LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ

Máu Thánh Chúa Ki-tô: Máu Giao Ước Mới Và Cứu Độ

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Xh 24:3-8;  Dt 9:11-15;  Mc 14:12-16, 22-26)

          Chúng ta có thể suy niệm về Bí tích Thánh Thể dưới nhiều khía cạnh khác nhau, thí dụ Thánh Thể là lương thực thiêng liêng, là biểu lộ tột đỉnh tình yêu của Thiên Chúa, là cách thức Thiên Chúa “ở lại” với loài người chúng ta… Với các bài đọc hôm nay, dường như Phụng vụ Lời Chúa muốn đề cao vai trò của Máu Thánh Chúa Ki-tô và lễ hy sinh của Người nhiều hơn.  Máu Thánh Chúa Ki-tô là giao ước mới và đổ ra một lần thay cho tất cả để cứu chuộc nhân loại cho đến ngày tận thế.  Giao ước Mới này thay thế cho giao ước Thiên Chúa đã lập với dân Ít-ra-en tại chân núi Xi-nai.  Trong cả hai giao ước, máu là dấu chỉ nói lên việc kết ước để duy trì và phát huy tương quan giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en, nhất là tương quan giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại.  Do đó, cử hành Thánh Thể là sống giao ước mới và vĩnh cửu Thiên Chúa đã thiết lập với chúng ta.

          Trước hết chúng ta hãy trở lại với khung cảnh thiết lập giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en sau khi ông Mô-sê từ trên núi xuống, mang theo Mười điều răn của Thiên Chúa.  Ông và dân chúng chuẩn bị cho một nghi thức tuy đơn giản, nhưng hết sức long trọng và ý nghĩa.  Để chuẩn bị xa, ông Mô-sê “thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật”.  Trong giao ước sắp ký kết này, về phía Thiên Chúa, điều kiện Người đưa ra là dân Ít-ra-en hãy tuân giữ “mọi lời và mọi điều luật” Người ban cho họ;  về phía họ, điều kiện duy nhất là thi hành điều Chúa muốn.  Vậy dân Ít-ra-en đã chấp thuận điều kiện và họ cam kết với Thiên Chúa:  “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành”.  Sau khi hai bên đã thỏa thuận, ông Mô-sê chuẩn bị cho giây phút long trọng là kết ước.  Ông chép lại mọi lời Chúa phán.  Rồi bàn thờ được dựng lên với mười hai trụ đá tượng trưng cho mười hai chi tộc Ít-ra-en.  Người ta giết bò làm lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa.  Máu bò được dùng làm dấu chỉ ký kết.  Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu để rảy lên bàn thờ nói lên sự kết ước từ phía Thiên Chúa.  Sau khi cầm cuốn sách giao ước ông đã chép lại lời Chúa mà đọc cho dân chúng nghe và họ hứa sẽ tuân theo, thì ông rảy một nửa phần máu còn lại lên dân chúng và trịnh trọng tuyên bố:  “Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên lời này”. 

          Ông Mô-sê đã thay mặt toàn dân dâng hy lễ lên Thiên Chúa và ký kết giao ước với Người.  Đó là giao ước cũ với nội dung là dân Ít-ra-en phải tuân giữ Mười điều răn Chúa ban cho họ.  Nhưng khi lập giao ước mới với toàn thể nhân loại, Thiên Chúa không dùng máu dê máu bò mà ký kết giao ước, mà lấy máu của Chúa Ki-tô, Con Một Người, để giao hòa nhân loại với Người.  So sánh lễ hiến tế trong Cựu Ước với lễ hiến tế của Chúa Giê-su trên thập giá, thư gửi tín hữu Do-thái đã nói lên sự khác biệt giữa máu dê máu bò và Máu Thánh Chúa Ki-tô.  Thời Cựu Ước, vị thượng tế phải vào cung thánh Đền Thờ mỗi năm một lần để sát tế lễ vật, rồi lấy máu chúng rảy lên dân để thanh tẩy và thánh hóa họ.  Máu dê máu bò chỉ đem lại hiệu quả nhất thời cho dân Ít-ra-en mà thôi.  Còn Chúa Giê-su, vị Thượng Tế “với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta”.  Máu Chúa Ki-tô không những “thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết”, mà còn “đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa”.

          Khi cử hành Thánh Thể, có lẽ chúng ta nên nhớ lại Chúa Giê-su lập Bí Tích này với mục đích gì.  Chúa phán:  “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”.  Đúng vậy, khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giê-su đã trao nộp thân mình Người và đổ máu của Người ra là để chúng ta được sống và sống muôn đời.  Nộp mình và đổ máu trong Bí tích Thánh Thể cũng chính là hành động hiến tế của Chúa Giê-su trên thập giá vậy.  Do đó, không thể tách biệt Bí tích Thánh Thể ra khỏi cuộc Thương khó của Chúa Giê-su, cũng như không thể ít lưu ý tới vai trò của Máu trong Bí tích Thánh Thể và Máu Chúa Ki-tô đổ ra trên thập giá.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Dĩ nhiên khi chúng ta dựa vào Phụng vụ Lời Chúa hôm nay để suy niệm về vai trò của Máu Thánh Chúa Ki-tô thì không có nghĩa là chúng ta không quan tâm tới Mình Thánh Chúa Ki-tô.  Bí tích Thánh Thể là Bí tích của cả Mình lẫn Máu Chúa Ki-tô.  Chúa Giê-su đã “trao cho” chúng ta tất cả những gì Người là và Người có.  Chúng ta hãy đọc thật chậm và chiêm ngưỡng Chúa “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông”.  Cũng giống như vậy khi Chúa “cầm lấy chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông”.  Đúng là Chúa đang hiến thân cho chúng ta, vì chúng ta.  Người “trao cho” chúng ta Mình Người và Máu Người, không giữ lại gì cả.  Trong Thánh lễ, linh mục cầm Mình Thánh và Máu Thánh “trao cho” chúng ta, việc này nhắc nhở chúng ta nhớ lại cử chỉ “trao cho” của Chúa Giê-su trong Bữa Tiệc Ly cũng như trên thập giá.  Lạy Chúa, chúng con cảm tạ tình yêu và lòng quảng đại của Chúa trong Bí tích Thánh Thể!  Cũng như các tông đồ xưa, chúng con xin cung kính lãnh nhận Chúa, để chúng con được sống và sống muôn đời!                     Lm.

Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B