SUY
NIỆM LỄ MỒNG MỘT TẾT NĂM 2018
(Mt 6, 25-34)
Chúng ta vừa bước sang năm
mới, năm Mậu Tuất, năm con chó, năm của những chú cho thông minh và trung thành
của cả Đông lẫn Tây phương. Đối với người Việt Nam, chó là động vật trong nhà,
nhưng lại là món khoái khẩu của nhiều người. Chó được xếp vào 12 con giáp ở vị
trí thứ 11 với chi Tuất, vì thế là Tết Mậu Tuất 2018, và thuộc lục súc,
nhưng may mắn “Mèo đến nhà thì khó, Chó đến
nhà thì sang”.
Trong nhà đạo, có lắm chuyện
về con chó, từ chuyện vui đến chuyện thật. Chúng ta cùng mở Kinh Thánh để tìm xem
chuyện con chó.
Chó trong Kinh Thánh
Thiên Chúa gìn giữ Isreal
: “Sẽ không có một con chó nào sủa, dù sủa
người hay sủa thú vật” (Xh 11,6).
Chó tiêu thụ sự nhơ bẩn
giúp người tránh uế: “Thịt con vật bị thú
dữ xé ngoài đồng, các ngươi đừng ăn, nhưng phải ném cho chó” (Xh 22,
28-30).
Thiên Chúa dạy Ghêđêôn
cách chọn người : “Tất cả những ai thè lưỡi
tớp nước như chó, ngươi hãy để riêng ra” (Tl 7). Chó được Samson dùng làm
binh khí : “Samson bắt ba trăm con chó
sói, cột ngược đuôi con này với đuôi con kia và buộc một chiếc đuốc giữa hai
đuôi rồi thả chạy vào doanh trại của địch quân gây đám cháy lớn và hàng ngũ địch
quân bị rối loạn!” (Tl 15, 4)
Chó được dùng để ám chỉ kẻ
tồi : “Philitinh nói với Đavít: “Tao là
chó hay sao mà mầy cầm gậy đến với tao?” (1Sm 17, 43).
Chính Chúa Giêsu đã dùng
hình ảnh con chó để sánh ví dân riêng của Chúa với người dân ngoại: “Của thánh, đừng quăng cho chó” (Mt 7,
6); “Phải để cho con cái ăn no trước đã,
vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con” (Mc 7, 27).
Cho trong đời thường
Trong đời sống, có
con chó buồn cho đến chết sau khi mất chủ. Nhiều con chó
bị bắt trộm hay bị bán đi nơi xa, nhưng rồi nó lại trổ chuồng tìm về với chủ
cũ. Đúng là : Chó không chê chủ nghèo
Có câu chuyện người chủ muốn
giết con chó để ăn thịt, bèn bắt chó bỏ vào bao bố, gìm xuống nước, gặp phải
dòng nước xoáy cuốn luôn anh đi. Con chó vùng vẫy thoát ra được, nó liền lội đến
cắn cổ áo người chủ lôi vào bờ cứu thoát anh thoát chết đuối. Con chó biết chủ
của nó, bênh vực chủ khi cần. Dù chủ chỉ là người hành khất hay người tàn tật,
chó vẫn trung thành và ngoan ngoãn.
Người Ai Cập cổ đại thường
dựng hai tượng con chó, tiêu biểu cho đầy tớ trung thành và biết ơn, ngày đêm
canh giữ phần mộ. Phan Bội Châu cũng đã từng lập mộ cho chó tại Huế. Vì thế có
câu tục ngữ “Nuôi một con chó trung
thành quý hơn sinh một bầy con bất hiếu”. Hay câu : “Nào ai buôn bán trăm bề, chẳng bằng nuôi chó
huyền đề 4 chân”.
Và bài học từ con chó
Ca dao tục ngữ Việt Nam có
câu : “Làm người thì khó, làm chó thì dễ”,
liệu có đúng không, bởi chó có nỗi khổ của chó, may mắn được sinh ra làm chó Âu
Châu, Mỹ Châu, ăn sung ngủ sướng, có quần áo mặc, có cả di chúc. Bất hạnh cho
chó nếu sống ở Phi Luật Tân, Triều Tiên, Trung Hoa, Việt Nam, thì sớm muộn cũng
vào miệng người, sống trên đời ăn miếng dồi
chó mà.
Không có công bằng khi người
ta gán chó vào hạng người phản phúc lọc lừa, vì cho dù con chó có bị ruồng bỏ
hay thuộc loại chó đói, chó ngu… thì chó chẳng bao giờ phản chủ như con người.
Chó có đặc tính tốt là rất
gần với con người và giúp ích cho loài người như giữ nhà, săn bắt mồi, tìm người,
truy lùng thuốc phiện, ma túy… Chó đâu
chó sủa chỗ không, chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày.
Chó trung thành, hiểu ý chủ,
vâng lời, biết sợ chủ, biết mừng chủ… không trách móc chủ, dù chủ có lần mắng mỏ
bỏ mặc chó. Chủ đi đâu về là nó vui vẻ vẫy đuôi biểu lộ vui mừng, nếu chủ buồn
bực mắng cho, chó nằm im không quấy rầy, cúp đuôi chui vào một xó, nhưng rồi chỉ
ít phút sau nó lại ngoe nguẩy đuôi để đón chủ về. Nó là một gương xóa mình, tha
thứ, đón nhận và yên ủi.
Trong các loài vật, có lẽ
không có loài nào gắn bó với con người hơn loài chó, gần như tuyệt đối. Chó yêu
chủ bằng một tình cảm trong sáng. Chủ giàu hay nghèo, sướng hay khổ, vui hay buồn,
thất bại hay thành công, chó vẫn luôn khắng khít bên chủ. Thế mới có câu “khuyển mã chi tình”. Còn con người, người
có luôn trung tín hay người chỉ phù thịnh chứ mấy ai phù suy? Khi chủ thành
công, làm ăn phát đạt, bạn bè kéo đến chúc mừng, ăn uống đông vui; khi chủ thất
bại, mất mát thì chẳng thấy ma nào bén mảng tới cả, chỉ có mình chó vẫn luôn
bên chủ.
Chó rất thẳng thắn. Người
nhà về, chó vui mừng ra đón, vẫy đuôi quấn quýt. Kẻ lạ đến, chó hướng mắt cảnh
giác, lao ra gầm gừ, sủa vang. Yêu nói là yêu. Ghét bảo là ghét. Còn người, người
có thẳng thắn với nhau không? Cái ma mãnh của con người là trước mặt nói một đằng,
sau lưng lại nói một nẻo; trước mặt thì giả vờ ca ngợi, sau lưng lại chê bai thậm
tệ. Sao người không thẳng thắn, cởi mở tấm lòng với nhau để cuộc đời thêm tốt,
thêm đẹp mà lại cứ phải đi nói xấu nhau với người thứ ba và lấy làm hả lòng hả
dạ về điều ấy?
Chó phải sủa. Các Giáo Phụ
thường dùng chỉ các bậc cha mẹ hay bề trên không biết răn đe hay nhắc nhủ cho bề
dưới của mình bằng câu ngạn ngữ vắn gọn : “Khốn
cho những con chó không biết sủa!” Nhiệm vụ canh giữ của chó là sủa mỗi khi
có người lạ hay vật cấm mà chó được huấn luyện để truy lùng phát hiện, mà không
sủa lên thì làm sao chủ nhân biết được? Chó không sủa thì chẳng còn là chó nữa!
Tiếng sủa của chó luôn gây những phản ứng khác nhau: nó làm kẻ trộm tức tối vì
việc gian manh của hắn bị bại lộ; nó có thể làm hàng xóm bực mình vì mất giấc
ngủ ngon; nhưng chắc chắn nó làm người nhà vui mừng vì chó đã giúp họ tỉnh thức
nhận ra được cái ác đang rình rập và ra sức loại trừ nó.
"Chó sủa vang, xua đuổi phường gian ác.
Chủ thức dậy, thắp sáng cả đêm đen…"
Thôi thì cho dù năm Khỉ,
Heo, Mèo, Gà, Chó, Lợn, thì cả tháng nay, mọi người đã sắm Tết, ăn Tết rồi. Hôm
nay ngày đầu năm mới, ai cũng có cảm tưởng là có cái gì đó mơi mới, nên dùng chữ
năm mới. Năm mới mọi cái đều phải mới.
Từ mấy hôm nay, chúng ta
đã đi chúc tết nhau, và sẽ còn chúc tết nhau nữa. Thường người dướt tết người
trên : con cháu tết ông bà cha mẹ, em tết anh chị, công nhân viên tết thủ trưởng,
kèm theo món quà, tượng trưng cho tấm lòng thơm thảo. Ngoài bánh chưng bánh
tét, hoa đào, hoa mai… có lẽ không gì nhiều bằng “lời chúc”. Ai cũng muốn dành
những lời chúc tốt đẹp nhất cho gia đình, người thân, bạn bè trong những ngày
này và ngược lại, ai cũng muốn mình được nhận nhiều những lời chúc. Muốn lời
chúc của chúng ta trở thành hiện thực, hãy đặt
tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa, bởi tất cả mọi sự đều do Chúa như lời
thánh vịnh viết: “Hãy ký thác đường đời
cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 36, 5).
Người Kitô hữu có truyền thống rất quí là
dâng những giây phút đầu năm cho Thiên Chúa và cầu xin : “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời
trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ
của Ngài” (Tv 66, 2-3). Chúa mới chính
là gia nghiệp, là cùng đích mà con người cần phải kiếm tìm và đó cũng chính là
sự tồn tại của con người.
“Các
con chớ áy náy về ngày mai” (Mt 6,34). Chúa luôn muốn mọi người hạnh phúc.
Tương lai mỗi người đều nằm trong tay Thiên Chúa. Hãy làm tốt bao nhiêu có thể
những bổn phận và trách nhiệm của mình, phần còn lại hãy phó thác trong tay
quan phòng của Thiên Chúa. Ngài sẽ hoàn tất những gì còn lại.
Năm Mậu Tuất đến rồi, kính chúc mọi người một
năm mới được muôn phúc lành của Thiên Chúa toàn năng. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ