LỄ MÌNH MÁU
CHÚA KITÔ (CN 09 THƯỜNG NIÊN B) –
Xh 24,3-8 ; Dt
9,11-15 ; Mc 14,12-16.22-26
HIỆP THÔNG VỚI CHÚA ĐỂ CẢM THÔNG VỚI THA NHÂN
1.TIN MỪNG: Mc 14,12-16.22-26
(12)
Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn
đệ thưa với Đức Giê-su: ”Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở
đâu? (13) Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một
người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó”. (14) Người đó vào nhà
nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt
Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?” (15) Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng
rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng. Và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho
chúng ta. (16) Hai môn đệ ra đi, vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người
đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua. (22) Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy
bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy,
đây là Mình Thầy”. (23) Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho
các ông, và tất cả đều uống chén này. (24) Người bảo các ông: “Đây là Máu Thầy,
Máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. (25) Thầy bảo thật anh em: Chẳng bao giờ Thầy
còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu
mới trong Nước Thiên Chúa”. (26) Hát Thánh Vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ
ra đi lên núi Ô-liu.
2.Ý CHÍNH:
Đức Giê-su lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc ly là tiệc
Chiên Vượt Qua của đạo Do thái, trước khi Người hiến thân chịu tử nạn và phục
sinh, hầu thiết lập một Giao ước Mới để giao hòa nhân loại với Thiên Chúa và
ban ơn cứu độ cho loài người thay thế Giao ước Cũ thời Mô-sê.
3.CHÚ THÍCH:
-C 12-13: +Tuần lễ Bánh Không
Men: Luật Mô-sê quy
định về lễ Vượt Qua và tuần lễ Bánh Không Men như sau: Ngày 14 tháng Ni-xan (là
tháng thứ nhất theo lịch Do Thái, tức vào khoảng tháng 3-4 dương lịch ngày
nay), là đại lễ Vượt Qua mừng kính Đức Chúa. Vào ngày này người ta sát tế chiên
vào lúc chập tối và sẽ ăn tiệc chiên Vượt Qua với bánh không men (x. Xh
12,1-14). Hôm sau, là bắt đầu tuần lễ Bánh Không Men kính Đức Chúa, kéo dài bảy
ngày. Trong tuần này, người Do Thái phải ăn bánh không pha men, để nhắc nhở họ
về bữa tiệc trước cuộc Xuất hành thời Mô-sê. Cũng từ ngày 15 tháng Ni-xan, họ
phải họp nhau để thờ phụng Đức Chúa và kiêng việc xác. Trong 7 ngày, họ phải
tiến hành dâng lễ vật hỏa tế lên Đức Chúa. Đến ngày thứ Bảy là ngày kết thúc,
họ phải tập họp để thờ phượng Đức Chúa và phải kiêng các công việc lao động
nặng (x. Lv 23,5-8). +Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua
tại đâu?: Môn đệ hỏi Đức Giê-su như hỏi một người chủ gia đình
có trách nhiệm cử hành lễ Vượt Qua. Vì là dân nhập cư từ nơi khác đến
Giê-ru-sa-lem, nên Đức Giê-su và các môn đệ được quyền tổ chức ăn lễ Vượt Qua
trước một ngày, tức vào lúc 6 giờ chiều ngày thứ Năm khởi đầu ngày thứ Sáu,
thay vì phải mừng vào 6 giờ chiều thứ Sáu tức bắt đầu ngày thứ Bảy, mà năm ấy
lễ Vượt Qua nhằm vào thứ Bảy (x. Ga 19,14.31.42). +Người sai hai môn đệ
đi: Đây là Phê-rô và Gio-an (x. Lc 22,8). +Sẽ thấy một người mang
vò nước…: Đức Giê-su làm chủ không gian và thời gian: Người nhìn thấy
trước mọi sự việc đúng như nó sắp xảy ra, cũng như có lần Người thấy trước
Na-tha-na-en lúc ông đang ngồi dưới gốc cây vả (x.Ga 1,48).
-C 14-16: + Các ông dọn tiệc Vượt
Qua: Theo tục lệ cổ
truyền, khi ăn thịt chiên tại nhà, mọi người phải đứng, lưng thắt gọn gàng,
chân đi dép, tay cầm gậy và ăn cách vội vã (x. Xh 12,11). Nhưng đến thời Đức Giê-su,
người Do Thái không còn giữ tục lệ ấy. Khi ăn tiệc, họ cũng theo cách thức ăn
tiệc của văn hóa La-Hy (La-tinh Hy-Lạp) đương thời: Thực khách dự tiệc nằm trên
một tấm thảm, đầu nghiêng về một bên và dựa vào cánh tay trái dùng làm gối. Còn
tay mặt thì dùng lấy đồ ăn.
+ VỀ VỊ TRÍ TRONG BỮA TIỆC LY VƯỢT
QUA: Người môn đệ
được Đức Giê-su yêu quí là Gio-an nằm ở bên phải Đức Giê-su và có lúc đã tựa
đầu vào ngực Thầy (x. Ga 13,25). Tiếp đến là Phê-rô nằm cạnh Gio-an. Chính ông
Phê-rô đã làm hiệu và bảo Gio-an: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai vậy?” (Ga
13,24). Còn Giu-đa nằm ở bên trái Đức Giê-su. Điều này giải thích tại sao Đức Giê-su
trả lời cho Giu-đa mà các môn đệ khác không nghe được (x. Mt 26,25), và việc
Đức Giê-su dễ dàng “chấm một miếng bánh trao cho Giu-đa” (x. Ga 13,26). Ngoài
ra, về vị trí của các môn đệ khác thì khó xác định.
-C 22: +Cũng đang bữa ăn: Mác-cô tường thuật việc Đức Giê-su
lập Phép Thánh Thể trong khung cảnh bữa tiệc Vượt Qua. Đức Giê-su đã theo diễn
tiến bữa tiệc Chiên Vượt Qua để truyền cho bánh rượu trở nên Mình Máu thánh của Người (x. Ga 6,51-58). +Đức
Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho các ông:
Đây là những cử chỉ Đức Giê-su đã làm từ khi ra giảng đạo như: Hai lần làm cho
bánh nhân ra nhiều (x. Mc 6,41; 8,6); Một lần Chúa Phục sinh làm khi ngồi ăn
tối với hai môn đệ làng Em-mau (x. Lc 24,30)… Cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng
là cử chỉ mà gia trưởng phải làm trong nghi lễ tiệc Chiên Vượt Qua theo luật
Mô-sê, sau khi các người đồng bàn hát kinh Ha-len phần I (gồm Thánh vịnh
112-113) và uống chén rượu thứ hai. “Bẻ bánh ra và trao cho các ông” là hai cử
chỉ mang ý nghĩa hiệp thông và huynh đệ cộng đoàn. + Anh em hãy cầm lấy,
đây là Mình Thầy: Trong niềm tin Ki-tô giáo, Đức Giê-su đã dùng quyền
năng để biến đổi bản chất của tấm bánh trở nên Thân Mình của Người, chứ không
phải chỉ thành biểu tượng của Mình Chúa mà thôi, như có người lầm tưởng (x. Ga
6,51-58; 1 Cr 11,23-25).
-C 23-25: +Và Người cầm chén
rượu…: Chén rượu với
lời tạ ơn ở đây là chén rượu thứ ba trong nghi lễ tiệc Chiên Vượt Qua. Đức Giê-su
dùng chén rượu thứ ba này để thiết lập Giao ước Mới. + Đây là Máu Thầy,
Máu Giao ước, đổ ra vì muôn người: Đây là Máu Giao ước Mới, khác
với Giao ước Cũ thời kỳ Xuất hành, đã được ghi lại trong sách Xuất hành như
sau: “Bấy giờ ông Mô-sê lấy máu rảy trên dân và nói: “Đây là máu Giao ước Đức
Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này” (Xh 24,8). Trong nghi lễ Giao
ước Xi-nai được thiết lập giữa Thiên Chúa với dân Ít-ra-en, người ta giết bò,
rồi vị tư tế lấy máu nó rảy trên bàn thờ và trên dân chúng. Máu đó là dấu chỉ
mối tương quan mới và sự hiệp thông giữa Đức Chúa với dân Ít-ra-en. Trong thời
Tân ước, Giao ước Mới được thiết lập bằng Máu Đức Giê-su Con Chiên Thiên Chúa,
là dấu chỉ sự hiệp thông mới giữa Thiên Chúa với Hội Thánh là dân Ít-ra-en Mới.
Máu sắp đổ ra vào lúc Đức Giê-su chịu
khổ nạn thập giá. Cái chết của Người sẽ đền tội thay cho loài người, để ban ơn
cứu độ muôn người. +Chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa,
cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa:
Đến ngày tận thế, sau khi lịch sử nhân loại chấm dứt và Nước Thiên Chúa xuất
hiện, Đức Giê-su sẽ uống rượu mới với những người được cứu độ trong bữa tiệc
cánh chung. Hình ảnh này diễn tả sự hiệp thông chia sẻ trọn vẹn và chung cuộc
giữa các môn đệ với Đức Giê-su và với Thiên Chúa.
4.CÂU HỎI: 1)Đức Giê-su thiết lập
phép Thánh Thể ở đâu, khi nào và lập để làm gì? 2)Luật Mô-sê qui định thế nào
về lễ Vượt Qua và tuần lễ Bánh Không Men? 3)Tại sao Đức Giê-su và các môn đệ
lại ăn lễ Vượt Qua vào tối thứ Năm thay vì vào tối thứ Sáu là thời gian bắt đầu
đại lễ Vượt Qua năm đó? 4)Hai môn đệ nào đã được Đức Giê-su sai đi dọn chỗ cho
thầy trò ăn mừng lễ Vượt Qua? 5)Theo tục lệ, người Do thái phải ăn lễ Vượt Qua
thế nào? Tuy nhiên Đức Giê-su và các môn đệ lại ăn tiệc Vượt Qua theo cách nào?
6)Dựa vào Tin Mừng, hãy cho biết vị trí ngồi của các ông Gio-an, Phê-rô và
Giu-đa Ít-ca-ri-ốt trong bàn tiệc? 7)Đức Giê-su đã lập phép Thánh Thể, truyền
cho bánh rượu trở nên Mình Máu Người theo thứ tự nào? 8) Những cử chỉ Đức Giê-su
làm khi truyền phép giống với các cử chỉ Người đã làm trong các hoàn cảnh nào?
9)Bạn nhận định thế nào về ý kiến cho rằng: Sau khi truyền phép, bánh đã không
biến hóa thành Mình Thánh Chúa, mà chỉ là biểu tượng của Mình Thánh Chúa thôi?
10)Chén rượu được truyền phép trở thành Máu Thánh Đức Giê-su là chén rượu thứ
mấy trong bữa tiệc chiên Vượt Qua của đạo Do Thái? 11)Phân biệt giá trị và hiệu
quả của Máu Giao Ước Mới Đức Giê-su sắp đổ ra trong cuộc khổ nạn, khác với máu
chiên bò bị sát tế trong Giao Ước Cũ thời kỳ Mô-sê ra sao? 12)Đức Giê-su hứa sẽ
hiệp thông chia sẻ bằng việc uống rượu mới với các môn đệ trong Nước TC vào thời
điểm nào sau này?
1.LỜI CHÚA: “Anh em hãy cầm lấy, đây
là Mình Thầy” (Mc 14,22):
2.CÂU CHUYỆN:
1) NGUỒN GỐC LỄ MÌNH THÁNH
CHÚA
Vào
năm 1263, một linh mục người Đức đang cử hành Thánh lễ tại một nhà thờ kinh
thánh KÍT-XI-A-NA (Christiana), lúc bẻ bánh trước khi rước lễ, vị linh mục này
đã trông thấy Mình thánh hình bánh thánh đã biến thành Thân Mình Đức GIÊ-SU tử
nạn. Trên thân xác Chúa, máu đang rịn ra qua các vết thương ở tay chân và cạnh
sườn Người. Máu chảy ra làm ướt tấm khăn thánh và mấy lớp khăn phủ trên bàn
thờ. Vị linh mục vội gấp các tấm khăn bàn thờ lại. Nhưng gấp tới đâu thì máu
vẫn thấm ra tới đó. Cuối cùng máu thấm qua tới 25 lần vải khăn. Vừa cảm động
lại vừa sợ hãi đến nỗi vị linh mục không thể tiếp tục dâng hết thánh lễ được.
Sau
đó, ngài đến xin yết kiến Đức Giáo hoàng UR-BA-NÔ và tường trình sự kiện lạ
lùng ấy. Đức Giáo hoàng liền sai một phái đoàn, đứng đầu là một Giám mục đến
điều tra thực hư. Sau khi xác định thực sự đó là phép lạ, vị Giám mục đã cho
rước Mình Thánh Chúa cùng các khăn bàn thờ đã có thấm Máu Thánh kia về RÔ-MA,
đặt tại một nhà thờ kính phép Mình Thánh, và mời gọi giáo dân đến chầu Mình
Thánh Chúa liên tục 24/24. Sau đó, vào ngày mồng 8 thánh 9 năm 1264, Đức Urbanô
đã ra sắc dụ truyền thiết lập lễ kính Mình Máu thánh Chúa GIÊ-SU. Ngài truyền
mừng trọng thể lễ Mình Thánh này trong toàn thể Hội thánh.
2) KỶ VẬT TÌNH YÊU
Có
một đôi vợ chồng trẻ kia mới lấy nhau được mười năm và đã có với nhau một đứa
con gái 4 tuổi. Trong thời gian đó họ đã sống rất hòa hợp hạnh phúc. Mỗi ngày
trước khi rời nhà đi làm buổi sáng, và chiều tối khi về đến nhà, anh chồng
không khi nào quên trao cho vợ và con gái cử chỉ âu yếm kèm theo một lời nói
yêu thương. Nhờ đó tình yêu giữa hai vợ chồng và đứa con thơ ngày thêm bền chặt.
Nhưng rồi hạnh phúc của họ đã bị đe dọa khi một hôm người chồng đi làm về bị
trúng mưa và được đem đến bệnh viện điều trị. Sau khi khám bệnh, bác sĩ chẩn
đoán anh đã bị bệnh ung thư màng phổi ác tính thời kỳ thứ ba. Một tuần sau thì
anh qua đời. Trước khi chết, anh gọi vợ con lại gần và thều thào trăn trối: “Em
và con yêu quí! Có lẽ sắp tới giờ Chúa gọi anh về. Anh đã chuẩn bị và sẵn sàng
vâng theo ý Chúa. Anh chỉ tiếc một điều là không còn được sống bên em và con nữa.
Trước khi đi xa, anh không có gì trối lại cho em ngoài chiếc nhẫn mà vợ chồng
mình đã tặng nhau khi kết ước cách đây mười năm. Bây giờ anh xin tặng lại chiếc
nhẫn kỷ vật này cho em, để mỗi lần thấy nó, em biết rằng anh vẫn luôn ở bên em
và hằng cầu Chúa cho em được hạnh phúc”. Nói xong, anh tháo chiếc nhẫn đang đeo
và âu yếm xỏ vào tay vợ, giống như trước đây anh đã từng làm trong lễ hôn phối.
Rồi anh đã nhắm mắt lìa đời trong sự thương tiếc vô vàn của vợ con. Sau đó anh
đã được an táng tại khu đất thánh gần nhà. Từ đó, mỗi ngày người ta đều thấy một
phụ nữ còn rất trẻ, đầu đội khăn tang, tay cầm bó bông, dắt theo đứa con gái nhỏ
dại đi vào trong nghĩa trang. Chị ta đã đứng hằng giờ trước ngôi mộ cỏ mọc chưa
xanh của người chồng quá cố để cầu nguyện cho anh. Trên tay chị có đeo hai chiếc
nhẫn: Một chiếc của ngày thành hôn và chiếc kia là kỷ vật của chồng trao tặng
trước khi từ giã cuộc đời.
3) MẸ ĐÃ TẬN HIẾN TRỌN CẢ CUỘC ĐỜI CHO CON:
Cách đây nhiều năm, trên màn ảnh nhỏ
có chiếu vở kịch Lá Sầu Riêng của đoàn kịch nói Kim Cương, qua đó nói lên tình yêu
của một bà mẹ nghèo đã cảm hóa đứa con vô cảm.
Bà mẹ nghèo này đã phải trải qua nhiều nỗi khó khăn, gian
khổ mới được giành được quyền nuôi đứa con trai do mình sinh ra. Trong hoàn
cảnh mẹ góa con côi, bà đã phải buôn gánh bán bưng, tảo tần sớm hôm lo cho con ăn
học nên người. Từ khi con còn nhỏ đến khi trưởng thành, bà mẹ vẫn cố giấu hoàn
cảnh nghèo hèn của mình, không dám công khai đến thăm con giữa chúng bạn, để
tránh cho nó khỏi bị mặc cảm vì có người mẹ nghèo hèn.
Con bà giờ đây trở thành bác sĩ và sắp kết hôn với một cô
gái nhà giàu. Một hôm khi gánh hàng rong ngang qua nhà trọ của con, vì nhớ con
quá, bà đã can đảm bước vào nhà trọ hỏi thăm mà không báo trước. Khi gặp mẹ, anh
con trai ngượng nghịu không vui vì có cô bạn gái người yêu đang trong phòng. Bà
chợt hiểu anh con trai do sợ mất người yêu nên ban đầu đã làm như không quen biết
người mẹ đã sinh thành và hiến cả cuộc đời cho anh. Thấy vậy, mẹ anh rất buồn thốt
lên: "Con ơi, mẹ nhớ lúc con còn nhỏ, mẹ đi chợ về chỉ cần cho con một cái
bánh đa thôi, mà con cũng rất vui. Nhưng đến nay, mẹ đã cho con cả cuộc đời của
mẹ mà con vẫn không thấy vui nghĩa là sao?" Chính lời nói đó đã đánh động lương
tâm đứa con, anh ta chợt hiểu ra rằng trên đời này không gì có thể sánh được
với tình thương của mẹ. Sau đó anh đã công khai thừa nhận bà mẹ nghèo hèn trước
mặt cô người yêu. Cũng nhờ thái độ can đảm đó, anh không những đã không mất mẹ,
mà cả cô gái người yêu kia cũng vui mừng, sẵn sàng chấp nhận anh làm chồng vì
nhận thấy anh là một người có lòng nhân nghĩa và hiếu thảo.
Trong lễ kính
Mình Máu Thánh Chúa, mỗi người chúng ta cũng cảm nghiệm được tình yêu vô biên
của Chúa Giê-su đối với chúng ta. Trong bữa tiệc chiên Vượt Qua Đức Giê-su đã
thiết lập bí tích Thánh Thể, để biến bánh rượu trở thành Thân Mình Máu Huyết
của Người, sắp hiến tế trên bàn thờ thập giá, trở thành lương thực thiêng liêng
nuôi dưỡng đức tin Hội Thánh trong cuộc lữ hành về quê trời. Rồi Người đã truyền
cho Hội Thánh cử hành Thánh Thể để tưởng nhớ và chia sẻ yêu thương noi gương
Người: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
4) CHIM BỒ NÔNG
LẤY THỊT MÌNH MÀ NUÔI DƯỠNG ĐÀN CON:
Trong
một số nhà thờ, nơi gian cung thánh hay trước bàn thờ có chạm trổ hình con chim
bồ nông mẹ đang truyền của ăn cho các chim con. Theo truyền thuyết, trong mùa
đói khát, chim bồ nông mẹ đã lấy mỏ tự mổ vào ngực để dùng máu mình mà dưỡng
nuôi các con. Có một truyền thuyết khác nói rằng chim bồ nông mẹ đã dùng máu
mình để tái sinh các con đã chết, nhưng rồi chính chim mẹ lại bị chết.
Qua chuyện này chúng ta dễ hiểu tại sao
các tín hữu thời Hội Thánh sơ khai lại dùng hình ảnh chim bồ nông này để ám chỉ
Chúa Giê-su, Đấng đã chịu chết trên cây thập giá để cứu chuộc chúng ta khỏi
phải chết. Người còn thiết lập bí tích Thánh Thể để nên lương thực thiêng liêng
nuôi dưỡng đức tin của chúng ta.
3. THẢO LUẬN:
1) Chúa Giê-su lập bí tích Thánh Thể
khi nào và ý nghĩa của bí tích này ra sao?
2) Ta phải hiệp thông với Chúa Thánh
Thể thế nào để cảm thông và chia sẻ với tha nhân, hầu góp phần kiến tạo “Trời
Mới Đất Mới” theo thánh ý Chúa?
4. SUY NIỆM:
Hơn hai ngàn năm trước đây, Đức Giê-su
đã làm một việc tương tự: Biết rằng “Giờ đã đến, Giờ Con Người phải bỏ thế gian
mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế
gian, và Người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Người đã lập phép Thánh
Thể, để lại cho Hội Thánh kỷ vật là dấu hiệu của một tình yêu lớn lao tột đỉnh.
Kỷ vật đó chính là Mình Máu Người dưới hình bánh rượu, làm của ăn của uống
thiêng liêng để các tín hữu được hiệp thông với Người. Tin Mừng Mác-cô đã tường
thuật việc Đức Giê-su lập phép Thánh Thể trong khung cảnh bữa tiệc Chiên Vượt
Qua (x Mc 14,22-24), như Người đã hứa trong bài giảng về Bánh Hằng Sống tại hội
đường thành Ca-phác-na-um (x. Ga 6,51-58). Vậy Đức Giê-su thiết lập phép Thánh
Thể khi nào? Ý nghĩa cũa bí tích này ra sao? Ngày nay, để đạt hiệu quả cao nhất,
chúng ta phải cử hành bí tích Thánh Thể như thế nào?
1) THIẾT LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ:
Đức Giê-su đã thiết lập bí tích
Thánh Thể trong bữa tiệc Chiên Vượt Qua cũng là bữa ăn cuối trước khi từ biệt
các môn đệ để bước vào cuộc khổ nạn, Người sử dụng bánh không men và rượu nho
dùng trong bữa tiệc Vượt Qua của đạo Do thái để biến nên Thịt Máu Người, hầu
ban cho những kẻ ăn Thịt uống Máu ấy sẽ được sống đời đời. Thánh Mác-cô đã
thuật lại câu chuyện Đức Giê-su lập phép Thánh Thể như sau: “Cũng đang bữa ăn,
Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho các ông và nói:
Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn,
rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: Đây là
Máu Thầy, Máu Giao Ứớc, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,22-24).
2) Ý NGHĨA CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ:
Tin Mừng đã ghi nhận bốn sự kiện
liên quan đến bí tích Thánh Thể như sau:
- Một là phép lạ Đức Giê-su biến nước lã thành rượu nho tại tiệc
cưới thành Ca-na, tiên báo về việc biến rượu trở nên Máu Người trong bữa Tiệc
Ly sau này (x Ga 2,1-11).
- Hai là phép lạ Đức Giê-su nhân bánh ra nhiều tại thành
Ca-phác-na-um, sau đó Người cho biết sẽ ban Thịt Máu Người làm của ăn của uống
thiêng liêng đem lại sự sống đời đời cho những ai lãnh nhận (x Ga
6,1-14.32-35.48-58).
- Ba là bữa Tiệc Ly, trong đó Người
dùng bánh rượu trong tiệc Chiên Vượt Qua của Do thái giáo để thiết lập bí tích Thánh Thể của Ki-tô giáo
và đã truyền cho các môn đệ: ”Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”
(Lc 22,14-19).
- Bốn là Đức Giê-su Phục Sinh cử
hành nghi thức Bẻ Bánh với hai môn đệ tại làng Em-mau: dọc đường Người đã dùng lời Thánh Kinh để nói
về mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Đấng Thiên Sai khiến các ông nóng lên lòng
yêu mến Chúa. Rồi trong lúc ăn tối, Người lặp lại các cử chỉ lời đọc trong bữa
Tiệc Ly (x Lc 24,13-32) khiến mắt họ mở ra và nhận biết Người.
Như vậy, Mình Thánh Chúa chính là
món quà quí giá nhất mà Chúa Giê-su tặng ban cho loài người. Người đã tự hiến
để ban Thịt Máu Người làm của ăn thức uống nuôi dưỡng đức tin của chúng ta và
để có thể ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Mặc dù trí
khôn chúng ta khó lòng hiểu thấu, dù giác quan của chúng ta không cảm thấy có
sự khác biệt giữa tấm bánh ly rượu trước và sau khi truyền phép, nhưng đức tin
dạy chúng ta rằng: Sau lời truyền phép của linh mục chủ tế trong thánh lễ thì
bánh rượu liền biến hóa nên Mình Máu Chúa Giê-su như Người đã dạy: “Vì Thịt Tôi
thật là của ăn, và Máu Tôi thật là của uống. Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thì ở
lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,54-56). Quả thật, chỉ có trái
tim của một người Cha, người Thầy yêu thương con cái và môn đệ đến cùng như
Chúa Giê-su, mới nghĩ ra phương thế tuyệt hảo để tặng món quà vừa thiết thực
vừa kỳ diệu như vậy!
3) NĂNG HIỆP THÔNG VỚI CHÚA THÁNH
THỂ ĐỂ CHIA SẺ CHO ANH EM:
- Đức Giê-su là tấm bánh bẻ ra xây dựng một thế giới mới: Tin Mừng Gio-an có đoạn như sau
: “Người đã yêu thương những kẻ thuộc về thế gian, và Người yêu thương họ
đến cùng” (Ga 13, 1). Như hạt lúa được biến đổi nên tấm bánh mì, phải qua nhiều
công đoạn: bị nghiền nát thành bột, nhào với nước và cho vào lò nướng rồi mới
trở thành tấm bánh mì thơm ngon, thì Chúa Giê-su cũng tự nguyện trở nên bánh
thánh cho nhân loại chúng ta trải qua nhiều công đoạn như: hạt lúa Giê-su đầu
tiên được gieo trong lòng Đức Mẹ Đồng Trinh, đã lớn lên dưới ánh nắng mặt trời
làng Na-da-rét, rồi Người đã bị gặt hái, bị nghiền nát trong cuộc tử nạn, bị
nướng trong lò luyện đau khổ thập giá trước khi phục sinh rồi được bẻ ra và trao
cho chúng ta hưởng dùng. Do đó, khi đón nhận Bí tích Thánh Thể, chúng ta
được mời gọi trở nên giống như tấm bánh Giê-su, chịu đau khổ và được chia sẻ
cho anh em để mang lại sự thật, bình an cho thế giới đang chìm trong tối tăm,
gian ác, bất công, dối trá, hận thù.
- Hiệp thông với Chúa bằng việc năng dự lễ và cầu nguyện: Mỗi ngày chúng ta hãy năng tham dự Thánh lễ và dọn mình
rước lễ sốt sắng, năng đến chầu Thánh Thể. Trong ngày hãy làm các việc bổn phận,
các việc hãm mình, hy sinh và bác ái để dâng lên Chúa kèm theo lời nguyện tắt:
“Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể. Con làm việc này như bông hoa dâng tiến Chúa, biểu
lộ lòng con yêu mến Chúa. Xin Chúa vui nhận và ban cho một bệnh nhân sớm được ơn
chữa lành, cho một tội nhân sớm được hồi tâm hoán cải, cho một người lương quen biết sớm tin yêu Chúa để họ
cũng được chia sẻ niềm vui và hạnh phúc Nước Trời đời đời với con.”
- Hiệp nhất với nhau trong cộng đoàn: Bàn tiệc Thánh Thể do Chúa lập ra để giúp chúng ta thể
hiện tình thương hiệp nhất với nhau. Do đó, chúng ta cần tránh những hành động ích
kỷ gây chia rẽ nội bộ, như Tông đồ Phao-lô đã cáo trách một số người thuộc giáo
đoàn Cô-rin-thô: “Trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ
nhau… Khi anh em họp nhau, thì không còn phải là ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy,
mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước. Và như thế kẻ thì bị đói, người lại
no say! Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh Hội Thánh của
Thiên Chúa và làm nhục những người không có của?… Cho nên thưa anh em, khi họp
nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau. Ai đói thì ăn ở nhà, kẻo anh em đến họp
mà hóa ra để bị kết án!” (1 Cr 11,18-22.33-34). Mỗi người chúng ta hãy thể hiện
tình hiệp thông khi tham dự thánh lễ bằng cách: vào trong nhà thờ dự lễ thay vì
đứng ngoài, mở miệng đối đáp với chủ tế và đọc kinh ca hát chung với cộng đoàn.
- Chia sẻ tình thương của Chúa cho tha nhân: Sau khi rước lễ để đón Chúa Thánh Thể vào lòng, chúng ta hãy
tâm sự với Chúa và sau lễ hãy mang Chúa đến chia sẻ với tha nhân, bằng vịệc: Chủ
động bắt tay làm quen với những người có dịp tiếp xúc; Nhẫn nhịn chịu đựng và không
chấp nhất những lời nói và cách ứng xử thiếu bác ái của tha nhân; không dửng
dưng trước nỗi đau của người bên cạnh, nhưng quảng đại nhường cơm sẻ áo, nhường
chỗ tốt cho người già cả, tật bệnh trên xe và ở nơi chung; năng xin điều lành cho
những người đau khổ; Khiêm tốn trình bày về Chúa cho người muốn tìm hiểu đức
tin công giáo...
5.LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con
luôn ý thức rằng: “Chúng con phải sống tinh thần của bí tích Thánh Thể”, nghĩa
là trở nên “tấm bánh bẻ ra cho một thế
giới mới”. Xin cho chúng con ý thức rằng: Chúa luôn đồng hành với chúng
con và nhờ chúng con đến với tha nhân, để an ủi động viên những người nghèo khó
lao nhọc, bênh vực những kẻ cô thế cô thân, mời gọi những tội nhân mau hồi tâm
sám hối, chia sẻ cơm bánh vật chất cho những kẻ đói khát, khiêm tốn phục vụ
những ngừơi bất hạnh ... Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ được Chúa thương ban ơn
cứu độ và đón nhận chúng con vào dự bàn tiệc Nước Trời đời đời với Chúa sau
này.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ. XIN CHÚA NHẬM
LỜI CHÚNG CON.