CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
Chúng ta rao giảng
điều gì về Chúa Ki-tô Phục Sinh?
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Cv 3:13-15, 17-19; 1 Ga 2:1-5a;
Lc 24:35-48)
Mỗi lần hiện ra với các tông đồ và môn
đệ, Chúa Giê-su Phục Sinh trước hết
thuyết phục họ tin rằng Người đã sống lại thật.
Tiếp đến Người trao cho họ sứ mệnh làm chứng Người đã sống lại và sứ mệnh
đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Bài đọc 1
kể lại việc tông đồ Phê-rô giảng bài giảng thứ hai về Chúa Giê-su là Đấng Thánh
và Đấng Công Chính, đồng thời ngài kêu gọi người ta sám hối. Trong bài đọc 2, thánh Gio-an đề cao vai trò
của Chúa Giê-su là làm “trạng sư” cho chúng ta trước Thiên Chúa Cha. Còn bài Tin Mừng thì thuật lại việc Chúa
Giê-su mở trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh, để họ tin những điều Kinh Thánh
nói về Người đã được thể hiện. Nhưng điều
quan trọng nhất, đó là Chúa sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, tức là
sự thống hối và ăn năn giúp người ta lãnh ơn tha tội.
Trước hết chúng ta dừng lại ở bài Tin
Mừng để cùng các môn đệ Chúa Phục Sinh đón mừng Người hiện đến. Chúa tới bất ngờ khiến mọi người hoảng hốt tưởng
mình thấy “ma”. Sau lời chào bình an,
Chúa Giê-su trấn an họ. Chúa còn “đưa
tay chân cho họ xem”, để chứng minh đây thực sự là Chúa, vì ma làm gì có xương
có thịt. Hơn thế, Chúa còn ăn mẩu cá nướng
trước mặt họ nữa. Chúa Giê-su muốn các
môn đệ hoàn toàn tin là Người đã sống lại, không một chút nghi ngờ, nên Người
đã làm tất cả những gì có thể để củng cố đức tin của họ. Điều này là cần thiết, vì nếu họ hoàn toàn
xác tín Chúa đã sống lại, thì họ mới có thể làm chứng nhân cho sự phục sinh của
Người. Tuy nhiên đó mới chỉ là làm chứng
bằng những gì họ đã mắt thấy tai nghe. Nhưng
họ còn phải tin vào Người và sứ mệnh của Người, dựa trên tất cả những điều Kinh
Thánh đã nói về Người. Mấy thế kỷ sau,
thánh Giê-rô-ni-mô, một học giả Kinh thánh, đã phát biểu một câu nói để đời: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa
Ki-tô”. Như thế, chúng ta mới hiểu được
tại sao Chúa Giê-su đã “mở trí cho các môn đệ am hiểu Kinh Thánh”. Bởi vì một khi đã biết Chúa Giê-su và tin vào
Người, môn đệ mới có thể “nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để
lãnh ơn tha tội cho muôn dân”. Đúng vậy,
Chúa Giê-su đã từng rao giảng sự thống hối để kêu gọi người ta trở lại làm con
cái Thiên Chúa. Giờ đây môn đệ Người
cũng phải làm điều Người đã làm, tức là kêu gọi người ta tin vào Chúa Giê-su và
hãy sám hối.
Vị tông đồ đầu tiên đã thi hành sứ mệnh
rao giảng sự thống hối, đó là thánh Phê-rô.
Sau phép lạ Phê-rô làm cho một người què từ khi lọt lòng mẹ được khỏi và
đi lại bình thường, dân chúng kéo nhau tới đông đảo. Nhân cơ hội này, ngài giảng bài giảng thứ hai
về Chúa Giê-su. Ngài nhắc đến cái chết của
Chúa là do tội lỗi của họ, những kẻ đã gián tiếp giết Chúa Giê-su, hoặc tội lỗi
của các thủ lãnh của họ là những kẻ đã trực tiếp giết Chúa. Để kết luận, Phê-rô kêu gọi dân chúng: “Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi
anh em được xóa bỏ”.
Còn thánh Gio-an tông đồ, khi suy niệm
về sứ vụ rao giảng ơn thống hối, ngài đã trình bày theo chiều hướng thần học. Trước hết ngài nhắc nhở rằng hết thảy chúng
ta đều là những kẻ phạm tội, nên đều cần đến Chúa Giê-su là vị trạng sư của
chúng ta trước Thiên Chúa Cha. Vì là Đấng
Công Chính nên Chúa Giê-su giữ vai trò làm “trạng sư” để cầu bầu cho chúng ta
là những kẻ đã được Người đền tội thay.
Tuy nhiên để thực sự được Chúa Giê-su, vị trạng sư có quyền thế trước
tòa Chúa Cha, nhận làm “thân chủ” của Người, chúng ta phải “biết” Người, phải
“giữ giới răn Người”. “Biết” Chúa là có
mối tương quan yêu mến Người, chứ không phải biết bằng trí khôn. Thử hỏi có thân chủ nào dám cãi lời luật sư của
mình trước tòa án không? Trước tòa án thế
gian, người ta đôi khi còn cãi lời luật sư, nhưng chắc chắn chúng ta không thể
cãi lời trạng sư Giê-su của chúng ta được, như thánh Gio-an đã lý luận: “Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới
răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý”. Phải, Chúa Giê-su không thể bào chữa cho kẻ
nói dối đâu!
Sống sứ điệp Lời Chúa
Giáo Hội dành cho chúng ta bảy tuần lễ
để đặc biệt suy niệm biến cố và ý nghĩa mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa. Giờ đây ta đã bước vào tuần thứ ba rồi! Ta hãy tự hỏi mình đã thực sự “biết” Chúa
Giê-su như thánh Gio-an diễn tả chưa?
Nghĩa là tin vào Chúa và yêu mến Người, để thực hành sự thống hối và ăn
năn, rồi sẵn sàng làm chứng rằng sở dĩ Chúa Ki-tô đã chịu chết và sống lại là để
ta được lãnh ơn tha tội và được phục hồi danh phận làm con cái Thiên Chúa. Như thế rao giảng Chúa Phục Sinh chính là rao
giảng Tin Mừng cứu độ và ơn thống hối vậy!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi