CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
Thiên Chúa thương xót chúng ta là những kẻ tội lỗi
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (2 Sb 36:14-16, 19-23; Ep 2:4-10; Ga
3:14-21)
Mùa Chay không những giúp chúng ta
nhìn lại mình, nhưng cũng nhìn lên Chúa nữa.
Nhìn lại mình để chúng ta nhận biết tình trạng tội lỗi và những sai trái
mình đã phạm. Tuy nhiên nhìn lại như thế
không phải để chúng ta thất vọng, mà là động lực khiến chúng ta nhìn lên Chúa để
chiêm ngưỡng lòng từ bi nhân hậu của Người cũng như để cầu xin Người xót
thương. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình
bày cho chúng ta thấy khuôn mặt của lòng Chúa thương xót. Thiên Chúa tỏ lòng thương xót cho dân Ít-ra-en
bị lưu đày bên Ba-by-lon. Qua đoạn thư gửi
tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô chỉ cho chúng ta thấy nơi Chúa Giê-su Ki-tô lòng
thương xót ấy được biểu lộ như thế nào. Sau
hết, con rắn đồng do ông Mô-sê treo cao giữa trại dân Ít-ra-en là tiền ảnh của
Chúa Giê-su chết trên thập giá, đã nói lên tột đỉnh của lòng Chúa thương xót.
Trước hết chúng ta hãy xem trong hoàn
cảnh nào Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót đối với dân riêng của Người. Sau khi vương quốc Ít-ra-en miền bắc bị ngoại
bang chiếm đóng, thì vương quốc Giu-đa miền nam cũng bắt đầu rơi vào tình trạng
suy đồi đạo đức. “Tất cả
các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa,
học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở
Giê-ru-sa-lem ra ô uế”. Chúa sai các ngôn sứ đến cảnh báo họ, nhưng “họ nhạo
cười các sứ giả, chế diễu các ngôn sứ của Người”. Do đó Chúa đã trừng phạt họ bằng cách để cho
quân Can-đê tràn vào đốt Đền Thờ, triệt hạ tường thành, thiêu rụi các lâu đài
và chém giết dân chúng. Những ai còn sống
sót thì quân địch bắt họ đem đi đày tại Ba-by-lon. Nhưng Chúa không bỏ quên họ. Người can thiệp bằng cách tác động tâm trí
vua Ky-rô của Ba-tư, để vua cho phép dân Chúa hồi hương và vua còn ra lệnh giúp
đỡ họ tái thiết đất nước và xây lại Đền Thờ nữa. Tội lỗi của dân Ít-ra-en vô cùng nặng nề, thế
mà lòng Chúa thương xót còn trổi vượt thật xa trên cả tội lỗi của họ!
Tuy nhiên Chúa không chỉ tỏ lòng
thương xót với dân riêng Người, mà Người còn tỏ lòng thương xót hết thảy chúng
ta, vì Người là “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta”. Thánh Phao-lô còn cho chúng ta thấy Chúa
thương xót chúng ta như thế nào. Dù
chúng ta đã chết vì tội tổ tông và không còn được làm con cái Chúa nữa, thì Người
vẫn thương cho chúng ta được cùng sống với Chúa Ki-tô để trở về làm con cái Người. Rồi nếu chúng ta sống trọn bổn phận làm con
Chúa “mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng
ta”, thì Người sẽ cho ta “được
cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời”. Chỉ có một Thiên Chúa giàu lòng thương xót mới
quan tâm tới chúng ta như vậy, mặc dù chúng ta không xứng đáng. Cho nên thánh Phao-lô khẳng định rằng không
phải bởi sức riêng chúng ta hay bởi những việc ta làm mà ta được cứu độ, nhưng
hoàn toàn là do ân sủng Chúa và lòng tin của ta. Ngài còn quả quyết rằng Thiên Chúa “tỏ
lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su”. Bài Tin Mừng
đã trình bày việc làm này của Thiên Chúa như sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi
đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống
muôn đời”. Đó chính là
cách Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu đối với ta “trong Đức Ki-tô Giê-su”. Thiên Chúa muốn cho mọi người “thấy được”
lòng thương xót và tình yêu của Người, nên Người sẵn sàng để cho Con Một là
Chúa Giê-su bị đóng đinh thập giá và được giương cao lên. Giống như ông Mô-sê đã treo con rắn bằng đồng
lên cây cột cao giữa trại dân Do-thái trong sa mạc, đế cứu chữa những người bị
rắn độc cắn, thì Chúa Giê-su cũng bị giương cao trên thập giá để chúng ta là những
kẻ tội lỗi tin vào Người mà được cứu độ.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Tại sao trong mùa Chay, ta phải thực
hiện lòng sám hối? Là vì ta xác tín rằng
Chúa giàu lòng thương xót sẽ tha thứ chúng ta và dẫn chúng ta tới nguồn ơn cứu
độ. Nếu quả thực Chúa không có lòng
thương xót, thì dù ta có sám hối thế nào đi nữa củng chỉ là vô ích thôi! Lời Chúa hôm nay đã trưng dẫn lịch sử dân
Ít-ra-en, lời giảng dạy của thánh Phao-lô và nhất là sự kiện Chúa Giê-su chịu
đóng đinh thập giá để giúp ta xác tín rằng:
Thiên Chúa giàu lòng thương xót!
Đấy là chân lý không thể quên, nhất là trong mùa Chay!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi