LỄ GIÁNG SINH – LỄ ĐÊM, NĂM B
ĐÊM THÁNH – ĐÊM CHAN HÒA ÁNH SÁNG
(Is 9, 2-4. 6-7 (Hr 1-3. 5-6); Tt 2,
11-14; Lc 2, 1-14)
Tu
sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Có
rất nhiều người thuộc các tôn giáo bạn thường hay thắc mắc: “Tại sao lễ Giáng Sinh lại được cử hành vào
ban đêm?” Khi mừng lễ như vậy liệu có tính lịch sử không?”.
Thực
ra thời khắc Con Thiên Chúa hạ sinh không đề cao ý nghĩa và giá trị lịch sử cho
bằng ý nghĩa thần học, thiêng liêng của ngày lễ.
Vì
thế, khi cử hành lễ Giáng Sinh vào đêm ngày 24, rạng sáng ngày 25, Giáo Hội
muốn làm nổi bật lên vai trò và sứ mạng của Đấng Thiên Sai, vì Ngài là: “Ánh Sáng đến để chiếu soi nhân loại”.
1. Ánh sáng tách lìa
bóng tối
Khi
nói đến ánh sáng trong lịch sử cứu chuộc, chúng ta thấy nó xuất hiện ngay từ
thủa nguyên sơ bình minh của nhân loại. Sách Sáng Thế đã cho thấy rõ vai trò
của ánh sáng khi ánh sáng xuất hiện trong công cuộc tạo dựng.
Lúc
ban đầu, mọi sự còn trong tình trạng hỗn mang, nhưng khi ánh sáng hiện hữu, tức
thì một lằn ranh giữa ánh sáng và bóng tối xuất hiện. Nhờ vào ánh sáng, mọi vật
được quang hợp và nhờ đó mà có sự sống.
Sau
khi sáng tạo trời đất và con người, Thiên Chúa đã dùng ánh sáng để phân biệt
ngày và đêm cũng như để cho con người được sống trong ánh sáng.
Như
vậy, tác giả sách Sáng Thế cho thấy: ánh sáng được biểu trưng cho sự sống. Còn
bóng tối là hình ảnh của sự chết.
Tuy
nhiên, vì bóng tối là hình ảnh của sự chết, nên nó đối lập với ánh sáng là biểu
tượng của sự sống! Vì vậy, nó đã không ngừng len lỏi vào trong tâm khảm của con
người, khiến con người hướng chiều về nó và muốn thoát ra khỏi ánh sáng để mong
ước đạt được một cái gì đó tốt đẹp hơn hiện tại!
Chính
vì sự yếu đuối và ngộ nhận này mà Nguyên Tổ của chúng ta là Ađam và Evà đã đi
theo bóng tối và có một sự khát khao cuồng tín rằng: khi đã thoát ra khỏi ánh
sáng thì sẽ được ngang hàng với Đấng Tạo Hóa là nguồn Ánh Sáng.
Nhưng
sự hoang tưởng này đã không đem lại cho ông bà như ý muốn, mà cả hai đã nhận
một cái kết đầy đắng cay, đó là: bị Thiên Chúa trừng phạt và đẩy lùi về với bóng
tối khi Người đập tan ý định kiêu ngạo, phá ta niềm hy vọng hão huyền, và đã
đuổi ông bà ra khỏi Vườn Địa Đàng là nơi đầy ánh sáng và bình an. Cũng kể từ
đó, ông bà không được hưởng hạnh phúc thủa ban đầu, không còn tình nghĩa với
Đấng dựng nên mình và cũng kể từ đó, Thiên Chúa đã đặt các thần hộ giá với lưỡi
gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh (x. St 3,24).
Cứ
thế, trong suốt giai đoạn Cựu Ước, dân chúng đã lầm lũi bước đi trong bóng tối
của sự chết.
Đây
chính là thảm họa buồn mà nhân loại phải lãnh nhận do Nguyên Tổ loài người gây
ra.
Trước
thực trạng ấy, dân mong chờ ánh sáng biết chừng nào! Họ mong chờ một nguồn ánh
sáng đến để giải cứu họ thoát khỏi bóng tối tử thần, thoát khỏi sự đau khổ,
chết chóc và thân phận nô lệ đắng cay.
2. Đức Giêsu là Ánh
Sáng chiếu soi thế gian
Niền
hy vọng của họ đã thấu tới trời cao và đã được Thiên Chúa xót thương khi sai
Con của Người xuống thế là Đức Giêsu Kitô. Khi Đức Giêsu đến, Ngài đã thực thi
sứ vụ Thiên Sai trong vai trò giải thoát và chiếu giãi Ánh Sáng vào trong bóng
đêm tội lỗi.
Đây
là niềm vui mừng khôn xiết, vì: “Dân tộc
bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên
những người cư ngụ miền thâm u sự chết”; “Họ sẽ vui mừng trước nhan Chúa, như
thiên hạ mừng vui trong mùa gặt lúa, như những người thắng trận hân hoan vì
chiến lợi phẩm, khi đem của chiếm được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên
người, cái gông nằm trên vai, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ
nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian” (x. Is 9, 1-3).
Như
vậy, khi mừng sinh nhật của Đức Giêsu vào lúc nửa đêm, lúc mà ngày cũ đã chấm
dứt và nhường chỗ cho một ngày mới bắt đầu, Giáo Hội muốn làm toát lên ý nghĩa
cũng như giới thiệu cho mọi người biết rằng: Đức Giêsu chính là Ngày Mới của
Thiên Chúa. Ngày Mới này tràn ngập ánh sáng như thủa ban đầu.
Cuộc
hạ sinh của Đức Giêsu cũng được ví như một cuộc tạo dựng mới. Một cuộc tạo dựng
hoàn toàn tinh tuyền không vướng nhơ tội lỗi bởi một người Mẹ là Đức Maria đồng
trinh, bởi một vị cha nuôi là thánh Giuse - Đấng Công Chính, và trên hết, Đức
Giêsu xuất phát từ “Ánh
sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật” (Kinh Tin Kính).
Chính
vì lẽ đó mà Đức Giêsu đã khẳng định: “Tôi
là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ
nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).
3. Đón nhận và bước đi
trong Ánh Sáng
Đi
theo ánh sáng hay sống trong bóng tối? Đây là câu hỏi muôn thủa được đặt ra cho
chúng ta. Đây cũng là thách đố đầy cam go và kịch tính mà ai ai cũng phải đối
diện trong đời sống thường ngày.
Chính
vì thấu hiểu sự giằng co này mà thánh Gioan đã phải thốt lên: “Người đã đến nhà mình, nhưng người
nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).
Đây
là câu chuyện buồn của hơn 2000 năm qua. Đây cũng là sự giằng co nội tâm của
mỗi người chúng ta. Một cuộc nội chiến không ngừng diễn ra ngay trong nội tại
của mỗi người.
Chính
vì vậy, đã biết bao lần, chúng ta không ngừng chiến đấu để mình thuộc về Ánh Sáng
và đẩy lui bóng tối ra khỏi cuộc đời mình. Tuy nhiên, bóng tối bao giờ cũng hấp
dẫn và ánh sáng bao giờ cũng là kẻ thù của bóng tối, vì thế, lằn ranh giữa ánh
sáng và bóng tối rất mong manh, khiến cho biết bao người đã ngã quỵ trước ma
lực của bóng tối.
Đứng
trước thách thức đó, thánh Phaolô đã mời gọi chúng ta: “… phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng
mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông
chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại
và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2, 12- 13). Thi hành điều đó, ấy là chúng ta đang đi trong ánh
sáng của đường lối cứu chuộc mà Đức Giêsu đã đem lại cho nhân loại. Đồng thời
cũng trở thành con người xứng đáng với tước vị làm Con Thiên Chúa (x. Ga 1,12).
Tuy
nhiên, tin và bước theo Ánh Sáng không thôi thì chưa đủ, mà phải trở thành ánh
sáng soi đường cho người khác để họ cũng được hưởng niềm vui do ánh sáng đem
lại như lời Đức Giêsu đã nói: “Chính anh
em là ánh sáng cho trần gian”; và: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy
những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên
trời” (Mt 5, 14.16).
Vậy
ánh sáng của chúng ta là gì? Thưa! Ánh sáng của chúng ta chính là một đời sống
đạo chân thành; một mối tương quan thật thà thẳng thắn; lương thiện trong công
việc; khiêm nhường trong cuộc sống; bác ái, yêu thương, liên đới với người
nghèo…. Những đức tính này giúp ta và anh chị em của mình vượt ra khỏi bóng tối
là sự ích kỷ, kiêu ngạo, bảo thủ, ghét ghen, dửng dưng, vô cảm, gian dối, thất
tín….
Mong sao mỗi khi mừng lễ
Giáng Sinh, chúng ta hãy khao khát cho mình được thuộc về Ánh Sáng để được cứu
độ. Đồng thời cũng không ngừng khát khao loan truyền Ánh Sáng sự sống ấy cho
mọi người chung quanh bằng chính cuộc sống gương mẫu của mình. Amen.