chuẨn bỊ tiỆc vưỢt qua và khai mẠc giao ưỚc
(Máccô 14,12-16.22-26 Mình Máu Thánh - B)
1.- Ngữ cảnh
Phụng
vụ hôm nay đưa chúng ta đến bữa ăn cuối cùng Đức Giêsu chia sẻ với các môn đệ.
Đây là một trong nhiều sự cố đã xảy ra kể từ khi Đức Giêsu đến Giêrusalem
(x. 11,1). Tuy nhiên, bữa ăn này có một giá trị đặc biệt, vì đây là một
bữa tiệc Vượt Qua, trong đó Đức Giêsu sẽ ký kết giao ước mới trước khi đi
vào cuộc Thương Khó.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Chuẩn bị tiệc Vượt Qua (14,12-16);
2) Khai mạc giao ước (14,22-26).
3.- Vài điểm chú giải
- Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không
Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua (12): Theo truyền thống Kinh
Thánh, lễ Vượt Qua (Pesach) được cử
hành vào chiều ngày 14 Nisan (“Nisan” là tháng thứ nhất của năm) và chính ngày
lễ là 15 Nisan, còn lễ Bánh Không Men (lễ Matzoth),
kéo dài thành bảy ngày, lại bắt đầu vào đúng ngày 15 Nisan. Vì hai đại lễ này
quá gần nhau, chẳng mấy chốc lễ Bánh Không Men đã được gọi là lễ Vượt Qua, và
kéo dài trong bảy ngày và bắt đầu với đêm lễ Vượt Qua, và phụng vụ cũng gọi đêm
lễ Vượt Qua ấy là “lễ Bánh Không Men”. Chiên và bánh không men là lương thực
biểu tượng của lễ mùa xuân. Cả hai thứ này nói lên sự tái sinh và đời sống mới[1].
Truyền
thống kinh sư quy định việc sát tế chiên bắt đầu sau khi đã dâng hy lễ chiều
ngày vọng, nghĩa là vào khoảng 14g30, tức trước khi ngày thứ nhất bắt đầu vào
lúc mặt trời lặn. Nếu lễ Vượt Qua rơi vào ngày thứ bảy, thì bắt đầu sát tế
chiên sớm hơn 1 giờ. Nhưng tác giả Mc
quan tâm đến độc giả gốc ngoại giáo, ông cho bắt đầu ngày bằng ban sáng (14,17:
“chiều đến”, các ngài dùng bữa), “ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men”, tức
là đúng ngay ngày 15 Nisan.
Nhận
định tổng hợp là: Bản văn Mc xác định
Bữa Tiệc cuối cùng chính là bữa tiệc Vượt Qua, tức đúng ngày 15 Nisan; các tác
giả Nhất Lãm khác cũng theo thời gian
biểu của Mc. Còn Ga 19,14 lại đặt cái chết của Đức Giêsu vào chiều ngày 14 Nisan và
như thế làm cho bữa ăn tối cuối cùng trở thành một bữa ăn tiền-Vượt Qua. Thời
gian biểu của Gioan có lẽ đúng hơn, bởi vì khó mà cho rằng các thượng tế và các
kinh sư lại hành động như ta đã biết vào ngày thứ nhất của lễ Vượt Qua. Khi
biến bữa Ăn tối cuối cùng thành một bữa tiệc Vượt Qua, tác giả Mc nhắm kéo cái chết của Đức Giêsu vào
gần hơn nữa với các đề tài lớn của lễ Vượt Qua là hiến tế và giải phóng.
- dọn cho Thầy ăn lễ
(12): Có nhiều việc phải làm: tìm một nơi thích hợp, giết chiên, chuẩn bị bánh
không men, sắm các đồ dùng vào bữa tiệc. Các dân cư Giêrusalem rất sẵn sàng
giúp cho các khách hành hương có chỗ mà ăn lễ. Nhưng ở đây, tác giả Mc không muốn nói tới điểm này, ngài
muốn nêu ra một chuyện lạ lùng.
- một người mang vò nước (13): Các môn đệ được cho một
dấu chỉ để có thể chu toàn nhiệm vụ, nhưng đây lại là một dấu chỉ
của đời thường: một người mang vò nước thì ta có thể gặp bất cứ lúc nào trong
Giêrusalem. Tuy nhiên dấu chỉ này cho hiểu rằng hành trình đưa Đức Giêsu đến
cuộc Thương Khó được tiên liệu đến từng chi tiết.
- một phòng rộng rãi trên lầu (15): Khi cử hành lễ Vượt
Qua, ít ra có khoảng mười người họp lại với nhau, nên sách Mishna quy định là phải có một không gian 10x10 “khuỷu tay”
(tức khoảng 23m2). Khi ăn tiệc, người ta nằm dài để diễn tả là dân
chúng đã ra khỏi kiếp nô lệ Ai Cập và đã được tự do; ngay cả người nghèo nhất
cũng ăn tiệc Vượt Qua trong tư thế này.
- dâng lời chúc tụng
(22): Với cách hành động này, ta có thể nói đây là bữa tiệc Vượt Qua hay bữa
tiệc bằng hữu cũng được. Trong bữa tiệc Vượt Qua, phải có trước tiên lời chúc
tụng về ngày lễ, rồi chén rượu đầu tiên, các món khai vị là rau đắng và trái
cây, suy niệm về lễ Vượt Qua, rồi chén rượu thứ hai. Phần chính của bữa ăn bắt
đầu với lời chúc tụng trên bánh không men. “Cầm lấy, dâng lời chúc tụng, bẻ ra”
là những từ ngữ chuyên môn của lời kinh người Do Thái đọc trước khi ăn. Rất có
thể người Do Thái nghĩ rằng miếng bánh được trao cho họ, do ông chủ bẻ ra từ
tấm bánh lớn, đưa lại phúc lành cho mình.
- đây là mình Thầy… Đây là máu Thầy (22.24):
Vì từ ngữ “mình” (sôma) là một từ
nói quanh để chỉ bản thân con người, câu này có thể diễn lại là: “Đây là chính
Thầy”. Những ai ăn tiệc thì được hiệp thông cách mới mẻ với Đức Giêsu. Dựa vào
c. 24 nói về chén rượu, ta hiểu là đây là sự hiệp thông với Đấng đang đi tới
cái chết. Từ ngữ sôma, vì ở trong thế
song đối với “máu đổ ra”, có nghĩa là thân thể dâng làm hy lễ.
- Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn
(23): Trong tiệc Vượt Qua, giữa lời chúc tụng trên bánh và lời chúc tụng trên
rượu, có việc ăn thịt chiên. Theo sách nghi thức, đây là chén rượu thứ ba. Ta
lưu ý là tác giả Mc đã chuyển đi từ
“dâng lời chúc tụng (eulogein)” sang
“dâng lời tạ ơn (eucharistein)”, trong
khi trong bữa tiệc Do Thái, cả hai lần đều là “lời chúc tụng”. Có thể công thức
này đã được chọn vì người ta đã nghĩ tới kết thúc bữa ăn. Nhưng rất có thể tác
giả muốn gợi tới bữa tiệc Thánh Thể (eucharistia).
- tất cả đều uống (23):
Chi tiết này đến quá sớm, vì sau đó Đức Giêsu còn giải thích ý nghĩa của rượu.
Trong một ngữ cảnh rộng hơn, từ “tất cả” đây nhìn tới trước tình cảnh “tất cả”
sẽ vấp ngã (14,27.50). Việc tham dự vào bữa tiệc không giữ cho người ta khỏi
vấp ngã vào giờ quyết định.
- máu giao ước, đổ ra vì muôn người
(24): “Máu giao ước” nhắc đến Xh
24,8. Trong đoạn văn này, sau khi dân đã cam kết giữ luật và sau hy lễ, Môsê
rảy máu các tế vật lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh
em, dựa trên những lời này”. Ngay sau đó ông dùng một bữa tiệc huynh đệ
với các vị kỳ mục của dân (Xh 24,11).
Nhờ cái chết của Đức Giêsu, một giao ước mới được thiết lập, thay thế
giao ước thứ nhất. Máu Đức Giêsu đi vào thế đối lập tiên trưng với máu giao ước
cũ. Theo Dcr 9,11, các tù nhân được
phóng thích “nhờ máu của giao ước này”. Việc khai trương giao ước đưa lại sự
cứu chuộc và cứu độ. “Máu đổ ra” đồng nghĩa với “bị giết”, bởi vì theo một quan
niệm của Kinh Thánh, máu được coi là mang sự sống và sức sống. Từ đó ta hiểu
rằng chén được dâng đảm bảo có sự hiệp thông với Chúa, Đấng hiến mình trong cái
chết. “Đổ ra”, ekchêô, được dùng
thường xuyên để nói về máu con vật được đổ ra (Lv 4,7.18.25.30.34…) và việc rưới rượu (Is 57,6).
Câu
“đổ ra vì muôn người” (dịch sát là “đổ ra vì nhiều người”) nhắc đến Is 53,12 và đưa lại cho hành vi một chiều
kích hy tế. Hai đoạn văn Cựu Ước này được dùng để diễn tả cái chết của Đức
Giêsu như là một hy lễ vì những người khác. Cụm từ hyper pollôn, “vì nhiều người”, dựa trên kiểu nói Sê-mít đặc biệt
của Is 53,12 (rab), có nghĩa là “tất cả” / đoàn người đông đảo”, chứ không chỉ là
“một số người”; đây là toàn thể thế giới ngoại giáo (x. Người Tôi Trung
được gọi là “ánh sáng cho các dân” [x. Is
42,6; 49,7t]). Như vậy, “nhiều” đây không đối lập với “tất cả”, nhưng có nghĩa
là “tất cả là nhiều”[2].
- chẳng bao giờ Thầy còn uống … trong
Nước Thiên Chúa (25): Câu kết thúc này đặt Bữa Tiệc Ly trong khung cảnh là bữa
tiệc thiên sai (x. 6,35-44; 8,1-10). Thay vì coi bữa tiệc cuối cùng này (và
Tiệc Thánh Thể) là một biến cố cô lập, cần phải liên kết nó với các bữa
ăn Đức Giêsu đã chia sẻ trước đây với những người thu thuế và tội lỗi (x. 2,16)
và với bữa tiệc cánh chung tương lai.
- Hát thánh vịnh xong
(26): Đây là khối Tv 113–118, thường
được gọi là Tập Hallel nhỏ. Tập Hallel này này có một vị trí đặc biệt
trong ba đại lễ Vượt Qua, Ngũ Tuần và Lều.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Chuẩn bị tiệc Vượt Qua (12-16)
Bữa
tiệc có một tầm quan trọng lớn lao trong Tin Mừng. Tác giả Mc thường xuyên cho thấy Đức Giêsu ngồi
vào bàn ăn với các môn đệ, với những người tội lỗi và với dân chúng. Biến cố
cuối cùng trước Thương Khó cũng vẫn là một bữa tiệc: Đức Giêsu cùng với Nhóm
Mười Hai cử hành tiệc Vượt Qua. Trong sự hiệp thông đức tin và đạo giáo Israel,
các ngài cử hành lễ trọng nhất của dân tộc mình. Bằng bữa tiệc Vượt Qua, dân
Israel nhắc lại cách Thiên Chúa đối xử với các tổ phụ và được canh tân trong
niềm tin đầy tri ân, vui tươi và vững vàng đặt nơi Thiên Chúa.
Các
môn đệ được phái đi chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ cuối cùng của Đức Giêsu với các
môn đệ trên bối cảnh là bữa tiệc và nội dung của đại lễ Vượt Qua như thế.
Các
môn đệ đã đi vào thành và gặp một người mang vò nước đón mình. Các ông
đã chuyển giao sứ điệp: “Thầy nhắn: «Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với
các môn đệ của tôi ở đâu?»”. Đây là lần duy nhất danh xưng “Thầy” (didaskalos) được Đức Giêsu dùng để nói
về mình, vừa với nghĩa là “vị thầy truyền đạt kiến thức”, vừa theo nghĩa là
“bậc đáng kính”; điều này còn được khẳng định bởi cụm từ “các môn đệ của tôi”
chỉ được dùng duy nhất ở đây. Tuy nhiên, chi tiết “người mang vò nước” lại
chứng tỏ rằng hành trình đưa Đức Giêsu đến cuộc Thương Khó đã được tiên liệu
trong từng chi tiết: Người biết và Người vâng phục (x. 11,1t). Như thế, bên
cạnh sự cao cả của Người, là sự hạ mình khiêm nhường của Người. Ông chủ nhà sẽ
dành cho các môn đệ một phòng lớn trên lầu trên (thường đây là phòng rộng nhất
của căn nhà). Các môn đệ thấy mọi sự đúng y như Đức Giêsu đã nói trước.
* Khai mạc giao ước (22-26)
Tại bữa tiệc, trong bánh và rượu, Đức
Giêsu ban cho các môn đệ thân mình và máu của Người. Đây là bữa tiệc từ biệt. Đức
Giêsu sẽ bị giao nộp và bị giết, Người sẽ không đi đi lại lại trong xứ cùng với
các ông, cũng không ăn tiệc với các ông như lâu nay nữa. Tuy nhiên, Người sẽ ở
giữa các ông trong bánh và rượu; trong tương lai, đây sẽ là cách thức hiện diện
của Người. Đức Giêsu từ biệt, tuy vậy, Người vẫn ở lại đó.
Máu mà Đức Giêsu hiến dâng trong chén
rượu là máu của giao ước, được đổ ra vì muôn người. Tiếp nối vào cuộc giải
phóng khỏi đất Ai Cập, được nhắc lại trong tiệc Vượt Qua, là việc ký giao ước
tại núi Sinai. Đây không phải là một giao ước giữa các partner ngang nhau. Trước tiên giao ước
này có đặc điểm là Thiên Chúa tự ràng buộc và tự cam kết là Thiên Chúa nhân ái
của dân (x. Xh 20,1); và giao ước này
hàm chứa cam kết của dân là tuân giữ các điều răn (x. Xh 20,3-17). Giao ước được đóng ấn, khi Môsê rảy máu tế vật lên bàn
thờ và dân chúng (Xh 24,6-8). Với máu
của Đức Giêsu, giao ước mới và vĩnh viễn được đóng ấn. Trong máu Người, trong
hành vi hiến tặng mạng sống của Người, tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian
được tỏ bày (x. Ga 3,16); nhờ máu
Người đổ ra, “một đoàn lũ đông đảo” được giải thoát khỏi tội lỗi. Đức Giêsu
không chỉ ở lại với các môn đệ, mà còn đặt nền tảng và đóng ấn cho sự hiệp
thông của họ với Thiên Chúa.
Đức
Giêsu tạng ban cho họ mình và máu Người. Mình và máu là toàn thể bản thân một
người. Việc Người tặng ban mình và máu phải mãi mãi nhắc nhớ đến việc Người
hiến tặng mạng sống, cái chết của Người trên thập giá. Đàng khác, bánh là lương
thực hằng ngày nuôi sống con người, còn rượu chính là tiệc mừng trong niềm vui.
Để sống được, loài người chúng ta cần lương thực. Khi ban tặng chính mình trong
bánh và rượu, Đức Giêsu cho ta thấy rằng nhờ sự hiện diện của Người giữa chúng
ta và nhờ sự hiệp thông của chúng ta với Người, chúng ta có sự sống ở mức viên
mãn và trong niềm vui.
Trong
những lời kết thúc (c. 25), Đức Giêsu lại nhấn mạnh rằng sự hiệp thông mà Người
đã sống cho đến lúc này với các môn đệ đã đến lúc kết thúc: Người sẽ không uống
thứ rượu trong tiệc mừng với họ như lâu nay Người vẫn làm nữa. Đồng thời, Đức
Giêsu nói đến sự hoàn tất của sự hiệp thông này trong Nuớc Thiên Chúa, khi
Thiên Chúa sẽ thiết lập và tỏ bày vĩnh viễn quyền chúa tể của Ngài ra.
+ Kết luận
Khi tường thuật truyện Đức Giêsu mừng
lễ Vượt Qua với các môn đệ, tác giả Mc
đã cho thấy Đức Giêsu đã trung thành đi theo ý muốn của Thiên Chúa trong từng
chi tiết. Do đó, bài tường thuật không chỉ để ghi nhận các sự kiện, nhưng mang
tính tín lý. Tác giả đã liên kết Thương Khó với tiệc cuối cùng; với bữa tiệc
này, cuộc Thương Khó đã bắt đầu vào lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua của Đức Giêsu được
ghi dấu ấn là cuộc Thương Khó của Người. Rất có thể từ ngữ pascha khiến tác giả Mc
nghĩ đến ý nghĩa của từ Hy Lạp paschô
(“đau khổ”); dĩ nhiên về từ nguyên thì không đúng, nhưng về thực tại thì có lý.
Đức Giêsu cũng bày tỏ sự trung thành với
các môn đệ cho đến cùng, qua việc hiến tặng mình và máu Người trong bánh và
rượu. Sự trung thành của Đức Giêsu, được tỏ hiện trong tất cả mọi hình thức
hiện diện của Người, là điểm vững chắc duy nhất trong tương quan hỗ tương giữa
Người với các môn đệ. Đức Giêsu luôn ở cùng chúng ta và cho chúng ta được hiệp
thông của Người như cho một quà tặng.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Đến cuối thời gian hoạt động, Đức Giêsu lại chia sẻ bữa tiệc Vượt Qua này với
các môn đệ: bữa tiệc này nhắc lại lịch sử của quan hệ của Thiên Chúa với Israel
và đưa tới chỗ hoàn tất. Đức Giêsu lại ăn tiệc với các môn đệ, như cách hiệp
thông riêng tư với các ông. Tại đây mọi sự được quay hướng về các hình thái
khác của sự hiện diện của Người giữa các môn đệ, về sự hiệp thông không cùng
của họ với Người. Tuy nhiên, các môn đệ không thể tự ru ngủ mình trong sự an
toàn; chính họ đã thấy định mệnh của Đức Giêsu là một chướng kỳ; chính
họ đã không đủ sức liên kết với Người.
2.
Trên thập giá, Đức Giêsu đã đổ máu ra; bằng cái chết của Người, Người đã thiết
lập giao ước mới, tạo điều kiện cho có sự hiệp thông vĩnh viễn của Thiên Chúa với
loài người. Đức Giêsu sẽ mãi mãi ở với họ và sẽ là Đấng Chịu đóng đinh đã hiến
tặng mạng sống cho họ. Cho đến nay, Người đã ở giữa họ theo cách thấy được rõ
ràng bằng mắt thường, kể từ nay, Người sẽ ở giữa họ trong bánh và rượu, trong tư
cách Đấng Chịu đóng đinh, trong tư cách dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa và sự
sống. Tất cả những điều này sẽ tới mức viên mãn khi Nước Thiên Chúa được tỏ
hiện.
3.
Hôm nay chúng ta đã quen coi truyền thống về bữa tiệc ly như là một thành
phần thuộc cuộc Thương Khó. Điều này chính tác giả Mc đã nhắm: bữa tiệc này được quy hướng về thập giá và Phục Sinh.
Bữa tiệc này kết thúc các bữa tiệc Đức Giêsu dùng với các người tội lỗi
(2,15tt) và với dân chúng (6,35tt; 8,1tt) và đưa các môn đệ vào cuộc Thương
Khó. Người Kitô hữu khi tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể thì cũng đã được đặt
trên cùng một nẻo đường.
4. Việc lãnh nhận Mình và Máu
của Chúa mang lại cho chúng ta sự thông dự vào sự sống của Người, cái chết cũng
như sự phục sinh ngõ hầu chúng ta cũng có thể sẵn lòng sống phục vụ và yêu
thương tha nhân như Người đã làm. Khi chúng ta đón nhận Bánh Sự Sống và Chén
Cứu Độ, chúng ta được nhắc nhớ rằng chết không phải là hết. Với mỗi cái chết là
một lời hứa và mở ra sự sống mới (Siciliano).
Lm FX Vũ Phan Long, ofm
[1] J.J. Petuchowski, Le feste del Signore - Le tradizioni ebraiche (Dehoniane; Roma 1995) 25tt.
[2] J. Gnilka, Marco
(Cittadella Editrice; Assisi 1998) 780; D.J. Harrington,
“Mark, NJBC (1990) 626; M. Zerwick - M. Grosvenor, A Grammatical Analysis of the Greek New
Testament (PIB; Roma 1996); xem ghi chú u
cho Mt 26,28 của TOB (1994) khi dịch
là “multitude” (x. BJ).