CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH
Lễ Hiển Linh: Thiên Chúa tỏ vinh quang của Người
là mầu nhiệm Chúa Kitô
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is
60:1-6; Ep 3:2-3a, 5-6; Mt 2:1-12)
Hiển Linh là lễ trọng mừng việc Chúa tỏ
mình ra không những cho dân ngoại, mà còn cho hết mọi người chúng ta. Nhưng Người tỏ mình ra thế nào và tỏ ra cho
chúng ta điều gì, đó là nội dung Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng
ta suy niệm. Ngôn sứ I-sai-a đã nhìn thấy
trước vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trên Giê-ru-sa-lem như ánh sáng rạng
ngời. Vinh quang lôi cuốn hết thảy chư
dân muôn nước đến với Thiên Chúa, để họ có thể tiến bước trong ánh sáng của Người. Vinh quang Thiên Chúa mà I-sai-a mô tả chính
là Chúa Giê-su, Đấng chiếu tỏa ánh sáng ơn cứu độ bắt đầu thể hiện qua biến cố
Con Thiên Chúa giáng trần.
Điều chúng ta nhận thấy rõ hôm nay là
Cựu Ước soi sáng cho chúng ta hiểu Tân Ước.
Bài đọc 1 giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của biến cố Chúa tỏ mình ra cho dân
ngoại được thánh sử Mát-thêu ghi lại trong bài Tin Mừng, đồng thời giúp chúng
ta chia sẻ suy niệm sâu xa của thánh Phao-lô về “mầu nhiệm Đức Ki-tô”. Trước hết chúng ta lắng nghe ngôn sứ I-sai-a
nói về việc Thiên Chúa tỏ mình ra. Ngài
không đề cập đến những lần Thiên Chúa đích thân hiện ra như với ông Mô-sê hoặc
với toàn dân Ít-ra-en, nhưng là việc Thiên Chúa cho chúng ta “thấy” được “vinh
quang của Đức Chúa”. Thiên Chúa không đến
giữa tiếng sấm vang rền, lửa bừng cháy và mây bao phủ núi cao, nhưng sự hiện diện
của Người sẽ “như bình minh chiếu tỏa” và vinh quang Người xuất hiện trên
Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem là biểu tượng
sự hiện diện của Chúa, để từ đó ánh sáng ơn cứu độ chiếu tỏa cho muôn dân. Cảnh tượng người người kéo về Giê-ru-sa-lem
là hình ảnh nói lên việc nhân loại đáp lời Chúa kêu gọi để tới lãnh nhận ơn cứu
độ. Những hình ảnh như nguồn giàu sang,
của cải muôn dân nước, già trẻ trai gái, ngay đến những đoàn lạc đà, tất cả nườm
nượp kéo về Giê-ru-sa-lem đều là những biểu tượng nói lên sự phong phú vô biên
của ơn cứu độ Chúa muốn tỏ ra cho nhân loại biết để họ đến với Người qua Đức
Ki-tô.
Hiểu đoạn sách I-sai-a tiên báo về ơn
cứu độ, chúng ta mới cảm nhận được niềm tin và vui mừng trong lời ngôn sứ kêu gọi: “Đứng lên, bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi,
vì ánh sáng của ngươi đến rồi!” Phải,
ánh sáng ơn cứu độ của Chúa Giê-su đã đến dưới hình ảnh “ngôi sao của Người xuất
hiện bên phương Đông”, dẫn đường cho các nhà chiêm tinh “đến tận nơi Hài Nhi ở”
mới dừng lại! Và đây là giây phút cảm động
nhất: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân
mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người”. Quả thực cách họ đón nhận ơn cứu độ của Thiên
Chúa thật là khiêm nhường và trang trọng.
Họ dâng lên Hài Nhi lễ vật vàng, nhũ hương và mộc dược là những biểu tượng
nói lên sứ mệnh của Đấng Ki-tô. Nói khác
đi, làm như thế họ xác tín Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ của họ và cũng là của
toàn nhân loại.
Cùng với giải thích của I-sai-a về việc
Thiên Chúa tỏ ra vinh quang Người và vinh quang ấy thể hiện nơi Hài Nhi được
“ba vua” đến thờ lạy, thánh Phao-lô tông đồ dân ngoại không quên nhắc nhở cho
các Ki-tô hữu gốc dân ngoại biết rằng Tin Mừng cứu độ không chỉ dành cho dân
Do-thái, mà còn cho “các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người
Do-thái” nữa. Thánh Phao-lô ngầm hiểu rằng
ơn cứu độ là ơn phổ quát dành cho mọi người không trừ ai, miễn là họ biết đón
nhận qua việc rao giảng Tin Mừng.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Hầu hết chúng ta không phải là người
Do-thái, nên có thể kể là mình thuộc gốc “dân ngoại”, mặc dù chúng ta được rửa
tội từ khi mới sinh ra. Do đó, cùng với
chư dân, ba nhà chiêm tinh và các dân ngoại, chúng ta vui mừng vì ánh sáng đức
tin đã chiếu tỏa trên chúng ta. Chúng ta
không còn sống trong bóng tối bao trùm của tội lỗi nữa, nhưng trong sự sống mới
Chúa Giê-su đem lại cho ta nhờ cái chết và sự phục sinh của Người. Chúng ta không cần dâng lên Hài Nhi bất cứ lễ
vật nào hơn là dâng cho Người cuộc đời chúng ta, mở rộng tâm hồn đón nhận ơn cứu
độ là chính mầu nhiệm Đức Ki-tô. Mà tiếp
nhận mầu nhiệm Đức Ki-tô cũng có nghĩa là sống liên kết với Người. Ơn cứu độ Người ban không phải là món quà nhận
một lần cho tất cả, nhưng là diễn trình biến đổi cuộc sống hằng ngày nên giống
Người.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi