CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

Chúa Giê-su, quà tặng vô giá Thiên Chúa ban cho ta

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Sáng Thế 22:1-2, 9a, 10-13, 15-18;  Rm 8:31b-34;  Mc 9:2-10)

          Quà tặng là dấu chỉ tình yêu.  Giá trị quà tặng không phải vì đắt tiền và hiếm quý, nhưng là ở mối chân tình người tặng muốn biểu lộ với người nhận.  Với ý nghĩa căn bản này, ta hiểu được giá trị của việc Thiên Chúa truyền cho ông Áp-ra-ham giết con mình là I-xa-ác làm lễ toàn thiêu dâng cho Người, hiểu giá trị của sự kiện “đến chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta”, và hiểu giá trị tuyệt đối của Chúa Giê-su Ki-tô mà Chúa Cha đã giới thiệu với chúng ta ở trên núi:  “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”.

          Câu chuyện ông Áp-ra-ham đem con lên núi Mô-ri-da để sát tế, chúng ta đã nghe nhiều lần và thán phục lòng quảng đại hy sinh của Áp-ra-ham.  Nhưng có lẽ chúng ta không mấy nghĩ đến tâm trạng của Áp-ra-ham như thế nào trước quyết định vâng lời Chúa.  Bao nhiêu là khúc mắc!  Tại sao Chúa ban cho đứa con thừa kế duy nhất, rồi Người lại bảo đem nó lên núi giết đi để làm hy lễ dâng Chúa?  Chúa hứa cho ômg một dòng dõi đông hơn sao trời cát biển qua đứa con này, rồi bây giờ phải giết nó thì lời hứa làm sao được thể hiện?  Thiên Chúa có thực sự nhân lành và quảng đại không?  Chắc chắn ông Áp-ra-ham hiểu được giá trị nào của hy lễ Chúa muốn ông dâng cho Người!  Với ông, I-xa-ác là tất cả ước nguyện của đời ông.  Của cải, nhà cửa và cả đến họ hàng thân thuộc, ông cũng có thể bỏ lại ở thành Ur để đi theo tiếng gọi của Chúa, chỉ là vì ước mơ có con cháu nối dòng.  Vậy mà giờ đây, phải chăng Chúa “đưa tay cắt ngang đường chỉ tấm thảm dệt đời ông” hay sao?  Càng yêu quý thì càng đau đớn khi phải mất đi.  Sở dĩ ông chấp nhận hy sinh con mình là bởi ông muốn biểu lộ với Thiên Chúa tấm lòng và đức tin của ông.  Cũng may, câu chuyện kết thúc tốt đẹp:  I-xa-ác được cứu sống và Chúa hiểu lòng Áp-ra-ham! 

          Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô đã nghĩ đến tình yêu của Thiên Chúa còn lớn lao hơn tình yêu của Áp-ra-ham muôn ngàn.  Tình yêu Chúa Cha dành cho Con Một Người không thể đo lường được.  Vậy mà Người sẵn lòng hy sinh Con mình chỉ là để cứu độ chúng ta, những tạo vật bất xứng.  Chúng ta càng không xứng đáng thì tình yêu của Người càng cao vời.  Vì thế thánh Phao-lô vui mừng gọi tình yêu ấy là “ân sủng” cứu độ.  Quả thực, lời tựa Tin Mừng Gio-an khẳng định Chúa Giê-su là Ân Sủng, là sự “sung mãn”, để rồi “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Gio-an 1:16).  Cho nên thánh Phao-lô kết luận:  “Một khi đã ban người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?”  Mà ban tất cả là gì nếu không phải là người Con mà Thiên Chúa trân quý nhất và sau cùng là hạnh phúc đời đời dành cho chúng ta?  Như I-xa-ác là hiến lễ quý nhất ông Áp-ra-ham dâng lên Thiên Chúa để biểu lộ đức tin của ông, thì Chúa Giê-su là cả kho tàng Chúa Cha ban cho chúng ta để nói lên mức độ tình yêu Thiên Chúa (Gio-an 3:16).

          Thánh Phao-lô đã suy niệm biến cố Chúa Giê-su biến đổi hình dạng trên núi, cùng tiếng Chúa Cha phán với ba môn đệ:  “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”.  Nếu chúng ta thực sự biết Chúa Giê-su là Đấng nào và Người là quà tặng vô giá Chúa Cha ban cho chúng ta, thì chúng ta sẽ hiểu được lời kêu gọi “hãy vâng nghe lời Người” quan trọng đến mức nào!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Một quà tặng vô giá mà chúng ta lại không quý trọng, thì quả thực chúng ta không thể bào chữa cho mình được, nếu ngày phán xét Chúa Cha hỏi chúng ta đã sử dụng món quà ấy như thế nào.  Vậy chúng ta hưởng quà tặng Giê-su mà Chúa Cha ban cho chúng ta làm sao đây?  Nơi Chúa Giê-su có tất cả những gì chúng ta cần.  Người là hình ảnh để chúng ta hiểu được Thiên Chúa là Đấng nào.  Người là mức đo lường tình yêu Thiên Chúa yêu thương chúng ta.  Người là “điều răn sống” Chúa Cha ban cho chúng ta.  Người là lối sống cho chúng ta, để chúng ta suy nghĩ, hành xử, yêu thương theo mẫu gương của Người.  Cho nên “vâng nghe lời Người” là cách chúng ta lãnh nhận Ân Sủng của các ân sủng và để Chúa Thánh Thần uốn nắn chúng ta theo khuôn mẫu Chúa Ki-tô.  Trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô là suy nghĩ theo lối suy nghĩ của Chúa, là phản ứng theo cách Chúa phản ứng, là hy sinh phục vụ như Chúa phục vụ.  Mùa Chay là để chúng ta nhờ Chúa Giê-su mà được biến đổi vậy!

     Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B