Chúa đã sống lại
thật rồi
Đêm Vọng Phục Sinh
(Mc 16, 1-8)
“Mừng vui lên”, đó là lời đầu tiên của Giáo hội cất cao giọng công
bố với niềm vui cả thể trong Đêm canh thức Phục sinh, đồng thời mời gọi con cái
mình cùng mừng vui vì niềm vui ơn cứu độ. Chúa Kitô Vị Thủ Lãnh của chúng ta
sau khi đã hiến mình chịu chết, Người đã sống lại khải hoàn và qua sự sống lại ấy,
Người trao ban Sự Sống Mới cho chúng ta.
Đêm nay, chúng ta vui mừng chiêm ngắm vinh quang chiến thắng rạng ngời của
Chúa Giêsu trên đau khổ và sự chết, để tất cả những ai tìm kiếm và tin vào Chúa
là Chân lý thì được đời sống đời đời. Chúa Giêsu sống lại, niềm hy vọng của
chúng ta. Không ai phải thất vọng, như những bà dù đã an táng Chúa, vẫn "mua thuốc thơm để đi xức xác Chúa Giêsu"
(Mc 16,1) không một ai trong các bà tuyệt vọng hết.
Chúa Giêsu sống lại là một điều có
thật không thể nghi ngờ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi một sự kiện hiển nhiên từ
trời, một thân xác phục sinh, các phương tiện trên mặt đất không tài nào nắm bắt
được. Nhưng từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Mađalêna, bà
Maria, mẹ ông Giacôbê và bà Salômê là những chứng nhân không thể sai được,
sau nhiều lần Chúa hiện ra, tất cả những ngờ vực bị loại trừ, lời thien thần
nói với các bà : "Các bà đừng sợ:
Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nadarét chịu đóng đinh, nhưng Người đã sống lại, không
còn ở đây nữa. Đây là chỗ người ta đã đặt Người" (Mc 16, 6).
Vâng, Người đã sống lại rồi, hãy tìm kiếm sự hiện diện của Chúa ở đây, ngay
bây giờ, giữa dân Chúa, giữa những khổ đau của Người, và hãy đi theo Chúa.
Trong lá thư ngày thứ Tư Lễ Tro, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói với chúng ta rằng:
"Ơn cứu độ quả là hồng ân, đó là ân
sủng của Thiên Chúa, nhưng nó có ảnh hưởng đến sự hiện hữu của tôi, cần có sự đồng
ý của tôi, sự thật, có nghĩa là mong muốn sống như Chúa Giêsu, đi theo Người
".
Còn sự vui mừng nào lớn hơn niềm vui Chúa sống lại, sự kiện này mang lại
cho chúng ta một câu trả lời thỏa đáng về những vấn nạn của những người vẫn hỏi
chúng ta : chúng ta đang chờ đợi điền gì sau cái chết ? Đâu là ý nghĩa của
khổ đau ? Chúng ta chắc chắn rằng sau khi chết một cuộc sống mới đang chờ
đón chúng ta : "Ở đó các ông sẽ thấy
Người như Người đã từng nói trước" (Mc 16, 7). Thánh Phaolô khẳng định
với niềm xác tín rằng : "Nếu chúng
ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người,
vì biết rằng Đức Kitô, một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự
chết không còn làm chủ được Người nữa" (Rm 6,8-9). Khi được hỏi về
ngày sau hết, người Kitô hữu phải trả lời một cách hợp lý với niềm vui và hy vọng.
Tin Mừng lễ Vọng đêm nay nhấn mạnh rằng người thanh niên tức thiên thần ngồi
bên phải mộ đã nói với các bà về ý nghĩa của khổ đau, Thập giá và vinh quang: Đấng
đã sống lại chính là Đấng bị đóng đinh. Saint Leo cả nói: "... (nhờ thập giá của Chúa) những người tin kín múc được sức mạnh từ sự
yếu đuối, vinh quang từ sự nhục nhã, sự sống từ cái chết ", những thập
giá hàng ngày là một con đường Phục Sinh.
Phần chúng ta, "chạy ra khỏi mồ
..." (Mc 16,8), trở về từ nỗi khổ đau, ngờ vực trong ta, chúng ta hãy
mang đến cho những người xung quanh ta đang ở trong thung lũng đầy nước mắt niềm
hy vọng và sự tự tin. Bóng tối của ngôi mộ bừng sáng lên lời hứa bất tử. Chúng
ta hãy xin Chúa Giêsu hướng chúng ta dõi mắt về trời để có thế nhìn thấy Dân Vượt
Qua. Chúng ta cũng cầu xin cho những ai sống trong buồn sầu của ngày "Thứ
Sáu Tuần Thánh" trở thành một dân sống trong niềm vui của lễ Vượt Qua.
Mừng vui lên, vì Chúa đã sống lại thật rồi. Allêluia, Allêluia, Allêluia.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Mừng vui lên
Đêm Vọng Phục Sinh
(Mc 16, 1-8)
Đêm Canh Thức
Phục Sinh là đêm trọng nhất và là đỉnh cao nhất trong Năm Phụng Vụ của Hội
Thánh. Từ xa xưa, đêm nay là “đêm của Đức Chúa” (Xh 12, 42) và buổi canh thức cử hành đêm
nay, tưởng nhớ đến đêm Chúa sống lại, đêm Thánh “mẹ của mọi đêm thánh” (thánh Augustinô). Vì trong đêm nay Giáo hội
đợi chờ Chúa Phục Sinh và cử hành các bí tích khai tâm kitô giáo.
Đêm nay là đêm tôn vinh và cảm tạ, vì
Thiên Chúa đã, đang và mãi mãi yêu thương con người, đêm nối kết trời với đất,
con người với Thiên Chúa, và con người trần thế với nhau.
Lễ nghi Canh Thức long trọng đêm nay làm
cho chúng ta sống lại biến cố Chúa Phục Sinh, một biến cố có tính cách quyết định
và luôn thời sự, Mầu Nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Đêm nay, vô số những
cây nến phục sinh được đốt lên trong các nhà thờ tượng trưng ánh sáng Chúa Kitô
đã và còn đang sáng soi nhân loại, ánh sáng không bao giờ lụi đi, ánh sang chiến
thắng bóng tối của tội lỗi và sự dữ…(x.
Exsultet). Còn hạnh phúc và hy vọng nào lớn lao hơn, khi Con Thiên Chúa sống lại,
để tất cả những ai tin vào Người cũng sẽ được sống lại vinh quang. Vì thế Giáo
hội trần thế đêm nay với niềm vui khôn tả đều đồng thanh công bố Tin Mừng Phục
Sinh cho toàn thế giới : “Mừng vui lên”, mừng vui lên hỡi muôn lớp cơ binh thiền thần…Cùng vui lên hỡi các nhiệm
mầu thánh này…Và vui lên, toàn trái đất…Cùng vui lên, ôi Mẹ Hội Thánh…(x.
Exsultet) vì Chúa đã sống lại.
Chúa Giêsu thành Nagiarét, Ðấng chịu
đóng đinh, đã sống lại từ trong cõi chết sau ba ngày bị mai táng trong mồ, đúng
như lời Kinh Thánh. Lời loan báo của “một
thanh niên ngồi bên phải, mặc áo dài trắng” (Mc 16, 5) làm các bà vui mừng
nhưng cũng làm “các bà khiếp sợ” (Mc
16, 5). Người thanh niên đó bảo bà Maria Mađalêna, bà Maria, mẹ ông Gia-côbê và
bà Salômê rằng : “Các bà đừng sợ: Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nadarét chịu đóng đinh, nhưng
Người đã sống lại, không còn ở đây nữa ”(Mc 16, 6). Vâng Người đã sống lại
rồi.
Chúng ta cứ thử tưởng tượng xem tâm tình
của mấy phụ nữ đi “mua thuốc thơm để đi xức
xác Chúa Giêsu. Và từ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, khi mặt trời hé mọc,
các bà đến mồ ” (Mc 16, 1-2), biết mình phận liễu đào tơ, chân yếu tay
mền, khó khăn lớn nhất đối với các bà là tảng đá lấp cửa mồ, họ bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mồ cho chúng ta?” (Mc 16, 3). Đang
khi bàn tán như vậy thì này kìa “tảng đá
đã được lăn ra bên cạnh” (Mc 16, 4).
Phải nói thật là những tâm tình u buồn và chán nản vì Chúa đã chết, những tâm
tình không tin và kinh ngạc vì sự việc quá bất ngờ để có thể tin thật rằng Chúa
đã sống lại. Nghe tin ấy cho dù người thanh niên đã trấn an, các bà vẫn “chạy
ra khỏi mồ trốn đi, run rẩy kinh hồn chẳng dám nói gì với ai vì sợ hãi” (Mc
16, 8).
Vâng, Chúa Kitô đã sống lại sáng láng bước
ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Chính
vì thế mà các Thiên Thần từ trời cao đã tuyên bố : “Người đã sống lại, không còn ở đây nữa” (Mc 16, 6). Con Thiên Chúa
không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv
2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Ðấng
hằng sống” (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc
hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống
lại ra khỏi mồ. Người đã mở lòng đất và mở ra thật rộng để hướng về Trời, đưa
chúng ta ra khỏi mồ tăm tối, dẫn chúng ta từ đất về trời với Chúa Cha.
Mừng vui lên, sao không thể không vui, bởi vì đêm nay Chúa Kitô ra khỏi ngục vinh thắng,
đêm mà xiềng xích sự chết do Tội tổ tông gây ra bị bẻ gãy. Sự chết đó đã khiến
cho bao người thất vọng, làm tiêu tán hết mọi nỗ lực của con người. Nay Con
Thiên Chúa, vì yêu thương đã vâng phục, với cái giá phải trả là chết trên thập
giá, để hòa giải tội nhân với Chúa, mang lại sự sống cho con người. Từ nay con
người phải chết sẽ được sống, ơn làm con cái Chúa được phục hồi, sự chết sẽ
không còn cơ hội để khống chế và tiêu tan những cố gắng của con người nữa. Nhờ
bí tích Rửa Tội, chúng ta được kết hiệp với Chúa Kitô, sự Phục Sinh của Người
trở thành sự phục sinh của chúng ta, như lời tiên tri Ezechiel đã loan báo: “Ðây, Ta mở ra các mồ mả của các người; Ta phục
sinh các người từ các mồ mả, hỡi dân ta ơi, và ta sẽ dẫn các người trở lại xứ sở
của Israel” (Ed 37,12). Những lời tiên tri trên có một giá trị đặc biệt
trong ngày Chúa phục sinh, bởi vì hôm nay được nên trọn lời hứa của Ðấng Tạo
Hóa.
Ngày hôm nay, trong thời đại chúng ta
đây, thời đại bị ghi dấu bởi sự lo âu và không chắc chắn, thời đại khủng hoảng,
mất niềm tin vào nhau, chúng ta được sống biến cố Phục Sinh, một biến cố đã
thay đổi dung mạo cuộc đời chúng ta, đổi thay cả lịch sử nhân lọai. Tất cả những
ai đang bị áp bức bởi những mối dây ràng buộc của đau khổ, của sự chết, đang chờ
đợi niềm hy vọng từ Chúa Kitô Phục Sinh, cả đôi khi họ chờ đợi một cách vô ý thức.
Cùng với Giáo Hội, những lời của bài ca
Exsultet, “Hãy vui lên, hỡi ca đoàn các
thiên thần, hãy hát lên... hỡi trái đất, hãy nhảy mừng”. Biến cố Phục Sinh
của Chúa bao trùm toàn thể vũ trụ, và liên kết đất trời chung lại với nhau. Một
lần nữa, với những lời của bài ca “Hãy
vui lên”, chúng ta có thể cao rao : “Chúa
Kitô... Ðấng từ cõi chết sống lại và chiếu toả ánh sáng bình an của Người trên
toàn thể nhân loại, Ðấng là Con Thiên Chúa, là Ðấng hằng sống và hằng trị mãi
mãi muôn đời”. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ