CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
Sau cơn hồng thủy
Lắng nghe sứ điệp Lời
Chúa (St 9:8-15;
1 Pr 3:18-22; Mc 1:12-15)
Những cơn lụt lội, tuy tàn phá và gây
thiệt hại đáng kể cho dân chúng, nhưng để lại một miền đất màu mỡ cho mùa màng
những năm kế tiếp. Nước lũ cướp đi rất
nhiều thứ quý giá của chúng ta, nhưng cũng đem lại cho đất đai một khả năng canh
tác mới. Đề tài Phụng vụ Lời Chúa hôm
nay xoay quanh tác động thanh tẩy của nước, từ nước của trận lụt hồng thủy đến
nước sông Gio-đan của phép rửa Gio-an Tẩy giả và sau cùng là nước của bí tích
Thánh tẩy. Trong nghi thức làm phép nước
Rửa tội, Giáo Hội đã không quên nhắc đến vai trò của nước lụt hồng thủy và phép
rửa của Gio-an như là những hình ảnh báo trước bí tích Thánh tẩy, nhờ đó chúng
ta được làm con Thiên Chúa và được Thánh Thần dẫn dắt để sống cuộc đời mới với căn
tính mới.
Tại sao có trận lụt đại hồng thủy? Sách Sáng Thế cho ta biết lý do: “Đức
Chúa thấy rằng
sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những
ý định xấu suốt ngày. Đức
Chúa hối hận
vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng. Đức Chúa phán: ‘Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con
người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và
chim trời, vì Ta hối hận đã làm ra chúng’”
(6:5-7). Thế là mưa ròng rã bốn mươi đêm
ngày và nước dâng cao suốt một trăm năm mươi ngày khiến không còn người hay vật
nào sống sót, trừ gia đình ông Nô-ê và các loài vật ở trong tàu với ông. Tuy nhiên quan trọng hơn cả là những gì xảy
ra sau cơn lụt hồng thủy. Ngoài việc sống
sót của gia đình ông Nô-ê và các loài vật, sự kiện quan trọng là Thiên Chúa đã
lập giao ước với loài người. Thiên Chúa
cam kết sẽ không bao giờ dùng nước để hủy diệt nhân loại nữa. Cầu vồng là dấu hiệu của giao ước nói lên cam
kết ấy và “nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa”. Thiên Chúa đã dùng nước hồng thủy hủy diệt những
kẻ xấu và Người hy vọng ông Nô-ê và con cháu ông sẽ là một nhân loại mới như
Người mong ước. Nhưng mong ước của Chúa có
thành hay không thì chúng ta đã biết rồi!
Cũng không sao, vì Người sẽ có một kế hoạch khác: tuyển chọn Áp-ra-ham để thiết lập một “dân
riêng”, để từ đó Đấng Cứu Độ xuất hiện.
Bước sang một giai đoạn mới của lịch sử
cứu độ, chúng ta thấy dường như Thiên Chúa vẫn “thất bại”! Dân riêng của Người vẫn chứng nào tật nấy,
không muốn khép mình sống theo các giới răn của Người, mặc dù Người “không ngừng
sai tất cả các tôi tớ của Ta là các ngôn sứ đến với chúng; nhưng chúng đã không nghe, cũng chẳng để tai,
lại ra cứng đầu cứng cổ” (Giê-rê-mi-a 7:25, 26). Cuối cùng, vị ngôn sứ chuyển tiếp từ Cựu Ước
sang Tân Ước là ông Gio-an Tẩy Giả, đã làm phép rửa tại sông Gio-đan để kêu gọi
người ta sám hối và chuẩn bị đón nhận Đấng Cứu Độ là Chúa Giê-su. Nước sông Gio-đan mời gọi dân chúng bước vào hành
trình sám hối, đồng thời nước ấy cũng đem đến cho nhân loại Đấng Cứu Độ: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa
xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên
Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người”
(Mát-thêu 3:16).
Tiếp đến, thánh Phê-rô giúp ta hiểu ý
nghĩa của nước Rửa tội (bài đọc 2). Ngài
viết về nước lụt hồng thủy: “Nước đó là
hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em”.
Rồi ngài nói thêm về ý nghĩa bí tích Thánh tẩy: “Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch
vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ
sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô”.
Chúng ta thắc mắc: tại sao nước lụt
hồng thủy và nước sông Gio-đan chỉ là hình bóng bí tích Thánh tẩy? Là vì những cách thanh tẩy nói trên chỉ là bằng
nước, còn phép rửa của Chúa Giê-su qua cái chết và sự phục sinh của Người mới là
phép rửa bằng Thánh Thần, để nhờ Thánh Thần, chúng ta được kêu lên:
“Áp-ba! Cha ơi!” (Ga-lát 4:6). Nghĩa là ta được trở nên con Chúa!
Sống sứ điệp Lời Chúa
Chúa Giê-su sau khi chịu phép rửa và đặt
mình trong sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, đã ra đi rao giảng ơn sám hối và Tin
Mừng cứu độ. Đó chẳng phải là gương mẫu
cho tất cả chúng ta, những người đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy sao? Như thánh Phê-rô dạy, được rửa tội là “cam kết
với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng”, chúng ta cần đặt câu hỏi: Mùa Chay này có giúp tôi nhìn lại cam kết giữa
tôi với Chúa không?
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi