LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA

Loan truyền mầu nhiệm Giáng Sinh

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 2:16-21)

          Thánh lễ hôm nay mang những chủ đề súc tích, như Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, lễ đặt tên Giê-su cho Hài Nhi mới giáng sinh và ngày cầu cho hòa bình thế giới. Tuy nhiên những đề tài khác nhau này vẫn quy về làm một, tức là mầu nhiệm Giáng Sinh.  Bài Tin Mừng kể lại việc các người chăn chiên đến Bê-lem để thờ lạy Chúa.  Trước mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, Mẹ Ma-ri-a, các người chăn chiên và những người nghe họ kể lại câu chuyện gặp Đấng Cứu Thế đã làm gì?

          Tại thánh đường “Cánh đồng chiên”, chúng ta thấy một bức tranh lớn trên tường ghi lại cảnh các người chăn chiên ra về sau khi đã đến viếng Hài Nhi.  Nét mặt người nào cũng vui mừng hớn hở.  Một cậu bé còn vừa nhảy vừa hát.  Họ đang loan báo Tin Mừng Giáng Sinh!  Chúng ta cứ tưởng tượng hình ảnh đêm hôm trước, những người chăn chiên lầm lũi bước trong đêm tối, để theo lời sứ thần Chúa mà đi tìm “một trẻ sơ sinh bọc trong tã, nằm trong máng cỏ”.  Một trẻ sơ sinh thì có gì là quan trọng đối với những người nghèo khó này?  Thưa rất quan trọng, vì họ đã đón nhận một tin mừng trọng đại, là “hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa”.  Đáp lời sứ thần, họ đã “hối hả ra đi” tới Bê-lem, mặc cho nguy hiểm đêm tối.  Tới hang Bê-lem và gặp được Hài Nhi, họ đã kể lại những điều sứ thần cho họ biết về Hài Nhi:  Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa.  Ở đây chúng ta có thể coi các người chăn chiên là những kẻ loan báo Tin Mừng và Mẹ Ma-ri-a cùng thánh Giu-se là những người đón nhận Tin Mừng.  Mẹ đã đón nhận và “suy đi nghĩ lại trong lòng”.  Con của Mẹ là Đấng Ki-tô, nghĩa là Đấng sẽ chiến thắng tội lỗi và sự chết để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa.  Con của Mẹ là Đức Chúa thì đương nhiên Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa.  Những mầu nhiệm này của biến cố Giáng Sinh là đề tài suy niệm trong tất cả cuộc sống trần gian của Mẹ. 

          Còn các người chăn chiên, sau khi rời hang đá và trở về với cuộc sống hằng ngày, họ tiếp tục ca tụng tôn vinh Thiên Chúa về những hồng phúc Người đặc biệt ban cho họ.  Chắc chắn cũng như Mẹ Ma-ri-a, họ tìm hiểu ý nghĩa của Tin Mừng Giáng Sinh mà sứ thần đã báo cho họ.  Giờ đây, những lời ca tụng của đạo binh thiên quốc đêm Giáng Sinh trở thành những lời ca tụng của họ.  “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.  Họ cảm nghiệm được bình an khi ngắm nhìn Hài Nhi trong máng cỏ.  Họ được diễm phúc là những người đầu tiên chào đón Hài Nhi, nên họ là những người được Chúa thương đặc biệt.  Rồi cũng như họ đã kể cho Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se những điều sứ thần loan báo cho họ, thì từ nay họ sẽ kể lại cho tất cả những ai họ gặp các điều họ đã mắt thấy tai nghe về Hài Nhi.  Như thế, loan báo Mầu Nhiệm Giáng Sinh không đòi chúng ta phải viết những bài khảo luận cao siêu hoặc giảng dạy, mà chỉ cần “kể lại điều đã nghe nói về Hài Nhi”.

          Tám ngày sau khi Hài Nhi ra đời là lễ đặt tên.  “Giê-su” là tên sứ thần đặt cho Hài Nhi lúc truyền tin cho Mẹ Ma-ri-a.  Giê-su nghĩa là Thiên Chúa cứu độ.  Với ý nghĩa của thánh danh này, chúng ta cảm nghiệm được hòa bình của thế giới đã ló rạng.  Không phải là thứ hòa bình của nhân loại khi người ta bỏ vũ khí xuống mà thôi, nhưng là thứ bình an chỉ có Đấng Cứu Độ mới đem lại được cho thế giới, tức là bình an tâm hồn.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Với những ý nghĩa sâu xa của Mầu Nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm Thiên Chúa cứu độ, chúng ta hiểu được thiên chức cao cả của Mẹ Ma-ri-a làm Mẹ Thiên Chúa.  Tuy nhiên thánh Phao-lô cũng không quên nhắc đến thân phận làm nghĩa tử của chúng ta.  “Anh em không phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa”.  Hạnh phúc của ta là được gọi Thiên Chúa là “Áp-ba, Cha ơi!”  Từ thân phận “nô lệ” cho tội lỗi, chúng ta trở thành người tự do, hơn nữa còn là con Thiên Chúa.  Đức Chúa đã chúc lành cho dân Ít-ra-en thế nào, thì Người còn chúc lành cho ta nhiều hơn thế, vì Người ban cho ta Chúa Giê-su là “nguồn sung mãn của Người”, để ta được hết ơn này đến ơn khác.

            Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B