Cuộc Chạy
Trốn Của Thánh Gia, Nghĩ Về Người Tịn Nạn
Suy niệm Lễ Chúa Hiển Linh
(Mt 2, 1-12)
Tiếp liền sau Đại lễ Giáng Sinh, Giáo hội cử
hành lễ Chúa Hiển Linh hay còn gọi là lễ Chúa Tỏ Mình. Theo một truyền thống rất
xa xưa từ thế kỷ thứ II, thánh Giustinô đã nói tới là Chúa Giêsu đã sinh ra
trong một chuồng bò lừa tại Belem. 40 ngày sau, Thánh Giuse và Đức Maria đem
Hài Nhi lên Đền thờ Giêrusalem để dâng cho Thiên Chúa như luật dạy. Phúc Âm
Thánh Matthêô cho biết: sau khi dâng Chúa trong Đền Thánh, Thánh Gia không trở
về Nagiarét ngay. Trong khoảng thời gian này đã xảy ra nhiều việc liên quan với
nhau. Từ Đền Thờ, Thánh Gia lại trở về Belem. Chính nơi đây, các đạo sĩ, do một
ngôi sao dẫn đường từ Phương Đông tới thờ lạy Chúa Giêsu và dâng cho Ngài lễ vật:
vàng, nhũ hương và mộc dược. Hêrôđê thấy các đạo sĩ không trở lại Giêrusalem
báo tin như lời mình dặn, sợ ngai vàng của mình bị đe dạo, ông ra lệnh truyền
giết các trẻ em ở Belem và các miền phụ cận từ 2 tuổi trở xuống. Thánh Giuse được
Thiên thần báo tin, đã đem Chúa Giêsu và Đức Mẹ sang Ai-Cập và ở đó cho tới khi
Hêrôđê băng hà (x. Mt 2, 1-12).
Điều gì đã xảy ra vậy ?
Thưa, một gia đình bị buộc phải trốn khỏi quê nhà vì nỗi lo sợ bị bách hại. Đây
chính là định nghĩa thời hiện đại về người tị nạn. Trên thực tế, Cao uỷ Liên Hợp
Quốc về người tị nạn xác định nhóm người này như sau:
Người tị nạn là những người đã bị buộc phải
chạy trốn khỏi đất nước của mình vì khủng bố, chiến tranh hoặc bạo lực. Người tị
nạn mang trong mình nỗi sợ hãi xác đáng đối với việc bị bách hại vì lý do chủng
tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hoặc thành viên trong một nhóm xã
hội cụ thể nào đó.
Thánh Gia Thất, theo
như trình thuật Tin Mừng Mátthêu, đã phải chạy trốn vì “nỗi sợ hãi xác đáng đối
với việc bị bách hại” bởi vì là “thành phần trong một xã hội cụ thể”, trong trường
hợp này là những người có con nhỏ và đang sinh sống tại Bethlehem.
Đức Maria và Thánh
Giuse có được áp dụng tình trạng tị nạn chính thức không? Tất nhiên là không.
Những kiểu quy định như vậy hầu như không có hiệu lực. Có lẽ lúc đó thậm chí
chưa có bất kì đường biên giới nào. Nhưng, theo như Daniel J. Harrington, S.J.,
một học giả Tân Ước, nhắc nhở chúng ta trong những bình luận của ông về Tin Mừng
Mátthêu trong loạt sách Sacra Pagina của mình : Ai Cập, dưới sự kiểm soát của
La mã vào năm 30 TCN, nằm ngoài thẩm quyền của vua Hêrôđê. Ai Cập đã trở thành
nơi ẩn náu truyền thống dành cho người tị nạn của những người Do Thái trong các
thời kỳ Kinh Thánh (x.1V 11,40; Gr 26,21) và thời Maccabean khi vị thượng tế
Onias IV chạy trốn khỏi đó.
Như vậy, chúng ta có
thể thấy một gia đình đang chạy trốn sang một quốc gia khác vì lo sợ bị bách hại.
Mátthêu kể rằng : Thiên thần Chúa hiện
ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ
Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrođê sắp sửa
tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người" (Mt 2,13).
Cho dù Gia đình Thánh
Gia không giống những người tị nạn hôm nay, thì chúng ta vẫn cần phải có tinh
thần bác ái và sẵn sàng để chăm sóc cho những người tị nạn và những người di cư
đương thời.
Khi suy niệm đoạn Tin
Mừng trên trong bối cảnh thế giới đối diện với làn sóng người tị nạn và những
người nhập cư, một số nhà bình luận đã tìm cách vạch ra điểm tương đồng giữa
hoàn cảnh của họ và của Gia đình Thánh Gia, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh
Giuse. Người ta đặt câu hỏi : Có phải Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse
mà ngày nay chúng ta coi là những người “tị nạn”?
Đức Thánh Cha
Phanxicô vì cũng xuất thân từ một gia đình di dân người Ý sang Achentina, ngài
rất nhạy cảm trước cảnh di dân ngày nay, và đồng cảm với nỗi thống khổ của những
người di dân, đã buộc phải bỏ xứ ra đi để kiếm sống nơi đất khách quê người sẽ
cho chúng ta câu trả lời.
Trong bài giảng thánh
lễ Noel truyền thống 24/12/2017 tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô ở Roma,
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đặc biệt đến số phận của những người di dân và kêu gọi
giáo dân toàn thế giới mở rộng vòng tay đón tiếp họ. Ngài nói : “Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse đã phải rời bỏ
quê hương của họ. Rồi khi đến Bêlem, họ đã không được ai đón nhận. Họ cũng giống
như những người di dân hiện nay”. Đức Thánh Cha đã so sánh nơi Chúa Giáng
Sinh với thế giới bây giờ, đôi khi quá thờ ơ với những người đã mất hết tất cả.
Ngài giải thích : “Trong bước chân của Thánh
Giuse và Mẹ Maria, ẩn chứa nhiều bước chân khác, bước chân của những gia đình
mà nay cũng buộc phải bỏ nước ra đi. Hàng triệu người đã không chọn con đường
lưu vong, nhưng đã buộc phải rời bỏ người thân hoặc bị đuổi khỏi làng mạc của họ”.
Ngài nhấn mạnh : “Đối với nhiều người, sự
ra đi này chỉ mang một tên duy nhất : sự sống còn”. Ngài cũng kêu gọi mọi
người hãy chia sẽ và loan báo tin mừng Giáng Sinh mà không sợ hãi : “Noel là lúc chuyển hóa sức mạnh của cái sợ
thành sức mạnh của lòng bác ái”. Ngài cũng lưu ý : “Khi xuống thế làm người, Chúa kêu gọi mọi người bảo vệ những kẻ đã rơi
vào tuyệt vọng”.
Không phải vô cớ mà tổ chức bảo vệ và hỗ trợ
người di dân, Horizon sans frontières (Chân trời không biên giới), trụ sở ở
Senegal, châu Phi, năm nay một lần nữa đã chọn giáo hoàng Phanxicô là “Nhân
vật của năm”. Thật vậy, kể từ khi lên lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ, ngài vẫn
thường xuyên đưa ra những lời kêu gọi hoặc đề nghị những biện pháp để giúp đỡ
người di dân trên toàn thế giới.
Hãy tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập
người di dân và tị nạn. Đó là bốn việc cần làm trong năm nay, khi Đức Giáo
hoàng Phanxicô đưa ra lời kêu gọi trong sứ điệp công bố sáng 21-8-2017, nhân
ngày Thế Giới di dân và tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 14-1 năm tới, 2018.
Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho mọi người biết
vui vẻ tiếp đón tha nhân, và xin cho họ tìm được nơi ở xứng đáng với sự trợ
giúp của chúng ta. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
LỄ HIỂN LINH, LỄ CỦA ÁNH SÁNG
Suy niệm Lễ Chúa Hiển Linh
(Mt 2, 1-12)
“Họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người” (Mt 2,11)
Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa
không những chỉ xuống thế làm người trên mặt đất này, mà còn để cho con người
nhìn thấy ; Người không chỉ có sinh ra, nhưng còn để con người biết đến và
thờ lạy. Đây là sự thật nhãn tiền được biểu lộ trong ngày lễ Hiển Linh, ngày
Chúa tỏ mình ra cách rõ nhất mà hôm nay chúng ta mừng kính.
Hôm nay, các đạo sĩ từ phương Đông đến tìm, họ tìm ai ? Tìm “sự lóe rạng mặt trời đức nghĩa” (Ml 3, 20) như Malaki đã loan báo, tìm Đấng mà chúng ta đọc thấy
trong sách Dacaria: “Này
có một người, hiệu là ‘Chồi lộc’” (Dc 6,
12). Ai tìm thì sẽ thấy. Họ mỏi công đi tìm theo sự hướng dẫn của ngôi sao lạ
và họ đã thấy, họ đến thờ lạy Hài Nhi mới sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria. Do lòng
nhân hậu, Chúa tự tỏ mình ra cho người ta thấy như thánh Phaolô viết : “Ðấng cứu thoát ta đã hiển linh… không phải
do tự các việc ta làm trong đàng công chính, nhưng là chiếu theo lòng thương
xót của Người” (Tt 3,4-5).
Xin hỏi các đạo sĩ : Các ngài đang làm gì, hỡi các đạo sĩ, các
ngài làm chi vậy? Các ngài thờ lạy một Trẻ Thơ măng sữa, mới sinh nơi xóm
nhỏ đơn nghèo ư? Các ngài tin rằng, Trẻ Thơ ấy là Thiên Chúa sao ? Nhưng “Thiên Chúa ở trong thánh điện của Người,
ngai của Người đặt ở trên cao” (Tv 10,4). Còn các ngài, các
ngài tìm Chúa nơi hang bò lừa đang nằm trong vòng tay mẹ ẵm sao ? Các ngài
làm chi vậy? Tại sao các ngài lại dâng vàng ? Trẻ Thơ này là vua ư ?
Nhưng đâu là cung điện cũng như ngai vàng của nhà vua, và đâu là quần thần của
nhà vua ? Chuồng bò là cung điện, máng cỏ là ngai vàng, Đức Maria và thánh
Giuse là quần thần của vua sao ? Làm sao những người thông thái không thờ
lạy Hài Nhi, họ đã bị điên dồ hết rồi sao, phải chăng họ coi thường sự non nớt
và cái nghèo của Trẻ Thơ ?
Để nên người thông thái, các đạo sĩ đã trở nên điên dồ; Thánh Thần đã dạy
bảo họ trước : “Vì
chưng một khi thế gian, đứng trước sự khôn ngoan của Thiên Chúa, đã không lợi dụng
khoa khôn ngoan mà nhìn biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã quyết ý dùng sự điên
rồ của lời rao giảng để cứu những kẻ tin” (1Cr 1,
21). Vì vậy, họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Hài Nhi nghèo này, thờ kính như một vị
vua, vị thần. Một ngôi sao hướng dẫn họ bên ngoài đã chiếu tỏa nơi họ ánh sáng
huyền nhiệm của chính vì sao.
Chúa là Ánh Sáng
Lễ Hiển Linh là mầu nhiệm ánh sáng, ánh sáng được diễn
tả qua biểu tượng ngôi sao hướng dẫn cuộc hành trình của các nhà đạo sĩ. Chúa
Kitô chính là Nguồn Sáng thật, là “Mặt Trời
mọc lên từ trên cao” (x. Lc 1,78) chiếu tỏa trần gian và lan ra theo những
vòng tròn đồng tâm. Trước hết trên Ðức Maria và Thánh Giuse được chiếu sáng bởi
sự hiện diện thần linh của Hài Nhi Giêsu, kế đến là các mục đồng tại Bêlem; khi
được thiên sứ báo tin, các ngài mau mắn chạy đến hang đá và gặp thấy nơi đó “dấu chỉ” đã được báo trước cho họ: một
con trẻ được bọc trong khăn và đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,12). Các mục đồng,
cùng với Đức Maria và Thánh Giuse, đại diện cho “nhóm nhỏ còn lại của Dân Israel”, những người nghèo, những kẻ đã được
loan báo Tin Mừng.
Ánh sáng của Chúa Kitô cuối cùng chiếu toả đến các vị
đạo sĩ, quả đầu mùa từ các dân ngoại : “Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng… và họ đã quỳ gối xuống sụp
lạy Người” (Mt 2,11). Trong khí đó, “cả
nhà vua cùng các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân” (Mt 2,3) còn nằm
trong bóng đêm, nơi mà tin tức về Ðấng Thiên Sai sinh ra, được thông báo một
cách nghịch lý cho họ biết qua các vị đạo sĩ, và khơi dậy không phải niềm vui mừng,
nhưng sự lo sợ và những phản ứng thù nghịch (x. Mt 2,3). Ý định của Thiên Chúa
quả thật là nhiệm mầu: “Sự sáng đã đến trong
thế gian, mà người ta đã yêu mến tối tăm hơn sự sáng, vì việc họ làm là điều xấu”
(Ga 3,19).
Nhưng thử hỏi ánh sáng đó là gì đây? Nó chỉ là một biểu
tượng gợi ý, hay có một thực tại thật được nói lên qua hình ảnh này? Thánh
Gioan viết : “Thiên Chúa là sự sáng, tối
tăm không hề có nơi Người” (1Ga 1,5). Và thêm : “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
Hai lời quả quyết trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn rằng: Ánh sáng bừng lên trong
đêm Giáng Sinh là Tình Yêu Thiên Chúa, được mạc khải nơi chính Lòng Thương Xót
Nhập Thể.
Chúa Giêsu “là
Ánh sáng đã chiếu soi lương dân và Vinh quang của Israel dân Chúa” (Lc
2,32); Ðược Thiên Chúa linh ứng, cụ Simêon đã thốt lên như thế. Ánh sáng chiếu
soi mọi dân tộc, ánh sáng của lễ Hiển Linh phát xuất từ vinh quang của Israel
dân Chúa, vinh quang của Ðấng Thiên Sai, mà theo Kinh Thánh, đã giáng sinh tại
Bêlem, “thành của Vua Ðavít” (x. Lc 2, 10-11). Các đạo sĩ thờ lạy một Hài Nhi
đơn sơ nằm trong đôi tay Mẹ Maria, bởi vì các ngài nhìn nhận nơi Con Trẻ này
nguồn mạch của hai ánh sáng đã hướng dẫn các ngài: ánh sáng của ngôi sao và ánh
sáng của Kinh Thánh. Các ngài nhìn nhận nơi Con Trẻ vị Vua của người Giuđêa,
vinh quang của dân Israel, và cũng là Vua của tất cả mọi dân nước.
Giáo
hội là ánh sáng
Trong khung cảnh phụng vụ của lễ Hiển Linh cũng được
biểu lộ mầu nhiệm Giáo Hội và chiều kích truyền giáo của Giáo Hội. Giáo Hội được
mời gọi chiếu sáng trong thế giới ánh sáng của Chúa Kitô, vừa phản chiếu ánh
sáng đó nơi chính mình, như mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Trong
giáo hội đã được hoàn tất những lời tiên tri xưa nói cho thành thánh Giêrusalem
: “Hãy chỗi dậy, hãy mặc lấy ánh sáng, bởi
vì ánh sáng của ngươi ngự đến... Các dân tộc sẽ bước theo ánh sáng của ngươi,
các Vua Chúa sẽ đi theo vinh quang của Nguồn Sáng ngươi” (Is 60, 1-3). Người
kitô hữu sẽ phải thực hiện điều này: sau khi đã được Chúa huấn luyện sống theo
các Mối Phúc, nhờ qua chứng tá của tình thương, phải lôi cuốn mọi nguời đến
cùng Thiên Chúa. “Như thế phải chiếu toả
ánh sáng của chúng con trước mọi người, ngõ hầu nhờ thấy những việc tốt chúng
con làm mà họ tôn vinh Cha chúng con trên trời” (Mt 5,16).
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ