CHÚA NHẬT LỄ LÁ, NĂM B
NHỮNG ĐỔI THAY ĐẾN NGỠ
NGÀNG
(Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Mc 14,1 –
15,47)
Tu sĩ:
Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.
Sau 40 ngày Mùa Chay, hôm nay,
cùng với Giáo Hội, chúng ta bước vào Tuần Thánh là tuần cao điểm của năm Phụng
Vụ, bởi vì đây là tuần cả Giáo Hội sống lại mầu nhiệm thương khó, tử nạn và
phục sinh của Đức Giêsu cách đặc biệt.
Tin Mừng hôm nay trình thuật
cuộc thương khó của Đức Giêsu, khởi đi từ việc Ngài tiến vào thành Giêrusalem
giữa tiếng hoan hô vang lừng của dân chúng.
Tuy nhiên, sự tung hô, tôn vinh
ấy chẳng được bao lâu, thì Ngài đã phải chết. Nguyên nhân chính dẫn đến sự kiện
đau lòng này chính là những sự đổi thay của lòng người!
1.
Những
đổi thay của lòng người
Ca dao Việt
Nam có câu: “Dò sông, dò biển dễ
dò. Lòng người nham hiểm ai đo cho
cùng!”. Chính vì lòng dạ con người như thế, nên người xưa, nhất là những
người quân tử thường hay dùng người: cho
ở xa để đem lòng trung, cho ở gần để đem lòng kính, sai làm nhiều việc để xem
cái tài, hỏi lúc vội vàng để xem cái trí, hẹn cho ngặt ngày để xem có tín, ủy
cho tiền của để xem có nhân, giao cho việc nguy biến để xem có tiết, cho đánh
chén say sưa để xem cử chỉ, cho ở chỗ phiền tạp để xem thần sắc. Xem người
đại khái như vậy, thì họa mới có thể biết được người!
Đức Giêsu cũng đã biết rõ lòng
dạ con người nham hiểm, khó lường…, nên Ngài đã tìm mọi cách với hy vọng những
gì mắt thấy, tai nghe, sẽ làm cho người môn đệ cũng như mọi người hướng thiện
và sống tốt. Nhưng ai ngờ, do những tác động ngoại cảnh làm cho lòng người đổi
thay theo, vì thế, cuộc thương khó của Đức Giêsu ngày càng leo thang!
Người đổi thay đầu tiên được kể
đến, chính là Giuđa. Ông là người Đức Giêsu yêu thương và tuyển chọn. Ngài cũng
đã dạy dỗ ông nhiều điều, nhất là những bài học về từ bỏ, thanh thoát. Hơn nữa,
còn tín nhiệm và trao cho ông chức vụ quản lý của Nhóm Mười Hai.
Tuy nhiên, thay vì coi đồng
tiền là tôi tớ, là phương tiện, thì đằng này, ông đã coi nó là ông chủ, là mục
đích. Vì thế, chính đồng tiền đã đè bẹp ông, khiến lòng dạ ông đổi thay. Chỉ
với 30 đồng bạc, ông đã chấp nhận đánh đổi vị trí của mình: từ chỗ là môn đệ,
thành kẻ phản bội khi bán Thầy của mình bằng cái hôn giả tạo và với giá rẻ mạt.
Ôi một sự đổi thay đến đau điếng!
Thứ đến là sự thay đổi của Tông
đồ trưởng Phêrô. Đức Giêsu rất thương Phêrô, bởi lẽ ông là một con người bộc
trực, nhưng thẳng thắn, chân thành. Điều này lý giải cho việc tại sao Ngài
thường đem ông và hai môn đệ khác đi riêng với mình để mặc khải cho ông những
sự kiện quan trọng.
Khi ưu ái ông cách đặc biệt như
vậy, ấy là vì Ngài muốn ông mục kích tận mắt và thấy tỏ tường quy luật: “Qua đau khổ mới tới vinh quang”. Hơn
nữa, khi đưa ông vào trong mối tương quan thân tình với Ngài như vậy, đó là để
có dịp tập cho ông những đức tính cần có của người lãnh đạo.
Tuy nhiên, sự hèn nhát, sợ hãi,
đã làm tê liệt ngọn lửa mến nơi ông. Sự trung thành đã không còn nữa. Ông đã
sẵn sàng chối Thầy của mình trước toán lính quèn đang sưởi khi chúng gặng hỏi
thân thế và mối liên hệ giữa ông với Đức Giêsu. Ôi lại một sự đổi thay khó hiểu!!!
Tiếp theo là sự đổi thay của đám
đông. Đám đông này là những người thụ ơn Đức Giêsu. Họ là những người đã được
Ngài chữa bệnh, trừ quỷ, dạy dỗ, cho ăn no nê…. Vì thế, khi nghe tin Đức Giêsu
vào thành, họ đã tuôn đến như thác lũ và vang tiếng tung hô dạy cả một vùng
trời! “Hoan hô Con Vua Đavít, chúc tụng Đấng
nhân danh Chúa mà đến”.
Tuy nhên, sẵn trong lòng sự hưởng
thụ, nên họ đã vẽ lên trong tâm tưởng một Đức Giêsu theo ý của họ: Ngài phải là
vua thống trị và giải thoát bằng quyền uy cũng như đem lại cho họ sự giàu có
vượt trội! Nhưng khi Đức Giêsu không đáp ứng điều họ mong muốn, thế là đám dân
này đã đi vào vết xe đổ vô ơn của tổ tiên họ nơi sa mạc khi xưa. Vì thế, họ đã
coi Ngài như một kẻ xa lạ, là tội đồ của dân tộc, và, họ đã không ngần ngại đả
đảo Ngài tới cùng “Đem đi! Đóng
đinh nó vào thập giá”. Ôi
một sự đổi thay đến xót xa!
Cuối cùng là sự đổi thay của quan
tổng trấn Philatô. Ông là một vị quan toàn quyền Rôma thời bấy giờ. Lẽ ra, ông
phải là người cầm cân nảy mực, bênh vực người nghèo và bảo vệ công lý.
Thế nhưng, trước sức ép của đám
đông, trước sự tấn công của các Thượng tế, Biệt phái…, ông đã không nghe theo
tiếng Lương Tâm mách bảo, nhưng đã trở thành kẻ đê hèn đến độ thuận theo cái ác
để trù dập, loại trừ sự thiện và chấp nhận để “Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”. Ôi một sự
đổi thay đầy nhục nhã!
Như vậy, qua các cuộc đổi thay
của lòng người, ta nhận thấy một mẫu số chung, đó là:
“Chút
lợi danh, tính toan mưu kế
Mà lãng quên chữ nghĩa, chữ
nhân”.
Và:
“Vẫn chạy theo sa hoa, hào
nhoáng.
Người sang kết bạn, kẻ khó quay
lưng”.
2. Những đổi thay của chính chúng ta
Đọc và lắng nghe bài thương khó
của Đức Giêsu hôm nay, nhiều người chúng ta không khỏi bức xúc trước thái độ
đổi thay của lòng người thời Đức Giêsu!
Tuy nhiên, trải qua suốt dọc
dài lịch sử nhân loại, những thái độ đó lại nhan nhản nơi xã hội hôm nay!
Nhưng điều đáng nói hơn cả, đó
là những thái độ ấy lại đang hiển hiện lên thật rõ nét ngay nơi mỗi người chúng
ta.
Thật vậy, nhiều khi chính tôi
chứ không ai khác! Hình ảnh một Giuđa ham tiền, hám bạc, phản bội lại hiện lên
trong tâm hồn tôi khi tôi vẫn còn ham hố và bất chấp, để sẵn sàng chạy đua trên
cuộc đua kiếm tiền bằng mọi cách. Vì thế, nhiều lúc tôi đã “đánh lận con đen” để ngụy biện cho hành vi đen tối của mình.
Nhiều khi chính tôi chứ không
ai khác! Một Phêrô thời hiện đại với đầy đủ sự hèn nhát, ham sống, sợ chết,
đang ẩn hiện trong con người tôi khi tôi không dám can đảm tuyên xưng niềm tin
nơi môi trường sống của mình. Tôi cũng đã thất trung với Chúa khi không trung
tín giữ giao ước với Ngài.
Nhiều khi chính tôi chứ không
phải ai khác! Khi hình ảnh và lựa chọn của đám đông xưa kia cũng chính là lựa
chọn của tôi hôm nay. Thật vậy, đã biết bao lần, tôi theo và tin Chúa chỉ vì
cái bụng, nên: “Khi vui thì vỗ tay vào,
gian nan hoạn nạn thì lìa nhau ra”.
Đã có lúc, tôi tạo ra một vị
Thiên Chúa theo ý mình, để rồi yêu cầu Ngài phải đáp ứng đúng như yêu sách mà
tôi đã đặt ra! Khi không đạt được, tôi đã sẵn sàng bỏ Chúa để đi tìm đến với
một vị thần nào đó…! Những lúc như thế, tôi thuộc hạng người “ba phải”.
Nhiều khi chính tôi chứ không
phải ai khác! Khi hình ảnh và thái độ hèn nhát của quan Philatô đang ẩn hiện
trong con người tôi, khi tôi sợ không dám bảo vệ cho sự thật, công lý. Không
dám đứng về phía người nghèo để bênh vực họ. Nhiều khi tôi đã hùa theo “hiệu ứng đám đông” mà quên đi lẽ công
bằng, tình yêu thương, bác ái với anh chị em. Có những lúc tôi đã nhắm mắt để
nói “có” thành “không” và nói “không”
thành “có”, nhằm vu vạ cáo gian cho
anh chị em tôi. Những lúc như thế, tôi thật hèn nhát, vì tôi thuộc dạng người “sợ tiếng chửi, ăn mày tiếng khen…”.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời
gọi chúng ta hãy bước vào Tuần Thánh và đi theo Chúa trên con đường khổ nạn với
tâm tình của Mẹ Maria; của người môn đệ Đức Giêsu yêu mến; của các Phụ nữ Giêrusalem;
của ông Simong; bà Veronica và ông Giuse
Arimathia….
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa tha thứ tội lỗi
cho chúng con và ban ơn giúp sức, để chúng con trung thành đi theo Chúa đến
cùng trên đường thương khó, ngõ hầu chúng con cùng chết với Chúa để được cùng
Ngài sống lại trong vinh quang. Amen.
.