Tuy
nhiên, niềm vui ấy không chỉ dành riêng cho chúng ta, mà là cho hết mọi người,
mọi nơi và mọi thời.
Mặc
khải này được thể hiện rõ trong phụng vụ lễ Hiển Linh hôm nay.
1. Ơn cứu độ phổ quát
Khi
nói đến lễ Hiển Linh, chúng ta hiểu ngay ý nghĩa thần học của nó, đó là lễ Chúa
Tỏ Mình. Vì thế, phụng vụ ngày nay hướng chiều về tên gọi Hiển Linh hơn là Ba
Vua như trước kia.
Khi
Thiên Chúa mặc khải cho các Đạo Sĩ qua ánh sao lạ và dẫn đường đến kính viếng
Hài Nhi Giêsu, Thiên Chúa muốn cho mọi người đi vào mối tương quan cứu độ, chứ
không chỉ dành riêng cho một nhóm người hay một dân tộc nào, mà là cho muôn
dân. Việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho các Đạo Sĩ đã phá tan não trạng độc tôn đặc
lợi của dân tộc Dothái. Biến cố này cũng loan báo cho mọi người thấy rằng: ơn
cứu độ không bị giới hạn bởi chủng tộc, màu da, sắc áo, hay tiếng nói…. Không!
Thiên Chúa đã vượt lên trên tất cả, để lòng thương xót và ơn cứu độ của Ngài đến
với muôn người.
Khi
hiểu Lễ Hiển Linh là Lễ Chúa Tỏ Mình ra cho dân ngoại, sẽ giúp cho chúng ta
hiểu rằng: tất cả những ai khao khát và sẵn sàng mở rộng tâm hồn để đón nhận
Tin Mừng cứu độ, thì họ cũng được nên đồng thừa tự, cùng một thân thể và cùng
thông phần với lời hứa của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô (x. Ep 3,6).
Chính
sự khao khát ơn cứu độ đến da riết, nên khi Ánh Sao của Thiên Chúa xuất hiện
trên bầu trời, các nhà Đạo Sĩ ngày đêm miệt mài nghiên cứu và đã tìm ra chân
lý, đó là sự xuất hiện của Vị Vua người Israel mới sinh. Khi đã xác quyết như
vậy, các ngài đã để lại sau lưng danh vọng, quyền bính, giàu sang và đã lên
đường với tinh thần hy sinh…, để mong cho được gặp Hài Nhi Giêsu.
Như
vậy, ta có thể nhận định: Ánh Sao của Thiên Chúa đã có một chỗ đứng đặc biệt
trong tâm hồn của các Đạo Sĩ. Nói cách khác, Ánh Sao của Chúa đã tương hợp được
với tâm hồn của các ngài. Vì thế, các ngài đã không ngần ngại lên đường để diện
kiến Đấng là nguồn Ánh Sáng, là Chúa các chúa, Vua các vua.
Sự
lựa chọn này đã đi ngược hoàn toàn với lối sống và lựa chọn của vua Hêrôđê.
Lẽ ra
vua Hêrôđê phải là người am hiểu và mau mắn đón nhận Tin Mừng cứu độ này trước
hết, bởi vì một phần do trách nhiệm, một phần do khoảng cách địa lý quá gần
gũi, hơn nữa, ông là người Dothái, nên những điều đã nói về Đức Giêsu được tiên
báo trong Kinh Thánh, ông cũng nắm trong lòng bàn tay!
Tuy
nhiên, khác với các Đạo Sĩ, Hêrôđê đã khước từ Ánh Sáng, chối bỏ Ánh Sáng và
chuộng cho mình bóng tối của sự ích kỷ, kiêu ngạo, tự phụ…. Vì thế, thật đúng
với lời nhận định của thánh Gioan trong Tin Mừng thứ 4, ngài viết: “Người đã
đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Quả thật, từ vua Hêrôđê đến các vị lãnh đạo tôn
giáo thời bấy giờ, không phải họ không biết Đức Giêsu hay không khao khát kiếm
tìm Ngài. Tuy nhiên, động lực và mục đích của họ hoàn toàn khác nhau. Điều này
đã thấy rõ trong Kinh Thánh!
Còn
chúng ta ngày hôm nay đi tìm Chúa như thế nào?
2.
Chúng
ta đi tìm Chúa với mục đích gì?
Có lẽ
trong cộng đoàn đang hiện diện nơi đây, không ai lại không một lần hay có khi
rất rất nhều lần lên đường đi tìm Chúa! Tuy nhiên, cũng biết bao lần chúng ta
đi tìm mà không gặp, gõ mà không thấy, nên chẳng lạ gì khi vẫn còn đó biết bao
nhiêu người cứ “lơ lơ lửng lửng”; “chân
không đạp đất, đầu không đội trời…!”.
Tại
sao vậy? Thưa đơn giản, đó là chúng ta đi tìm Chúa theo kiểu gặp chăng hay chớ,
gặp cũng được, không gặp cũng chẳng sao, tìm cho có, tìm theo phong trào hay
hiệu ứng đám đông.
Hoặc
đôi khi chúng ta đi tìm Chúa với một tâm hồn ngổn ngang, đủ mọi thứ, nào là:
ghen ghét, ích kỷ, kiêu ngạo và thực dụng…. Vì thế, việc không gặp được Chúa là
chuyện bình thường, bởi lẽ Người không ở những nơi đó.
Chúng
ta cũng có thể đã đi tìm Chúa với một tâm hồn trống rỗng, hoang vu, không định
hướng và cũng chẳng ý thức. Vì thế, những dấu chỉ và biến cố vẫn thường xảy ra,
nhưng nó đến rồi lại đi mà chẳng hề đọng lại nơi tâm hồn chúng ta là mấy nếu
không muốn nói như “nước đổ đầu vịt”
hay “nước đổ lá khoai!”. Vì thế,
chúng ta đã bỏ lỡ biết bao cơ hội yêu thương mà Thiên Chúa vẫn hằng ngày dành
cho ta.
Như vậy,
muốn gặp được Chúa, chúng ta phải có tâm tình như ba nhà Đạo Sĩ, đó là:
Trước
tiên, nhạy bén với các dấu chỉ và cần có một đức tin mạnh mẽ khi đã khám phá ra
ý định của Thiên Chúa và mau mắn thi hành.
Thứ
đến: cần có một tâm hồn khao khát cháy bỏng để mong sao cho được gặp Chúa. Phải
chấp nhận một cuộc lên đường và sẵn sàng để lại biết bao kế hoạch, dự phóng…,
chấp nhận hy sinh và khó khăn.
Cuối
cùng, đến với Thiên Chúa bằng một tâm hồn khiêm nhường như các Đạo Sĩ. Các ngài
lên đường để đi tìm Hài Nhi mới sinh, gặp được rồi, họ đã phủ phục tôn thờ
trong sự khiêm tốn cũng như thể hiện lòng mến qua việc dâng tiến Hài Nhi những
báu vật.
Trên
đây chính là những con đường tâm linh của các Đạo Sĩ được hòa quyện vào với con
đường vật lý trên hành trình đi tìm Chúa. Thấy được sự khao khát và mong mỏi ơn
cứu độ, nên Thiên Chúa đã ân thưởng các ngài và đã cho các ngài được toại
nguyện.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Bài
học được rút ra từ sứ điệp Lời Chúa hôm nay rất phong phú. Tuy nhiên, hình ảnh
ngôi sao lạ dẫn đường đóng vai trò rất quan trọng trong hành trình đi tìm Chúa
của các Đạo Sĩ. Nhờ ánh sao dẫn lối soi đường mà các Đạo Sĩ đã gặp được Đức
Giêsu là nguồn ơn cứu độ.
Vì
thế, thiết nghĩ hơn bao giờ hết, mỗi người chúng ta cũng hãy trở thành ánh sao
soi đường cho người khác đến gặp Thiên Chúa để họ cũng được cứu độ.
Thật
vậy:
Nếu
là vợ chồng, chúng ta được mời gọi trở nên ánh sáng của sự thủy chung, yêu
thương, để đẩy lui bóng tối của sự thất tín và bội ước quên thề.
Nếu
là cha mẹ, chúng ta được mời gọi trở thành ánh sao gương mẫu, trách nhiệm trong
việc giáo dục nhân bản cũng như đời sống đạo đức, thiêng liêng, để đẩy lùi bóng
đêm của sự vô trách nhiệm, và gương mù gương xấu.
Nếu
là con cái, chúng ta được mời gọi trở nên ánh sao của sự vâng phục, chu toàn
bổn phận với gia đình, bố mẹ và người trên…, để đẩy lùi bóng đêm của sự lêu
lổng, ăn chơi, trác táng.
Với
hàng xóm láng giềng, chúng ta được mời gọi trở thành ánh sao của sự liên đới,
cảm thông, bác ái và yêu thương, để đẩy lui bóng đêm của sự dửng dưng, vô cảm.
Như vậy,
một khi mọi người trong gia đình đều ý thức về đời sống chứng tá qua việc nêu
gương sáng cho những người xung quanh, thì chắc chắn gia đình của chúng ta sẽ
trở nên như một ánh sao lạ, qua đó, người khác sẽ nhận ra sự hiện diện đầy yêu
thương của Thiên Chúa. Và một cách gián tiếp, chúng ta cũng sẽ trở thành ánh
sao soi sáng và dẫn đưa nhiều người khác về với Chúa ngang qua đời sống đạo
hạnh của mỗi người.
Lạy
Chúa Giêsu, hôm nay, Chúa tỏ mình ra cho các Đạo Sĩ để mặc khải ơn cứu độ cho
muôn dân. Xin Chúa ban cho chúng con biết noi gương các Đạo Sĩ, đó là luôn nhạy
bén với ơn Chúa và sẵn sàng từ bỏ mọi sự để lên đường tìm gặp Chúa. Amen.