyền năng của Chúa quan phòng. Người sẽ mau biến từ
sự dữ ra sự lành.
2) NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY RA ĐỔ VỠ HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH:
Các gia đình hôm nay cũng có nhiều nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc:
a) Có thể do
ham bài bạc như đánh đề cá độ bóng đá gây nợ nần, dẫn đến nhà tan cửa nát,
vợ chồng ly tán, con cái nheo nhóc bỏ học để đi bụi đời.
b) Có thể do
thái độ ích kỷ và vô trách nhiệm không quan tâm lo cho gia đình dẫn đến sự bất
bình khinh thường nhau và tranh cãi giận hờn nhau.
c) Có thể do thói hư như rượu chè, cờ bạc, trai gái hút
chích… Hoặc do cách ứng xử thiếu lịch sự tế nhị với nhau và với
cha mẹ họ hàng đôi bên, do lối ứng xử độc đoán không tôn trọng nhau, không bàn
hỏi khi quyết định những vấn đề quan trọng, không thống nhất về việc nuôi nấng
dạy dỗ con cái.
d) Có thể do thiếu tình mến Chúa yêu người. Trong một cuộc phỏng vấn, nữ tu Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã nói về
vấn đề này như sau: “Tôi nghĩ rằng không phải ai cũng ý thức về tầm quan trọng
của gia đình. Nếu chúng ta yêu thương nhau thì chắc chắn thế giới này sẽ đổi
khác”. Thậy vậy, thế giới băng hoại vì có quá nhiều gia đình thiếu vắng tình
thương. Giới trẻ hiện nay rơi vào thói xấu nghiện ma túy, phần lớn là do cha mẹ
đã thiếu quan tâm dạy dỗ chúng. Ước gì các gia đình tín hữu chúng ta trở thành những
mái ấm đầy tình yêu của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
2) LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIA ĐÌNH LUÔN SỐNG HÒA HỢP HẠNH PHÚC?
a) Học tập nhân bản và giáo lý: Phải làm thế nào để con em chúng ta được giáo dục về các đức tính
tự nhiên đi đôi với việc giáo dục đức tin… các bạn trẻ sắp bước vào đời sống
hôn nhân gia đình cần được học tập về bổn phận trách nhiệm của mỗi thành viên
gia đình, rút kinh nghiệm từ các đôi vợ chồng hạnh phúc hay bất hạnh để phòng
tránh và chuẩn bị cho cuộc sống chung sau này.
b) Mỗi người phải có tinh thần trách nhiệm, sống đúng vai trò của
mình trong gia đình là chống, vợ hay con cái: Một tờ báo ở
Luân-đôn nước Anh đã mở một cuộc điều tra các ông chồng, yêu cầu họ thành thật
trả lời câu hỏi: “Trong gia đình bạn, ai là người thực sự có quyền làm chủ gia
đình ?” Kết quả cho thấy có 80% câu trả lời: “Vợ tôi làm chủ”, 19% trả lời “Mẹ
vợ tôi làm chủ”. Chỉ có 1% trả lời: “Chính tôi làm chủ, vì vợ tôi đã qua đời !”
Như vậy, không lạ gì khi thấy sau Hoa Kỳ, Anh quốc có số gia đình ly hôn chiếm
tỷ lệ cao nhất: Mỗi năm cứ hai đám cưới thì có một đám ly hôn.
c)
Vợ chồng cần nuôi dưỡng tình yêu: Tình
yêu có đặc điểm là hy sinh cho nhau. Cây tình yêu của hai vợ chồng rất cần được
quan tâm khử trừ những con sâu ích kỷ khi chỉ nghĩ đến mình, con sâu độc đoán
hẹp hòi, gàn dở khi cố chấp không chịu nhận lỗi và sửa sai, con sâu lười biếng
bổn phận của mình và vô trách nhiệm không chịu lo kiếm tiền lo cho gia đình,
con sâu tình cảm ngang trái vụng trộm, hoặc hay ghen bóng ghen gió… Tình yêu vợ
chồng cũng cần được tưới bón bằng lời Chúa, lời cầu nguyện, bằng những lời khen
tặng thành thật, bằng những lời yêu thương và những sự quan tâm và cử chỉ âm
yếm dành riêng cho nhau.
d) Vợ chồng phải tôn trọng nhau, thể hiện qua việc biết trao đổi
bàn bạc với nhau trong mọi việc: Phải một lòng một ý về việc cư xử
với tha nhân, về việc nuôi dạy con cái, về việc mua sắm đồ dùng trong nhà, và
việc làm ăn sinh sống. Vì “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”, và:
“Phu phụ hòa, gia đạo thịnh”.
e) Hãy học sống Lời Chúa là “tập quen chịu đựng và tha thứ cho
nhau” : Trong một buổi tĩnh tâm dành cho gia trưởng, nhưng cũng
có nhiều bà vợ tham dự. Tới phần làm phép thánh giá, cha giảng phòng nói: “Ai
có cây thánh giá cần làm phép yêu cầu mang lên gần gian cung thánh để được làm
phép”. Bấy giờ một ông lão thay vì mang cây thánh giá thì lại cõng bà vợ bị tê
liệt lên. Khi tới phiên, thay vì giơ cây thánh giá lên cho cha rẩy nước thánh thì
ông lão lại bồng bà cụ lên trước sự ngạc nhiên của mọi người. Ông nói: “Thưa
cha, đây là thánh giá của con. Xin cha làm phép để con được vác thánh giá này đến
trọn đời !”.
g) Gia đình phải có Chúa hiện diện: Thực vậy, nếu gia đình thực sự có đức tin, có lòng đạo đức,
thì sẽ thương yêu và nhường nhịn nhau. Cần dọn bàn thờ Chúa ở nơi trang trọng
nhất và năng đọc kinh tối gia đình hằng ngày. Trong giờ kinh tối luôn có phần Lời
Chúa và cầu nguyện theo Lời Chúa dạy. Gia đình động viên nhau sống tình yêu
thương: Chồng yêu vợ, vợ yêu chồng, con cái thảo kính cha mẹ, anh chị em trong
nhà biết nghĩ đến nhau và quan tâm làm vui lòng nhau. Cần năng suy niệm và thực
hành lời dạy của thánh Phao-lô: “Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân
hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng nhau và hãy tha thứ cho nhau, nếu
người này có chuyện phải oán trách người kia…” (Cl 3,12-13). Trong đời sống hôn
nhân gia đình, chắc chắn cũng sẽ có khi vui lúc buồn, khi thành công luc thất bại…
Nếu gia đình có Chúa là Tình Yêu ngự trị thì chắc sẽ vượt qua mọi thử thách gặp
phải trong cuộc sống hôn nhân gia đình.
4.THẢO LUẬN: 1) Nguyên nhân thường gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình là
gì và phải làm gì để phòng tránh ? 2-Bạn có đồng ý với câu người ta thướng nói:
“Con hư tại mẹ cháu hư tại bà” không? Tại sao?
LẠY CHÚA GIÊ-SU, mỗi
lần tham dự thánh lễ hôn phối, con thấy đôi tân hôn thật hạnh phúc. Với nét mặt
rạng rỡ và trong bộ y phục trắng tinh khôi, con thấy cô dâu sánh bước bên chú rể
tiến đến trước bàn thờ cử hành hôn lễ như đang bước vào thiên đàng hạnh phúc.
Nhưng rồi với năm tháng qua đi, con lại thấy gia đình họ trở thành hỏa ngục trần
gian, khi “kẻ thì khóc lóc, người lại nghiến răng”. Xin giúp các đôi vợ chồng
trẻ biết duy trì được tình yêu ban đầu. Xin cho họ biết “cho hơn là nhận”, biết
ân cần phục vụ lẫn nhau, biết quảng đại tha thứ và chịu đựng nhau. Nhờ đó gia
đình chúng con sẽ trở thành một thiên đàng tình yêu, là dấu chỉ sau này chúng
con sẽ cùng được hưởng hạnh phúc với nhau trên Thiên đàng.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN
CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM