CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY, NĂM B
HÃY XEM LẠI LỐI SỐNG ĐẠO CỦA CHÚNG
TA!
(Xh 20,1-17; 1Cr 1,22-25; Ga 2,13-25)
Tu sĩ:
Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Theo thống kê 2009 trên vi.wikipedia, hiện cả nước có 7.966
lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử
(chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước
ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Các địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc
Ninh, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương và Phú
Thọ.
Qua những lễ hội này, chúng ta thấy được một phần nào truyền
thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Điều này rất bổ ích, nhất là cho thế hệ
trẻ! Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có khá nhiều nơi đã lạm dụng lễ hội để
kinh doanh, buôn bán và mê tín dị đoan. Từ đó, kéo theo một loạt những hệ lụy
không đẹp như trộm cắp, đánh đập, chửi bới và hành xử thiếu văn hóa ngay chốn
linh thiêng…, làm cho lễ hội nhuốm màu trần tục!
Hôm
nay, Tin Mừng cũng thuật lại việc những nhà lãnh đạo tôn giáo thời Đức Giêsu đã
biến đền thờ là chốn linh thiêng, là nơi dành riêng để tôn thờ Thiên Chúa thành
nơi buôn bán và trao đổi tiền bạc. Thấy vậy, Đức Giêsu đã thẳng tay đánh đuổi để
trả lại cho đền thờ đúng với ý nghĩa của nó.
Qua đó,
Ngài muốn dạy cho chúng ta rất nhiều bài học sau biến cố này.
1. Lý do khiến Đức Giêsu đánh đuổi con buôn
Đền thờ Giêrusalem là
một đền thờ nguy nga, tráng lệ vào bậc nhất thời đó. Đền thờ này được dùng vào
việc tôn thờ Thiên Chúa và là nơi quy tụ những người Dothái hằng năm vào dịp lễ
Vượt Qua.
Câu chuyện căng thẳng
giữa Đức Giêsu và dân chúng đã xảy ra đúng vào thời điểm này.
Khởi đi từ việc Đức
Giêsu quan sát và thấy được người ta đổi tiền, mua bán súc vật ngay trong đền
thờ, làm cho đền thờ trở nên ô uế!
Điều đáng nói là: theo
quy định, những con vật được dùng vào việc tế lễ phải là con vật lành lặn không
tỳ vết. Những người chính thức được các chức sắc chỉ định mới đủ thẩm quyền để
tuyên bố con vật xứng đáng sau khi đã kiểm tra! Tuy nhiên, con vật đủ kiều kiện
để dùng vào việc tế lễ phải là con vật được mua trong nơi quy định của các tư
tế và nó sẽ đắt gấp 15 lần so với bên ngoài. Hơn nữa, người mua còn phải trả một
loại phí không nhỏ cho những người kiểm tra!
Bên cạnh đó, nơi đây còn
diễn ra chuyện đổi tiền. Theo luật thì buộc mỗi người Dothái phải nộp thuế cho
đền thờ từ 19 tuổi trở lên. Tiền thuế phải nộp là nửa siếc-lơ, tương đương với
hai ngày lương công nhật.
Vì là lễ Vượt Qua
không chỉ dành riêng cho người Dothái tại chỗ, mà còn cho cả những người Dothái
ở nhiều nơi khác hội tụ về, nên tiền họ mang theo cũng đủ loại…. Nhưng tiền nộp
vào đền thờ lại chỉ được chấp nhận là thứ tiền của người Dothái, vì họ cho rằng
chỉ có tiền này mới xứng đáng để nộp thuế đền thờ, các thứ tiền khác là ô uế!
Chính vì lý do đó nên
việc đổi tiền đã diễn ra tại nơi đây với giá cắt cổ.
Chứng kiến cảnh tượng
đó, cộng thêm: “Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa hun đúc tâm hồn”(Tv
68.10), nên Đức Giêsu đã bừng bừng nổi giận. Thánh Gioan cho biết là Ngài
đã lấy dây bện thành một ngọn roi xua đuổi bọn họ và đạp đổ tung thùng tiền (x.
Ga 2, 14-17).
Khi có hành vi ấy, Đức
Giêsu cho thấy những hệ lụy đầy bất công của những kẻ lãnh đạo tinh thần thời
bấy giờ, đó là: họ đã nhân danh tôn giáo để đè đầu cưỡi cổ và bóc lột dân, nên Ngài
đã không thể chấp nhận tình trạng ấy diễn ra ngay tại nơi dành riêng để tôn thờ
Thiên Chúa, vì thế, Đức Giêsu nói: “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi
buôn bán” (Ga 2,16). Lời
cảnh cáo này của Đức Giêsu cho thấy Ngài đã nhắc lại lời của Ngôn Sứ Isaia khi
xưa: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành
sào huyệt của bọn cướp” (Is 56,7).
2. Thực trạng đời sống đạo của chúng ta
Khi xua đuổi những
người buôn bán ra khỏi đền thờ, Đức Giêsu mặc khải và dạy cho chúng ta những
bài học thật bổ ích, đó là:
Cần cẩn
trọng và đừng nên mừng vội khi thấy mỗi Chúa Nhật và các dịp lễ trọng, người đi
lễ nườm nượp và ngồi chật kín cả nhà thờ, nhất là tuần làm phúc (trước Tuần
Thánh) và Tuần Thánh. Có lẽ về khía cạnh này, Giáo Hội Việt Nam đứng đầu bảng
trên toàn thế giới. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng và rất nên khuyến khích
cũng như phát huy.
Tuy
nhiên, điều đáng tự hào ấy lại cần phải xem xét lại, vì biết bao nhiêu người
chỉ tập chung vào những chuyện bên ngoài như đi “xem lễ” chứ không “sống thánh
lễ” trong đời sống của mình.
Lại có
những người siêng năng tham dự thánh lễ và chăm chú nghe giảng rồi lên rước lễ
rất sốt sắng như thiên thần. Nhưng khi ra khỏi nhà thờ, họ sẵn sàng chửi bới,
nói hành nói xấu, buôn gian bán lận, ăn chơi trác táng… không khác gì dân chơi
thứ thiệt hạng sang ngoài đời! Hơn nữa, việc đi lễ, thuộc kinh là một chuyện,
còn chuyện coi bói, xem quẻ, thờ ông địa, bái gốc đa, khấn gốc gạo với viện cớ
rằng: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành…”
lại là chuyện thường tình xảy ra hằng ngày ngay tại các cộng đoàn tín hữu với
những sinh hoạt tôn giáo sầm uất!
Và, vẫn
còn đó những người rất năng nổ tham gia chuyện quyên góp để xây dựng những công
trình tôn giáo, nhưng đền thờ tâm hồn lại không màng chi đến hoặc có quan tâm
thì cũng chẳng khác gì cưỡi ngựa xem hoa! Vì thế, việc xây dựng đền thờ tâm hồn
với những nét đẹp như: từ bi, nhân hậu, bao dung, tha thứ, xây dựng tình huynh
đệ, tạo sự hiệp nhất, liên đới, cảm thông…, thì lại quá xa lạ đối với những
người xem ra có vẻ đạo đức ấy!
Hơn
nữa, điều đáng buồn nhất, đó là nhiều khi chúng ta lại đi lại chính vết xe của
những nhà lãnh dạo tôn giáo khi xưa, đó là: nhân danh lề luật, tôn giáo và nhân
danh Thiên Chúa để làm bình phong, nhằm ngụy trang cho những thói lưu manh,
gian dối bẩn thỉu của mình!!!
Tắt một
lời, tin Chúa như vậy là hình thức, là vỏ bọc, là đầu môi chóp lưỡi, còn thực
chất bên trong là rỗng tuếch! Tin Chúa như vậy được ví như tin có mùa vụ. Tin
lúc thuận tiện. Tin khi có lợi mà thôi….
3. Sứ điệp Lời Chúa
Bài học cho chúng ta
hôm nay chính là: ngoài việc tôn kính nhà thờ, nhà nguyện là nơi dành riêng để
thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta còn có một đền thờ khác, đó là đền thờ thân xác
của mỗi người. Thánh Phaolô nói: “Thân xác anh em là đền thờ Thiên Chúa” (1 Cor 3, 16).
Vì vậy, mỗi người
chúng ta phải có bổn phận xây dựng cho mình một ngôi đền thờ xứng đáng để cho
Thiên Chúa ngự. Ngôi đền thờ này phải được xây dựng bằng nền móng vững chắc là
đức tin và lòng mến thật tâm. Cần phải được trang trí bằng những việc đạo đức,
bác ái, khoan dung, quảng đại, thông cảm và tha thứ.
Mặt khác, chúng ta đang sống trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta
hãy canh tân để đổi mới. Canh tân lối sống cũ không phù hợp với giá trị Tin
Mừng. Đổi mới từ con người tội lỗi, hình thức, hào nhoáng bên ngoài thành con
người có chiều sâu nội tâm bên trong qua việc ăn năm sám hối thật lòng….
Ước gì sứ điệp Lời Chúa hôm nay được chúng ta mở rộng tâm hồn để
đón nhận và sống sao cho thật đẹp lòng Chúa, ngõ hầu xứng đáng
là đền thờ cho Thiên Chúa Ba Ngôi ngự. Amen.