CHÚA NHẬT THỨ 4 MÙA CHAY, NĂM B
TIN THÌ ĐƯỢC SỐNG
(2Sb 36, 14-17, 19-23; Ep 2, 4-10;
Ga 3, 14-21)
Tu sĩ:
Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Biểu tượng của nghành y chính
là con rắn quấn quanh cây gậy. Hình ảnh này được bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp
và truyền thuyết "Con giun".
Bên cạnh đó, biểu tượng này còn có nguồn gốc từ một câu chuyện được kể
trong Kinh Thánh Cựu Ước khi dân Dothái trên đường trở về Đất Hứa (x. Ds 21, 4b-9).
Hôm
nay, kết thúc phần hội thoại với ông Nicôđêmô, Đức Giêsu đã nhắc tới sự kiện này
như tiền đề cho một chủ đề lớn, đó là cái chết và ơn cứu chuộc do Ngài mang lại
ngang qua thập giá, để qua đó, những ai ngước nhìn và tin thì sẽ được cứu độ.
1. Sự liên hệ giữa con rắn đồng và Đức Giêsu
Khởi đi từ việc Đức Giêsu đem
chuyện con rắn đồng trong Cựu Ước, nơi sa mạc để so sánh với chính Ngài: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa
mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (x. Ds 21,4-9).
Để hiểu được ý nghĩa của việc
Đức Giêsu so sánh trên, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về câu chuyện con rắn
đồng trong Cựu Ước, để làm toát lên hình ảnh tiên trưng về Đức Giêsu sau này.
Câu chuyện về con rắn được tác
giả sách Dân Số trình thuật rằng: vì yêu thương, Thiên Chúa đã nghe được tiếng
ai oán của dân bên đất Aicập kêu than do nỗi thống khổ của họ phải chịu bởi những
tên cai của nhà vua Aicập hành hạ…!
Trước cảnh tượng đó, qua Môsê,
Thiên Chúa đã ra tay giải thoát họ, để dẫn họ về Đất Hứa. Tuy nhiên, trên
đường, họ đã nổi loạn, kêu trách nặng lời với Thiên Chúa và Môsê nhiều lần. Vì
thế, Thiên Chúa đã không cho họ được đi trên con đường thẳng để tiến vào Đất
Hứa (x. Ds 14,25. 33). Người cũng không cho bất kỳ một ai trong đám dân này
được đặt chân vào đó! Hơn thế, Người đã cho rắn độc trong sa mạc tiến ra và cắn
chết nhiều người!
Thấy vậy, dân chúng đã van nài
Môsê kêu cầu lên Thiên Chúa để xin tha thứ vì sự phản bội, vô ơn mà họ đã chót
phạm, đồng thời, xin Người ra tay cứu sống cho những người bị rắn cắn. Môsê đã
thay mặt cho toàn dân để chuyển cầu lên với Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã nhận lời Môsê và
truyền cho ông làm con rắn treo lên cây cột, nếu ai bị rắn cắn mà nhìn lên thì
liền được sống. Ông Môsê đã làm như vậy và nhiều người đã được sống nhờ nhìn
lên con rắn này.
Con rắn đồng chính là biểu
tượng về lòng thương xót của Thiên Chúa, và cụ thể là hình ảnh báo trước về
chính Đức Giêsu bị treo trên thập giá sau này!
Qua câu chuyện trên, Thiên Chúa
muốn dạy cho dân một bài học nhớ đời, đó là: vô ơn, bội nghĩa và đánh mất niềm
tin vào Thiên Chúa thì sẽ phải chết. Ngược lại, nếu tin tưởng tuyệt đối vào
Người, thì sẽ được sống.
Khi nhắc lại biến cố này trong
câu chuyện với ông Nicôđêmô, Đức Giêsu muốn cho ông hiểu rằng: cần phải có một
bước tiến cụ thể, rõ ràng, xác quyết với niềm tin, chứ không phải khơi khơi bề
ngoài hay phụ thuộc vào kiến thức mà mình có. Những thứ đó chỉ làm cho ông thỏa
mãn sự hiếu tri mà thôi. Vì thế, nó không thể đem lại cho ông ơn cứu chuộc. Ơn
cứu chuộc chỉ đến với ông khi ông nhận thức về tội lỗi của mình; cảm nghiệm và
tin tưởng tuyệt đối vào tình thương của Thiên Chúa và ơn cứu chuộc ngang qua
chính Người Con của Người qua mầu nhiềm thập giá (x. Ga 3,15).
2.
Ý Nghĩa
Lời Chúa với đời sống đức tin của chúng ta
Qua câu chuyện và những mặc
khải của Đức Giêsu cho ông Nicôđêmô, Ngài cũng
mời gọi chúng ta hãy quan tâm đến đời sống đức tin của mình ngang qua
những cảm nghiệm sau:
Trước hết là ý thức về thân
phận yếu đuối của mình:
Cuộc sống của chúng ta không
thiếu gì những bất toàn. Chính vì những yếu đuối do bản tính của con người, nên
chúng ta dễ hướng chiều và làm theo sự tội. Vì thế, tội lỗi đã làm cho con
người đau khổ, thất vọng, nhất là nó nhấn chìm và làm cho chúng ta mất ơn cứu
chuộc.
Lời mời gọi nhìn lên con rắn đồng
là hình ảnh và cũng là lời mời gọi chúng ta hướng nhìn lên Thánh Giá Chúa Kitô,
để ý thức mình tội lỗi và cần được cứu chuộc.
Thật vậy, mỗi khi chúng ta nhìn
lên Chúa chịu đóng đinh, hẳn ai cũng cảm thấy thật xấu hổ, bởi vì do tội lỗi
của chính mình mà Con Thiên Chúa quyền năng lại phải chịu treo trần trụi trên
Thánh Giá như một kẻ tử tội…!
Khi nhìn lên Thánh Giá Chúa,
chúng ta hiểu được ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu và chúng ta sẽ không thể
không sám hối ăn năn, bởi vì nơi ấy, Đức Giêsu đã gánh lấy hết tội lỗi của nhân
loại để cho con người được sống và sống dồi dào.
Thứ đến, là cảm nghiệm được
lòng thương xót của Thiên Chúa:
Mỗi khi
nhìn lên Thánh Giá Đức Giêsu, chúng ta nhớ lại lời Kinh Thánh đã nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban
Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn
đời” (Ga 3, 16). Thật vậy, tội lỗi của con người rất nặng nề, khiến
chúng ta chắc chắn phải chết, nhưng Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình
yêu tuyệt đối và trọn vẹn khi trao ban chính con của Người đến để yêu và yêu
đến cùng. Tình yêu ấy được chứng minh bằng cái chết trên thập giá. Qua đó, Đấng
chịu treo trên thập giá mặc khải cho chúng ta hiểu rằng: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng
sống cho bạn hữu” (Ga 15,13
Như vậy, mỗi khi chúng ta nhìn
lên Thánh Giá Đức Giêsu, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương của Thiên
Chúa ngang qua Đức Giêsu nơi cái chết của Ngài thật lớn lao vô kể….
Cuối cùng, nhìn lên Thánh Giá
Chúa để chúng ta được cứu chuộc:
Khi đã phạm tội, con người
không thể tự thân cứu chuộc được mình. Cũng như những người Dothái xưa, khi đã
phạm tội và bị rắn cắn, họ không còn có thể tự cứu được mình khỏi chết, mà chỉ
còn cách, đó là: nhìn lên rắn đồng thì mới được cứu sống.
Chúng ta cũng cùng chung số
phận, nên khi phạm tội, con người không thể nào đụng chạm được ơn giải thoát
nếu không có lòng thương xót của Thiên Chúa!
Như vây, mỗi khi nhìn lên Thánh
Giá với Đấng chịu treo trên đó, chúng ta sẽ nhớ lại những tội lỗi do yếu đuối
của mình đã xúc phạm đến Chúa, đồng thời, biết cảm nghiệm được lòng thương xót
của Thiên Chúa, luôn ăn năn, tin tưởng vào hiệu quả của Đấng chết thay cho nhân
loại được cứu chuộc.
3.
Sứ điệp
Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa trong bài Tin
Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu, vì Ngài là
Con Thiên Chúa làm người, là Đấng gánh tội và cứu chuộc trần gian.
Khi tin vào Đức Giêsu tuyệt
đối, chúng ta được mời gọi đi trên con đường mà Ngài đã đi để được cứu chuộc.
Con đường ấy là: tự hủy, yêu thương và vâng phục. Bên cạnh đó, chúng ta được
mời gọi thuộc về Đức Giêsu là Ánh Sáng, khi sống những giá trị Tin Mừng trong
cuộc sống và khước từ những thứ thuộc về bóng đêm của tội lỗi như: ích kỷ, kiêu
ngạo, khoe khoang, bất hòa, chia rẽ….
Tuy nhiên, muốn được tiếp bước
trên con đường của Đức Giêsu và thuộc về Ngài là Ánh Sáng, chúng ta phải sống
Lời Chúa mời gọi cụ thể trong Mùa Chay này, đó là: hãy sám hối, ăn năn và canh
tân đời sống….
Lạy Chúa Giêsu, xưa Chúa đã phán: “Khi nào
Ta được đưa lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32), xin hãy
lôi kéo chúng con lên với Chúa để được Chúa yêu thương và cứu chuộc. Amen.