CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Thái độ của Chúa Giê-su khi trải qua cuộc Thương khó

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 50:4-7;  Pl 2:6-11;  Mc 14:2 – 15:47)

          Chúng ta bắt đầu Tuần Thánh bằng Lễ Lá, tưởng niệm Chúa Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem với tư cách là Vua bình an.  Tuy nhiên thuật lại cuộc Thương khó của Chúa vẫn là điều cốt yếu của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.  Cuộc Thương khó của Chúa Giê-su diễn biến thế nào hầu như chúng ta ai cũng biết cả. Chúng ta thuộc từng chi tiết đã xảy ra, từ Bữa Tiệc ly qua việc Chúa cầu nguyện trong Vườn Dầu, rồi Người bị bắt, bị tra khảo trước mặt các thượng tế, trước tổng trấn Phi-la-tô.  Chúa bị kết án chịu đóng đinh thập giá.  Tiếp theo là con đường thập giá đưa Chúa tới cái chết tàn bạo trên đồi Can-va-ri-ô.  Vậy Chúa Giê-su đã đón nhận đau khổ và cái chết với thái độ nào?  Chúng ta có hai bài đọc, Cựu Ước và Tân ước, mô tả thái độ ấy, đồng thời cũng dạy chúng ta biết phải đón nhận đau khổ với cùng một cách như Chúa đã chịu đau khổ.

          Trước hết qua bài đọc trích sách I-sai-a nói về Người Tôi Tớ Trung Thành của Thiên Chúa đã chịu sỉ nhục phỉ báng, chúng ta biết được Ngài đã phản ứng như thế nào.  Đây là những hành vi của đám thù địch chống lại Người Tôi Trung: chúng đánh đập Ngài, giật râu Ngài, nhạo cườiphỉ nhổ Ngài. Tất cả đều là những hành vi khiến người bình thường như chúng ta đều có thể nổi giận và phản ứng một cách mất bình tĩnh.  Tuy nhiên chúng ta nhớ rằng Người Tôi Trung ám chỉ Chúa Giê-su cũng là người giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ việc phạm tội.  Vậy chúng ta hãy xem Người Tôi Trung phản ứng thế nào:  Người “đưa lưng cho kẻ đánh” mình, “đưa má cho kẻ giật râu” mà không che giấu mặt mũi, không “tránh né” những lời nhạo cười và phỉ nhổ.  Sự phản kháng của Chúa Giê-su, Người Tôi Trung, là thái độ chủ động cam chịu, “không hổ thẹn, trơ mặt chai như đá”, vì Người luôn nghĩ tới một lợi ích cao cả hơn, đó là để chuộc lại tội lỗi chúng ta, tội lỗi Người không hề phạm.

          Thêm vào những cách phản ứng của Người Tôi Trung trong Cựu Ước, bài đọc trích thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê cho chúng ta thấy động lực nào đã giúp Chúa Giê-su trút bỏ vinh quang và địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, để xuống thế làm người phàm, sống như chúng ta và cuối cùng đã “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Còn động lực nào nữa ngoài tình yêu!  Đúng vậy, vì yêu thương chúng ta là bạn hữu nên Người đã sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để chuộc tội chúng ta.

          Giờ đây chúng ta thử nhìn vào cuộc Thương khó của Chúa Giê-su do thánh Mác-cô tường thuật, để thấy Chúa đã phản ứng thế nào qua từng chặng đường Thương khó.  Khi khải hoàn vào thành Giê-su-sa-lem, Chúa Giê-su không nghênh ngang như ông vua trần gian, nhưng giữ thái độ khiêm nhu dịu dàng của vị Thái Tử Hòa Bình, thay vì cưỡi ngựa oai hùng thì Chúa chỉ ngồi trên mình lừa, con vật của dân dã tượng trưng cho sự bình an và khiêm tốn. Trong bữa ăn tại nhà ông Si-môn tật phong ở Bê-ta-ni-a, Chúa đã ưu ái bênh vực hành động của người phụ nữ xức dầu thơm lên chân Chúa.  Cùng lúc ấy, tên phản bội Giu-đa đi gặp các thượng tế để mặc cả tiền công hắn nộp Người cho họ.  Nhưng Người vẫn không ngăn cản hay vạch mặt chỉ tên hắn là vì Người yêu thương hắn, mong hắn nghĩ lại mà từ bỏ tội ác. Trong Bữa Tiệc Ly, một lần nữa Chúa cố tế nhị đánh động lương tâm của Giu-đa.  Chúa thất bại, nhưng Người cũng không đối xử cạn tàu ráo máng với hắn, vẫn tôn trọng quyền tự do của hắn.  Tại Vườn Dầu, Chúa Giê-su cam nhận sự cô đơn trong tâm hồn, sự thờ ơ của ba tông đồ đi theo Người, không nặng lời trách móc họ, mà chỉ nhẹ nhàng nhắc bảo họ hãy thức dậy vì kẻ nộp Người đã đến gần.  Một lần nữa khi phải đối mặt với tên phản phúc dùng lời chào và cái hôn giả dối để nộp Người cho kẻ thù, Người vẫn bình tĩnh dù cho tâm hồn tan nát.  Rồi khi phải đối chất với các thượng tế và công nghị, Chúa Giê-su vẫn hòa nhã trong lời nói cử chỉ.  Nhưng lúc bị dồn vào cái án chết, Chúa lại can đảm không chối bỏ căn tính của mình là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa.  Khi bị đám thủ hạ thượng tế thượng cẳng chân hạ cẳng tay đánh đập, Chúa sẵn sàng “đưa lưng đưa má” cho chúng đánh đập phỉ nhổ.  Người còn phải chịu đựng hơn cả Người Tôi Trung được I-sai-a nói đến bội phần.  Việc Phê-rô chối Chúa càng làm cho Người cay đắng thêm, nhưng Chúa vẫn chấp nhận sự yếu đuối của ông.  Trước mặt tổng trấn, Chúa chỉ trả lời vắn tắt “Ông nói đúng!” rồi không nói gì thêm nữa.  Sau khi Người bị kết án, ta không nghe Người phát biểu gì cả cho đến trước giờ chết khi Người phó mình trong tay Chúa Cha.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Chúng ta đã thấy, đã nghe, đã hiểu về cách Chúa nhẫn nhục trong cuộc Thương khó.  Bây giờ là lúc ta suy nghĩ, tâm sự và chia sẻ với Chúa.  Người mong ta lắm thay!

 

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B