GIÁNG SINH,
THÁNH LỄ RẠNG ĐÔNG
Giáng Sinh, mừng
ơn cứu độ được tỏ hiện
Lắng nghe sứ điệp
Lời Chúa (Is 62:11-12; Tt 3:4-7;
Lc 2:15-20)
Chúng
ta đón chào Đấng Cứu Độ đến ngự giữa chúng ta.
Người sẽ thực hiện một cuộc thay đổi tận căn gốc cho nhân loại chúng
ta. Vậy Người sẽ cứu chúng ta khỏi điều
gì, hay nói khác đi, ơn cứu độ có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a chỉ cho chúng
ta thấy Đấng Cứu Độ đang đến. Thánh Phao-lô nhìn về nguồn gốc ơn cứu độ để khẳng
định với chúng ta rằng Chúa làm cho chúng ta được công chính không phải vì công
nghiệp chúng ta, nhưng hoàn toàn là do lòng Chúa thương xót.
Như rạng
đông biến đổi hoàn toàn quang cảnh trời đất, ơn cứu độ của Thiên Chúa cũng làm
thay đổi thân phận của nhân loại chúng ta. Qua ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa nói cho dân
riêng của Người và thành Giê-ru-sa-lem, cũng được gọi là thiếu nữ Xi-on, biết rằng
ơn cứu độ của họ đã gần kề. Ơn cứu độ
thay đổi thân phận của họ: từ một dân tộc
sống giữa những dân ngoại ô uế, họ sẽ trở thành “dân thánh”; từ những kẻ từng bị lưu đày, họ sẽ là những
người được Đức Chúa cứu chuộc; từ một thánh đô hoang tàn không ai muốn đến trở
thành “cô gái đắt chồng”, tức là được nhiều người viếng thăm; từ một thành không còn ai muốn nhớ đến, giờ
đây trở nên “thành không bị bỏ”. Tóm lại,
nhờ ơn cứu độ, Ít-ra-en và Giê-ru-sa-lem sẽ được phục hồi. Hình ảnh và thân phận Ít-ra-en cùng
Giê-ru-sa-lem nói trên được áp dụng cho chúng ta, những người đã chuẩn bị tâm hồn
để đón nhận ơn cứu độ Thiên Chúa ban.
Chúng ta cũng thuộc về dân thánh, cũng là những người được Chúa cứu chuộc
và không bị bỏ rơi.
Nhưng tại
sao Chúa thi ân cứu độ chúng ta? Tại sao
Người muốn thay đổi thân phận chúng ta?
Phải chăng chúng ta đã làm những việc lớn lao tốt đẹp đáng để Chúa cứu độ
chúng ta? Không phải vậy đâu. Thánh Phao-lô trả lời thẳng lý do là: “Khi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, biểu lộ
lòng từ bi nhân ái của Người, Người đã cứu chúng ta, không phải vì chúng ta đã
làm những việc công chính, mà là vì Người thương xót” (Ti-tô 3:5). Ngài còn cho thấy diễn trình cứu độ ấy khởi đầu
bằng Bí tích Rửa tội để Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sự sống mới. Với sức sống mới được Thánh Thần dẫn dắt,
chúng ta sẽ sống kết hiệp với Chúa Ki-tô, để ân sủng của Chúa Ki-tô, tức là lối
sống gương mẫu và Tin Mừng của Người, uốn nắn chúng ta trở nên giống như Người.
Chúa
Giê-su, Đấng Cứu Độ, mặc lấy thân phận con người đến với chúng ta để chúng ta dễ
dàng gặp gỡ Người. Chúng ta nghe bài
trích sách Tin Mừng Lu-ca kể lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của những người chăn
chiên tại cánh đồng Bê-lem. Khi được các
thiên sứ báo tin, mục đích họ đi tìm gặp Hài Nhi chỉ là “để xem sự việc đã xảy
ra như Chúa đã tỏ cho họ biết”. Nhưng
khi gặp được Người rồi, thì họ “kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi
này”, khiến mọi người nghe họ đều phải ngạc nhiên. Cuối cùng lúc ra về, họ “vừa đi vừa tôn vinh
ca tụng Thiên Chúa”. Rõ ràng là một cuộc
thay đổi sâu xa. Gặp Đấng Cứu Độ là cuộc
sống họ hoàn toàn thay đổi! Nếu chúng ta
có dịp viếng thăm ngôi thánh đường tại Cánh Đồng Chiên, sẽ thấy ở bên phải bàn thờ bức họa mô tả phong thái của những
người chăn chiên, họ vừa đi vừa nhảy múa để chúc tụng Thiên Chúa và biểu lộ niềm
vui Giáng Sinh.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Thánh lễ
Ban đêm giúp chúng ta hiểu ý nghĩa biến cố Giáng Sinh, chiêm ngưỡng và thờ lạy
Hài Nhi, Thiên Chúa làm người. Thánh lễ
Rạng đông mời gọi chúng ta suy niệm ý nghĩa của ơn cứu độ. Nhờ lời ngôn sứ I-sai-a, chúng ta xác tín về
thân phận mình được Chúa thay đổi. Với
thánh Phao-lô, chúng ta biết được tình yêu và lòng thương xót bao la của Thiên
Chúa đã nhờ Con Một Người chuộc chúng ta khỏi tội lỗi, gọi chúng ta là con và
cho Thánh Thần cùng với Chúa Ki-tô dẫn chúng ta về với Người. Đời sống Ki-tô hữu chúng ta là đáp lại lời
kêu gọi của những người chăn chiên: “Nào
ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho chúng ta biết”. Vậy Bê-lem của chúng ta ở đâu? Không hẳn chỉ ở bên Do-thái đâu, nhưng là ở
ngay trong tâm hồn chúng ta. Có Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ là một Bê-lem, để
chúng ta có thể đến bất cứ lúc nào mà tôn vinh ca tụng Thiên Chúa.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi