Lạy Chúa Thánh
Thần, xin Ngài ngự đến
Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
(Ga 20,
19-23)
40 ngày sau Đại lễ
Phục Sinh, Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm cao cả Chúa về Trời, tiếp đến
là cầu nguyện thiết tha : Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt
vời, xin ngự đến.
Giáo hội xin Ngài
đến để làm gì ? Thưa, để rửa sạch điều
nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Uốn
nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường…
(Ca tiếp liên).
Đúng 10 ngày sau khi
Chúa về Trời, chúng ta cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống với niềm vui khôn
tả, Ngài là Đấng mà Đức Giêsu đã hứa với chúng ta (x. Ga 16, 7). Ngài
" hiện diện " trong lịch sử
Giáo hội, và hành động không biết mệt mỏi. Giáo hội sẽ tiếp tục nói các thứ
tiếng cho đến muôn đời, giao tiếp với hết mọi dân tộc trên toàn thế giới, và
con người ở mọi nơi mọi thời sẽ còn tiếp tục sửng sốt và bỡ ngỡ, (x. Cv 2, 6),
vì những người rao giảng Tin Mừng luôn đầy Thánh Thần. Khắp mọi nơi, người ta
sẽ nghe thấy Giáo hội diễn tả cùng một Đức tin trong ngôn ngữ của chính dân tộc
ấy (x. Cv 2, 6), và vì thế, phép lạ ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần sẽ luôn
đồng hành với Giáo hội để Ngài tiếp tục làm nhiệm vụ đổi mới và canh tân. Thần
Chân Lý đã " nhập thể "
trong Hội Thánh. Như lời ca nhập lễ diễn tả : " Thánh Thần Chúa tràn ngâp địa cầu, liên kết
hết mọi người, thông thạo mọi ngôn ngữ. Hallêluia. "
Sách Tông đồ Công vụ thuật lại : "Hết thảy mọi người
đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo
Thánh Thần ban cho họ nói"
(Cv 2, 4). Thật là một kỷ niệm tuyệt đẹp về ngày Chúa Thánh Thần trong ngày
Ngài hiện xuống trên các thánh Tông đồ và những người qui tụ chung quanh họ,
ngày mà chúng ta có lại được hồng ân vô giá mà mưu chước Quân Thù và sự yếu
đuối của nhân loại đánh mất là phúc Thiên Đàng.
"Bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy
nhà nơi họ đang sum họp" (Cv 2, 2).
Gioan Taulê (1300-1361), tu sĩ dòng Daminh ở Strasbour nói : Ngôi nhà,
sách Tông đồ Công vụ nói ở đây tượng trưng trước hết cho Hội Thánh, nơi Thiên
Chúa ngự, nhưng cũng là biểu tượng của mỗi người chúng ta là đền thờ Chúa Thánh
Thần ngự trị. Một ngôi nhà có nhiều tầng, nhiều phòng, nhiều công dụng, cũng như
nơi con người có những khả năng, giác quan và nghị lực khác nhau, Chúa Thánh
Thần viếng thăm tất cả cách đặc biệt. Khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài nhào nặn,
cổ vũ và gợi ý nơi con người một số khuynh hướng tốt, Ngài tác động và soi sáng
họ. Cuộc viếng thăm và tác động nội tâm này, hết thảy mọi người đều được ơn
không ai giống ai. Mặc dù Chúa Thánh Thần là Đấng duy nhất hoạt động nơi con
người. (Trích bài giảng số 26, 2 ngày lễ
Ngũ Tuần)
Chúa Thánh Thần ở nơi những con người có lòng ngay thật, cũng như bất cứ ai
muốn trở nên dễ uốn nắn bởi Chúa Thánh Thần trong hòa bình và trật tự, người
nào càng nhiệt tâm đón nhận, người ấy càng hiểu biết hơn về sự thể hiện nội tâm
này và ngày càng gia tăng ơn của Chúa
Thánh Thần, Đấng đã được ban cho con người ngay từ ban đầu.
Những " Hoa quả của Thần
khí là: mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực
" (Gal 5, 22).
Phải khẳng định rằng " Chúa Thánh Thần đến vì chúng ta. Ngài không
chỉ đến "để ở với Giáo hội
luôn mãi " (Ga 14,
16). Như lời Chúa Giêsu hứa : " Để Người ở với
anh em mọi ngày cho đến tận thế ". Ngày
hiện xuống, Chúa Thánh Thần còn đổ tràn đầy ân sủng và ơn đoàn sủng xuống
trên Giáo hội thật phong phú dồi dào! Chúng ta đọc thấy trong sách Tông đồ Công
vụ (…) Chúa Thánh Thần hiện xuống một cách hữu hình trên những người chịu phép
rửa tội và làm cho họ ngập tràn niềm vui. Ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần
hiện xuống một cách hữu hình trên các Tông đồ ; kể từ ngày hôm đó, Giáo
hội, Vương Quốc của Đức Giêsu lan rộng khắp địa cầu, chính Chúa Thánh Thần cùng
với Chúa Cha và Chúa Con điều khiển Giáo hội. Bằng sự thánh thiện, Ngài kiện
toàn nơi tâm hồn con người ngay từ lúc khởi đầu Ơn Cứu Chuộc. Thánh Tôma Aquinô
nói : "Ngài là linh
hồn của thân thể nhiệm mầu là Giáo hội " (Tổng luận Thần học,
I-II, q. 106, a. 1c.). Ngài ngự trong Giáo hội cách thường hằng, Ngài không
ngừng trao ban sự sống và thánh hóa Giáo hội như lời Thánh Phaolô
nói : " Vì Ngài lưu lại nơi các ngươi
và ở trong các ngươi " (Ga 14, 17). Vì là Thần khí Sự Thật, " khi nào Ngài đến, Ngài sẽ hướng dẫn trong Chân Lý " (Ga 16, 13)
và gìn giữ khỏi mọi sai lầm. Chính Ngài làm bừng lên trong Giáo hội sự phong
phú siêu nhiêu : làm nảy sinh và triển nở những nhân đức anh hùng nơi tâm
hồn các thánh trinh nữ ; các thánh tử đạo, các thánh hiển tu, ẩn tu, đó là
một trong những dấu chỉ sự thánh thiện. Tóm lại, Chúa Thánh Thần hoạt động
trong tâm hồn nhân thế ; nhờ linh hứng trong Hội Thánh, nhờ máu châu báu
của Đức Giêsu Kitô đổ ra ," tinh tuyền,
không vết nhơ, không tì ố" (Ep 5, 27), ngõ hầu tất chúng ta xứng đáng trình diện trước tòa Thiên Chúa
là Cha Đức Giêsu trong ngày thẩm phán.
Ðức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói : Đây là mầu nhiệm của Lễ Chúa
Thánh Thần Hiện Xuống: Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con người, và qua việc
soi sáng cho họ biết về Chúa Kitô chịu đóng đinh, chết và đã sống lại, Chúa
Thánh Thần chỉ cho biết con đường để trở nên giống Chúa hơn, nghĩa là trở nên
"sự biểu lộ và phương thế"
của tình yêu, một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. Thiên Chúa là Tình Yêu,
số 33).
Cùng với Mẹ Maria và toàn thể các thánh trên Trời, chúng ta cùng cầu nguyện
như sau: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin
hãy đến! Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn
lửa Tình Yêu Chúa trong lòng họ !" Amen.
Lm.
Antôn Nguyễn Văn Độ