CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mác-cô 14:1 – 15:47)
Tất cả các sự kiện được kể lại trong
bài Thương Khó đều lôi cuốn sự chú ý và suy nghĩ của chúng ta. Tuy nhiên mỗi người có thể dừng lại ở điểm
nào đó khiến cho mình cảm động nhất. Mỗi
sự kiện gây nên cái đau riêng, không những thể xác mà cả tâm lý và tinh thần nữa. Chúng ta được mời gọi hãy tưởng niệm cuộc
Thương Khó của Chúa Giê-su không phải như người ngoại cuộc quan sát và phân
tích nỗi đau đớn của Chúa Giê-su, nhưng là người trong cuộc đồng cảm với Chúa
trong những đau khổ của Người.
Trước hết chúng ta cùng đau khổ với
Chúa vì những người thân đã làm cho Người phải ưu phiền. Một trong những người thân của Chúa Giê-su là
Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Có lẽ tại
Bê-ta-ni-a, Giu-đa là một trong số những môn đệ bực tức khi thấy người phụ nữ lấy
dầu cam tùng nguyên chất đắt tiền xức dầu cho Chúa Giê-su. Trong khi người phụ nữ không tiếc bình dầu
thơm đáng giá ba trăm quan tiền để xức dầu cho Chúa, thì Giu-đa lại ham ba chục
quan tiền để bán đứng tính mạng Thầy mình!
Tiếp đến trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã tế nhị nhắc nhở lương tâm
Giu-đa, nhưng anh ta vẫn không chút hối cải.
Sau cùng tại Vườn Dầu, anh ta dùng cái hôn làm ám hiệu cho kẻ thù Chúa
Giê-su đến bắt Người. Người thân thứ hai
trong cuộc Thương Khó là ông Phê-rô.
Trong bữa ăn lễ Vượt Qua, ông mạnh miệng thề với Thầy: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng
nhất định là không”. Vậy mà trong Vườn Dầu,
đang khi Thầy “đổ mồ hôi máu” cầu nguyện, thì Phê-rô và hai bạn lăn ra ngủ! Chúa Giê-su đã phải thốt lên: “Si-môn, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao?” Tại dinh thượng tế, trước lời tố giác bâng
quơ do một cô tớ gái của thượng tế mà Phê-rô đã run sợ thề sống thề chết là không
hề biết Chúa!
Nỗi đau thứ hai là do các nhà lãnh đạo
tôn giáo và đám thuộc hạ. Đáng lẽ họ phải
là những người hướng dẫn dân chúng để tiếp nhận Chúa Giê-su là “Đấng Ki-tô, Con
của Đấng Đáng Chúc Tụng”, nhưng họ lại dùng chính danh hiệu cao quý ấy để xách
động mọi người “kết án Người đáng chết”.
Sau trò xúi giục kết án là màn xỉ nhục.
Nào là “khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm vừa nói:
‘Hãy nói tiên tri đi!’, và đám thuộc hạ tát Người túi bụi”. Chúng ta thử tưởng tượng cảnh những bãi đàm,
nước bọt, những lời tục tĩu chửi rủa phóng vào mặt mũi Chúa, rồi chúng ta hãy
nhớ lại lần nào đó chúng ta cảm thấy đau nhói chỉ vì một lời phê bình xây dựng
của người bạn, để xác tín rằng vì yêu thương chúng ta nên Chúa cam lòng chịu đựng
những xỉ nhục và đau đớn ấy.
Nỗi đau kế tiếp là do sự hèn nhát của
chính quyền và thiếu vắng công lý.
Phi-la-tô “thừa biết chỉ vì ghen tị mà các thượng tế nộp Người”, vậy mà
ông không màng gì tới công lý và “muốn chiều lòng đám đông”, nên “phóng thích
tên Ba-ra-ba, truyền đánh đòn Đức Giê-su, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào
thập giá”.
Cái đau thân xác do bị đánh đập, đội
vòng gai, vác thập giá, bị đóng đinh vào thập giá làm sao diễn tả nổi. Nhưng cái đau tinh thần còn lớn lao hơn, vì
“Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp”, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh và để
biến đổi thân phận chúng ta từ những kẻ tội lỗi trở thành con cái Thiên Chúa!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Nỗi đau khổ và cái chết của Chúa
Giê-su là một Tin Mừng hay sao? Đúng thế.
Nhưng chúng ta chỉ có thể hiểu đó là Tin Mừng khi chúng ta tin vào động
lực Tình Yêu đã thúc đẩy Chúa Giê-su chấp nhận “không nhất quyết duy trì địa vị
ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang”. Diễn tả của thánh Phao-lô về việc Chúa Giê-su
Ki-tô trút bỏ vinh quang Thiên Chúa (Phi-líp-phê 2:6-11) đã được Phụng vụ Tuần
Thánh sử dụng như là chủ đề nền tảng cho mọi suy niệm về cuộc Thương Khó và Phục
Sinh của Chúa. Xác tín và cảm nghiệm
Tình Yêu vô điều kiện này của Thiên Chúa đạt tới tột đỉnh qua cái chết của Chúa
Giê-su, đó là cách Giáo Hội muốn chúng ta tưởng niệm cuộc Thương Khó của Người. Vậy chúng ta hãy cùng đồng hành với Chúa và
cùng đau khổ với Người!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi