LỄ CHÚA BA NGÔI, NĂM B
LINH ĐẠO CỦA THIÊN CHÚA LÀ
TÌNH YÊU
(Dnl
4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20)
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Ngay
trước lúc Chúa Giêsu lên trời, Ngài đã khẳng định và truyền cho các môn đệ: “Thầy
đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19 Vậy anh em hãy đi và làm cho
muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và
Chúa Thánh Thần”(Mt 28,18-19).
Hôm nay, Giáo Hội mừng
kính trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Qua lễ này, Giáo Hội muốn cho con cái mình có
dịp thuận tiện để xác tín mạng mẽ sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi đầy yêu
thương trên cuộc đời của mình và trên nhân loại. Đồng thời, luôn sẵn sàng ra đi
loan báo về mầu nhiệm tình yêu ấy cho nhân loại để mọi người nhận biết và tôn
thờ Thiên Chúa, vì: “… trên
trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần
nào khác nữa” (Đnl 4,39).
1.
Ý nghĩa Lời Chúa
Bài đọc I trích sách
Đệ Nhị Luật mà chúng ta vừa nghe đã khơi lên trong lòng dân Israel về một Vị
Thiên Chúa luôn yêu thương con người cách trọn vẹn. Với Thiên Chúa, Người luôn
coi dân Israel là một dân riêng, được
hiến thánh, là thành phần ưu tuyển, để qua đó, Người thể hiện quyền năng và
lòng yêu thương được thể hiện qua những kỳ công Người đã làm trên dân.
Vì thế, Môsê đã nhắc
cho dân biết vị thế của họ trong trái tim Thiên Chúa rất đặc biệt, ông nói: “Có dân nào đã nghe tiếng Thiên Chúa phán bảo
từ trong đám lửa như anh em đã nghe ?... Có Thiên Chúa nào đã chọn cho mình một
dân tộc giữa các dân tộc khác bằng những dấu lạ, điềm thiêng... như Thiên Chúa
của anh em, đã làm tại Ai Cập trước mắt anh em không?” (x. Đnl 4, 35 -40). Từ
những diễn tả trên, Môsê mời gọi dân hãy trung thành giữ những lệnh
truyền của Thiên Chúa vừa uy quyền, vừa yêu thương, nên chỉ tôn thờ một mình
Người mà thôi.
Sang Bài Đọc II, thánh
Phaolô mời gọi giáo đoàn Rôma hãy sống xứng đáng với vai trò của mình trong tâm
thế của một người con trước Thiên Chúa là Cha Nhân Hậu chứ không phải trước một
vị thiên chúa đáng sợ như dân ngoại. Hãy vui mừng vì được trở nên đền thờ Chúa
Thánh Thần và được diễm phước gọi Thiên Chúa là Cha: “Abba, Cha ơi”. Khi gọi
Thiên Chúa là Cha, Dân Chúa thực sự trở thành những người con đích thực, nên
được đồng thừa tự với Đức Giêsu. Chính vì điều này, mà Thiên Chúa và con người
trở nên gần gũi hơn bao giờ hết!
Với bài Tin Mừng,
thánh sử Mátthêu thuật lại cuộc hiện ra cuối cùng của Đức Giêsu với các môn đệ,
qua đó, Đấng Phục Sinh khẳng định quyền bính của Ngài khi nói: “Thầy đã được trao trọn quyền trên trời dưới
đất” (Mt 28,18). Đồng thời, Đức Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ hãy đi
loan báo Tin Mừng, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần. Chiêu tập mọi người làm môn đệ để cho họ cũng được cảm nghiệm và
sống trong tình thương của Thiên Chúa (x. Mt 28, 19-20).
2.
Tình yêu của Thiên
Chúa Ba Ngôi tràn ngập trong ta
Dưới ánh sáng Lời
Chúa, tình yêu của Thiên Chúa trải dài qua muôn ngàn thế hệ, khiến chúng ta chỉ
có thể thốt lên tâm tình tạ ơn.
Tạ ơn Chúa vì do tình
thương mà ta được dựng nên theo hình ảnh của Người.
Tạ ơn Chúa vì ta được
lãnh nhận Phép Rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, trở nên con Thiên Chúa, được
gọi Thiên Chúa là Cha, trở thành dân của Thiên Chúa, là đền thờ Chúa Thánh
Thần, được đồng thừa tự với Đức Giêsu.
Như vậy, Thiên Chúa
luôn yêu ta bằng tình yêu tuyệt đối. Còn với chúng ta, chắc chắn không gì quý
giá hơn khi một loài xác đất vật hèn, mỏng dòn yếu đuối, mà lại được tham dự
vào sự sống thần linh của Thiên Chúa, Đấng là Chủ Tể mọi loài mọi vật trên trời
dưới đất.
Tuy nhiên, “Đấng không thể gọi tên, Đấng bất khả đạt thấu, Đấng là nền tảng
mọi sự” ấy (x. Karl Rahner, Science as a Confession, 389) lại sẵn sàng cho chúng
ta được tựa nương vào Người như con cái trong vòng tay yêu thương của người
cha, như gà con được ở dưới bong cánh mẹ hiền.
Như vậy, tình yêu của
Thiên Chúa là một tình yêu luôn luôn đi bước trước và mang tính trọn vẹn đến
tuyệt đối như thánh Têrêsa Hài đồng đã cầu nguyện: “Lạy Chúa Ba Ngôi chí thánh, Chúa trở nên tù nhân bị giam hãm trong hồn
con”.
Tất cả tình yêu ấy
được chính Đức Giêsu mặc khải khi khẳng định như sau: “Ai yêu
mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ
đến và ở lại với người ấy”(Ga 14,23).
Còn với thánh Phaolô, ngài căn dặn: “Anh em lại không biết anh em là đền thờ
của Thiên Chúa và Thánh Thần của Thiên Chúa ở trong anh em sao”?(1Cr 3,16-17 ;
x. 6,19).
Thật hạnh phúc vô biên cho chúng ta khi có một
Thiên Chúa đầy nhân hậu, từ bi, luôn sẵn sàng lắng nghe, hiểu thấu và hiện diện
với ta, cùng ta và trong ta như vậy!
Thánh Gioan Tông đồ đã
nói: “Thiên Chúa là Tình yêu”. Ai ở trong Thiên Chúa thì ở trong tình yêu. Nói cách khác: ai không biết
yêu thì không phải là người thuộc về Thiên Chúa.
Vì thế, bổn phận của chúng ta là: yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết mình,
hết trí khôn và sức lực.
Những hành động cụ thể diễn tả tình yêu của ta đối với Thiên Chúa, đó là:
Tin tưởng và phó thác mọi sự cho Thiên Chúa quan phòng. Luôn yêu mến và
thực hành Lời Chúa dạy. Luôn tôn thờ Người là Chúa Tể mọi loài mọi vật, ngoài
Người ra, không có chúa nào khác để chúng ta tôn thờ.
Cần tránh những thứ làm cho chúng ta xa Chúa như: tôn thờ tiền bạc. Chạy
đua danh vọng. Ham mê lạc thú. Mê tín dị đoan….
Ngoài ra, yêu mến Thiên Chúa và tôn thờ Thiên Chúa còn
là sống linh đạo của Người trong cuộc sống của chúng ta.
Linh đạo đó là linh đạo tình yêu và hiệp nhất.
Nếu Ba Ngôi Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta bằng
tình yêu tuyệt đối, trọn vẹn, không phân biệt, không tính toán, thì đến lượt
chúng ta, mỗi người cũng phải yêu mọi người như vậy, dù người đó là ai, sinh ra
và lớn lên trong hoàn cảnh, văn hóa, truyền thống nào đi nữa, chúng ta vẫn luôn
được mời gọi yêu và yêu hết mình như Thiên Chúa.
Nếu Thiên Chúa Ba Ngôi luôn kết hợp chặt chẽ với nhau
trong công trình cứu chuộc con người, như lời cầu nguyện của Đức Giêsu đã mạc
khải trong lời cầu nguyện của Ngài: xin Cha cho “mọi
người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng
nên một trong Ta …” (Ga 17, 21), thì đến lượt chúng ta, mầu nhiệm này phải được coi là nền tảng, là căn cốt, là
bản lề cho đời sống đức tin và là mẫu mực cho đời sống Kitô hữu nói chung, cho
đời sống từng gia đình giữa vợ - chồng, con cái, hay cho mọi người trong cộng
đoàn nói riêng.
Có thế, mầu nhiệm siêu phàm của Chúa Ba Ngôi mới thực sự trở
nên sống động ngang qua hành động, lời nói, lựa chọn và cung cách sống của
chúng ta.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, xin cho chúng con được thuộc trọn về
Chúa. Luôn được sống trong tình yêu của Chúa và sẵn sàng làm sáng danh Chúa bằng
đời sống hy sinh, yêu thương và hiệp nhất. Amen.