CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Cộng đoàn Chúa Phục Sinh là cộng đoàn yêu thương

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 4:32-35;  1 Ga 5:1-6;  Ga 20:19-31)

          Mong có được một gia đình hạnh phúc là ước mơ của đôi tân hôn trong ngày cưới.  Làm cho dân giàu nước mạnh là lý tưởng của một chính phủ mới.  Tuy nhiên thực hiện được những giấc mơ ấy lại không mấy dễ dàng và nhiều khi còn đi tới kết quả ngược lại!  Một thời gian sau khi Chúa Giê-su lên trời và các môn đệ Chúa lên đường truyền giáo, cộng đoàn Ki-tô hữu tại Giê-ru-sa-lem đã qui tụ thành một mô hình thật lý tưởng, một cộng đoàn hết lòng yêu thương nhau và đã được dân chúng địa phương cũng như khắp nơi ngưỡng mộ.  Chúng ta không biết chính xác cộng đoàn ấy tồn tại được bao lâu, nhưng đó vẫn luôn là một gương mẫu đòi hỏi Ki-tô hữu hãy cố gắng tái lập và duy trì bằng tất cả khả năng của mỗi người, nhất là hãy lấy tình yêu, lòng mến Chúa và yêu thương anh chị em, làm căn bản để xây dựng.

          Trước hết dưới ngòi bút linh động của thánh sử Lu-ca, sách Công vụ Tông Đồ đã để lại cho chúng ta một hình ảnh tuyệt vời và thân thương về cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem.  Về phía các tín hữu, họ thật “đông đảo, đồng tâm nhất trí, để mọi sự làm của chung, không ai phải túng thiếu”.  Còn các tông đồ thì “dùng quyền cao cả mà làm chứng việc Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, sống lại”.  Mỗi người một việc, tất cả đều ý thức trách nhiệm của mình.  Do đó, “hết thảy đều được mến chuộng”.  Nhưng đâu là động lực chính để mọi người chu toàn bổn phận mình và quan tâm đến nhau?  Chính là tình yêu và lòng thương xót họ đã học được nơi Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng hiện diện với họ không phải bằng thân xác nữa, nhưng qua Thánh Thần Người đã phái đến với Giáo Hội. Tình yêu là mối giây ràng buộc họ lại với nhau và cũng là sức mạnh biến đổi giúp mọi người trở nên dần dần hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Tình yêu giúp những người có của cải biết quan tâm đến những kẻ kém may mắn hơn mình, nên họ đã sẵn sàng chia sẻ bằng cách bán đi ruộng nương nhà cửa để giúp đỡ người nghèo khổ.  Mọi người đồng tâm biến cộng đoàn của họ thành một gia đình đầy ắp yêu thương, để “không ai phải túng thiếu”.  Còn các tông đồ là những vị chăn dắt đoàn chiên của Chúa, các ngài “làm chứng việc Chúa Giê-su Ki-tô sống lại”.  Vì lòng yêu mến Chúa và yêu thương các tín hữu, chắc chắn các ngài đã làm chứng cho Chúa Giê-su bằng cách giúp cho tín hữu biết noi gương phục vụ của Chúa.  Có thể nói rằng sở dĩ cộng đoàn đã trở thành một cộng đoàn yêu thương là nhờ công ơn các ngài đã chuyên cần giảng dạy và chăm sóc thiêng liêng cho dân Chúa.

          Lòng mến Chúa yêu người của các tín hữu cũng như các chủ chăn của cộng đoàn Giê-ru-sa-lem đã được thánh Gio-an tông đồ mô tả trong bài đọc 2 hôm nay.  Dựa trên định nghĩa căn bản Thiên Chúa là tình yêu, trước hết thánh tông đồ khẳng định rằng nếu chúng ta tin Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, thì chúng ta là những kẻ sinh bởi Thiên Chúa.  Rồi nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa là Đấng sinh ra chúng ta thì tất nhiên chúng ta cũng phải yêu mến mọi con cái khác của Người, tức là yêu mến anh chị em chúng ta.  Thánh tông đồ còn chỉ cho chúng ta cách thức yêu mến Thiên Chúa, đó là “thực hành các giới răn của Người”.  Mà giới răn của Chúa là “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.  Nếu Chúa đã sẵn sàng chết để tỏ lòng yêu thương chúng ta thì chúng ta cũng phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh để tỏ lòng yêu thương anh chị em.  Nhìn lại cộng đoàn Ki-tô tiên khởi, chúng ta có thể mạnh dạn kết luận rằng chính nhờ tình yêu như thánh Gio-an tông đồ đã diễn tả trên đây đã giúp cho các tín hữu Giê-ru-sa-lem thành công trong việc xây dựng cộng đoàn của họ thành một cộng đoàn yêu thương đích thực.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Bài Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến sự hiện diện của Chúa Giê-su là nguồn suối bình an.  Khi Chúa Giê-su Phục Sinh có mặt giữa nhóm môn đệ của Người, là ở đấy có Thánh Thần Người ngự trị.  Trong những hồng ân của Chúa Thánh Thần, bình an và niềm vui luôn được đề cao và quý trọng.  Hôm nay, khi Chúa Giê-su hiện ra “đứng giữa” các môn đệ và phán:  “Bình an cho các con”, lập tức họ được vui mừng.  Bình an và niềm vui ấy cũng được thể hiện nơi cộng đoàn Giê-ru-sa-lem vì họ biết yêu thương nhau.  Cũng vậy, nếu gia đình chúng ta là cộng đoàn bé nhỏ có đầy tràn yêu thương thì chắc chắn cũng sẽ được đầy tràn bình an và niềm vui vậy!

      Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B