BÀI 2
LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI
CHÚA LÊN TRỜI – TA VÀO ĐỜI
Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc
Biển, S.S.P.
Khi sai Con của mình xuống
trần gian, Thiên Chúa Cha đã có một kế hoạch đầy yêu thương dành cho nhân loại.
Mục đích của kế hoạch ấy chính là quy tụ muôn người về một mối trong Nước Trời.
Vì thế, khi Đức Giêsu đến, Ngài đã loan báo về Nước Trời và triều đại của Thiên
Chúa; chiêu mộ và huấn luyện các môn đệ; thiết lập Giáo Hội… ; và cuối cùng,
Ngài đã chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá để hoàn tất kế hoạch yêu thương
của Thiên Chúa Cha. Khi đã kết thúc cuộc sống tại thế, Ngài được Thiên Chúa Cha
ân thưởng vinh quang trên Nước Trời.
Nhưng, trước khi về trời,
Đức Giêsu đã chuyển trao cùng một sứ vụ ấy cho các môn đệ, để các ông tiếp tục
loan báo về Nước Thiên Chúa cho mọi người.
1. Chuyển giao sứ
vụ cho các môn đệ
Giờ đã điểm, Đức Giêsu
đã hẹn: “Mười một môn đệ đi tới Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã hẹn với các
ông” (Mt 28,16).
Khi các môn đệ thấy Đức
Giêsu, chẳng ai bảo ai: “Các ông phục lạy Ngài” (Mt 28,17).
Khi phục lạy như thế,
các môn đệ muốn bày tỏ sự hiểu biết của mình về Đức Giêsu. Vì khi phục lạy ai
thì nơi người ấy phải tôn nhận uy quyền với người mình phục lạy.
Hành vi này chúng ta
cũng đã thấy nơi ba nhà Đạo Sĩ khi gặp được hài Nhi Giêsu, các ông đã phục lạy
và tôn nhận vương quyền của Ngài (x. Mt 2,11). Hay như những người bị bệnh mà
được Đức Giêsu chữa lành, trong số đó phải kể đến người phong hủi được lành sạch
(x. Mt 8,2). Hôm nay, đứng trước sự huy hoàng của vinh quang phục sinh nơi Đức
Giêsu, và hơn thế nữa, các ông nhận thấy mọi quyền năng, vinh quang và danh dự
được trao ban cho Đấng Phục Sinh, vì vậy, các ông đã phục lạy Ngài.
Tiếp theo, Đức Giêsu đã
tiến lại gần họ và phán: “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân” (Mt 28,18). Qua lệnh
truyền này, Đức Giêsu chính thức chuyển trao sứ vụ của Ngài cho các môn đệ là
những người sẽ tiếp bước trong tương lai.
Vì thế, sau khi nhận
lãnh, các ông có trách nhiệm loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất, làm phép
rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Như một lời trấn an trước
nghĩa vụ quan trọng mà các ông vừa nhận được, ĐỨc Giêsu đã nói:”Này đây, Thầy ở
cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20).
Tuy nhiên, dù về trời,
nhưng Đức Giêsu vẫn hiện diện cách vô hình, và sứ vụ của các môn đệ luôn luôn
có sự đồng hành của Đức Giêsu. Vì thế, Ngài đã nói: “Này đây, Thầy ở cùng các
con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Điều này đã xác tín mạnh mẽ về sự hiện
diện của Đức Giêsu với sứ vụ của các môn đệ. Đây là niềm vui mừng và động lực mạnh
mẽ để các ông ra đi thi hành sứ vụ.
Sau những giây phút chứng
kiến cảnh huy hoàng cũng như lãnh nhận sứ vụ, các ông hân hoan trở về để cùng
nhau xây dựng và phát triển Giáo Hội. Nhất là loan báo triều đại Thiên Chúa đã
đến gần, kêu gọi mọi người sám hối và lãnh nhận phép rửa để được cứu độ.
2. Chúa lên trời – ta vào đời
Cùng một sứ vụ mà Đức
Giêsu đã trao phó cho các môn đệ, hôm nay, Ngài cũng trao phó cho mỗi người
chúng ta.
Lời thiên thần nhắc các
môn đệ: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời?” (Cv 1,11) cũng
là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta.
Chúa lên trời là niềm hy
vọng cho chúng ta, vì Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta: “Thầy ra đi để dọn chỗ
cho các con, để Thầy ở đâu, các con sẽ ở đó với Thầy”. Thánh Phaolô cũng đã xác
tín khi nói: “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức
Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài,
và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống
thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).
Tuy nhiên, chúng ta
không chỉ giữ niềm hy vọng ấy cho riêng mình. Chúng ta cũng không chỉ dừng lại ở
việc tin vào lời Đức Giêsu đã truyền dạy, nhưng chúng ta cũng phải loan báo cho
nhân loại về niềm hy vọng và niềm tin mà chúng ta đã nhận được. Để qua đó: chúng
ta hãy đi “và làm cho muôn dân thành môn đệ” (Cv 1,11).
Nhưng, điều quan trọng,
đó là chúng ta loan báo Tin Mừng bằng cách nào?
Lời Đức Giêsu hôm nay đã
vạch ra cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta kế hoạch truyền giáo để cho có
hiệu quả như:
Trước tiên là: “Hãy đi
giảng dạy muôn dân”. Lời rao giảng rất cần thiết, vì như thánh Phaolô đã nói: “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm
sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?”
(Rm 10,14). Tuy nhiên, nếu chỉ rao giảng không thôi thì chưa đủ, mà lời
rao giảng quan trọng và hùng hồn nhất là bằng đời sống của người loan báo.
Chính lời nói và hành động ăn khớp với nhau làm nên sự thống nhất nơi người môn
đệ, và như thế, lời loan báo mới khả tín, đáng tin và đem lại niềm hy vọng cho
người nghe.
Thứ đến là: “Làm phép rửa
cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Qua lệnh truyền này, Đức Giêsu cho
thấy: Ba Ngôi chính là nội dung và cùng đích của lời rao giảng. Mọi hành vi khi
thi hành sứ vụ loan báo Lời Chúa phải quy hướng về Ba Ngôi như là nguồn cội.
Tách ra khỏi điểm tựa này, chúng ta sẽ bị rơi vào trạng thái vô định mất phương
hướng.
Tiếp theo là: “Giảng dạy
họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con”. Người môn đệ chỉ là người được
sai đi để quy tụ muôn dân về với Đấng đã sai mình. Vì thế, không phải nhân danh
cá nhân của mình để phô trương tài cán công lao của bản thân, mà ngược lại, phải
trung thành loan báo chính lời của Thầy Giêsu. Chỉ khi nào chúng ta loan báo Lời
Chúa cách trung thực, thì bản thân người loan báo mới cảm nhận được hạnh phúc
và người nghe mới thấy được niềm hy vọng.
Mặt khác: nội dung của lời
rao giảng chính là: “Loan báo về một Vị Thiên Chúa nhân từ, giàu long thương
xót với hết mọi người. Ngài đến để yêu họ và yêu đến cùng, nên đã chết thay cho
nhân loại để nhân loại được sống và sống dồi dào”. Vì thế, trước, trong và sau
khi loan báo, chúng ta hãy: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương anh chị
em chúng ta như chính mình”. Làm được điều đó, lời rao giảng của chúng ta mới
thành công, nếu không, mọi lời rao giảng chỉ như chiếc phèng la điếc tai thiên
hạ mà không có kết quả.
Cuối cùng, trong mọi biến
cố của cuộc đời, nhất là mọi thăng trầm của công cuộc loan báo Tin Mừng, chúng
ta an vui và vững bước vì có Đức Giêsu luôn ở cùng để bảo vệ, nâng đỡ như lời
Ngài đã phán: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Hôm nay cũng là ngày Giáo Hội
chọn làm ngày quốc tế truyền thông. Khi chọn như vậy, Giáo Hội đề cao vai trò
của truyền thông trong việc chuyển tải sứ điệp Tin Mừng. Vì thế, chúng ta hãy
biết tận dụng và chắt lọc khi sử dụng những phương tiện truyền thong như: ti
vi, báo đài, điện thoại, Internet và các mạng xã hội toàn cầu để loan báo Lời
Hằng Sống cho nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa về trời là niềm hy
vọng cho chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con luôn hướng lòng lên trời, để ái
mộ những sự trên trời. Ngõ hầu mai ngày chúng con cũng sẽ được hưởng trọn vẹn
niềm vui Nước Trời. Amen.